Biện pháp này sẽ được trình Chính phủ áp dụng nếu giá cà phê tiếp tục sụt giảm xuống dưới giá thành (khoảng 18 triệu đồng/tấn).
Trao đổi với NNVN hôm qua 8/7, ông Đỗ Văn Nam – TGĐ TCty Cà phê Việt Nam cho biết, hiện giá cà phê thu mua trong dân vẫn dao động ở mức trên 23 triệu đồng/tấn. “Với mức giá này Chính phủ chưa cần áp dụng thu mua dự trữ vì nó vẫn cao hơn giá thành SX khoảng 5 triệu đồng”. Phương án thu mua dự trữ vụ này chỉ được đặt ra trong tình huống xấu nhất là giá cà phê tiếp tục giảm mạnh dưới giá thành khiến nông dân thua lỗ.
Về nguyên nhân dẫn đến giá cả giảm đột biến trong 2 tuần cuối tháng 6 vừa qua, theo Hiệp hội Cà phê Ca cao (VICOFA), chủ yếu là do các nhà đầu cơ lũng đoạn thị trường, dìm giá để kết thúc hợp đồng thu lời. Tuy nhiên, hiện Việt Nam đã XK được trên 700.000 tấn trong tổng số khoảng 850.000 tấn cà phê dự kiến XK trong niên vụ 2008 – 2009. Vì thế, biến động thất thường của giá cà phê trong mấy tuần qua ảnh hưởng chủ yếu đến lượng hàng tồn kho chưa bán.
Với lượng hàng còn lại, nếu biết tính toán và phản ứng đúng, DN cà phê Việt Nam sẽ chặn được sự thao túng của các quỹ đầu cơ đang lũng đoạn thị trường. Vấn đề là cách phản ứng thế nào? Theo ông Nam, các DN cần chấm dứt việc ký hợp đồng giao xa, kỳ hạn giao hàng tối đa chỉ khoảng 2 tháng là hợp lý. “Với khoảng thời gian này, quỹ đầu cơ có nhảy vào lũng đoạn thì mức ảnh hưởng sẽ giảm đi” – ông Nam nói.
Cùng quan điểm, ông Đoàn Triệu Nhạn – chuyên viên cao cấp của VICOFA cho biết, lượng cà phê Việt Nam XK đã gần hết nên nói rằng DN và nông dân ngành cà phê năm nay thua lỗ là chưa chính xác. “Với giá bán cà phê trong dân ở thời điểm hiện tại được coi như “đáy” nhưng vẫn cao hơn giá thành vài triệu đồng/tấn. Riêng DN, trước đó bán một lượng hàng lớn với giá ổn định, giờ giá giảm thì lượng hàng còn ít nên thiệt hại chỉ rơi vào một số DN đã lỡ ký hợp đồng giao xa”.
Theo ông Nhạn, giá cà phê sụt giảm mạnh còn do Braxin và Việt Nam (hai nước XK cà phê hàng đầu thế giới) đã bán ra một lượng rất lớn trong 6 tháng đầu năm 2009 . Tình hình này dẫn đến nhu cầu mua dự trữ giảm, tất yếu giá cà phê phải sụt giảm theo. Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm nhiều năm lăn lộn trong ngành cà phê, ông Nhạn khuyến cáo nông dân và DN cần hạn chế bán ra thời điểm này. “Giá cà phê tăng trở lại theo đúng quy luật cung – cầu”, ông Nhạn nói.
Trong một diễn biến khác, hôm qua 8/7, giá cà phê giao dịch tại sàn London đã được cải thiện thêm gần 30 USD/tấn sau khi đã chạm “đáy” vào ngày 2/7. Trong vòng một tuần qua, giới kinh doanh lại chứng kiến giá cà phê thế giới “ấm” dần lên từng ngày, cụ thể: Ngày 2/7 giá là 1.323 USD/tấn, ngày 3/7 giá 1.334 USD/tấn, ngày 6/7 là 1.338 USD/tấn, ngày 7/7 là 1.345 USD/tấn và ngày 8/7 tiếp tục tăng lên 1.352 USD/tấn.
Tuy nhiên, trái ngược với xu thế “ấm” dần của giá cà phê thế giới, giá cà phê trong nước có xu hướng “đóng băng” lạnh ngắt. Suốt một tuần qua, giá cà phê thu mua trong dân vẫn đứng im ở mức giá 23.500.000 đồng/tấn. Đặc biệt, ngày 7/7 giá cà phê vừa nhích lên được 23.700.000 đồng/tấn thì lập tức ngày hôm qua 8/7 lại bị đẩy về mức giá cũ (trong khi giá thế giới ngày 8/7 lại tăng thêm 7 USD/tấn). Đây là điều hết sức khó hiểu!
Hi anh Thinh còi.
Em muốn biết rằng trong năm thì những ngày lễ nào thì London va New York sẽ nghĩ (không giao dịch)? và thường là nghĩ mấy ngày?
Cảm ơn anh.