Để góp phần trả lời cho câu hỏi được đặt ra khi hiện tượng “vắt giá” đang xảy ra trên thị trường cà phê Robusta, tác giả Kinh Vu có bài viết nêu lên quan điểm của mình. Ban Biên tập Y5Cafe xin mời bà con tham khảo.
Bài liên quan: > Giá kỳ hạn cà phê đang “bị vắt”
Cùng hòa chung với sự phấn khởi vì giá cà phê đang có xu hướng khởi sắc sau một thời gian tăm tối, hôm nay tôi xin trình bày thêm suy nghĩ của mình về vấn đề hiện tượng giá cà phê giao tháng gần thì cao, giao xa thì thấp.
Khác với ý kiến phản hồi của phần lớn bà con đã gởi đến trong bài viết “Giá kỳ hạn cà phê đang bị vắt” được đăng lại trên Y5Cafe của tác giả Nguyễn Quang Bình từ báo Kinh Tế Saigon Online, tôi rất ấn tượng bài viết này của tác giả.
Theo tôi, đây là một bài viết của người có kiến thức sâu rộng về lĩnh vực tương quan lực lượng mua – bán cà phê trên thị trường Quốc tế.
Để có được những kinh nghiệm phân tích như thế, người viết phải trải qua thực tiễn nhiều năm làm trong ngành, sự dẫn nguồn và nghiên cứu số liệu được tiến hành rất cẩn thận và có trách nhiệm, chứ không phải nói suông mà chơi. Tôi lấy làm tiếc lẽ ra chúng ta nên tìm hiểu sâu hơn, vì chính quyền lợi của chúng ta, để có biện pháp đúng đắn như Nông dân có thể hay nên làm gì trước tình hình bị vắt giá. Thay vào đó, một số phản hồi đã có những ý kiến rất võ đoán và luôn cho rằng, bất kỳ ai không phải Nông dân thì là kẻ địch.
Đây là một dạng tư duy tự gây khó cho chính mình khi phủ nhận tất cả những thông tin quý báu cần nắm bắt. Điều đó sẽ khiến chúng ta chẳng rút ra được một định hướng nào cho bản thân mình.
Để khỏi mất thời gian, tôi xin đi vào vấn đề:
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan được Bloomberg.com dẫn nguồn, trong tháng 1/2012 Việt nam chỉ xuất khẩu 112.182 tấn cà phê, sụt đến gần một nửa (48%) so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu này thì có nhiều, nhưng điều chắc chắn nhất là do Nông dân đã giữ hàng lại không bán khi giá nằm ở mức thấp (còn vì sao Nông dân làm được điều đó thì xin nhường lại cho bà con bình luận).
Trong một báo cáo – Lysu Paez, một nhà phân tích của Natixis SA ở Paris đã nói rằng: “Nông dân đã giữ lại đến 60% sản lượng thu hoạch và tình trạng này đã hỗ trợ cho giá cà phê Robusta”.
Không hẹn mà gặp, từ hệ quả của việc “anh em ta cùng nhau xông pha, giữ hàng” đã khiến cho lượng hàng tồn kho của thị trường NYSE Liffe chỉ còn 227,170 tấn theo số liệu tính đến ngày 26/1/2012, sụt đến 46% so với con số 417,420 tấn tồn vào thời điểm 11/7/2011.
Có lẽ giới rang xay đã không lường được tinh thần kiên quyết “thà chết chứ không chịu hy sinh” đến thế, nhất là khi Nông dân giữ lại thành công đến 60% cà phê của mình, khiến cho những dự định sẽ mua được cà phê giá rẻ trong thời điểm trước và sau tết, cũng nhằm vào thời gian sau thu hoạch từ những ông bà nông dân Việt nam nghèo mà thích chơi sang, đã phá sản.
Tuy nhiên những nhà kinh doanh cà phê trên thế giới thì lại khác, với cái đầu tỉnh táo và lạnh như băng của mình, trong thời gian qua chúng ta nhận thấy, họ không nôn nao chạy đua theo cái giá nội địa cao hơn giá xuất (trong thời điểm giá quốc tế giảm).
Họ cứ mua lai rai để trong những kho hàng ngoại quan và một số thì cho hòa chung vào lượng hàng đã qua chứng nhận của thị trường NYSE Liffe và chờ đấy. Họ luôn cân đối giữa kho ngoại quan còn nằm ở nước sản xuất, kềm hãm sao cho lượng tồn kho của thị trường NYSE Liffe luôn nằm với mức thấp hơn cùng kỳ năm trước để dọa những nhà rang xay: “anh muốn mua hàng giao ngay, dạ em xin đáp ứng, hàng giao liền từ hệ thống kho hàng của NYSE Liffe, nhưng với giá cao hơn tháng sau đến 60$/t, vì hàng hiện nay không mua được từ nguồn do các ông bà nông dân giữ hàng lại các anh à”. Đồng thời lúc đó, họ vắt cái giá của tháng sau theo chiêu bài “muốn nhanh thì phải từ từ”.
Chúng ta cần nắm vững rằng ngày thông báo đầu tiên (first notice day) của các tháng giao dịch 1, 3, 5, 7, 11 rơi vào các ngày cuối tháng chẵn trước đó. Vào thời điểm này (13/2/2012), chúng ta đâu có giao hàng được vào tháng 3 tại Liffe mà chúng ta đòi lấy cái giá giao dịch của tháng 3? Chỉ có những người đang nắm lượng hàng tại kho hàng của Liffe mới làm được điều đó. Chắc chắn trong danh sách kia không có tên của các công ty nổi tiếng Việt nam và tên của bà con Nông dân chúng ta rồi.
Với tình hình này tôi cho rằng sẽ vẫn còn tiếp diễn khi tháng 3 hết hạn và chuyển qua tháng 5/2012, tức là không loại trừ giá tháng 5 giao ngay sẽ chênh lệch cao với giá tháng 7 khi mà tình hình tồn kho của Liffe không được cải thiện cũng như Nông dân vẫn bán lai rai khoảng hơn 100.000 tấn/tháng.
Trước đây có ý kiến cho rằng, những bài viết của Y5Cafe vận động bà con Nông dân giữ hàng lại là: thiếu hiểu biết, ăn ốc nói mò, đến một ngày nào đó sẽ giống như nước vỡ bờ rồi bán đổ bán tháo v.v… chúng tôi nhận được rất nhiều và đều cho đăng lên gần như tất cả, trừ những câu nói quá phản cảm không phù hợp với phép lịch sự tối thiểu.
Hôm nay nhân qua bài viết này, chúng tôi xin khẳng định lại là Y5Cafe không có khả năng làm được điều đó, và cũng không có ý định làm điều đó. Chúng tôi chỉ trình bày suy nghĩ của mình và cho rằng “sự điều tiết lượng hàng bán ra có ý nghĩa rất quan trọng”. Điều tiết không có nghĩa là tạm trữ, là giữ hàng vì rõ ràng chúng ta làm ra sản phẩm để mà bán. Người sản xuất luôn chính đáng khi có nguyện vọng được bán ra sản phẩm của mình với cái giá có thể nuôi sống gia đình và cho tái sản xuất, với lượng xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn/năm chia đều cho 12 tháng thì lượng xuất khoảng 100.000 tấn/ tháng là quá vừa vặn. Nếu tôi là nhà kinh doanh, lượng vốn chỉ đủ mua cho khoảng 50 tấn/ngày, nhưng nếu bạn cứ gọi bán mãi cho tôi với lượng hàng gấp đôi, gấp ba thì không lý do gì tôi lại không hạ giá xuống để mua, không cần biết ngày mai sẽ như thế nào?
Theo ý kiến riêng của tôi, bà con không nên chọn thời điểm đầu kỳ hạn của mỗi tháng lẻ để bán ra, mà nên bán vào thời điểm nửa cuối mỗi tháng chẵn khi thấy giá vẫn còn theo kiểu thắt cổ chày như bây giờ.
Tôi không kỳ vọng giá cà phê sẽ lên thế này thế khác, nhưng với mức giá khoảng 39.000 đồng hiện nay thỉ chỉ mới khoảng bằng giá trị 32.000 đồng của năm ngoái, mức này người nông dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong chi tiêu. Vì vậy, việc bán ra vừa đủ chi tiêu vẫn là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Kinh Vu (giacaphe.com)
Bài viết hay và có giá trị. Nếu vắt giá tháng 3 nhưng tồn kho tiếp tục giảm ở LIFFE và các kho ngoại quan ở Việt Nam vẫn trống rỗng như hiện nay, tức là hàng thật không đủ đáp ứng nhu cầu ngắn hạn, thì chắc chắn là giá tháng 5 vẫn còn có cơ hội.
Hoan hô tác giả Kinh Vu. rất mong tác giả có thêm những bài phân tích rất thực tế giúp nông dân trồng cà phê ngày một ấm no nhé.
Tôi rất đồng ý với Kinh Vu. Các nhà buôn bán và tàng trữ cà phê họ có cái đầu lạnh băng. Họ không có thật thà như người nông dân chúng ta đâu. Chúng ta phải đoàn kết bà con ơi…
Ai cũng biết lý do ra đời của giao dịch kỳ hạn là để cho nông dân mình bán trước sản phẩm tránh việc thu hoạch rầm rộ cùng lúc làm dội hàng và giá giảm. Và rồi tiếp theo mới có hiện tượng giới đầu cơ tham gia thi trường này để kiếm chênh lệch giá. Bây giờ nông dân mình lại đi giữ hàng trong khi lại không có vốn để tham gia điều tiết thị trường (có khác gì cũng tham gia đầu cơ), thay vì bán trước khi thu hoạch.
Phản đối ý kiến Huynh thoại. Ông phải thật sự là người trồng cà phê, đã phải lăn lộn vất vả với cây cà phê thì ông mới hiểu được ông đang nói cái quỉ quái gì.
Ăn với chả nói… Bán trước khi thu hoạch… có nghĩa là gì Ông biết không? Không biết thì tự đi tìm hiểu đi. Khuyên một câu nhá “trước khi nói gì dù trên mạng thì nên suy nghĩ kỹ, tìm hiểu kỹ nha”.
Cám ơn anh Kinh Vu cho bà con một bài viết hay.
Tâm cà cũng công nhận bài viết của Bác Nguyễn Quang Bình thuộc top những bài viết hay nhất trên Y5 này. Nhưng thời điểm đưa ra không thích hợp.
Các bạn nói nông dân làm cà phê tham gia đầu cơ là sai rồi ,cũng vì bị ép mà thôi khi mà giá cả chưa đủ cho chi phí đầu tư và dư một chút cho cuộc sống . Nông nghiệp các nước được nhà nước hỗ trợ ,các công ty xuất nhập khẩu hỗ trợ tổ chức thu mua ,điều tiết xuất khẩu v.v Để người trồng cà phê và nhà kinh doanh cùng tồn tại , còn ở Việt Nam bà con trồng cà phê phải tự mò mẩm giải quyết sản phẩm của mình làm ra từ A dến Z tuy mình cũng có hiệp hội đàng hoàng , tôi thấy tội nghiệp cho bà con mình quá .
Ở Việt Nam toàn là các lãnh đạo giỏi… lên làm lãnh đạo sao mà so sánh được với các nước Tư Bản tiên tiến được. Nông dân ta tự lo cho mình thôi
Tác giả Kinh Vu có bài viết nhận định khá sâu sắc . Nhưng theo kinh nghiệm của bản thân tôi thì hiện tượng “Vắt ” giá của giới đầu cơ cũng không nằm ngoài hiện tượng để gom hàng. Thực tế trong năm 2012 xảy ra 02 sự kiện lớn mà cà phê là thức uống khá quan trọng, nói gì thì nói dù kinh tế có trì trệ đến đâu thì cũng không ai từ bỏ thức uống quen thuộc này cả. Luợng tiêu dùng nội địa ngày càng cao mà dân quyết giữ hàng lại thì giá cả hết tháng 02 này có khả năng lên 2.200 đô/ tấn. Chỉ tiếc rằng giá lên nhiều nhưng bà con nông dân không được hưởng trong khi ban biên tập phát giá là 38.600 đ/kg nhưng thực tế tại Đăk Lăk người nông dân chỉ bán được với giá 31.100 đ/ kg hiện tượng “Vắt” giá của các doanh nghiệp nội mới thật là đáng sợ. Còn đâu cái thời doanh nghiệp ngoại luôn mua cao hơn doanh nghiệp nội 200-300 đ/kg.
Hôm nay 14/02 các công ty đều phát khoảng 38.500 đến 38.700, vậy tại sao mà bạn chỉ bán được 31.100 vậy? Ít nhất cũng được 38.300 chứ?
Một bài viết có giá trị. Xin cảm ơn;
Rất đồng ý với anh Kinh Vu, giá cà năm nay 39.000d năm nay cũng chỉ bằng 32.000d năm ngoái mà thôi. Người làm cà bán ra chỉ đủ chi tiêu là điều cần phải làm trong giai đoạn này, hãy thể hiện là người sản xuất và người tiêu dùng khôn ngoan.
Anh Kính Vu viết bài này đã phần nào giúp cho nd chúng tôi hiểu được những chiêu bài trong mua bán cà phê của giới đầu cơ thế giới, tuy vậy tôi có thắc mắc là sao các nhà rang xay không mua hàng trực tiếp từ những nước sản xuất cà phê cho rẻ nhỉ? Mong anh Kính Vu trả lời cho bà con được biết với, cảm ơn anh nhiều.
Chẳng biết thế nào mà trên mạng giá cà phê 38,600 mà ở chỗ tui chỉ mua có 38,100 là cùng, ép kinh khủng.
Ở TP BMT đại lý chỉ mua có 38.200 là sao ta? Hay cách quy đổi giá của Y5 không giống họ nhỉ?
Cảm ơn tác giả Kinh Vu, bài viết vừa có tầm vừa có tâm. Là nông dân chúng tôi rất mơ ước có được giá cà phê như Brazin, nước sản xuất cà phê Arabica lớn nhất thế giới. Chắc có lẻ trước đây nông dân Brazin cũng khó khăn như nông dân Việt Nam. Nhưng nhờ có những chính sách của Nhà nước, nhờ cái tâm của những doanh nhân, cùng đồng thuận của nông dân mà họ có được những thành tựu như ngày hôm nay. Hay như Thái lan, nước sản xuất gạo và cao su lớn nhất thế giới, họ đã có những quyết sách để nâng giá gạo và cao su nhằm hỗ trợ nông dân. Mong sao Chính Phủ, và các nhà xuất khẩu cà phê của ta cũng có những hành động như vậy. Càng có nhiều người như anh Kinh Vu nông dân được chia sẻ nhiều hơn…
Tôi không hiểu sao giá cà phê trong nước trên mạng ngày thứ 6 là 36.500 đ/kg tuơng ứng với giá chốt phiên thị trường thế giới 1950 USD/tấn kỳ hạn tháng 3/2012. Tuy nhiên chốt phiên ngày thứ 6 thị trường thế giới tăng 44 USD lên 1994 USD/tấn kỳ hạn tháng 3/2012 nhưng giá trong nước sau hôm đó chỉ tăng có 100 đồng lên 38.600 đồng/kg.
Người dân làm cà phê được hưởng gì từ khi giá bị vắt, có hay chăng các ông nội lơị dụng các ông ngoại và người dân để kiếm lời. Trước tình hình giá vắt để người dân thực sự được giá trị thực của sức lao động và đầu tư bỏ ra thì nhà nước và chính phủ phải có giải pháp như thế nào để người dân có lợi theo đúng nghĩa, trên mạng rất nhiều bài viết hay nhưng từ bài viết đi tới thực tế thì cả một vấn đề.
Hôm nay ngày 13/2, cty tôi (XK trực tiếp) thu mua giá 39.000 đ/kg hàng xô, bao PP, giao hàng tại TPHCM.
Hiện nay thị trường đang giao dịch theo giá tháng 5, mức trừ lùi là -50 cho hàng R2 bao PP (tương đương hàng xô bao PP).
Các bạn lưu ý là mức giá London phải trừ đi:
1/ mức trừ lùi
2/ chi phí xuất khẩu
3/ lãi vay ngân hàng
4/ lợi nhuận tối thiểu của doanh nghiệp.
Nếu tại TP là 39.000 đ/kg thì giả sử tại Gia Lai phải là bao nhiêu?
Bạn trừ giúp mình cước xe Gia Lai – TPHCM là 600.000 đ/tấn
Thời điểm 22h 13/2 cty mình đã mua được 200 tấn hàng giá 39.000 đ/t tại Gia Lai
Nhà tôi cũng còn dự trữ toàn bộ sản lượng cà phê năm ngoái. Qua thông tin trên cùng 1 số phản ảnh của bà con làm tôi có thêm kiến thức và niềm tin vào cây cà phê hơn. Cám ơn tác giả.
Việc giá phát trên sàn tháng 3/2012 chênh lệch so với tháng 5/2012 mà người dân đang bị mua theo giá giao kỳ hạn tháng 5/2012 thì tốt nhất chúng cứ chờ đến tháng 5/2012 bán hoặc mới giao hàng. Đây cũng chỉ là một cách nói bao biện để cho các doanh nghiệp trong nước thao túng thị trường mà thôi. Chúc bà con bán được giá cao đủ chi phí. Thân
Bạn Thuận Hòa có vẻ rất hiểu biết về kinh doanh cà phê, nhưng tại sao cứ đưa ra những nhận xét không chuẩn như vậy?
Rõ ràng bây giờ giao dịch giá tháng 3 đã không còn nữa, chỉ giao dịch giá tháng 5 thôi. Điều này bạn có thể kiểm chứng được ngay mà.
Ngoài ra, các hợp đồng đã ký trước đó với giá tháng 3, chốt trước rồi thì bây giờ lỗ nặng, nếu bây giờ mới chốt thì lãi to, nhưng làm sao mà biết được ?
Giá giao dịch căn theo Liffe hàng ngày để phát giá mua bán, không thể căn vào giao dịch trong quá khứ.
Comment nên khách quan, đừng thiên lệch kẻo gây ra nhiều hiểu lầm đáng tiếc, nội bộ chúng ta đã mất đoàn kết thì làm sao đối trọng với khách ngoại là những tập đoàn lớn ?
Vui lòng sử dụng tiếng Việt có đủ dấu !
Vui lòng sử dụng tiếng Việt có đủ dấu !
Tôi chân thành cảm ơn Kinh Vu. Bà con mình làm ra cafe rất khó khăn và chi phí cao mà bị họ ép giá thì vô lý quá. Bà con chúng ta cùng nhau đoàn kết để họ phải ép mình nữa.
Không phải người nông dân muốn “gìm hàng” mà chỉ vì mong được giá để kiếm 1 chút lợi nhuận sau 1 năm ròng vất vả. Có không ít hộ gia đình phải chạy xuôi ngược kiếm tiền trang trải qua ngày, chỉ giữ ít hàng mong giá lên bù vào chi phí đầu tư vào năm sau.
Các công ty mua theo tháng 5 thật là chán chết. Họ biện luận hay thật .
Anh Kinh Vu viết rất hay, em xin bổ sung 1 chút.
Hiện tượng giá tháng gần cao hơn giá tháng xa còn được hiểu như sau :
– Khi 1 fund/specs có 1 lượng hàng có certificate (có nghĩa là hàng đã được Liffe kiểm duyệt và hàng đã vào kho của Liffe) đủ … lớn và đủ “làm giá” trên 1 loại hàng nào đó/thời điểm nào đó/giá tháng nào đó thì chắc chắn họ sẽ “vắt” thị trường (và điều này theo luật cho phép) khi có các yếu tố sau diễn ra trong thị trường :
a. 1 lượng “hàng giấy” đủ lớn hoặc 1 lượng hàng giấy nằm dưới “biên độ giá”/giá đóng cửa … của ngày hôm sau, có nghĩa nếu “làm giá” thì đám hàng giấy này bị buystop hoặc sellstop (stoploss cho mua và stoploss cho bán).
Hiểu nôm na là “giết hàng giấy”.
b.Các hợp đồng không được phép chuyển tháng mà buộc phải giao hàng theo quy định của sàn giao dịch (xin đọc bài “thị trường phái sinh” của Phương Nguyễn – viết trong diễn đàn này luôn) mà vì 1 lý do nào đó lượng hàng physical (tức các hợp đồng giao FOB) bị… gián đoạn hay không đủ.
Hiểu nôm na là đầu cơ lớn sẽ giết đầu cơ bé.
* Câu hỏi lớn là : tại sao họ làm được ?
– Tại sao làm được : “họ” phải có 1 chân hàng đủ lớn và … thông tin đối thủ đủ rõ ràng.
Thường thì các thông tin về “giao dịch chi tiết” trên sàn là bí mật, không được tiết lộ, nếu được tiết lộ coi như phạm phải “giao dịch nội gián”. Các đầu cơ chả bao giờ cần cái giao dịch nội gián đó làm gì nhưng với các chương trình R&D của họ và với các “phân tích sâu sắc” mà họ không tiếc tiền bỏ ra làm thì chuyện biết 80% thông tin (đúng) là chuyện trong tầm tay (xin google bài viết “Thua là phải” của tác giả Hồng Văn để biết thêm về vấn đề này)
——–
Trả lời câu hỏi : Tại sao các rang xay không mua trực tiếp từ exporter mà cứ phải mua qua “quỹ hàng” :
Theo hiểu biết của Vỹ thì :
– Các rang xay hoạt động cần có 1 lượng hàng ổn định/chất lượng ổn định (nhà máy sản xuất lúc nào cũng phải chạy máy vì chi phí sản xuất “nằm trong” các hoạt động hàng ngày của nhà máy)
– Khi hàng được giao đến các “hệ thống kho” tại EU hay USA… thì cà phê sẽ được “đấu trộn” lại trong cilo theo các tỷ lệ yêu cầu của chính các rang xay.
Đó là nguyên do các rang xay “rất hiếm khi” mua trực tiếp từ Nông Dân hay nhà XNK.
Phạm Vỹ
Giá lên như nhỏ giọt cà phê , thì em cũng chi tiêu và bán nhỏ giọt vậy.
Cảm ơn bài viết của bác Kinh Vu, bài viết rất rõ ràng và sâu sắc. Còn nói đến chuyện tại sao bà con nông dân lại để được cà. Sao không thấy ai bàn về vấn đề này ?
Theo tôi thì cũng có rất nhiều nguyên nhân.
1) Bà con nghe kịp thông tin.
2) Giá cà năm ngoái giá đột ngột tăng cao nhưng bà con lại chốt giá từ trước (đầu vụ đã chốt giá 30, 32) sau đó giá lên cao thấy tiếc đứt ruột. Nên năm nay quyết định thà chết ko chốt ko bán.
3) Niềm tin và sự kỳ vọng giá sẽ tăng của bà con ta rất lớn nên đa số đều rất hy vọng.
4) Vật giá leo thang, khiến bà con phải rất cẩn thận khi quyết định bán ra hạt cà.
5) Giá cà phê vẫn đang ở mức thấp.
Mong bà con cho thêm lời bình
Chúng tôi là nông dân chân chất, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, quanh năm làm lụng vất vả, mong sao sản phẩm mình làm ra được thị trường chấp nhận đúng giá trị của nó để chúng tôi còn tồn tại và phát triển. Các năm trước chúng tôi bị chê bai nhiều về chất lượng, năm nay hơi được cải thiện một chút. Chúng tôi luôn cố gắng duy trì tốt cái mà mình đạt được, mong các nhà nghiên cứu hỗ trợ cho bà con chúng tôi cách tiêu thụ sản phẩm của mình được hiệu quả nhất. Bác Kính Vu khuyên chúng tôi rất chân thật – CẢM KÍCH. Lời lẽ dễ hiểu. Còn Bác Vỹ bổ sung chi tiết rắc rối quá, nông dân khó hiểu…
Đối với các nhà quản lý có thể khống chế hay giám sát mức gía trên thị trường và giá của các nhà đại lý thu mua được không? Tại vì mức giá quá chênh lệch.
Người dân thịệt đủ đường từ giá đến đơn vị đo cân nặng của Việt nam bào giờ cũng nặng hơn của Mỹ , Anh ,… 1kg Việt nam nặng hơn của Anh là 3 >4 lạng . Các bác thử tính xem chúng ta mất bao nhiêu tiền, trong khi tầm 2000 USD /TẤN . Nhưng tấn của ta khác với tấn của tây . Không bíết bao giờ dân mình mới hết bị áp bức bóc lột .
Bạn Đoàn Vũ muốn biết khi nào sao? Rất sớm khi mà có nhiều các DNNN vào cạnh tranh thu mua thì chúng- những người sản xuất sẽ phần nào được CÂN ĐÚNG GIÁ TRỊ
Mình không hi vọng gì ở doanh nghiệp trong nước . Mình chỉ hi vọng các doanh nghiệp nước ngoài được nhà nước ưu đãi nhiều hơn, cạnh tranh công bằng hơn với doanh nghiệp trong nước. Khi đó người được lợi chính là người dân .
Thật ra giá cà phê năm nào nó cũng có 1 quy luật lên – xuống. Nhưng mà ít nông dân chúng ta có thể trụ lại găm hàng lâu được khi mà giá cả tăng. Vay vốn ngân hàng thì khó khăn vô lối… đút lót mà phải năn nỉ… bực mình bán cà phê luôn. Như em sống chết giữ lại đôi tấn chứ bán với giá này thì lỗ chắc chứ chã hòa đâu.
Cám ơn bài viết của chú Kinh Vu. Cháu cũng xin được bổ sung một số thông tin của từ ‘ngày thông báo đầu tiên’.
Ngày thông báo giao hàng đầu tiên (first delivery notice day – có thể viết gọn là first notice day – ngày thông báo đầu tiên): Ngày đầu tiên mà Trung tâm thanh toán (Clearing House) đưa ra thông báo nhận hàng thực đối với hợp đồng kỳ hạn (futures) tương ứng với tháng giao hàng cụ thể đến người mua. Trung tâm thanh toán cũng thông tin đến những người bán tương ứng. Hầu hết các giao dịch đều được thanh lý (liquidate) trước ngày thông báo đầu tiên này. Mọi vị thế mua hợp đồng kỳ hạn (long position) đều phải thanh lý trước ngày này, nếu không sẽ chuyển thành nhận hàng thực. Ngày này sẽ thay đổi tùy theo hợp đồng và tùy theo quy định của sở giao dịch.
• Tại LIFFE: là bất kỳ ngày nào trong tháng giao hàng (delivery month) của hợp đồng kỳ hạn
• Tại ICE: 7 ngày làm việc trước ngày làm việc đầu tiên của tháng giao hàng
Ví dụ, mọi người có thể tự tra ngày này trên trang mạng của các sở giao dịch.
Đối với ICE: vào https://www.theice.com/marketdata/calendar/CalendarView.shtml vào thực hiện các bước sau:
• Chọn Show Expiration Dates và FND (first notice date)
• Ở mục Market, chọn ICE Futures U.S.
• Chọn tháng 2 (sẽ chứa ngày thông báo đầu tiên của hợp đồng kỳ hạn giao hàng tháng 3)
• Ấn “Go”
• Tìm ký hiệu KC – đây là ký hiệu hợp đồng kỳ hạn cà phê tại ICE
=> ngày 21/02/2012
Thông tin định hướng rất tuyệt, cảm ơn Kinh Vu
Phải nói rằng bài viết của a Kinh Vu là chí lý. Bà con ta nên có cái nhìn tổng thể chọn thời điểm có lợi để bán. Đổ mồ hôi sôi nước mắt cả một năm trời, đồng thời chúng ta nên trồng và chăn nuôi thêm các cây con khác, nhằm cải thiện đời sống chứ không chỉ dựa vào cà phê để rồi phải hệ lụy nó quá nhiều
Cháu thấy chú viết bài này khá hay . Đặc biệt là chỗ phân tích giá cà phê năm nay so với năm ngoái khi tính về giá trị thực của nó. Quả đúng với giá cả hiện tại với những chi phí ngày càng gia tăng như phân bón… thì người nông dân làm cà chưa muốn bán ra. Lượng cà còn trong dân khá nhiều là điều tất yếu. Liệu giá cà phê tháng tới có tăng hay không . Cái này không thể nói trước được nhưng hi vọng giá sẽ tăng một cách hợp lí nhất .
Bà con nông dân chúng ta hãy thi gan với các nhà thế giới đầu cơ một lần xem sao.