Giá cà phê trên thị trường có chiều hướng giảm (ngày 07/07/2009)

Những ngày qua, giá cà phê liên tục sụt giảm mạnh khiến cho nhiều DN và và người trồng cà phê gặp nhiều khó khăn. Được biết, giá cà phê hiện đang ở mức thấp nhất trong 3 năm qua.

Đầu năm 2008, giá cà phê thu mua tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk là 42.000đ/kg thì hiện nay, giá đã giảm xuống gần một nửa, chỉ còn 21.800đ/kg. So với đầu tháng 6/2009, giá cà phê đã giảm 4.000đ/kg.

Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), từ đầu năm 2009 đến nay, cả nước đã xuất khẩu 680 ngàn tấn cà phê nhân, giá bình quân 1.499 USD/tấn với tổng giá trị thu được là 1 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2008, sản lượng cà phê đã tăng 37% nhưng lại giảm 25% về giá và 0,4% về giá trị.

Giá cà phê trên thị trường có chiều hướng giảm

Lý giải về nguyên nhân khiến cho giá cà phê sụt giảm nhanh, ông Nguyễn Văn An – thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam cho biết nhiều ngày qua, giá cà phê thế giới liên tục giảm. Nguyên nhân chính khiến giá giảm vẫn là do suy thoái kinh tế kéo dài và khủng hoảng tài chính trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, một số nhà đầu cơ đã ngừng mua cà phê để đẩy giá xuống thấp nhằm lũng đoạn thị trường. Hơn nữa, nếu những tháng trước, giá cà phê thế giới ở mức cao là do thị trường thế giới lo ngại sương giá sẽ làm giảm sản lượng cà phê của Brazil. Tuy nhiên, hiện những bang lớn trồng cà phê tại Brazil như Panama, Sao Paolo, Minas Gerais đã hạn chế được ảnh hưởng của sương giá, làm tăng lượng cà phê cho thị trường thế giới.

Trước tình trạng giá cà phê liên tục đi xuống, nhiều DN Việt Nam đã phải chịu lỗ nặng do trước đó đã ký hợp đồng giao xa với các nhà nhập khẩu nước ngoài, chấp nhận mua hàng trong nước với giá cao, gom hàng chờ cơ hội chốt giá cao hơn trên thị trường London. Đến thời điểm phải thanh lý hợp đồng với các công ty nước ngoài thì DN Việt Nam lâm vào cảnh “dở khóc dở cười”, bán cũng lỗ mà không bán thì phải chuyển tháng hợp đồng. Chấp nhận chuyển tháng hợp đồng cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận một mức phí chuyển nhượng đắt đỏ (chuyển từ tháng 7 sang tháng 9 là 35 USD/tấn, chuyển sang tháng 11 sẽ là 50 USD/tấn). Do đó, nhiều DN Việt Nam đã phải thanh lý hợp đồng, chấp nhận thua lỗ.

Nguyên nhân thứ hai là do tính liên kết chưa cao của các DN cà phê Việt Nam. Ở Việt Nam có một nghịch lý là tổng công suất nhà máy chế biến cà phê hiện nay vượt quá sản lượng cà phê Việt Nam, song tỷ lệ xuất khẩu cà phê qua chế biến chưa vượt 30% sản lượng. Có nhà máy không có nguyên liệu để sản xuất, khi hết vụ nhà máy đắp chiếu. Trong khi đó, nhiều DN Việt Nam vẫn chấp nhận xuất khẩu cà phê thô với giá trị mang lại rất thấp do chất lượng không cao. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam giảm.

Với diễn biến phức tạp của giá cà phê, các chuyên gia khuyến cáo doanh nghiệp kinh doanh cà phê để tránh khả năng rủi ro trong kinh doanh 6 tháng cuối năm cần có sự phối hợp thông tin với nhau để nhận định và đánh giá sát tình hình thị trường nhằm có cách mua bán thích hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chú ý thoả thuận mức trừ lùi hợp lý để tránh bị ép giá, dẫn đến thua thiệt lớn. Với khả năng sẵn có, DN cũng nên chú ý đẩy mạnh chế biến sâu để tăng giá trị xuất khẩu. Ngoài ra, cũng cần giảm khâu trung gian trong xuất khẩu, cung cấp cà phê trực tiếp cho người tiêu dùng để giảm chi phí, tăng lợi nhuận.

Ngoài ra, Ban chấp hành Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cũng đã thảo luận, góp ý kiến, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra quyết định, đề ra giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả xuất khẩu cà phê trong thời gian tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nâng cao khả năng dự báo cũng như tính liên kết giữa các doanh nghiệp để có thể tự bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng