Sẽ siết giao dịch với các sàn hàng hóa nước ngoài

Bộ Công Thương dự kiến sẽ siết chặt hoạt động giao dịch hàng hoá ra nước ngoài bằng nhiều quy định, trong đó có việc yêu cầu thực hiện chế độ báo cáo về các giao dịch, sử dụng các công cụ phái sinh để đảm bảo quyền lợi cho người giao dịch, theo nguồn tin từ Vụ Pháp chế thuộc bộ.

Ông Phạm Đình Thưởng, Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Công Thương, cho biết đang phối hợp với Vụ Xuất Nhập khẩu để soạn thảo quy định quản lý hoạt động giao dịch với các sàn hàng hoá nước ngoài, dự kiến sẽ được ban hành trong năm tới.

[ Ưu nhược điểm và rủi ro khi giao dịch hàng hóa phái sinh ]

Cà phê robusta
Cà phê Robusta là một trong những mặt hàng được giao dịch phái sinh trên thị trường hàng hoá.

Theo ông Đào Trung Kiên, Giảng viên khoa Ngân hàng của trường Đại học Kinh tế TPHCM, các sở giao dịch, trung tâm giao dịch nội địa hiện chưa được cho phép mở tài khoản ký quỹ ở các sàn hàng hóa nước ngoài mà chỉ có một số ngân hàng nhất định như Techcombank, BIDV, một công ty con của Vietcombank. Các ngân hàng này đóng vai trò vừa là nhà môi giới trung gian giữa các doanh nghiệp trong nước với các sàn hàng hóa nước ngoài, vừa là nhà thanh toán bù trừ cho nhà đầu tư nội địa.

Hoạt động giao dịch ra nước ngoài đang bị giới hạn bởi quy định về quản lý ngoại hối bởi Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, tính đến thời điểm này chỉ có khoảng 7 – 8 ngân hàng được cấp phép thực hiện các giao dịch nói trên”, ông nói.

Tuy nhiên, ngoài quy định của ngành ngân hàng nói chung thì đến nay vẫn chưa có hệ thống quản lý hoạt động giao dịch hàng hoá của các ngân hàng. “Do thiếu văn bản pháp lý, nên giao dịch hàng hóa ra nước ngoài hiện nay có thể gọi là khá thoải mái. Trong khi giá trị giao dịch loại này, theo tôi, là rất lớn”, ông Thưởng nói.

Hiện bản dự thảo do Vụ Pháp chế soạn thảo còn trong giai đoạn lấy ý kiến. Đồng thời, nhiều đề xuất còn chưa hợp lý, cần phải thay đổi, nhưng theo ông Thưởng qui định này sẽ được ban hành sớm, nhằm tạo hành lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của nhà giao dịch, thông qua việc yêu cầu các ngân hàng hoặc các đơn vị phải cung cấp cho nhà giao dịch các công cụ phái sinh, bảo hiểm rủi ro như hedging, quyền chọn.

Bên cạnh đó là yêu cầu các ngân hàng hoặc các đơn vị được cấp phép phải có chế độ báo cáo giao dịch hàng quí hoặc mỗi năm để cơ quan quản lý có thể nắm bắt tình hình hoạt động để có những can thiệp kịp thời. Tạo tính thanh khoản mạnh hơn cho thị trường giao dịch hàng hoá ở Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Đào Trung Kiên cho rằng, hệ thống sàn giao dịch, ngân hàng môi giới, công ty môi giới của Việt Nam phải kết nối với hệ thống tương tự trên thế giới để có thể thực hiện được những điều kiện trên.

“ Điều này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng chứ bản thân các đơn vị không thể thực hiện được điều này”, ông nói.

Hiện nay, các sở giao dịch và trung tâm giao dịch hàng hóa nội địa nói chung đang gặp rất nhiều khó khăn khi nguồn thu của họ chủ yếu đến từ hoạt động môi giới thì đang chịu cảnh thanh khoản thấp, ít người mua kẻ bán. Bên cạnh các sở, trung tâm giao dịch hàng hóa này thì có không ít công ty môi giới, thậm chí cả công ty chứng khoán liên kết với ngân hàng cung cấp dịch vụ môi giới cho nhà đầu tư, đầu cơ trong nước tham gia giao dịch hàng hóa phái sinh trên các sàn giao dịch kỳ hạn khắp thế giới với đủ chủng loại hàng hóa, cao su, cà phê, trong đó nổi lên mạnh nhất giao dịch cà phê trên 2 sàn nổi tiếng là Liffe ở Anh và Nybot của Mỹ.

Mới đây, Công ty cổ phần giao dịch hàng hoá CFE đã ký hợp tác với một số công ty chứng khoán, xuất nhập khẩu, trung tâm giao dịch cà phê để cung cấp dịch vụ môi giới giao dịch, nghiên cứu thị trường hàng hoá trong nước và giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài. Không có đại diện của các ngân hàng trong buổi ký kết, nhưng theo ông Trần Lương Thanh Tùng, Giám đốc điều hành CFE thì hoạt động môi giới và giao dịch ra nước ngoài không thể vắng bóng các ngân hàng.

>> Thị trường hàng hóa phái sinh là gì?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng