TS. Trần Thị Thúy Hoa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cho rằng, thị trường cao su thế giới năm nay sẽ chững lại, nên doanh nghiệp xuất khẩu cao su cần thận trọng để cân đối đầu ra – đầu vào.
Bà đánh giá thế nào về kết quả hoạt động của ngành cao su năm 2011?
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, cũng như Tổng cục Thống kê, năm 2011, ngành cao su đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD, tăng 30 – 35% so với năm 2010.
Bài học kinh nghiệm nào đã giúp ngành cao su có được sự tăng trưởng đó trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế, thưa bà?
Chúng tôi đã thực hiện một loạt giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó. Thứ nhất, Hiệp hội Cao su Việt Nam và các doanh nghiệp ngành cao su đã hợp tác chặt chẽ với hiệp hội doanh nghiệp các nước sản xuất cao su lớn, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia. Ba nước này hiện chiếm 75 – 80% thị phần (Việt Nam chiếm khoảng 10%). Nếu cả 4 nước có sự đồng thuận về một số giải pháp, như ngăn chặn không cho giá giảm sâu, hoặc không đóng phí THC (phí thu hộ trả hộ do đại lý của các hãng vận tải thu của người nhận hàng tại cửa khẩu đến) cho hàng xuất khẩu…, thì sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết được nhiều khó khăn.
Vấn đề thứ hai là thông qua Hiệp hội, ngành cao su nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các cơ quan chức năng. Chẳng hạn, chúng tôi đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn những giải pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi pha trộn tạp chất làm ảnh hưởng đến chất lượng mủ cao su; đề xuất Bộ Công thương và Ban quản lý cảng có những giải pháp ngăn chặn nạn rút ruột container…
Bà dự đoán thế nào về tình hình xuất khẩu cao su trong năm nay?
Năm 2012, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo rằng, tình hình kinh tế thế giới nói chung sẽ còn khó khăn do cuộc khủng hoảng nợ châu Âu kéo dài, tốc độ tăng trưởng của những nước lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ… đều chậm, do đó, ngành cao su khó có thể tăng trưởng cao hơn.
Chúng tôi dự đoán, nhu cầu tiêu thụ cao su sẽ chậm lại, giá cũng không tăng cao. Do đó, các doanh nghiệp cần thận trọng trong các giải pháp, cố gắng giảm giá thành và cân đối cung – cầu để tránh tình trạng giá cao su xuất khẩu giảm sâu.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước sản xuất cao su lớn (Thái Lan, Malaysia, Indonesia) nhằm giữ giá cao su xuất khẩu không xuống quá thấp để đảm bảo lợi nhuận cho cả doanh nghiệp lẫn người trồng cao su