Gia Lai: Tiêu chết hàng loạt ở Ia Vê

Hàng loạt vườn tiêu của nông dân xã Ia Vê (Chư Prông) chết khô. Đến giờ, người trồng tiêu Ia Vê chưa biết nguyên nhân vì sao tiêu chết, chính quyền thì loay hoay tìm giải pháp khắc phục và tìm cây trồng thay thế.

Vườn tiêu của anh Nguyễn Báu bỗng dưng rụng lá chết khô…

Vườn tiêu 1.500 trụ, trong đó có 800 trụ kinh doanh của anh Nguyễn Báu, thôn Cát Mỹ, xã Ia Vê bỗng dưng rụng lá chết khô. Lặng nhìn vườn tiêu xơ xác, anh Báu nhớ đến thành công của vụ trước, khi đó mỗi trụ tiêu cho 7-8 kg/trụ hạt khô. Vụ này, tiêu tốt hơn, năng suất chắc chắn vượt trên 8 kg, nên anh mạnh dạn mua gỗ, thuê người vẽ thiết kế nhà đợi đến ngày thu hoạch tiêu bán lấy tiền là khởi công xây nhà. Khổ nỗi, trời cho thấy nhưng không cho hưởng nên giữa mùa mưa năm 2011, vườn tiêu nhà anh bỗng dưng chết dần. Khi tiết trời bước vào mùa khô, vườn tiêu bị bệnh vàng, khô lá và chết hàng loạt.

Theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, gia đình đào mương thoát nước, trao đổi thông tin bệnh trên cây tiêu với các hộ trồng tiêu khác nhờ hướng dẫn chữa trị, thuê máy bơm nước tưới… tiêu tốn gần 10 triệu đồng nhưng không cứu vãn được, đành nhìn vườn tiêu tàn lụi dần. Đến nay, 800 trụ tiêu đang cho thu hoạch chỉ còn 70-80 trụ lay lắt.

Tiêu chết không chỉ xảy ra ở vườn tiêu nhà anh Báu mà đã lan đến rất nhiều gia đình trồng tiêu ở xã Ia Vê. Theo ông Giáp Hồng Sinh- Phó Chủ tịch UBND xã thì trong 150 ha tiêu của xã (chưa tính diện tích tiêu trồng xen canh cây trồng khác) hiện đã có 51 ha tiêu bị chết; trong đó có 1/3 diện tích thuộc diện mới trồng. Tiêu chết xảy ra ở 11 thôn, làng với mức độ nặng nhẹ khác nhau, song nặng nhất là làng Doach với 15 ha gần như bị xóa sổ.

Nhiều gia đình thôn Phù Cát vì xót vườn tiêu chết dần đã bỏ tiền thuê kỹ sư về nghiên cứu để có giải pháp phòng trừ; song vẫn không có kết quả. Tiêu vẫn bị cháy gốc, rụng lá và chết. Tạm tính năng suất tiêu bình quân gần 7 tấn tiêu khô/ha nhân với giá 110 ngàn đồng/kg, đã thấy 51 ha tiêu bị chết làm nông dân trồng tiêu mất đi nguồn thu trên dưới 35 tỷ đồng. Điều lo ngại là hiện tại, cây tiêu vẫn tiếp tục chết, diện tích hồ tiêu trên địa bàn xã Ia Vê có nguy cơ xóa sổ hoàn toàn.

Tiêu ở xã Ia Vê chết hàng loạt xảy ra kể từ tháng 8-2011. Cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh đã trực tiếp xuống địa bàn nắm tình hình, tìm giải pháp phòng-chống. Đặc biệt, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Prông cho rằng nguyên nhân tiêu chết là do nấm có tên khoa học là phytophthorasp gây hại. Theo đó, cơ quan này đã đưa giải pháp kỹ thuật ngăn ngừa dịch bệnh phát tán trên cây hồ tiêu như hướng dẫn người trồng tiêu tiến hành vệ sinh vườn cây, dọn sạch những cây bụi, phát quang cây che bóng, chắn gió, thoát nước, chống ngập úng vườn tiêu, đồng thời sử dụng thuốc đặc hiệu chữa trị…

Trước đó, các cơ quan chuyên môn của huyện đã mở nhiều lớp tập huấn nhận biết và cách phòng ngừa dịch bệnh trên cây hồ tiêu cho nông dân trong xã. Thế nhưng, theo lời Chủ tịch UBND xã Ia Vê-ông Nguyễn Trúc thì tiêu vẫn cứ chết. Vườn tiêu không bị ngập úng cũng vẫn… chết.

Trước mắt, xã đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu tìm ra giải pháp giúp nông dân trồng tiêu giảm thiệt hại. Ngân hàng xem xét giãn nợ, tiếp tục cho dân vay để tái đầu tư, cải tạo lại vườn cây.

Ông Hà Ngọc Uyển- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh: Nguyên nhân cây hồ tiêu tại xã Ia Vê chết hàng loạt là do hậu quả mưa nhiều. Đất đưa vào trồng tiêu phần lớn là vùng trũng, đất sét không phù hợp. Quá trình trồng, người dân đào bồn quá sâu nên tiêu bị ngập úng rễ tiêu bị thối, vườn tiêu lại không có rãnh thoát nước… Tình trạng cây tiêu chết không chỉ xảy ra ở huyện Chư Prông mà còn xuất hiện rải rác tại huyện Chư Pưh, Chư Sê và Mang Yang.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng