Chỉ vì cả tin, bắt buộc phải làm theo lệnh Phó Chủ tịch UBND xã về vấn đề hợp đồng phân bón bán cho người dân, 4 trưởng thôn và một ông Chi hội nông dân ở xã Cuôr Knia – Buôn Đôn – Đăk Lăk, không ngờ rằng đã có một âm mưu đằng sau giáng xuống đầu mình với “món nợ” hàng trăm triệu đồng.
5 cán bộ thôn này vẫn chưa hết bàng hoàng vì phải ôm số nợ hàng trăm triệu đồng.
Hiện nay, những trưởng thôn này có người còn làm có người không, nhưng tất cả có một điểm chung là đang nợ cựu PCT xã hàng trăm triệu đồng, giờ đây không biết lấy tiền đâu mà trả, sự việc lên tới đỉnh điểm khi mới đây TAND huyện Buôn Đôn tuyên án cho nguyên đơn thắng kiện, đẩy các trưởng thôn này vào thế tán gia bại sản, có người đã có ý định tự tử vì mắc phải hàm oan khi số nợ rất lớn trong lúc gia tài chỉ được một phần rất nhỏ.
Thực hiện theo sự chỉ đạo
Cách đây 4 năm, với tư cách là phó chủ tịch UBND xã Cuôr Knia – Buôn Đôn, ông Lê Quang Tâm đã kí một văn bản chỉ đạo cho cán bộ các thôn trong địa bàn thực hiện việc tín chấp để mua phân bón NPK trả chậm cho dân.
Trong văn bản chỉ đạo thể hiện rõ phương thức thanh toán được các bên liên quan thống nhất là: người dân chỉ trả tiền trước 50%, số còn lại sẽ thanh toán hết vào cuối năm.
Sau đó, ông Tâm còn làm sẵn mẫu đăng ký nhu cầu mua phân bón NPK rồi chỉ đạo các cán bộ thôn tổ chức họp dân phổ biến chủ trương trên đồng thời cho các hộ dân đăng ký nhu cầu mua phân với cán bộ thôn.
Thực hiện sự chỉ đạo đó 5 cán bộ thôn gồm: ông Phạm Văn Trần – trưởng thôn 6, ông Cao Quang Nam – chi hội trưởng hội nông dân thôn 6, ông Cao Minh Hà – trưởng thôn 4, và ông Lưu Thanh Giáp (trưởng thôn 1) đã hợp đồng với chính ông Lê Quang Tâm – phó chủ tịch UBND xã để nhận phân NPK của Công ty Việt Mỹ – Bình Dương và Công ty Phú Mỹ – Đồng Nai. Nhưng khi ký hợp đồng cung ứng phân cho 5 cán bộ thôn ông Tâm chỉ nhân danh cá nhân chứ không phải nhân danh người đại diện cho UBND xã.(?)
Lô phân NPK này được người dân cho biết đó là phân giả, hòa nước không tan.
Với hình thức trên, trong thời điểm từ tháng 7 /2007 đến tháng 5 năm 2008, ông Tâm đã cung cấp hàng trăm tấn phân NPK, không chỉ cho các thôn của xã Cuôr Knia mà còn cho cả xã kế bên – là xã Ea Bar (Buôn Đôn).
Tuy nhiên, trong số lô hàng đầu năm 2008, người dân xã Cuôr Knia và Ea Bar nghi ngờ phân kém chất lượng nên lấy mẫu phân đến Viện Khoa học – Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây nguyên để giám định. Kết quả cho thấy hàm lượng các chất dinh dưỡng chỉ đạt từ 35 đến 50% – so với các chỉ số ghi trên bao bì. Rất nhiềut người dân đã phản ánh vấn đề này cho UBND xã Cuôr Knia và xã Ea Bar.
Sau đó, tháng 7/2008, phía Công ty Phú Mỹ – Đồng Nai đã về xã Ea Bar cam kết không thu số tiền 50% còn lại mà người nông dân mua phân còn nợ, đồng thời thu gom số phân bà con nông dân đã mua mà chưa sử dụng hết.
Sau khi nghe thông tin trên, nhiều người dân tại xã Cuôr Knia cho rằng số phân mà mình nhận về cũng là phân kém chất lượng vì cũng do ông Lê Quang Tâm đưa về xã, lại cùng một thời điểm, nên không thanh toán 50% số tiền còn lại.
Tháng 8 năm 2008, vấn đề này cũng được cử tri phản ánh với đại biểu HĐND 3 cấp, trong tiếp xúc cử tri. Tháng 10 năm 2008, Công an huyện Buôn Đôn đã về xã Cuôr Knia lấy mẫu phân để mang đi giám định.
Phán quyết “kỳ lạ” của tòa và món nợ khổng lồ
Sự việc đã gần 3 năm trôi qua, ông Lê Quang Tâm không hề đề cập đến chuyện số tiền phân còn lại ở xã Cuôr Knia (trên 800 triệu) nên ai cũng nghĩ rằng sự việc đến đó đã khép lại.
Nhưng các cán bộ thôn cũng như người dân hết sức bất ngờ khi đầu năm 2011, ông Lê Quang Tâm đâm đơn khởi kiện các trưởng thôn ra toà (được biết tháng 6/2008 ông Tâm bị bãi nhiệm chức Phó Chủ tịch UBND xã do vi phạm kỷ luật). Nội dung đơn ông Tâm kiện là đòi lại số tiền phân còn lại mà các cán bộ thôn đã ký hợp đồng với ông Tâm trong đầu năm 2008 cộng với lãi suất 1,5% tháng, tổng số tiền nợ lên tới trên 1 tỷ đồng.
Sau 3 lần hoà giải không thành, ngày 12/5/2011, Toà án nhân dân huyện Buôn Đôn quyết định đưa vụ án ra xét xử vào 28/5/2011. Tuy nhiên, theo yêu cầu của từ bị đơn và một lần yêu cầu của nguyên đơn vụ án trên đã 2 lần bị tạm hoãn.
Ý kiến của người dân (bên dưới), không trả tiền vì phân này là phân giả, bón phân vào bị ảnh hưởng rất nhiều tới cây trồng.
Tháng 6/2011, trong đơn gửi cơ quan chức năng, các cán bộ thôn cho rằng: Họ hợp đồng nhận phân từ ông Lê Quang Tâm để cung ứng lại cho dân là thực hiện theo sự chỉ đạo bằng văn bản của UBND xã – như vậy không thể xem đây là hợp đồng dân sự đơn thuần được. Đồng thời các cán bộ thôn đề nghị cơ quan chức năng làm rõ 4 nội dung sau:
1. Ông Tâm nhân danh UBND xã ký các văn bản chỉ đạo để hợp đồng bán phân trả chậm, sau đó lại dùng tư cách cá nhân đứng ra hợp đồng với các trưởng thôn để cung cấp phân có phải là lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi hay không?
2. Việc năm 2008 khi nhân dân cũng như báo chí phản ảnh phân kém chất lượng, mà phân này nguồn gốc do ông Tâm đưa về, nhưng ông Tâm đã không yêu cầu Công ty về làm rõ chất lượng phân – có phải là ông Tâm thiếu trách nhiệm không?
3. Ông Tâm không đăng ký kinh doanh thì có được đứng ra ký hợp đồng cung ứng với một số lượng lớn phân lớn như vậy không?
4. Năm 2008, sau khi nhiều lần chúng tôi phản ánh tình trạng phân kém chất lượng tại các buổi tiếp xúc cử tri với đại biểu hội đồng nhân dân 3 cấp (có ghi trong biên bản ngày 23/7/2008), lãnh đạo UBND huyện Buôn Đôn đã chỉ đạo chính quyền xã Cuôr Knia phải làm rõ và báo cáo cho UBND huyện, nhưng sau đó chúng tôi không nhận được sự hồi âm, hay kết quả giám định nào?
Trong quá trình về xã tìm hiểu sự việc, ông Nguyễn Văn Bất, Chủ tịch UBND xã Cuôr Knia có ý kiến: Việc ông Lê Quang Tâm lúc đó còn làm Phó Chủ tịch UBND xã đã nhân danh UBND xã ký các văn bản chỉ đạo cho cán bộ các thôn thực hiện việc tín chấp để mua phân bón trả chậm cho dân, sau đó lại dùng tư cách cá nhân đứng ra hợp đồng với các trưởng thôn để cung ứng phân là tùy tiện trong việc sử dụng dấu nhà nước, UBND xã đang tiến hành làm rõ vấn đề này.
Trong khi đó, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Lê Quang Tâm nhất mực khẳng định: “số phân mà ông đã hợp đồng cung cấp cho các cán bộ thôn là phân thật. Hợp đồng đã hết hạn từ lâu nhưng các cán bộ thôn chưa hoàn lại số tiền cho ông, nên ông phải đâm đơn khởi kiện để đòi quyền lợi.”
Ngày 8/12/2011, tại phiên xét xử sơ thẩm, Toàn án nhân dân huyện Buôn Đôn quyết định: chấp nhận đơn kiện của ông Lê Quang Tâm và 5 cán bộ thôn là bị đơn trong vụ kiện này bị tòa buộc phải thanh toán cho ông Lê Quang Tâm trên 1,3 tỷ đồng tiền do vi phạm hợp đồng mua bán và lãi 1,5% tháng.
Ai lấy phân, hay trả tiền đều phải qua ông Tâm ký tên và đóng dấu.
Trong quá trình xét xử các bị đơn cung cấp cho Tòa văn bản xác nhận kết quả phân tích hàm lượng các chất hóa học của phòng Phân tích Nông hóa – Viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây nguyên, đối với mẫu phân mà cán bộ thôn lấy của 2 công ty phân nói trên, nhưng Tòa không chấp nhận – vì tòa cho rằng: không phải là kết luận giám định tin cậy của cơ quan chuyên môn.
Ngay kết quả giám định số 2300 ngày 30/10/2009 của Viện khoa học hình sự, Bộ công an (do công an huyện Buôn Đôn lấy mẫu tháng 10 năm 2008 gửi đi giám định) được chuyển đến Tòa cũng không được Tòa chấp nhận, với một lý do khác là: Tuy mẫu phân được thu thập hợp lệ, nhưng đã quá hạn sử dụng (?). 5 cán bộ thôn này chỉ biết ôm đầu kêu trời và không thể biết là còn cách nào để phải chứng minh chất lượng phân.
Theo như phản ánh của các bị đơn trong quá trình xét xử, TAND huyện Buôn Đôn hoàn toàn nghiêng về phía ông Tâm, bác hết các chứng cứ của các bị đơn, ép họ 100% phải trả tiền cho ông Tâm.
phòng Phân tích Nông hóa – Viện khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây nguyên mà không đáng tin cậy nữa thì không biết tin vào đâu. Bây giờ muốn phân tích lại mẫu phân thì lấy đâu mà phân tích nữa. Đọc bài báo này tôi thấy đáng trách nhất là TAND huyện Buôn Đôn, họ toàn là con người nhưng đưa ra phán quyết không giống của con người.
Có gì đâu mà phải ôm đầu kêu trời. 5 cb thôn lại đưa đơn kiện những người dân mua phân chưa trả tiền, như vậy là TAND huyện sẽ có cả tá việc để làm và họ khó mà giải quyết được cái mớ bòng bong này, thế là TAND tỉnh giải quyết, mà họ cũng như huyện thì TAND tối cao, tôi tin sẽ có chứng cứ được chấp nhận, cả những kết quả phân tích phân NPK kia nữa…
BỨC QUÁ ĐI
Từ những phân tích trên cho thấy Ông Lê Quang Tâm rõ ràng là người đã lợi dụng chức vị quyền hạn của mình để làm ăn bất chính. thế mà TAND huyện Buôn Đôn lại xử không hợp tình hợp lý.
việc thẩm định lại phân NPK kém chất lượng thì không đề cập tới nhưng trong hợp đồng này Ông Lê Quang Tâm chỉ là người đứng giữa bên mua và bên bán phân NPK thôi.Hai công ty bán phân đã không yêu cầu thu hồi hết tiền nợ và còn mua lại số phân kém chất lượng chưa sử dụng nữa thì …Hành vi đâm đơn kiện của Ông Tâm này thật là … quá quá đáng!
đặt địa vị cha mẹ ông Tâm là người trưởng thôn thì “xin ông Tâm cho phát biểu cảm nghĩ” của mình!
Kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết ổn thỏa vấn đề này để làm gương cho các cán bộ sau này.
Những chuyện rắc rối như vậy, nông dân cũng là người bị hại, 5 cán bộ thôn cũng bị hại, và cuối cùng “người bị hại là ông Tâm” cũng kêu tòa, thôi thì không biết tòa sẽ xử thế nào nữa.