“Bão” vỡ nợ cà phê lan rộng

Các vụ vỡ nợ của doanh nghiệp, đại lý nhận ký gửi cà phê ở Đăk Lăk diễn ra liên tiếp, dồn dập đang khiến hàng nghìn nông dân lao đao. Hàng nghìn tấn cà phê của họ gửi cho đại lý đi đâu, về đâu thì không ai biết.

Các nạn nhân trình bày việc bị chủ đại lý Nga Sơn (xã Cư Đliê Mnông, huyện Cư Mgar ) chiếm đoạt hàng trăm tấn cà phê.

Hàng ngàn người tay trắng

Những ngày này, hàng chục hộ nông dân ở thị xã Buôn Hồ và các huyện Krông Búk, Krông Năng rất hốt hoảng khi bà chủ đại lý cà phê Hà Thị Vui – trú tại 647 Hùng Vương, phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ – tuyên bố vỡ nợ.

Bà Đỗ Thị Kim Phương (tổ dân phố 2, phường An Lạc) nói như người mất hồn: “Vợ chồng tôi thu hoạch cà phê xong không dám bán một hạt, chở toàn bộ đến ký gửi cho bà Vui để chờ giá cao hơn, tổng cộng 8 tấn cà phê nhân. Vừa rồi, tôi đến chốt giá bán, bà Vui bảo do làm ăn bị thua lỗ, không còn khả năng trả nợ. Không còn số cà phê này, tôi không biết bấu víu vào đâu trước các khoản nợ phân bón, xăng dầu, lãi ngân hàng đã đến kỳ thanh toán”.

Bà Lâm Thị Hoa (ở số 150 Trần Hưng Đạo, phường Thiện An) thì đứng trước nguy cơ mất nhà ở: “Tôi đã phải thế chấp căn nhà đang ở cho ngân hàng để có tiền trang trải nợ nần, để dành 3 tấn cà phê nhân gửi cho bà Vui. Bây giờ tôi sắp bị ngân hàng phát mãi nhà ở, bà ấy cũng nhẫn tâm mặc kệ”.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, vợ chồng ông Nguyễn Đại Thắng, bà Hà Thị Vui đang nợ 91 tấn cà phê nhân và 8 tỷ đồng tiền mặt của 17 người dân, không có khả năng thanh toán. Trong số các nạn nhân của vụ vỡ nợ này, thiệt hại nặng nhất là bà Nguyễn Thị Cường ở thôn 12, xã Pơng Drang, huyện Krông Búk – với 50 tấn cà phê nhân, trị giá khoảng 2 tỷ đồng.

Cũng tại thị xã Buôn Hồ, qua công tác nắm tình hình, cơ quan chức năng đã xác định hàng loạt doanh nghiệp, đại lý khác vỡ nợ như Công ty TNHH Chung Đào, Công ty cà phê Tân Trường Nguyên, các đại lý Phương Thành, Lan Lương, Nguyễn Thị Lan, Phạm Thị Loan… với số nợ hàng trăm tỷ đồng và số nạn nhân lên đến hơn 600 người.

Còn tại huyện Krông Năng, 96 hộ dân ở các xã Ea Hồ, Ea Tóh, Phú Lộc và thị trấn Krông Năng cũng đang rầu rĩ sau khi thắng kiện chủ đại lý cà phê Hiệp Gái ở xã Phú Lộc. Đại lý cà phê này do vợ chồng Trương Minh Hiệp – Trần Thị Gái làm chủ, đã nhận ký gửi gần 200 tấn cà phê rồi tuyên bố… vỡ nợ.

Ông Nguyễn Thanh Minh (xã Ea Toh) cho biết: “Tôi ký gửi cho đại lý Hiệp Gái 2,5 tấn cà phê nhân trị giá 100 triệu đồng, giờ chỉ được Cơ quan Thi hành án dân sự huyện lấy giúp được… 30.000 đồng. Biết thế này tôi khỏi kiện cho đỡ mất thời gian và công sức đi lại”.

Ông Nguyễn Bá Tình – Phó trưởng Cơ quan Thi hành án dân sự huyện Krông Năng cũng chỉ biết cười buồn: “Tổng số cà phê ký gửi của 96 hộ dân quy ra tiền là 7,561 tỷ đồng, nhưng tài sản còn lại của ông Hiệp và bà Gái chỉ bằng 0,03% số nợ, vì vậy mỗi người dân cũng chỉ được chia 0,03% trên tổng số nợ của mình”.

Khó xử lý

Điều đáng nói là sau khi bị nhiều hộ dân tố cáo, bà Hà Thị Vui cũng gửi đơn “cầu cứu”, nhờ cơ quan chức năng… giúp đỡ. Bà Vui trình bày: “Trong thời gian qua do công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn, thua lỗ nên tôi có vay nợ (tức vay tiền và nhận ký gửi cà phê – PV) của một số cá nhân. Hiện toàn bộ bìa đỏ nhà cửa, đất đai của tôi đang bị bà Vũ Thị Thúy Hồng (ở phường Tự An, TP.Buôn Ma Thuột – PV) nắm giữ nên tôi không thể chia số tài sản đó cho những người khác mà tôi đã mượn”.

Ngày 28.9.2011, Công an phường Thiện An có báo cáo nhận định “không có dấu hiệu tội phạm, là vụ việc khiếu kiện tài sản về dân sự” nên đã hướng dẫn các nạn nhân khởi kiện ra tòa án.

Trao đổi với NTNN, thẩm phán Nguyễn Văn Nhàng – Chánh án TAND thị xã Buôn Hồ – cho biết: “Sau khi nghiên cứu hồ sơ, TAND thị xã nhận định vụ việc này có dấu hiệu tội phạm chứ không phải dân sự. Cụ thể là trước khi vay mượn hoặc nhận ký gửi cà phê của người dân, bà Vui đã bị thua lỗ rồi, nghĩa là biết rõ không có khả năng thanh toán mà vẫn nhận ký gửi. Chúng tôi sẽ trao đổi với Viện KSND và Cơ quan Cảnh sát điều tra cùng cấp theo hướng đề nghị khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hà Thị Vui”.

Còn thẩm phán Trần Ngọc Anh – Chánh án TAND huyện Krông Năng phân tích: “Nếu khởi kiện các doanh nghiệp, chủ đại lý vỡ nợ theo thủ tục dân sự, người dân có thắng kiện cũng không giải quyết được vấn đề gì. Bởi trước khi tuyên bố vỡ nợ, họ đã chủ động tẩu tán hết tài sản rồi, không còn gì để thi hành án. Tôi thấy cần phải xử lý hình sự một vài vụ để làm gương, răn đe những đối tượng lợi dụng vỡ nợ để chiếm đoạt tài sản của dân”.

 Theo thống kê của UBND tỉnh Đăk Lăk, hiện toàn tỉnh có 43 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê vỡ nợ khoảng 300 tỷ đồng tiền mặt, 3.000 tấn cà phê nhân và 22 tấn tiêu. Các vụ vỡ nợ đã tác động xấu đến đời sống của người dân và ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. quoc_qh

    Những vụ như thế này xảy ra suốt mà sao bà con ta không rút kinh nghiệm nhỉ? Giờ biết đường nào mà đòi.
    Đại lí nợ nông dân, mà đại lí cũng bị người ta xù nợ. Thì móc đâu ra tiền mà trả cho nông dân đây

  2. Chư Pưh

    Nói mãi mà không nghe!
    Cà phê nhà mình thì không để mà cứ đem để ở nhà thiên hạ cho họ xài. Kêu ai giờ này nữa.

  3. cumgar

    Bao nhiêu chủ vở nợ ở Cư mgar sau khi tuyên bố vỡ nợ vẫn sống ung dung đó thôi .
    Pháp luật có sờ được tới họ đâu, nên nó đã trở thành phong trào tuyên bố vỡ nợ để cướp trắng tài sản của người ta rồi !

  4. k duông

    Tôi đây năm nào cũng hái gần 40 tấn cà phê tươi, rồi mang đổi cho đại lý cứ 4.6kg tươi ăn 1kg nhân tới lúc muốn bán chốt giá thôi, cà phê không đưa về nhà, nếu đại lý vợ nợ thì trắng tay.

    1. Nông Văn Dân

      Phiêu lưu quá đấy k duông ah, ở chỗ Văn Dân họ chỉ sấy thuê, sấy ra cho anh một tấn nhân thì tiền công 1.200.000đ (chủ lò bao trọn gói, mình đem cà tươi đến lấy cà nhân về). Nếu mình không tin tưởng thì trong thời gian sấy (khoảng 13-15 h) mình ở đó canh chừng, chứ của mình mà giao cho họ giữ chẳng khác nào gửi trứng cho quạ.

      1. Minh Ngoc

        Vậy thì theo bác ta nên để ở nhà nhưng hàng chục tấn cà phê thì lấy chổ đâu mà để hả bác. Hay là theo ý em, em nên xây một cái kho cho em để và tiện thể cho những nhà xung quanh thuê để thuê thôi lúc nào cần họ đến lấy và tự động bán chứ em chả động gì đến thì có được không. Em mong ý kiến của các bác để em có quyết định đầu tư. Em có đất sẵn rồi bỏ không. Chứ ở chổ em cũng đầy đại lý kêu phá sản, năm nay em cũng gửi 11.5 tấn cà nhân đau tim lắm.

      2. Nông Văn Dân

        Đúng đấy, bạn nên xây kho, nếu hàng năm bạn thu khoảng 11-12 tấn thì bạn xây kho khoảng 35-40m2, chi phí khoảng 50-60 triệu, hết khoảng 1,5 tấn cà phê mà sử dụng lâu dài, đêm nằm ngủ yên khỏi phải lo. Nhà Văn Dân cũng xây kho 35m2 và lắp hệ thống báo trộm, từ 10 năm nay chẳng phải gửi mấy vị đại lý nữa nên ăn ngon ngủ, yên.
        Chúc bạn sáng suốt, vì của mình đổ mồ hôi vất vả lắm.

      3. ngọc thu

        Chổ em Đức Trọng, Lâm Đồng toàn gửi thôi anh Văn Dân ơi, chưa thấy lò sấy thuê nào hết.
        Đổi 4.6-4.7kg/ kg nhân và gửi lại đó. Em cũng đau tim lắm mà hổng biết làm sao. Vừa rồi ĐT cũng có đại lý TT “tung cánh chim tìm về tổ ấm…50 tỷ” thêm anh Công Chính bể nợ ngàn tỷ, em thấy ngán quá!
        Nhà em hổng phơi nổi, tuy chỉ có chừng 22 tấn tươi / năm thôi, ai có cao kiến gì giúp em với không em chết mất!
        Trên em khổ nỗi trời thiếu nắng, phơi hoài hỏng chịu khô, có ai biết diện tích sân cần cho số cà phê đó không, bày vẻ cho em với! Làm cách nào đầu tư sân ít ít vì 1 năm phơi có 1 lần. Ai có biết tỷ lệ tươi/ nhân nói cho em biết với.

      4. Nông Văn Dân

        Nếu thời tiết chỗ bạn như vây nên làm lò sấy là tốt nhất, 22tấn/năm thì bạn xây lò diện tích 6m2 là thoải mái rồi, mỗi lần sấy được khoảng 30 bao, trong thời gian từ 12-15h là khô đủ độ luôn, như bạn chỉ sấy khoảng 11 lò là xong, hái cà xong sau 12-15 h là cà đã khô hoàn toàn vào kho rồi, chất đốt bạn chỉ cần chất đốt lò đầu tiên khoảng 1 xe công nông củi, còn những đợt sau lấy vỏ cà phê xay ra đốt lại là đủ, nếu lò với diện tích như trên, tổng chi phí không quá 15 triệu đồng, nếu còn thời gian rỗi thì sấy cho bà con lận cận tăng thêm thu nhập.
        chúc bạn sáng suốt.

    2. Hoandala

      Bác K Duông ơi, cà phê năm nay đạt thành lắm, nếu 40 tấn tươi của bác phơi sấy xong, khả năng sẽ được 9.5 tấn nhân (tỷ lệ 4.2 : 1), nếu bác đổi vậy, được có 8.7 tấn à, thiệt mất 8 tạ rồi. Đã vậy còn giao hết cho người ta nữa, thật là rủi ro quá.

  5. ha tran

    Đây là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác 1 cách trắng trợn ,nhưng xem ra nó lại là hợp pháp. Người bị xù nợ chỉ biết khóc ,còn chủ nợ thì chỉ nói một câu ngắn gọn là không có khả năng trả. Hãy nghĩ kỉ đi, tại sao ôm của dân mấy tỷ mà làm ăn phá sản. Câu trả lời là: Trước khi tuyên bố phá sản có 2 cách: Cách thứ nhất là lấy tiền của dân để đầu cơ, sắm sanh và thậm chí tiêu xài xả láng. Cách thứ 2 là tẩu tán tài sản, cho người thân đứng tên thậm chí là con, cháu… (dư luận từng đồn đoán rằng Công ty TR. T thị xã buôn Hồ, sau khi phá sản đã qua Mỹ.) Sau khi đã hoàn tất công việc trên rồi tuyên bố vở nợ. Đến đây thì chẳng còn 1 cắc để trả. Nhiều đại lí caphê sau khi thực hiện 1 phi vụ vậy là đi đến địa phương khác sinh sống…
    ÔI THÔI chỉ có luật Việt Nam mới có cái kẻ hở mà kẻ hở này rộng như quốc lộ. Đã tồn tại quá nhiều năm nay mà không sửa cho dân được nhờ, ấy vậy mà ăn trộm 1 bao cà phê 50 kg có khi đi tù, hoặc chẳng may bị bắt thì bị đánh có khi chết như chơi… Hãy cảnh giác với đại lí cà phê và vay mượn thời nay, nếu không trắng tay cả đời.

    1. Nông Văn Dân

      ha tran nói trúng ý Văn Dân quá, ở Cư Kuin cũng có một đại lý, năm 2003 tuyên bố vỡ nợ, không có điều kiện chi trả, xin hứa bà con ít năm làm ăn có sẽ thanh toán đầy đủ. Đúng như lời hứa năm 2008 tức là sau 5, đại lý đó mang về trả đầy đủ, nhưng có điều khi họ tuyên bố vỡ nợ lúc đó cà chỉ 7000đ/kg, nên họ chỉ nhận được số tiền 7000/kg thôi, và họ nghĩ rằng của đổ mà hốt, thôi thì thế cũng được.
      Người dân không biết rằng hồi đó chủ đại lý tuyên bố vỡ nợ là giả, mà chiếm dụng vốn của bà con để lên thị trấn Gia Nghĩa nay là Thị Xã Gia Nghĩa để mua đất, năm 2008 sốt đất phố thế là ông đại lý kia bán đi mấy lô đất lẻ, được đâu chục tỷ, về thanh toán cho bà con rồi xây nhà vài tỷ, tiếp tục hoạt động kinh doanh đại lý cà phê. Ấy thế ông đại lý này chẳng phạm tội gì, trái lại bà con không biết cho là ông này thế mà có đức giữ lời hứa làm ăn được là đem về trả cho bà con. Nhưng chuyện như ông đại lý này thì cũng hiếm, thường xù là xù luôn.

  6. võ thị vân

    Người nông dân quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời, họ không có nhiều điều kiện để biết về luật pháp cũng như những mánh khóe giăng ra đầy trời chỉ để đợi họ rơi vào. Vì vậy cũng đừng trách họ quá nhiều, có lẽ ai cũng nghĩ việc ai nấy làm nhưng xin hỏi chính quyền để đâu vào những lúc như này? Tiền thuế thì vẫn thu, lương thì vẫn nhận vậy mà trách nhiệm với nhân dân ở đâu?
    Tôi không đổ hoàn toàn trách nhiệm cho chính quyền nhưng nếu các đoàn thể có thể tiếp cận với người dân, hiểu dân thì sẽ giúp họ chứ không phải để đến lúc mất hết chẳng còn gì thì mới nói. Như tôi biết thì đây đâu phải là lần đầu những vụ việc như thế này xảy ra, mong chính quyền có thể đưa ra những chính sách giúp cho nông dân. Như việc hằng ngày vẫn phát loa phóng thanh để nói những chuyện ông này bà nọ thì xin hãy nói những vấn đề thực tế của địa phương, những cuộc nhậu của cán bộ xin hãy gác lại để thời gian quan tâm tới dân.

  7. nongdan

    Tội nghiệp cho dân, đến bây giờ mà cũng chưa có thông tin về bọn bất lương này, không có thông tin nên mới còn gửi, nhiều năm nay rồi, làm sao mà giúp bà con mình nắm bắt các thông tin tốt đây?

  8. leminh

    Đề nghị công an, tòa án, viện kiểm sát tỉnh Đăk Lăk áp dụng triệt để các quy phạm pháp luật đối với hành vi trên để đòi lại công bằng cho người bị hại. Các vị không nên “đá bóng sang chân”… có dấu hiệu của tội phạm thì phải xử lí hình sự… Không xử lí được việc này, nói thật khác gì cùng nhau thừa nhận việc ăn cướp trắng trợn của đại lí trên là hợp pháp.

  9. Người dân

    Gửi cà phê cho đại lí là đem tiền cho người ta đi buôn. Cà mình gửi vào họ đem bán liền để lấy tiền quay vòng, giá tăng ít thì họ còn trả cho mình chứ giá tăng cao là họ tuyên bố vỡ nợ. Vậy tiền bán cà của mình + tiền lãi họ để đâu ? Họ mua nhà, mua đất ở các thành phố lớn… và sống cuộc sống thật sung sướng. Nhiều đại lý tuyên bố vỡ nợ được vài năm rồi sau đó họ lại kinh doanh lại, đã vỡ nợ không có khả năng chi trả rồi vậy họ lấy tiền đâu để kinh doanh lại ? Tiền của mình chứ ở đâu nữa ! Có cà thì nên giữ ở nhà, nếu nhà không chắc chắn thì bán quách đi, thà bán giá thấp còn hơn không được đồng nào!

  10. nông dân

    Nghe bà con bàn tán xôn xao tui thấy bức xúc quá, thực tế ngành luật của chúng ta còn nhiều sơ hở và chồng chéo quá, lợi dụng điều đó mà các đại lý chiếm đoạt một cách hợp pháp mồ hôi xương máu của bà con mà vấn đề là khi tuyên bố phá sản thì toàn bô tài sản đã bốc hơi nên khi đó kiện chỉ là vấn đề nhằm trấn an cho bà con thôi chứ đâu lấy lại được gì. Theo tôi nghĩ đã đến lúc có sự thay đổi và bổ xung thêm vài điều luật để bảo vệ cho nông dân rồi. Nhà nước chỉ biết bảo vệ doanh nghiệp còn còn nông dân thì sao? Không có nông dân thì sao có doanh nghiệp. Cần phải có biện pháp nhằm hạn chế vấn nạn trên. nông dân tui thành thật chia buồn cùng các bác nông dân trên!

  11. Seu vuon

    Nếu vậy bà con có tìm ra phương thức giao dịch cafe nào khác không? Vừa an toàn mà lại đảm bảo quyền được chốt giá vào bất kỳ lúc nào..

    Ví dụ như: sau khi thu hoạch, bà con tìm đến một đơn vị mua có uy tín, ký hợp đồng ký gửi với những điều kiện như sau:

    1. Người bán được quyền chốt giá trong thời gian… bao nhiêu tháng. Người bán được thanh toán ngay 50% giá hàng hóa tạm tính còn lại (50% của tổng giá vào thời điểm giao hàng – chi phí hao hụt theo thời gian – chi phí kho bãi theo thời gian giữ – vv…)

    2. Nếu trường hợp giá cả biến động trong thời gian cam kết, giá thị trường thấp hơn giá trị còn lại, thì người giữ hàng sẽ thông báo cho người bán và yêu cầu họ đồng ý chấp nhận giảm giá trị hàng còn lại nếu muốn giữ hàng. Còn không đơn vị giữ hàng sẽ thanh lý lượng hàng đó theo giá thị trường và thanh toán lại cho người bán giá trị còn lại.

    Điều kiện là bà con phải chọn được đơn vị có uy tín (có tóc thí mới nắm đầu được). Còn lý do tại sao chỉ trả 50% thôi, vì bà con không muốn chốt giá vào thời điểm giao hàng… muốn chờ… Mà thị trường có lúc lên lúc xuống. Nếu lên thì bà con đến lấy tiền, nếu xuống, thì người mua còn có chỗ đề mà trừ lại chứ.

  12. Nguyễn Công Dụng

    Qua chuyện vỡ nợ hàng năm cũng như y kiến của các bác, tôi rất lấy làm lạ tại sao các nạn nhân không để cà phê tại nhà nó có mấy cái lợi sau:
    1- Không bị ép giá khi bán
    2- Rủi ro thấp
    3- An tâm hơn
    Nhưng nó cũng có nhưng vấn đề sau
    1- Phải có kho tàng
    2- Nơi để cà phải luôn có người ở
    3- Nơi cư trú phải có an ninh tốt
    Nói chung điều kiện để giữ cà phê tại gia đình không quá khó khăn mà nông dân ta hầu như đáp ứng được, đây cũng chính là điểm mấu chốt để bọn người xấu không có cơ hội hay ý nghĩ làm hại người khác.

  13. Nguyễn Lâm sơn

    Năm nào các cơ quan truyền thông đã cảnh báo nhiều vụ vỡ nợ cà phê. Nông dân chúng ta cứ ký gửi cà phê cho các đại lý tư nhân. Bà con nên đến trung tâm giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột mà ký gửi cho an toàn.

Tin đã đăng