Trong khi những người Indonesia giàu có nhâm nhi cà phê trong không gian thoải mái của Starbuck thì ở bên ngoài, trên những đường phố đông nghẹt, nhộn nhịp của Jakarta, rất nhiều người nghèo chuyển sang uống “Starbikes” để phù hợp với nhu cầu của họ.
Trong mọi thành phố lớn, những người bán cà phê rong đẩy xe trên các đường phố hoặc tập hợp lại tại những nơi đông người, pha cà phê nhanh với những bình nước nóng buộc phía sau chỗ ngồi của những chiếc xe của họ.
Trong một đất nước nơi một cốc cà phê tại một chuỗi cửa hàng cà phê quốc tế như Starbucks có giá 3USD, tương đương với một ngày lương của phần lớn trong số 240 triệu người dân Indonesia, những người bán hàng rong đã cung cấp thứ đồ uống chỉ có giá bằng một phần mười và phục vụ cho một lượng khách hàng lớn hơn rất nhiều.
Bị coi là bán hàng không có giấy phép và thường phải chạy trốn cảnh sát, những người bán hàng rong là những nhà kinh doanh trên nấc thang thấp của nền kinh tế đang phát triển lớn nhất và nhanh nhất Đông Nam Á. Họ cố gắng đạp xe đưa mình ra khỏi sự đói nghèo bằng cách tham gia vào một mạng lưới kinh doanh không chính thức dành cho người nghèo.
Sambang, một nông dân 28 tuổi đến thành phố lớn một năm trước để tìm kiếm vận may, đã trả một lệ phí “khởi đầu” khoảng 150USD cho một trong rất nhiều đại lý độc lập để có được một chiếc xe đạp và một thùng hàng.
Ngay sau đó anh rong ruổi trên những đường phố của Jakarta với những gói cà phê trên tay lái xe, cung cấp loại “Kapal Api,” loại cà phê đen phố biến nhất đối với người Indonesia và cà phê cappuccino dành cho những người có khẩu vị tinh tế hơn.
Sambang, như rất nhiều người Indonesia chỉ sử dụng một cái tên, cũng đã trả 30USD một tháng để cung cấp nước nóng, các gói cà phê và cốc nhựa, có mức thu nhập trung bình 100USD một tháng.
Với mức này, anh nói, những người bán rong như anh thường mất khoảng 6 tháng để thanh toán các khoản vay từ đại lý, một vài đại lý thậm chí còn cung cấp cả những chỗ ở chật hẹp cho những người bán rong, những người phấn lớn đến từ các làng quê.
Những chuỗi cửa hàng quốc tế như Starbucks hay The Coffee Bean và Tea Leaf có nhiều trong những thành phố lớn hơn của Indonesia, tại Jakarta chúng thu mình trong những trung tâm mua sắm cùng Louis Vuitton, hay chuỗi cửa hàng Tiffany hay những cửa hàng bán đồng hồ đeo tay trị giá 15.000 USD.
Sambang, mặc một chiếc áo phông đã sờn và đi dép xỏ ngón như rất nhiều người bán rong khác, phục vụ cho những đối tượng khác.
“Người giàu đi đến Starbucks, người nghèo như tôi sẽ tới ‘Starbikes’,” tài xế taxi người Indonesia Junarsah hài hước, rồi nhảy khỏi chiếc taxi và chặn một người bán rong lại.
“Rẻ, nhanh và ngon. Tôi là một người hạnh phúc,” người đàn ông 44 tuổi mỉm cười, trả 30 xu cho một tách cà phê đường phố cùng hai điếu thuốc.
Những người bán hàng rong không thể cung cấp các thứ đồ uống pha trộn cũng như món tráng miệng phong phú như tại các chuỗi cà phê hạng sang, nhưng bù lại, trong một đất nước mà Tổ chức y tế thế giới nói rằng tỷ lệ hút thuốc đã tăng 6 lần tròng 40 năm qua, những người bán hàng rong đã kết hợp cà phê và thuốc lá.
“Cà phê mà không có thuốc là thì còn có thể là gì? Chúng là một cặp vợ chồng mà bạn không thể chia lìa,” Supriyanto, một người bán hàng rong 36 tuổi cho biết.
“Bạn có thể bán thuốc lá mà không có cà phê, nhưng đó không phải là cách đúng, tin tôi đi,” anh khuyên.
Nhưng với hàng trăm người bán hàng rong trên đường phố, sự canh tranh là rất gay gắt và để luôn dẫn đầu bạn cần làm bất cứ điều gì có thể để bán được nhiều hàng hơn.
“Tôi cho số di động cho những khách hàng thường xuyên để họ có thể gọi tôi bất cứ lúc nào,” Sambang nói, nháy chiếc điện thoại Nokia mẫu mới nhất của mình. “Tôi cũng cung cấp miễn phí tới văn phòng của họ. Bất cứ điều gì đế bán được nhiều hơn.”
Hầu hết khách hàng của anh là những nhân viên cấp thấp, sinh viên, lái xe taxi và những công nhân vệ sinh, bảo vệ và phục vụ tầng lớp trung lưu của Indonesia và những người siêu giàu mà tài sản đến từ dầu cọ, gỗ hay những lĩnh vực sinh lời khác.
Mặc dù cạnh tranh nhau, những người bán hàng rong vẫn thân thiện với nhau và có những điểm gặp gỡ chung xung quanh thành phố, nơi họ giải lao, hút thuốc và ăn cùng nhau, cảnh báo những người khác về sự xuất hiện của cảnh sát.
Trước khi xe đạp xuất hiện 2 năm về trước, những người đi bộ bán hàng rong làm việc tại vùng Java, đảo lớn nhất của Indonesia, hòn đảo với loại cà phê có biệt danh cà phê Java sau khi sự pha chế kiểu Java trở nên phổ biến trên toàn cầu trong thế kỷ 19.
Những người đạp xe bán dạo cố gắng không giành việc với những người đi bộ bán dạo bằng cách không đỗ xe gần họ.
Merlyn Suciati, người quản lý của một trong những cừa hàng Starbuck ở Jakarta, nói rằng công ty đang cung cấp “sự đa dạng và thoải mái tới khách hàng, những người có thể trò chuyện cùng với tách cà phê tại cửa hàng của chúng tôi. Một việc có vẻ sẽ không thoải mái nếu phải thực hiện ở ngoài trời.”
Nhưng hầu hết những người Indonesia, trong đất nước hồi giáo lớn nhất thế giới này, chỉ có thể thưởng thức một cốc cà phê machiatto bằng trí tưởng tượng.
“Tất nhiên tôi thích có những ly cà phê đẹp đẽ, đắt tiền tại một trung tâm thương mại, nhưng giá của một cốc cà phê đủ giúp tôi sống trong một tuần liền,” Haryono, người lái “ojek,” hay còn gọi là xe ôm, kêu lên.