Gần đây có nhiều thông tin nói rằng bà con Tây nguyên không ký gửi cà phê mà bắt đầu xây kho, găm hàng đầu cơ, chờ được giá cao mới bán. Chuyện này thực hư thế nào… báo Đại Biểu Nhân Dân ghi nhận chuyện này qua mục Sổ tay phóng viên.
> Chuyên đề: Vụ tranh chấp 18.000 tấn cà phê gửi kho
Đã từ lâu, người dân Tây Nguyên hình thành một thói quen là sau thu hoạch, sản phẩm được ký gửi vào kho của các doanh nghiệp, các đại lý kinh doanh nông sản kiêm cung cấp vật tư phân bón. Ngoài việc có nơi tạm trữ sản phẩm, đại lý nông sản thực sự đã trở thành “bà đỡ” của nhà nông. Suy cho cùng, gửi đại lý cũng là để duy trì quan hệ với nguồn đầu tư cho nhà nông khi mà đối với họ, ngành ngân hàng còn quá nhiêu khê, thậm chí xa vời.
Tuy nhiên, thời gian qua cho thấy việc gửi kho tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, nhất là những khi giá cả biến động mạnh. Cà phê gửi kho thường được bán ngay để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Khi giá cao, người gửi đến chốt giá thì bên nhận gửi không còn khả năng chi trả (nhưng nếu giá thấp thì bên nhận gửi ăn đủ). Hàng loạt doanh nghiệp cà phê phá sản (và có nhiều doanh nghiệp đang đứng bên bờ vực phá sản, chỉ còn chờ ngày…) đều có nguồn gốc từ lối kinh doanh bán trước mua sau này.
Rủi ro thì ai cũng thấy nhãn tiền, điển hình như vụ 40 hộ dân gửi 188 tấn cà phê vào kho của Inexim (Công ty cổ phần Đầu tư Xuất nhập khẩu Đăk Lăk) tại huyện Đăk Min từ năm 1999-2000 đến nay dù đã qua hết tòa này tới tòa kia mà người dân gửi vẫn chưa lấy được.
Kinh khủng hơn là vụ gửi chốt giá sau lên đến hơn 18.000 tấn cà phê, đã đưa ra tòa xử, rồi kháng cáo đến nay cũng vẫn chưa xong. Và hàng loạt công ty, doanh nghiệp bể nợ cà phê khắp Tây Nguyên với hàng ngàn tỷ đồng đều có liên quan đến chuyện ký gửi cà phê.
Thêm vào đó, đa phần người trồng cà phê sống gắn liền với rẫy nương, nhà cửa cũng không được kiên cố, lại cách xa nhau nên chuyện xảy ra ở rẫy này mà rẫy bên cạnh có khi không hề biết. Kẻ gian rình mò gia chủ đi vắng, không có ai ở nhà đã đưa cả xe công nông vào chở trộm hàng tấn cà phê (có khi còn gây ra những vụ án mạng rất bi thảm). Bên cạnh còn có những chuyện đau lòng nữa là chính con cái trong nhà đua đòi ăn chơi trở thành kẻ trộm ngay chính trong nhà của mình. Vì thế, xây kho dự trữ ở nhà khi chưa có nhu cầu bán là lựa chọn hợp lý của nông dân Tây Nguyên hiện nay.
Gần đây, một số nông sản có giá trị xuất khẩu càng để đến cuối vụ giá càng tăng cao như hồ tiêu và mới nhất là cà phê tăng đến 40%. Điều này kích thích người nông dân cầm hàng lại không bán vội. Cho nên việc xây kho để dự trữ cùng lúc đáp ứng được nhiều nhu cầu của người trồng cà phê một cách thỏa đáng. Nhưng nói nông dân xây kho để dự trữ, để đầu cơ giá cao thì không đúng. Ai cũng biết khoảng 70% số nông hộ sản xuất cà phê có diện tích vài ha, trong đó số nông hộ có từ 1 ha trở xuống chiếm quá nửa. Với diện tích quản lý ít ỏi, trong khi đầu tư cho cây cà phê không hề nhỏ thì lợi nhuận đem lại cho nông hộ nếu không có thêm thu nhập khác (và cà phê không rớt giá) cũng chẳng đáng là bao và cuộc sống của họ thừa chật vật rồi, lấy đâu mà xây kho để đầu cơ.
Nhà nông chúng ta thường có tâm lý “bầy đàn”. Những khi nông sản được giá, xin đừng hô hào ca ngợi là họ biết cầm hàng đợi giá, là chủ động điều tiết thị trường, là đẩy giá lên cao… Bài học về hạt điều vừa qua đã quá đủ. Chúng ta vô tình kích thích biến nông dân thành nhà đầu cơ trong khi thị trường tiềm ẩn những biến động khó lường mà ngay cả những nhà kinh tế sừng sỏ trên thế giới thành công hay thất bại trong kinh doanh chỉ là trong nháy mắt.
Xem thêm chuyên đề: Đại ly vỡ nợ và chuyện ký gửi cà phê của nông dân
4/2/2012
Cà phê là của nông dân, quyết định bán hay không cũng là nông dân quyết định, không ai có thể hô hào hay quyết định thay được. Nhu cầu cần tiển tới đâu thì bán tới đó thôi.
Giá hạ thấp quá nên tôi chưa muốn bán mà còn để lại. Hi vọng giá lên tí nữa để bán lấy tiền đầu tư phân tro chứ nông dân đào đâu ra tiền mà bảo găm hàng để đầu cơ. Vật giá ngày càng cao thì cà phê phải lên giá cho tương xứng chứ bán lỗ thì có mà dở hơi.
Tôi lắng nghe, tôi suy nghĩ, tôi lựa chọn bán vào lúc nào tôi cho là hợp lý và tôi tự chịu trách nhiệm với mình, không ai có thể quyết định thay tôi được. Mặc cho ai cứ hô hào… tôi chỉ bán khi nào thấy mình có nhu cầu.
Ước gì mình trở thành nhà đầu cơ , trả kiếp nông dân cho trời đất !
Câu phát biểu hay nhất trong ngày.
Giá cà phê hiện tại quá thấp, bà con nông dân không thể bán trong khi giá cả các sản phẩm khác lên như diều.
Ở chỗ tôi năm nay giá cà Môka cao với lại giá kén tằm cũng cao nên cà phê 40.000d/kg thì dân mới bán, còn nếu dưới giá đó thì tiêu đến dâu bán đến đó. Không phải là đầu cơ mà bán sẽ không giải quyết việc gì cả vì giá cả bây giờ cái gì cũng cao bán rồi cầm tiền tiêu hết liền không đâu vào đâu.
Ngày hôm nay giá đã lên 500 đồng mong những ngày sau vẫn như vậy, còn không thì mong nhà nước trợ cấp giá thôi cho dân bớt khổ
Cà phê lên xuống kiểu này là do các nhà đầu cơ thế giới cả, xuống thì nhiều, lên thì nhỏ giọt. Khổ nổi người nông dân, bán lưng cho trời bán mặt cho đất, khổ càng khổ thêm. Bà con chúng ta cứ thiếu đâu bán đó đừng bán vội nhé.
Bao nhiêu năm làm cà phê mà cái nhà còn tuềnh toàng, không có chỗ cất cà phê nên đành phải ra gửi đại lý để rồi nhiều bà con phải mất trắng. Nay gắng gượng lắm mới làm được cái nhà kín đáo và còn có chỗ để mấy bao cà phê, thế mà các vị lại đồn nông dân xây kho đầu cơ hả? Nhà nông chứ đâu phải nhà kinh doanh hay nhà phú nông địa chủ gì mà kho lẫm. Không lẽ cứ quần quật quanh năm được mấy bao cà rồi lại đem trứng giao cho ác nữa sao?
Các vị muốn nói gì thì tùy nhưng nói nông dân xây kho để đầu cơ thì chỉ có làm trò cười cho thiên hạ.
Cách gì cũng được nhưng tôi xin nhắc bà con không bao giờ gửi cà cho đại lý, cho doanh nghiệp khi không có hợp đồng cụ thể được pháp luật thừa nhận. Không lẽ đọc mấy chuyên đề trên mà bà con chưa thấm thía hay sao? Hãy tự cứu mình trước…
Miền Trung vùng tôi chỉ trồng lúa và hoa màu, không có đất rẫy cà phê, tiêu… như Tây Nguyên. Vào diễn đàn thấy nông dân cà phê hay than lổ, nghèo, tôi có dịp lên Tây Nguyên, tôi ước gì nông dân quê tôi được nghèo như nông dân Tây Nguyên (đa số nhà cao cửa rộng). Giá cà phê bao nhiêu là vừa đây?
Chuẩn không cần chỉnh.
Lúc nào cũng có một vài anh lên mạng than giá cà phê xuống nông dân lỗ, bao giờ mới hết khổ.
Chẳng có nghiên cứu nào cho thấy giá thành cà phê là bao nhiêu và người trồng cà phê lãi bao nhiêu nhưng mà so với trồng lúa và hoa màu thì người trồng cà phê đang sướng chán.
Nhiều người còn ước gì được làm đầu cơ để thoát kiếp nông dân. Có ai cấm họ trở thành người đầu cơ đâu, bán hết cà phê đem tiền đó đầu cơ đi xem có kiếm được tiền của thiên hạ không mà cứ than với trách.
Đã là nông dân thì là nông dân chân chính, hãy quyết định khi nào bán sản phẩm của mình và chịu trách nhiệm về quyết định đó.
Các vị cứ vào Tây Nguyên làm cà phê thì biết, tới lúc đó hãy quyết định ở lại làm dân nghèo của Tây Nguyên nhé.
Nhận xét của bạn thật phiến diện. Biết bao nhiêu người ngoài việc trồng cà phê, họ phải làm thêm nhiều nghề khác để mưu sinh. Nếu mọi cái đều trông vô cà phê thì chết đói, nếu giá cứ như hiện nay.
Nếu 1 ha thu được 2 đến 3 tấn cà, bao nhiêu tiền phân? Tiền nước? tiền thuê nhân công hái, phơi, xay…. Đi sâu vô mới biết dân trồng cà phê cũng chả khấm khá gì.
Gọi là xây kho thì nghe to tát quá chứ thực ra là tường xây, cửa khóa cho chắc chắn để chứa 5-10 tấn cà phê nhà làm ra, có khi của rể con gửi nữa chứ kho lẫm gì hả các bác.
Tôi nghĩ bà con mình có nơi cất trữ cà phê cũng tốt, không còn lo viêc bị ép giá, thoải mái lựa chọn nơi để bán cà. Song bà con cũng nên cập nhật giá cả thường xuyên vì thị trường luôn luôn biến động từng phút để đưa ra quyết định chính xác và kịp thời. Một điểm nữa là theo tui biết thì cà không phải như lúa, nếu cà để từ vụ này sang vụ khác thì giá sẽ thấp hơn cà trong vụ bán ra.
Theo tôi tác giả cho nông dân có tâm lý “bầy đàn” là không chính xác. Thực tế, nông dân trồng cà phê ngày càng ý thức hơn về hiệu quả kinh tế trong sản xuất và, hơn thế nữa, là họ rút được bài học qua nhiều năm bán cà phê ngay đầu vụ làm không những già cà phê xuống thấp mà lợi nhuận họ nhận được cũng không cao. Năm 2011 vừa qua là một bài học về bán cà phê sớm, nếu đầu vụ giá là 38k/kg thì giữa năm lúc giá lên hơn 50k/kg thì mấy ai còn cà phê để bán?
Tuy nhiên, ở đây tôi muốn đề cập đến 1 vấn đề, bà con mình nên tính chi phí và lợi nhuận và đưa ra mức giá chốt lời cho mình, không nên lún sâu vào suy nghĩ là phải trữ lại khi nào đạt mốc 50k/kg như năm ngoái thì mới bán.
Chúc bà con mình được mùa được giá!
Lạy ông tôi ở bụi này!
Đọc bài này bà con nông dân mới thấy bộ mặt thật của các doanh nghiệp xuất khẩu.
Những năm trước nông dân ký gửi cà phê ở đại lý để rồi bán dần thì không thấy doanh nghiệp nào kêu ca. Năm nay người dân cũng bán dần nhưng không gửi đại lý thì bị kêu ca là dân đầu cơ.
Tại sao vậy? Vì:
– Thiếu vốn —> không có hàng trong kho —> Không có hàng trong kho thì ngân hàng nào dám cho vay —> Không dám bán trước mua sau —> Không có hàng xuất khẩu —> Lợi nhuận thấp —> Lo nguy cơ phá sản —> Đổ lỗi cho dân đầu cơ.
Tôi khẳng định rằng người nông dân không đầu cơ.
Sản phẩm họ làm ra năm nào cũng bán dần phục vụ chi tiêu trong năm. Chỉ một điều là năm nay ít gửi đại lý nên doanh nghiệp không làm mưa làm gió trên sức lao động của người dân được mà thôi.
Các doanh nghiệp đừng kêu ca hãy tự đứng dậy trong khó khăn hoặc tự rút lui để người dân đỡ khốn khó.
Doanh nghiệp tự rút lui? Bạn chặt bỏ một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất> lưu thông>chế biến>phân phối>tiêu thụ… có ảo tưởng không vậy? Bạn thử đề xuất biện pháp thay thế xem.
Doanh nghiệp “thiếu vốn” thôi, các doanh nghiệp mạnh thì không ở trong tập hợp này!
Tôi bỏ 1 phiếu tán thành ý kiến của Đàm hưng. Bà con nông cà không còn gửi như các năm trước đã làm cho các doanh nghiệp không thể mượn đầu heo nấu cháo được nữa.
Với ý kiến bạn Hoàng Mai cho rằng bạn ước sao được “nghèo” như dân Tây Nguyên, lại còn dẫn chứng “đa số nhà cao cửa rộng” là còn cảm tính lắm đó. Bạn không nghe thấy mọi người mới làm kho chứa cà từ đầu vụ thu hoạch này hay sao? Nghe người ta than khổ, nghèo mà mình dửng dưng còn chê trách vậy bạn là …gì vậy? Các vị còn Like theo là ai vậy, có phải các DN đó không? Đừng hùa theo hại người trồng cà chúng tôi nhé. Hãy khổ như chúng tôi khi tưới, canh giữ khi thu hoạch… các vị à.
Nông dân trồng cà phê khốn khổ vì giá cà thì rẻ, tiền thuê nhân công và phân bón quá cao. Cách đây 4 năm, lúc đó mọi thứ chi ra chỉ bằng phân nửa hiện nay, nhưng giá cà lúc đó khoảng xấp xỉ giá hiện nay (37k/kg), còn bữa nay giá cà cũng chỉ được 36.5k/kg. Thật nực cười.
Nói chung, nhà vườn và chăn nuôi đều khổ, chỉ có thương lái là giàu lên mà thôi.
Tôi rất đồng ý với các ý kiến phản hồi trên đây về việc tự mình phải cất giữ cà phê để tránh rủi ro khi gửi cà phê cho những nơi không “đàng hoàng”. Biết rằng làm như vậy cũng tốn chi phí cho các hộ sản xuất cà phê, và lãng phí nguồn lực nếu xét tổng thể cả xã hội, nhưng không có cách nào khác, mỗi hộ sản xuất cà phê hãy tự bảo vệ thành quả của mình. Tôi hy vọng rằng sự quản lý của Nhà nước (bàn tay hữu hình) trong tương lai gần sẽ cải thiện được tình hình này. Tự mình cất giữ cà phê là cần thiết, nhưng các hộ sản xuất cà phê thường xuyên cập nhật tình hình cung cầu để bán ra lượng cà phê hợp lý theo nhu cầu của mình, góp phần ổn định giá cà phê nội địa.
Hoan hô các ý kiến của bà con thật trúng cái bụng của Tiêucay@ . Bà con hãy cùng đồng lòng làm chủ cà phê, tiêu, điều… của mình làm ra. Cần tiêu đến đâu bán dần tới đó, tiền trao tráo múc. Quy luật cung không đủ cầu và khi bà con ta lại cầm chịch điều tiết lượng bán ra thì cha thằng tây cũng không thể làm mưa làm gió về giá được. Bài học ký gửi cà phê hàng chục năm qua bà con ta đã quá đau đớn rồi. Mong nhà nước có chính sách hỗ trợ bà con nông dân để xóa đói giảm nghèo, vươn lên có bát ăn bát để, mọi nhà trồng cà phê, tiêu, điều, lúa gạo… có điệu kiện tạm trữ hàng thì bà con ta cảm ơn Đảng và Chính phủ nhiều nhiều lắm.
Nhà đầu cơ, sao lại gọi nông dân như vậy, tôi nghe mà thấy tự ái quá. Người trồng cà phê phải đầu tư nào phân bón, thuốc sâu, nước tưới… vật tư bây giờ giá như thế nào, công thu hái phải thuê, còn thì người nông dân chịu nắng mưa vất vả lắm mới có đươc hột cà phê. Biết bao nhiêu người đã bị các đại lý xù họ rồi. Bây giờ phải cảnh giác không gửi cà phê cho đại lý nữa thì gọi là nhà đầu cơ. Tôi cũng đồng ý với Đàm hưng đó.
Nói chung là cape của mình thì mình để ở nhà hay gởi là chuyện của mình, ai thích nói gì thì nói có đầu cơ hay không thì cũng mình biết miễn là mình cảm thấy yên tâm là được. Nói chung là mình phải cầm đàng cán. Em thấy dân mình cả tin quá, khâu quản lý là quan trọng sao lại làm đổ mồ hôi công sức rồi đưa cho các Đại lý quản lý giùm, nhà lầu xe hơi họ chạy vỡ nợ mình chiu. Không phải Đại lý nào cũng thế nhưng mà tốt hơn hết là bà con mình nên tự quản lý để không còn tình trạng bị lừa nữa.
bạn Hùng cà thân mến!
Sao bạn nóng nảy vậy? Bạn không biết câu: “có cô thì chợ cũng đông, không cô thì chợ cũng đồng mọi phiên hay” sao? Chẵng lẽ ở Mỹ một ngân hàng sụp đổ rồi cả nước Mỹ Phá sản hay sao? Bạn không biết rằng trong quy luật tự nhiên CÓ ĐỒNG HÓA THÌ PHẢI CÓ DỊ HÓA HAY SAO? Nếu không có dị hóa thì hóa ra BỘI THỰC à?
Một cơ thể cần khám định kỳ, phát hiện sớm và chữa sớm mới mong khỏe mạnh được.
Một dây chuyền sản xuất lưu thông cũng vậy nếu phát hiện có trục trặc ở khâu nào đó thì phải “sửa chữa, thay thế” mới mong sản xuất lưu thông thông suốt được đúng không bạn?
Bạn để ý ở bài trên mình viết ” tự đứng dậy trong khó khăn” là cách sửa chữa còn ” tự rút lui” là cách nói nhẹ nhàng trong việc thay thế đấy. Để cứu sống cơ thể rất cần sự quyết đoán trong việc cắt bỏ ung nhọt.
chào bạn!
Tôi không khuyến khích và cũng không hô hào bà con găm hàng chờ giá. Nhưng với giá hiện nay thì tôi không thể bán ra được, đơn giản vì tôi không chấp nhận lỗ, thế thôi. Tôi chỉ bán nếu vì nhu cầu cần thiết hoặc tôi cảm thấy giá tạm thỏa mãn được. Tôi cũng không yêu cầu giá phải đột biến bất ngờ ngoài sự mong đợi. Rất mong bà con hiểu và chia sẻ cùng tôi.
Nhờ có diễn đàn Y5 và thông qua diễn đàn, bà con đưa ra nguyện vọng mức giá 40k và khẳng định không bán dưới mức giá này. Nhà kinh doanh không thể ép khi bà con ta đồng lòng, mặc dù họ tìm đủ mọi cách, bóng gió nào là bà con “xây đập ngăn nước” thì sẽ “tức nước vỡ bờ”…
Bà con sẽ thấy chỉ trong vài phiên nữa thôi nông dân ta làm được điều gì.
Đầu cơ cũng được! Các ngài ngồi trên đầu nông dân chúng tôi cơ mà.
Chúng tôi sẽ làm những gì mà chúng tôi cho là đúng đắn, được giá chúng tôi sẽ biết cân nhắc.
Các vị cứ hô hào đi, không ai cấm đâu mà…!
Không phải là “được voi đòi hai bà Trưng”, nhưng các bác nghĩ rằng 40k sẻ thỏa đáng so với sự leo thang “điên cuồng” của vật giá?