Nhiều loại cây trồng đã vượt quy hoạch

Dù khó khăn, nông dân và ngành nông nghiệp đã nỗ lực hoàn thành nhiều chỉ tiêu về diện tích và sản lượng cây trồng đề ra trong quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp đến 2020, tầm nhìn 2030 mới được Chính phủ ban hành.

Vườn tiêu ở Đồng Nai - Ảnh minh họa
Vườn tiêu ở Đồng Nai – Ảnh minh họa

Theo Quyết định 124/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2020 Việt Nam sẽ đạt sản lượng 41-43 triệu tấn lúa. Nhưng theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng diện tích lúa cả nước hiện có là 7,7 triệu héc ta, năng suất bình quân 55 tạ/héc ta, tổng sản lượng lúa trong năm 2011 hơn 42 triệu tấn, tăng 2 triệu tấn so với năm 2010. Như vậy, sản lượng lúa hiện nay đã đạt mục tiêu trước 8 năm.

Ở ngành cao su, bà Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho biết ngành đã đạt mục tiêu trước thời hạn 10 năm. Theo bà Hoa, năm 2011, cả nước có 834.000 hécta trồng cao su, chưa tính kế hoạch trồng thêm 20.000 héc ta trong năm nay của Tập đoàn cao su Việt Nam. Trong khi đó, Quyết định 124 đặt mục tiêu đến năm 2020 ổn định diện tích trồng cao su ở mức 800.000 héc ta, thấp hơn mức hiện có đến 34.000 hécta. VRA khẳng định sẽ không có chuyện chặt bỏ cây cao su để giữ đúng chỉ tiêu. Theo VRA, do giá trị từ cây cao su cao hơn cây điều nên việc người dân chuyển từ cây điều sang cây cao su ngày càng nhiều và xu hướng này sẽ tiếp tục xảy ra trong vài năm tới.

Quyết định 124 đặt mục tiêu trồng ổn định 50.000 héc ta hồ tiêu; song theo ông Trần Đức Tụng, Chánh văn phòng Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, diện tích hồ tiêu cả nước đã vượt con số đó, nhờ giá hồ tiêu tăng cao trong vài năm qua.

Tình hình cũng tương tự với cây cà phê: Chính phủ muốn duy trì diện tích ở mức 500.000 hécta nhưng trên thực tế, diện tích cà phê hiện nay đã vượt 550.000 héc ta.

Tại sao diện tích trồng một số loại cây nông lâm nghiệp luôn vượt khỏi quy hoạch trong khi một số loại cây khác lại giảm? Một quan chức ngành nông nghiệp cho rằng khi giá trị một loại cây trồng nào đó cao hơn cây trồng khác thì người dân sẽ tự chuyển đổi cây trồng và diện tích từng loại cây trồng sẽ thay đổi theo từng năm, có loại tăng, có loại giảm.

Ông Huỳnh Văn Quang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, cũng xác nhận, mặc dù Tây Ninh quy hoạch vùng trồng mía nguyên liệu 37.000 héc ta vào năm 2015, tăng thêm khoảng 11.000 héc ta so với hiện nay, nhưng điều đó rất khó đạt được vì giá trị kinh tế của cây mía thấp hơn cây cao su, khoai mì (sắn) nên tỉnh khó mà vận động người dân chuyển sang trồng mía.

Cũng theo quyết định trên, đến năm 2020 Việt Nam sẽ có 400.000 héc ta điều. Nhưng trong đề án phát triển cây điều đến 2020 của Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) thì diện tích điều chỉ duy trì từ 300.000-330.000 héc ta.
Tổng thư ký Vinacas Đặng Hoàng Giang nói, cây điều đang bị cạnh tranh bởi những cây trồng khác như cao su, hồ tiêu nên muốn tăng diện tích không phải là chuyện dễ, vả lại việc tăng diện tích trồng điều không đồng nghĩa với việc tăng sản lượng điều thu hoạch. Theo Vinacas, ngành điều muốn được hỗ trợ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất hơn là nỗ lực tăng diện tích theo quyết định 124.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng số dân của nước ta vào 0 giờ ngày 1-4-2009 là 85.789.573 người, là nước đông dân thứ ba ở Đông Nam Á và thứ 13 trong số những nước đông dân nhất thế giới. Và cứ sau mười năm dân số nước ta tăng thêm 9,47 triệu người, bình quân mỗi năm tăng 947.000 người.

Đến năm 2020 dân số Việt Nam xấp xỉ 100 triệu người, năm 2030 xấp xỉ 110 triệu người, lúc này, tổng sản lượng lúa khoảng 44 triệu tấn lúa (theo quyết định 124 nói trên). Theo ông Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL, nếu tính theo nhu cầu tiêu thụ gạo trên mỗi đầu người hiện nay và mức tăng dân số trung bình 1 triệu người/năm thì sau 20 năm nữa Việt Nam không còn gạo để xuất khẩu.

Ông Lê Văn Bảnh cũng tỏ ra nghi ngờ mục tiêu giữ vững 3,8 triệu hécta đất trồng lúa đề ra trong Quyết định 124. Mới đây UBND thành phố Cần Thơ quyết định chuyển 1.800 héc ta đất nông nghiệp sang mục đích sử dụng khác và những tỉnh thành khác cũng có những kế hoạch tương tự nên theo ông Bảnh mục tiêu giữ 3,8 triệu đất lúa có nguy cơ không thực hiện được.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. nongdan

    Nghe tầm nhìn của chính phủ hay quá, DakLak đã quá diện tích trồng cà phê, cao su, tiêu rồi, bây giờ trở đi ai còn đất trống phải cấy lúa, không cấy lúa trên đất bazan là chống chính phủ!

  2. Dambri

    Mục đích của bài viết này là muốn nói lên điều gì? Qui hoạch của chính phủ 1 đằng, chỉ tiêu của các hiệp hội đặt ra 1 ngả? Muốn chê ai tham mưu cho chính phủ qui hoạch không hợp lý hay là cho rằng các hiệp hội không tuân theo chính phủ?… Không hiểu nổi.

    1. Cafe con

      Nhà báo chỉ đưa thông tin và số liệu có được. Sử dụng thông tin nhằm mục đích gì là tùy theo từng đối tượng khai thác. Nhà báo không dám đưa ra ý kiến nhận định, phân tích hay đánh giá đâu, mà là việc của nhà phân tích, bình luận. Nếu bạn hiểu chức năng của báo chí bạn sẽ hết thắc mắc thôi. Còn chuyện tham mưu qui hoạch thì … bó tay thật.

  3. Chính Trung GL

    Trong giai đoạn này rất khó qui hoạch vì nhà nước không chi phối được giá cả (thị trường mà) nên nhà nông thấy loại cây nào thu lợi nhuận cao hơn thì theo nhau mà trồng ồ ạt, mất cân đối. Sẽ dẫn đến hiện tượng thừa thiếu cục bộ, rớt giá… rồi lại tranh nhau trồng thứ khác, lặp đi lặp lại điệp khúc “chặt trồng, trồng chặt”. Khổ cho bà con nông dân thôi.

  4. Nông Cà

    Ở Hoa kỳ họ thực hiện chính sách “Kinh tế thị trường dưới sự dẫn dắt của người tiêu dùng” có nghĩa là họ sẽ sản xuất cái mà người tiêu dùng dẫn dắt (cần), chứ không phải chính phủ dẫn dắt theo khuyến cáo!?.
    Nếu Chính phủ muốn người dân không sản xuất hoặc sản xuất cái gì, (tất nhiên cần có khuyến cáo để tránh rủi ro) thì Chính Phủ phải dùng biện pháp thị trường để điều chỉnh.
    Như trong việc hạn chế việc tăng diện tích cà phê (mình giảm diện tích nhưng Lào và Campuchia tăng thì cũng như không, vẫn tăng cung) thì song song với việc khuyến cáo, Chính phủ có thể đưa thêm một loại cây trồng nào đó có giá trị bằng hoặc hơn cà phê vào các vùng có nguy cơ tăng diện tích và vùng có điều kiện chuyển đổi, thì tự khắc người nông dân sẽ đi theo hướng đó chứ không thể thụ động theo khuyến cáo suông! Như vậy diện tích loại cây trồng nào đó sẽ tự tăng hoặc giảm theo mong muốn!

Tin đã đăng