Trong phiên giao dịch hôm qua, thứ Năm 9-2, giá niêm yết thị trường kỳ hạn cà phê robusta Liffe NYSE tại London đã bị” vắt” (price squeezing). Giá giao ngay (spot) của tháng 3-2012 đã tăng cao hơn giá tháng xa tức giá tháng 5.
“Vắt giá” (price squeezing) là gì?
Vắt giá hay còn được gọi là giá bị đảo (inversion). Thông thường, giá tháng giao ngay (nay là tháng 3) thấp hơn giá tháng giao xa. Sự cách biệt về giá trị đó được giải thích một là cung-cầu cho các tháng giao hàng bình thường, hai là tháng sau mắc hơn là để giúp cho giới kinh doanh có được một khoản tiền trang trải chi phí như kho bãi, hao hụt…cho hàng tồn kho của tháng xa hơn.
Nhưng hôm qua, giá không còn theo trật tự ấy mà đã bị đảo. Như tên gọi của hiện tượng, giá tháng gần (nay là tháng 3) cao hơn giá tháng xa (tháng 5). Khi đóng cửa, giá tháng 3-2012 đứng ở mức 1.950 đô la Mỹ/tấn, cao hơn giá đóng cửa tháng 5 chốt tại 1.930 đô la Mỹ/tấn.
Hiện tượng giá đảo hay trên thị trường được gọi là bị “vắt” được giải thích rằng do thiếu hàng giao ngay, nên giá tháng giao ngay (spot) tăng mạnh.
Lý do giá vắt và hiện tượng có thể xảy ra?
Khi hiện tượng này xảy ra, giới kinh doanh tranh thủ tối đa hàng có trong tay như ở trong kho ngoại quan chẳng hạn, đưa ngay sang các kho châu Âu để tranh thủ đưa vào bán cho thị trường kỳ hạn robusta Liffe NYSE trên tháng giao ngay với giá niêm yết cao hơn các tháng sau. Chỉ trừ những lô hàng đã cam kết lâu dài với khách mua xa, vừa không có chi phí bảo quản vừa sau này bán giá thấp hơn. Chính vì thế, các bạn sẽ thấy nếu như giá tháng giao ngay cứ tiếp tục cao và ngày càng cao hơn tháng sau, các hãng kinh doanh sẽ tranh thủ xuất tối đa lượng hàng từ kho nước sản xuất đem sang để sẵn sàng tại cảng có kho Liffe hòng chực bán ngay nếu giá thuận lợi.
Còn nhớ trong giao thời giữa quí 1 và quí 2 năm ngoái, có lúc giá “bị vắt” đến cả trăm đô la (xin xem biểu đồ phía trên) và hàng robusta của Việt Nam chuyển sang các kho Liffe không ngớt, có lúc tồn kho cho hàng đạt giấy chứng nhận chất lượng Liffe NYSE (certs) đạt gần đến 420.000 tấn, là mức tồn kho cao kỷ lục của mọi thời đại.
Theo báo cáo mới nhất của Liffe NYSE, tính đến hết ngày 6-2-2012, tồn kho certs Liffe NYSE giảm thêm 9.150 tấn, nay chỉ còn 227.170 tấn. Với mức này, lượng certs robusta sau 15 lần báo cáo có lượng rớt, tồn kho loại này đã xuống thấp hơn 2,5% so với cách đây 52 tuần, bấy giờ ở mức 232.900 tấn (xin xem biểu đồ 2 phía trên).
Mặt khác, như các bạn thấy, hiện nay, lượng tồn kho chưa bán tại các cảng do Liffe vẫn còn nhiều (227.170 tấn như báo cáo gần nhất của Liffe đã nói). Nên, rất có thể đầu cơ đang tạo tình huống để bán ra lượng tồn kho ấy với mức cao thông qua “giá vắt”.
Với thực tế hiện nay, do giá nội địa Việt Nam, nước xuất khẩu robusta hầu như độc tôn, đang ở mức rất cao so với giá Liffe cộng với chi phí, đây cũng có thể là một động tác giả để kéo giá giao ngay lên cao trong khi các nhà xuất khẩu Việt Nam không bán trên giá tháng 3 nữa, nhằm tạo cơ hội mua giá chênh lệch thấp hơn nhờ có giá niêm yết cao hơn. Một khi làm được điều đó, giá các tháng sau cứ thế mà trừ chứ không được như hiện nay.
Với giá vắt, đầu cơ và giới kinh doanh sẽ rộng tay mua. Giá chuẩn Liffe cho loại 2 là -30 trên giá tháng 3 Liffe, cộng với các thứ phí như chuyên chở, lấy mẫu, thử mẫu…thì tổng chi phí phải dưới mức ấy, tức thấp hơn -30 đô la nếu là giao dịch bình thường. Hơn nữa, nghe tin rằng vào đầu tháng 3-2012, giá cước tàu sẽ tăng thêm 35-40 đô la cho mỗi tấn, chi phí chuyên chở lại càng cao. Nên, buộc các nhà đầu cơ phải tạo tình huống để gây vắt giá nhằm “một phát bắn rớt nhiều con chim”.
Cơ hội cho giá tăng, hàng bán chạy
Song, cũng cần đưa ra ưu điểm của giá vắt: giá giao ngay tăng, tạo điều kiện hàng ra nhiều và với thực tế hiện nay, sẽ giúp Việt Nam có cơ hội giải phóng một lượng hàng cần thiết trong thế có lợi. Với số hàng chưa bán còn lại sẽ dễ quản lý và điều tiết hơn nếu như thực sự được mùa.
Dù sao, hiện tượng này xảy ra sẽ gây nhiều khó khăn cho các nhà xuất khẩu vì giá giao ngay sẽ đội lên trong khi giá xuất khẩu đang rất cao. Nếu như công ty nào không đủ tiền để mua hàng giao, rủi ro càng nhân lên gấp bội.
Do có hiện tượng này, giá nội địa sẽ được nước lên cao. Thị trường sẽ rất lộn xộn với nhiều mức giá khác nhau, dễ khơi gợi “máu đầu cơ” chờ giá cao nữa vì tưởng hàng thiếu thật. Nhưng, vẫn hãy coi chừng vì nếu hàng bán vào tay chỉ một vài người sẽ lại có hiện tượng giá xuống khi họ đã nắm được hàng trong tay như đợt giá xuống trên Liffe NYSE vừa qua.
Do giới kinh doanh và đầu cơ đã mua bán phòng hộ (hedge), nên giá niêm yết Liffe NYSE cao thấp bao nhiêu không quan trọng. Cái họ sẽ làm là siết giá xuất khẩu làm sao để có giá chênh lệch (trừ lùi) cao hơn giá họ mua để họ kiếm lời nhờ cách mua bán dựa trên chênh lệch đó.
Giá vắt đợt này, liệu có lâu dài?
Cuối phiên khuya hôm qua 9-2-2012, arabica Ice New York đóng cửa rớt thảm hại. Sẽ rất thú vị cho chiều hôm nay thứ Sáu cuối tuần trên robusta Liffe NYSE. Dự kiến giá mở cửa robusta Liffe NYSE rớt đậm do phải cân bằng với giá arabica Ice New York . Đóng cửa phiên hôm qua, arabica New York giá tháng giao ngay giảm 4,05 cts chỉ còn 216.00 cts/lb.
Theo tính toán kỹ thuật, dự kiến robusta Liffe phải giảm 60 đô la nhưng ta cứ tạm tính chừng từ 20-30 đô la khi robusta Liffe NYSE mở cửa. Liệu trò chơi giá đảo có còn tiếp tục do một phần arabica Ice yếu kỹ thuật hay hai thị trường cà phê arabica Ice và robusta Liffe NYSE đường ai nấy đi?
Xem thêm: “Vắt giá” trên thị trường cà phê là gì?
arabica Ice tăng và robusta Liffe giảm vẫn thường diễn ra do yếu tố mùa vụ. Giá arabica và robusta hiện còn chênh lệch quá lớn. Chuyện arabica giảm và robusta tăng khi các nhà rang xay chuyển qua mua robusta là bình thường. Nói gì thì nói. Thị trường sẽ quyết định tất cả. Hàng hóa thật sự thì nông dân đang nắm giữ phần lớn. Chuyện tăng giá chỉ là sớm hay muộn thôi.
Giá giao ngay là hàng thực có, cho ta thấy có xu hướng khan hàng thực gia tăng.
Giá giao dịch tại London tại thời điểm này (14:25 GMT, tức 21:25 giờ VN) vẫn tăng 4USD.
có thể một cơn “sốt rét rừng” mới chăng!?
Phiên giao dịch hôm qua chỉ là một phiên tương tự cách đây 2 tháng. Rõ ràng các nhà đầu cơ nước ngoài đang thao túng. Hàng trong kho Liffe vẫn còn nhưng 200.000 tấn thì sắp cạn rồi. Họ vẫn làm cái điều mà hơn chục năm nay họ vẫn thường làm. Đó là tạo giá vắt ép các DNXK chốt giá trong tháng 3. Mình nghĩ năm nay các doanh nghiệp chắc cũng thích nghi với điều này rồi. Lượng bán ra của nông dân vẫn chưa nhiều. Hàng có muốn đi cũng chẳng có!
Vậy giá có thể lên trên 40000 trong vòng một tuần nữa trở lại không mọi người? Với chiều hướng này thì khi nào giá có nguy cơ giảm như đợt vừa rồi?
Dù ai nói ngã nói nghiêng, lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân.
Ai kẹt tiền bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, cần mua phân cứ bán mua phân, còn lại quyết găm hàng chờ giá lên…
Bán nhà chứ ko bán cà lúc này.
Giá giao ngay cao hơn các tháng xa có nghĩa lượng hàng cần để chế biến thức uống phục vụ đã quá khan hiếm. Nếu các DNXK Việt Nam không ký giao hàng trong tháng 3/2012 thì bắt buộc sẽ lại có thông tin KỸ THUẬT VẮT GIÁ cho kỳ hạn tháng 5/2012 rồi tiếp đến là 7/2012. Bà con chúng ta cứ cần đâu bán đấy mặc cho thị trường các nhà đầu cơ thao túng làm giá bán khống… nhưng quan trọng vẫn là lượng hàng thật. Các DNXK cứ đảm bảo mức xuất khẩu cho các tháng trên dưới 100.000 Tấn thì lấy đâu ra cho cơ hội các giới đầu cơ thao túng đây? Cái trang tin của hãng (Theo SGTimes) mình lâu nay để ý họ viết chưa có cái gì là chính xác được 50/50 thôi bà con à. Chúng ta cứ chờ xem đợt vắt giá cho kỳ hạn tháng 5/2012 sẽ biết kết quả. Thân
Nhà đầu cơ thao túng kiểu này thì cũng rất nguy, căn bản bây giò là bản lĩnh của nông dân chúng ta. Vậy theo các anh chị thì năm nay giá có thể lên bao nhiêu thì bán cà được vậy?
Bà con chúng ta nên chờ gía lên thêm một thời gian đi, chứ mới có lên được có ba ngày thì có gì mà phải vội vàng bán hả bà con.
Vậy bạn bán nhà đi mà mua cà phê vào hao le ha. Làm quả liều, một nhà cao của rộng, hai là ra đường ở. Làm quả liều đi bạn.
Nếu HT dám làm quả liều, tôi theo bạn luôn đấy.
Mấy công ty nhà nước mình lỡ kí hợp đồng rồi. Hàng lên thế này thì lại phá sản đây. Họ bắt tay nhau ép giá bà con, không mua được hàng nên vẽ ra đủ trò hù dọa. Giá lên như thế mà giá trong nước có lên bao nhiêu đâu? Các vị cứ lấy 1934-30=1904* 21000=39.984d/kg. Nhưng thực tế họ đang thu mua chỉ với giá 38.500d/kg. Họ lợi dụng nhà nước chỉ cho phép một số doanh nghiệp được xuất khẩu nên ép giá vậy là không đúng với chủ trương của chính phủ. Biết rằng để đến được Luân đôn còn phải qua nhiều công đoạn. Nhưng khi làm thành phẩm để xuất khẩu hàng trên sàng năm nay tỷ lệ rất nhiều mà số hàng này theo tôi được biết đang bán với giá khoảng 2500usd/tấn, còn lại mới xuất với giá như thị trường thế giới hiện tại.
Bác đừng lấy giá tháng 5 làm gì, cứ lấy giá tháng 3 mà tính. Giá tháng 3 là 1.994 +70 = 2.064 USD/tấn (“Giá cà phê xuất khẩu loại R2, 5% đen vỡ đang được các nhà giao dịch quốc tế chào mua giá cộng tới 70 USD/tấn so với kỳ hạn tháng 3 tại London”- trích trong bản tin thị trường ngày 10/02/12) * tỷ giá 20.860 = 43.055 đ/kg đấy.
Mình đang bị ép giá quá mức, tức thật, không là gì được.
Theo mình hiện tại theo mức giá sàn giao dịch dẫu có tăng song việc đó cũng không hề đem lại lợi nhuận cho bà con nông dân sản xuất một chút nào! Khi giá trên sàn chỉ cần giảm điểm 1đến 20 USD thì ngay lập tức mức giá các nhà thu mua đưa ra cho bà con nông dân là tụt dốc rất thê thảm có thể nhân với tỉ giá 1USD bằng 30-40 VND. Còn khi giá trên sàn lên thì mức giá cộng chỉ khiêm tốn ở mức 1USD tương đương với 15 VND. Theo mình cái đáng nói hiện nay là ngay chính từ các CTXK được quyền xuất khẩu nên họ cũng nghiễm nhiên được luôn cái quyền mua theo mức giá của họ đưa ra- Cuối cùng nông dân chúng ta vẫn là người thiệt đơn thiệt kép! Việc nhà nước cần sớm cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước vào cạnh tranh thu mua là điều cần thiết nhất hiện nay. Như thế mới đem lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho người nông dân- Dân có giàu thì nước mới mạnh đấy là điều hiển nhiên ai ai cũng biết nhưng chỉ nhóm lợi ích cố tình không bao giờ biết. Hãy đoàn kết nắm chặt tay nhau lại bà con nông dân sản xuất nhé. Thân
Bạn nói vậy là chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không thấy cái hại lâu dài. Bạn có biết, cty nước ngoài vốn rất mạnh, lúc vừa nhảy vô có thể nó sẽ thu mua với giá cao để ngay lập tức giết chết các cty xuất khẩu của chúng ta vốn có nguồn vốn yếu. Rồi nó trở thành độc quyền và quay trở lại ép giá nông dân chúng ta, lúc đó có trời cứu. Với lại hàng hoá do chúng ta sản xuất, không cho cty nước ta xuất khẩu để mang lại nguồn lợi cho đất nước, mà để nó vô thu mua xuất khẩu thực chất là mang lại nguồn lợi cho nước nó àh.
Đọc tin này ta đã thấy mùi của nhà đầu cơ muốn ép giá của chúng ta. Chiêu nhát khỉ rung cây đấy mà, hãy bình tĩnh bà con ạ. Cần thì bán một ít đủ tiêu sài, hãy tiết kiêm, hãy thể hiện bản lĩnh của chúng ta, hãy tin sẽ có ngày chiến thắng.
Động thái vắt giá cũng đã được tôi phản hồi trong bản tin thị trường ngày 10/02, ở vị thế bán hàng thật nếu ai chốt giá vào đêm 09/02 thì xem như là trúng vì được ăn giá kỳ hạn tháng 03/202, nhưng sang đêm 10/02 mặc dù có lúc giá lên 2000 USD/T nhưng chỉ chốt được giá cơ sở tháng 05/2012 mà thôi, lại thêm một mùa ảm đạm cho các DNXK trước những trò ảo thuật của quĩ đầu tư thế giới.
Tuần sau sẽ có kịch hay để xem. Cứ chờ đi mọi người. Họ làm đủ trò rồi. Tuần sau thì cái gì đến sẽ phải đến thôi.
Nếu giá cà phê không lên chúng tôi sẽ không bán cà
Bà con ơi, bán tằn tiện thôi. Đồng ý với bạn Long +nhat : nếu giá không bù nổi chi phí chúng tôi không thể bán.
Mình thấy bạn Tâm Cà có vẻ nắm tình hình chắc ghê. Đọc phản hồi của bạn mình cũng thấy yên tâm giữ cà, vì thấy bạn cũng rất bản lĩnh đấy, mình cũng quyết theo bạn một phen. Rất mong mọi dự đoán của chúng ta sẽ đúng.
Bà con ơi, giá cà không lên trên 40 chúng ta quyết tâm không bán.
Đoàn kết đại đoàn kết. Thành công đại thành công. Mình cũng quyết ôm cà pê lên 45k mới có ý định bán.
Tôi thấy di linh-đất đỏ nói đúng. Doanh nghiệp nước ngoài nhẩy vào mua cà phê của nông dân mới có sự cạnh tranh sòng phảng, người nông dân mới thực sự được hưởng. Tôi không hiểu tại sao phải hạn chế các nhà xuất khẩu cà phê. Tôi thấy rất nhiều người đã đi vay ngân hàng để sinh hoạt chứ quyết chưa bán cà phê vội. Bà con ta đang đi đúng hướng đó.