Đời sống người dân xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng ngày một sung túc hơn nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là cà phê. Đổi đời nhờ các loại cà phê vối Robusta, cà phê chè Catimor- Arabica nhưng dân nơi đây không quên cây cà phê chủng Moka, loại cây gắn với một quá khứ nghèo nàn.
Từ thành phố Đà Lạt, đi hơn 10 km là tới thị trấn Lạc Dương (huyện cùng tên) dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ. Với độ cao 1950m so với mực nước biển, ngọn đồi Đankia là điểm du lịch khá hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước.
Trước đây, cây cà phê Moka hiện diện khắp Lạc Dương. Không chỉ trong vườn, trên rẫy, người ta dễ dàng trông thấy chúng ngay ở quanh nhà. Ấy vậy mà tìm cây cà phê Moka ở Lạc Dương giờ có thể nói khó như tìm vàng trong cát vì người dân đã chặt bỏ cây này thế vào là cà phê vối, cà phê chè.
Lần mò mãi, chúng tôi gặp được bà già làng Sơn Cước, 74 tuổi, người dân tộc Cơ Ho sống ngay chân núi Lang Biang. Tay bắt mặt mừng nhưng già làng tỏ vẻ hoài nghi vì sao chúng tôi lại hỏi về cà phê Moka mà không phải là chuyện khác. Khi nghe tôi nói là nhà khoa học nghiên cứu về rau quả thì không khí buổi trò chuyện trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Bà giải thích: vợ chồng tôi lấy tên là Sơn Cước, thật ra để cho dễ gọi, đồng thời để chỉ địa danh: Sơn là núi, Cước là chân. Tên dân tộc khó gọi và hay bị người Kinh gọi nhầm.
Về cà phê Moka, già làng cho biết, trước đây loại cây này được trồng phổ biến ở Lạc Dương. Sau giải phóng, điều kiện sản xuất ngày một đầy đủ hơn, có điện, có máy bơm nước,…cà phê Moka bị “loại” dần, thay vào là các loại cà phê vối, cà phê chè với năng suất cao hơn.
Già làng Sơn Cước là dân trồng Moka lâu năm, am hiểu quá trình sinh trưởng phát triến của cây khá sâu sắc. Bà ôn tồn trải lòng: Thời trồng Moka, bà con khổ cực lắm anh ạ. Mặc dù chất lượng Moka cực cao, hạt to, nhiều dầu, hương vị đặc biệt,… nhưng năng suất lại thấp hơn rất nhiều so với cà phê khác. Đã thế, việc thu hoạch cà phê Moka lại rất khó khăn. Vốn được gieo từ hạt, qua năm tháng, cây lên cao vút, do vậy phải dùng thang để trèo hái như cây tiêu. Đổi lại Moka rất ít khi bị mất mùa vì tính chống chịu tốt. Đặc biệt là khả năng chịu hạn của cây rất cao do có bộ rễ băm sâu hút được nước mạch ngầm. Qua thực tiễn lâu năm, Moka thích hợp ở độ cao 1.500m- 2.000m, vùng khác khó mà trồng được. Nhiều người cứ tưởng cà phê mít là Moka, điều này không phải là lạ, vì thực tế, chỉ có người trồng mới có thể nhận biết chính xác.
Anh KLai bên cây cà phê chủng Moka trong rẫy nhà mình.
Qua tìm hiểu tôi được biết, ở huyện Lạc Dương vẫn còn hai xã Lát và Đạ Sa trồng cà phê Moka. Già làng Sơn Cước tận tình chỉ đường cho chúng tôi đến xã Lát gặp anh KLai để mục sở thị Moka. KLai năm nay 27 tuổi, người dân tộc Cơ Ho Chil ở thôn Bonnor B. Khi chúng tôi đến, KLai đang tất bật bóc vỏ, phơi cà phê hạt. Sau vụ trúng mùa, trúng giá, đời sống phát đạt hơn, vợ chồng anh đã xây được ngôi nhà vững chắc có xe máy, tivi,…
Vườn cà phê nhà KLai xanh mướt mát. Trên cao nhìn xuống, chỉ thấy sườn đồi là một mặt phẳng xanh mượt. Vậy Moka đứng ở đâu? Nó cao lắm cơ mà? Chả lẽ già Sơn Cước nhầm?
Đưa tôi chui luồn dưới tán cà phê rậm rạp một hồi, KLai chỉ vào gốc cây cà phê Moka: Người Cơ Ho Chil chúng tôi quý nó lắm chứ, dù thời nó “thịnh” thì chúng tôi nghèo nàn. Tại sao lại nghèo, chắc bà Sơn Cước đã nói cho anh biết rồi…
Như một nhà kỹ thuật thực thụ, KLai giảng giải: Nếu cứ để tự nhiên, Moka vươn lên cao vút, cắm cờ đỏ lên ngọn cây, tít tận từ xa cũng có thể nhìn thấy. Người Co Ho Chil chúng tôi mày mò tìm cách cắt ngọn để nó chỉ cao bằng các loại cà phê khác để thuận tiện chăm sóc và thu hái. Nhiều cây Moka đã bị chết do cắt ngọn không đúng cách. Tuy chất lượng cao nhưng năng suất thấp, phần lớn các hộ dân chỉ lưu lại vài cây trong vườn, vừa lưu giữ kỷ niệm một thời, vừa như một giải pháp phòng khi mai mốt thị trường mà cần thì có giống mà phát triển.
Việc lưu lại những cây cà phê chủng Moka của người Cơ Ho ở Lạc Dương chỉ là tự phát nhưng hành động này đã thể hiện tầm nhìn xa của đồng bào. Họ đã và đang làm một việc rất hữu ích: bảo tồn sống cây cà phê chè chủng Moka- bảo tồn quỹ gen, bảo tồn một nguồn gen rất quý. Tin rằng sau này, khi kinh tế khá hẳn lên, khi nhu cầu thị trường ngày một cao và khắt khe hơn, diện tích cho Moka sẽ được mở rộng.
Sao cà phê lúc tăng lúc giảm vậy bà con chúng ta cật lực ra làm mà giá chẳng đc bao nhiêu thử hỏi nhiều hộ nông dân trông vào cà phê để thu nhập thì giá 37 rồi lại 38 và ngược lại thì lấy gì mà ăn. Vật giá thì tăng cái gì cũng tăng chi phí cũng tăng như công hái, bón phân, nhân công đều ngày 1 tăng giá cà phê ngày 1 giảm vậy có công bằng không ? Chúng ta bỏ ra mồ hôi thì chúng ta phải nhận lại đúng kết quả mà chúng ta đã bỏ ra phải ko bà con ? NHƯNG GIÁ CÀ PHÊ HẾT GIẢM RỒI LẠI GIẢM KO BÌNH ỔN ĐC GIÁ THÌ SAO BÀ CON CHÚNG TA YÊN TÂM MÀ SẢN XUẤT ĐÂY ! Tôi hết sức bức xúc cái gì cũng tăng mà giá cà phê lại giảm thì kinh tế làm sao mà phát triển được !Các nhà chức trách … giải pháp của mấy ông đâu
Chào bác Huỳnh Thanh Hiếu,
Hiện nay Việt Nam ta đang theo cơ chế thị trường, vì vậy nên giá cả là do thị trường quyết định, có nghĩa là do cung, cầu quyết định. Tất nhiên là trên thực tế thì cung, cầu có thể bị lũng đoạn hoặc sai lệch so với cái tinh thần ban đầu để làm lợi cho một số ít cá nhân nào đó.
Bỏ qua các mặt tiêu cực, nhìn vào cái cơ bản của kinh tế thị trường, cụ thể ở đây là thị trường cà phê, ta có thể phân tích về cung cầu cà phê.
Cầu cà phê: nguồn cầu lớn nhất trên thế giới là thị trường Mỹ và châu Âu. Giá cà phê cũng được quyết định ở trên các sàn giao dịch cà phê lớn (Việt Nam mình không chi phối được cầu.)
Cung cà phê: Việt Nam mình trồng chủ yếu là Robusta (cà phê vối, sẻ), mặc dù sản lượng đứng thứ 2 trên thế giới, nhưng Robusta không được ưa chuộng bằng Arabica (cà phê chè) và thường dùng để trộn với Arabica. Đó là chưa nói tới các vấn đề về chất lượng, cách chúng ta mua bán,… dẫn đến việc chúng ta có ít quyền lực trong việc chi phối giá.
Ngoài ra, nếu nói tới cung thì cũng phải xét tới cái vấn đề “quy hoạch”, cách canh tác của nông dân. Vấn đề quy hoạch vẫn rất yếu kém. Nông dân mình thấy trồng cà phê bán được giá cao thì ùa nhau chặt cây, chặt rừng mà trồng. Tới khi trồng nhiều quá, cung nhiều mà cầu vẫn thế thì giá lại thấp xuống. Thế là “kêu trời” và ùa nhau chặt cây cà phê đi. Chặt cây cà phê đi thì cung giảm, giá lại lên cao. (Đây chỉ là một góc nhìn về cung cầu và nó có mâu thuẫn của nó ở chỗ, nguồn cung tăng thêm, giảm đi không nhiều thì không ảnh hưởng nhiều đến giá. Tuy nhiên, nếu nguồn cung tăng lên nhiều, nhưng chất lượng lại không đồng đều, mặt bằng chung là giảm đi do mặt bằng trình độ canh tác thấp thì giá tất yếu phải giảm).
Đi cụ thể hơn về người nông dân. Trước thực trạng giá cà phê thay đổi lên xuống, mà người nông dân thì hoàn toàn phụ thuộc vào một loại cây cà phê nên ảnh hưởng đến vấn đề sinh nhai. Nghe có vẻ cũng giống như một nhà đầu tư dồn hết tiền đầu tư vào một loại cổ phiếu. Vậy giải pháp ở đây là tại sao người nông dân không “đa dạng hóa danh mục đầu tư”, hay nói dễ hiểu hơn là trồng xen canh các loại cây khác, đặc biệt là các cây ăn trái, vừa tạo bóng mát, vừa có thêm thu nhập, giảm thiểu rủi ro khi giá cà phê lên xuống.
Ngoài ra, đối với những nông dân muốn “trung thành” với cây cà phê thì có thể áp dụng các kỹ thuật trồng “bền vững” để giảm chi phí về lâu về dài. Việc ủ phân vi sinh từ vỏ cà phê, thay thế một phần và tiến tới không sử dụng phân hóa học là một giải pháp cực kỳ hiệu quả, đặc biệt trong tình trạng giá phân hóa học đang tăng cao, phân giả tràn lan và đất ngày càng thoái hóa.
Không biết lời lẽ ở trên có khó hiểu hay có gì chưa đúng, mong các cô bác anh chị nhận xét, góp ý.
Thân chúc các cô bác nông dân luôn khỏe mạnh và hạnh phúc.
Địa chỉ mà bạn nói đến trong bài viết cụ thể ở đâu không? Thông tin giùm mình nhé
Mình rất muốn đến đó 1 lần để biết cụ thể về loại cà mà bà con đang trồng.
Phản hồi sớm nhé…