Tái canh cây cà phê: một cách nhìn mới về vấn đề cũ

Tái canh cây cà phê là trồng lại cây cà phê trên đất đã trồng cà phê, còn cưa đốn phục hồi vườn cây, ghép cải tạo chỉ là làm trẻ hóa vườn cây. Có lẽ vấn đề tái canh cây cà phê là vấn đề rất được quan tâm trong những năm gần đây và những năm sắp tới. Do đó, tôi xin chia sẻ một số ý kiến của bản thân, mong rằng sẽ hữu ích cho bà con trồng cà phê và những người quan tâm về đề tài này.

Chuyên đề: > Tái canh cây cà phê…



Nhổ bỏ rễ gốc cây cũ , tương ứng sẽ có một lượng lớn chất hữu cơ, khoáng chất bị mất đi.

Tái canh nhưng vẫn để gốc cà phê cũ (TL:Y5Cafe)
Tái canh nhưng vẫn để gốc cà phê cũ (Ảnh:Y5Cafe)
Ti canh vuon ca phe
Yêu cầu cần phải có cây che bóng chắn gió hỗ trợ khi cây cà phê còn non.

 Nghiên cứu về tái canh

Trước đây, GS. Phan Quốc Sủng và Viện KHKT  Tây Nguyên đã nghiên cứu về  hội chứng vàng lá trên cây cà phê và tìm ra nguyên nhân là do tuyến trùng và một số loài nấm (năm 1999). Nghiên cứu này thực hiện trên vườn cà phê tái canh sau chu kỳ khai thác. Và từ đó có những thí nghiệm để trừ khử tuyến trùng và nấm bằng nhiều biện pháp (sinh học và hóa học) nhưng không thành công. Mười năm sau tức là năm 2009 và cho tới nay, nghiên cứu về tái canh được thực hiện khi mà diện tích cà phê cần thay thế quá lớn, đủ đến mức toàn ngành cà phê và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm. Nhưng nguyên nhân vẫn khẳng định chủ yếu là tuyến trùng. Có nghĩa là, 10 năm trước cho rằng phải bỏ hoang hoặc luân canh với cây trồng khác ít nhất là 3 năm và 10 năm sau cũng kết luận như vậy. Không có một kết luận nào mới, mà một số vườn cà phê không tìm thấy tuyến trùng, nấm gây hại nghiêm trọng thì không có kết quả giải thích. Và như thế có nghĩa là người trồng cà phê muốn trồng ngay vẫn phải hoang hoá hoặc luân canh với cây trồng khác ít nhất là 3 năm.

Cái mà người trồng cà phê, ngành cà phê cần là trồng ngay để đảm bảo diện tích và sản lượng, tạo sự bền vững trong ngành. Gần như đó là bài toán cần có lời giải ngay trong khi đầu tư cho nghiên cứu còn nhiều hạn chế cả về tài chính lẫn chất xám. Nghiên cứu theo chủ nghĩa kinh nghiệm, theo lối mòn thì khó có thể tìm ra được căn cơ của vấn đề.

Nguyên nhân tái canh không thành công

Xét về mặt kỹ thuật, tái canh cà phê không thành công có 3 nguyên nhân chính:

  • Đất đai bị thoái hóa: Sau nhiều năm canh tác cà phê, với mức độ thâm canh cao, chắc chắn rằng lượng dinh dưỡng mà cây hấp thụ từ đất rất lớn. Do đó, nguồn dinh dưỡng cạn kiệt đặc biệt là những loại khoáng, hữu cơ được phong hóa qua hàng triệu năm. Bón nhiều phân vô cơ mà không bổ sung phân hữu cơ là nguyên nhân làm đất bị chai, thoái hóa. Độ xốp và sự mầu mỡ giảm khiến độ phì và khả năng sản xuất của đất giảm sút nghiêm trọng.
  • Nguồn sâu bệnh gia tăng: qua nhiều năm, sự hình thành các loài sâu bệnh hại tồn tại trong đất trồng cà phê được chuyên biệt, thích nghi với sự gây hại lên cây cà phê. Nhưng sự gây hại không nghiêm trọng vì trong đất còn có nhiều sinh vật đối kháng khác và khả năng kháng lại của bản thân cây cà phê. Sau khi nhổ bỏ cây cũ để tái canh, nguồn gây bệnh sẽ phát triển do những loài sinh vật đối kháng giảm sút và do nguồn thức ăn trở nên cạn kiệt khiến chúng tập trung lại gây hại lên cây con mới trồng.
  • Bản thân cây: Cây con được ươm trong bầu với chế độ chăm sóc hoàn hảo, tuy nhiên bộ rễ kém phát triển đặc biệt là trên cây ghép gốc cà phê mít. Khi đưa ra sống trong điều kiện mới, bầu rễ nhỏ bé nếu không ảnh hưởng bởi sâu bệnh thì cũng ảnh hưởng bởi những điều kiện của đất. Thay đổi môi trường sống đột ngột, bầu rễ chưa kịp thích ứng cũng có thể làm cây bị sốc và kém phát triển. Khi cây còn yếu đuối thì tác nhân gây bệnh có điều kiện tấn công một cách dễ dàng.

*Nếu vì bệnh tuyến trùng hay những nấm bệnh khác thì tại sao cây cà phê đang phát triển lâu năm lại không bị? Bộ rễ cà phê rất phát triển, đặc biệt là hệ thống rễ tơ phát triển với mức độ đan xen và dày tới 60 cm. Với một khối rễ khổng lồ trên vườn cà phê như vậy không thể có một tác nhân gây bệnh nào tấn công được. Sự tương hỗ giữa cây này và cây kia là điều kiện mà không một bệnh hại nào có thể gây thiệt hại đồng loạt như tái canh vì những cây con nhỏ chưa hình thành được khối khổng lồ đó.

Như vậy, Cây – Môi trường – Bệnh hại là 3 đỉnh của một tam giác, điều kiện để bệnh phát triển được khi cây con còn yếu, môi trường thuận lợi (đối kháng bị giảm).

Giải pháp tái canh thành công

Trong khi chờ đợi những công trình nghiên cứu, tuy có tính hạn chế, tôi xin đưa ra một số ý kiến để bà con có thể thực hiện tái canh cây cà phê ngay khi nhổ bỏ vườn cà phê già, cỗi.

  1. Việc nhổ bỏ cây cà phê già, cỗi phải tiến hành ngay đầu mùa khô (khi thu hoạch xong). Cày sâu, lật đất tạo nên một tầng canh tác tơi xốp và khử độc, diệt mầm mống sâu bệnh hại nhờ ánh nắng mặt trời và ôxi. Thực hiện tốt việc này thì việc bừa và rà rễ không cần thiết lắm vì khi cày lật một số rễ cà phê nằm trong đất bị phơi khô nên sâu bệnh hại cũng hạn chế. Nếu rà hết rễ, vô tình mình đã lấy đi lượng vô cùng lớn chất hữu cơ và dinh dưỡng do rễ cà phê phân hũy.
  2. Đào hố lớn, cạnh từ 1 m đến 2 m (hố vuông), sâu từ 50 cm trở lên. Hố cần phải đủ lớn để tạo độ tơi xốp cho rễ cây cà phê con dễ phát triển, hình thành nên vùng rễ mà đó là cơ sở để kháng lại với sâu bệnh hại và tác động của đặc tính lý hóa trong đất.
  3. Hố phải được đào trong mùa khô và được phơi nắng kỹ nhằm diệt trừ mầm mống của sâu bệnh hại và giảm độ độc của đất.
  4. Xử lý hố: bón khoảng 10 kg phân chuồng (hoặc phân hữu cơ), 0,5 – 1 kg phân vi sinh (hoặc vi sinh hữu cơ), 0,5 kg vôi và 0,5 kg lân. Tất cả hỗn hợp được trộn đều và lấp bằng lớp đất mặt. Thực hiện điều này khi bắt đầu mưa và trước khi trồng cà phê 1 tháng.
  5. Cây cà phê: Cây thực sinh có ưu điểm là bộ rễ phát triển, không bị tổn thương nhưng độ đồng đều và năng suất từng cây không đồng nhất. Cây ghép có bộ rễ phát triển kém nhưng độ đồng đều cao, năng suất cao. Mặc dù cây con là cây ghép hay cây thực sinh, trước khi trồng phải tập cho cây con thích nghi với điều kiện ánh sáng. Xử lý ra rễ, thúc đẩy cây phát triển bằng cách phun chất kích thích sinh trưởng, phân bón lá.
  6. Bón phân đúng với lượng theo quy trình, nhưng bón làm nhiều lần. Phun (hoặc tưới) phân hữu cơ có hàm lượng axit Humic cao. Đây là axit hữu cơ rất tốt cho đất và cây trồng. Trong tự nhiên, nó được hình thành trong thời gian rất lâu.

Hỗ trợ về tài chính

Những công ty kinh doanh, những nhà xuất khẩu thu lợi nhuận từ hạt cà phê còn thờ ơ với vấn đề này. Đáng lẽ ra họ phải đầu tư lại cho nhà nghiên cứu, cho nông dân trồng cà phê, những người đã đem lại giá trị gia tăng cho họ. Về mặt tài chính, nhà nước không thể nào kham nổi vì đơn giản ngân quỹ quốc gia có hạn và giá trị gia tăng trong kinh doanh cà phê thì chủ yếu cho các doanh nghiệp thu mua, đặc biệt là các công ty nước ngoài. Người Đức đã đưa ra chuỗi giá trị (Gtz), trong chuỗi giá trị đó mỗi một mắt xích phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình từ khi sản phẩm được trồng – thu hoạch – mua bán – và người tiêu thụ cuối cùng. Không ai cho không ai, mà đòi hỏi phải có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng và môi trường. Có như thế, không riêng gì ngành cà phê mà bất kỳ ngành gì cũng phát triển bền vững.

Hi vọng giúp ích vấn đề tái canh cây cà phê!

Nguyễn Văn Tuyền (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nguyễn Vịnh

    Cám ơn tác giả đã giúp tôi khẳng định một điều mà tôi nghi ngờ xưa nay.

    Không có cơ sở nào để cho rằng sâu bệnh hại sẽ bị tiêu diệt sau khi cho đất luân canh 3 năm (dịch hại có thể tồn tại trong tự nhiên hàng vạn năm kia mà). Nếu không còn cây cà phê để gây hại, tại sao sâu bệnh hại không quay sang gây hại trên những cây trồng khác, dù không nhiều thì ít. Và sau 3 năm thì … biến mất.

    Chỉ có độc tố hóa chất do phân vô cơ để lại sau vài năm mới giảm do bị rửa trôi hoặc bốc hơi (ngược lại cây cà phê già đã có thời gian “rèn luyện” và thích nghi rồi). Từ đó khẳng định được cây cà phê con tái canh bị chết hàng loạt là ngộ độc dư lượng phân hóa học do trước đây thâm canh bón quá nhiều trong đất.

    Định hướng đúng là tăng cường xử lý đất bằng phân hữu cơ hoặc hữu cơ vi sinh. Tuyệt đối không dùng phân hóa học trong giai đoạn KTCB nữa.

    Xin được trao đổi.

  2. Chính Trung GL

    Tôi có trồng tái canh 3 sào trên diện tích 1,2 ha đang canh tác bằng cây cà vối ghép trên gốc mít. Cuối mùa mưa năm thứ 2 cây lên rất đẹp cành lá phát triển bình thường. Mùa nắng vừa rồi cây cà ghép bung hoa rất thích mắt, khi bắt đầu nuôi trái là cành ngang đã dài trên 1 mét. Đến khi mưa xuống không hiểu sao cây cà ghép cứ lụi dần rồi chết, hiện tại chỉ còn 8 cây sống nhưng vàng lá èo uột. Tôi cũng nghĩ không lẽ sâu bệnh sao không chết hết còn những cây cà già thì vẫn cho thu hoạch bình thường tuy năng suất ngày càng ít.
    Đọc bài viết và thêm ý kiến của bác Vịnh tôi thấy ngờ ngợ. Hay cây cà ghép bị ngộ độc dư lượng phân hóa học còn trong đất chăng?
    Cây cà ghép tôi mua tại viện Ekmat BMT. 3 sào đất tôi trồng bắp lai và đậu lạc, nhưng chỉ 1 năm thôi vì thấy bắp đậu lên rất tốt. Xin có ý kiến đóng góp.

    1. Tân Hưng

      Các bác cho em hỏi 1 câu.
      Nếu vì dư lượng vô cơ gây độc thì tại sao khi trồng 2 năm đầu cây vẫn phát triển bình thường? Chỉ khi cây bắt đầu nuôi trái thì cây mới bắt đầu chết dần như của bác Chính Trung GL. Em chưa rõ chỗ này xin các bác cho ý kiến. Em cám ơn nhiều.

      1. Đại ca chùa bộc

        Thân chào!
        – Qua kết quả nghiên cứu về phân tích đất, hàm lượng NPK trong đất cà phê thông thường không thiếu, thậm chí là dư. Vì vậy, việc trồng bắp, đậu, một số cây trồng khác trên vườn sau khi phá bỏ cây cà phê là rất tốt. Đó là lẽ đương nhiên, vì đất có thể tốt với cây này nhưng lại không tốt với cây khác. Điều này là lý do trong trồng trọt sau một quá trình canh tác lâu năm của 1 loại cây trồng, cần luân canh với cây trồng khác để tận dụng dư thừa về dinh dưỡng, cân đối lại dinh dưỡng, giảm sâu bệnh hại, giảm chất độc hữu cơ,v.v…
        – Cà phê tái canh, thường những năm đầu cây sinh trưởng tốt nhưng sang năm thứ 3, 4 khi cho quả thì cây vàng lụi dần, rồi chết. Đó là lẽ đương nhiên, vì những năm đầu cây chỉ sinh trưởng cành lá, nhu cầu dinh dưỡng (chất hữu cơ và khoáng) và nước còn ít. Tuy nhiên, qua năm cho quả, nhu cầu này cao lên rất nhiều. Trong khi đó, bộ rễ của những cây đó rất kém phát triển, sự hút nước và dinh dưỡng gặp hạn chế. Cung không đủ cầu, dẫn đến cây đuối sức và sức đề kháng yếu, dễ dàng cho tuyến trùng, nấm, sâu bệnh tấn công. Như thế, cây cà phê không đủ dinh dưỡng để nuôi quả và sâu bệnh hại, cây vàng lá và chết dần.

    2. Võ Đình Danh

      Cho tôi hỏi bác là địa hình đất của bác ở bãi bằng hay là đồi cao, vì cây cà phê ghép gốc mít không ưa vùng đất hay bị úng nước hay mạch nước ngầm thấp. Tôi thấy nhiều rẫy cà phê có tình trạng đó rồi. Hai ba năm đầu cây còn nhỏ thì không sao, nhưng khi cây phát triển tốt thì rễ cắm xuống sâu thì dễ bị úng nước mà chết dần (cà phê ghép gốc mít không chịu úng mà nó chịu hạn thôi).

      Thứ hai là bác mua loại giống gì? Vì ở Viện Ea K’Mat có nhiều loại lắm, có loại cũng khó ưa lắm nên cũng chưa nói gì được và có phải bác mua của Viện thực không hay là viện ngoài (hàng trôi nổi) vì nguồn giống cũng quan trọng lắm.
      Tóm lại bác cho biết thêm cụ thể vườn bác đi. Nếu gần nhà tôi, có dịp tôi ghé thăm tìm hiểu thêm, vì tôi thích trải nghiêm thực tế hơn.

  3. Tý Anh

    Không nhổ bỏ gốc cà cũ, có thể là một cách nhìn mới. Đào hố trồng lại cần phải thật lớn và tăng cường xử lý hố bằng phân vi sinh hay hữu cơ vi sinh để cải tạo đất.
    Cám ơn tác giả, tôi thấy cũng có lý khi không tìm thấy tuyến trùng hay nấm hại như kết luận của bác Sủng ở viện Eakmat.

    1. Dinhnhi

      Nếu như khu vực cà chưa bị vàng lá hoặc chết theo vạc “da beo” thì trồng dặm ngay bên cạnh những gốc như thế này cũng được, chứ cà đã bị bệnh rồi trồng như thế này là chết chắc !

  4. toancafe

    Theo em thì không có dư lượng nào bác Vịnh ạ!
    Bác ở Cư Kuin chắc biết rõ về Krong Ana. Trên tỉnh lộ 2 BMT-Krong Ana đoạn Quỳnh Ngọc trước đây có một rừng cà phê vối bỏ hoang rất lâu của Pháp, cây rừng mọc rất to xen với cà phê. Đâu năm 1985 1987 Nông trường V-Đức Krong Ana khai hoang trồng lại, cây lên rất tốt thu được vài vụ nhưng sau đó thì tàn nhanh đồng loạt, dân phải phá bỏ trồng bắp đến bây giờ.

    1. Nguyễn Vịnh

      Vấn đề tìm nguyên nhân thất bại trong tái canh cây cà phê bác Sủng và Viện KHKT NLN Tây nguyên đã kết luận trong nghiên cứu từ năm 1999. Tuy nhiên vẫn còn nguyên nhân khác nữa mà đến nay còn bỏ ngỏ, chưa có kết luận nào.

      Ý của bạn là một trong các hướng đang được chú ý đến chứ không phải chỉ có một như bạn nói đâu.

      Vườn cà phê của NT Việt Đức – Krông Na bên tỉnh lộ 2 tái canh thất bại là do khâu xử lý đất chưa triệt để khiến cho dịch bệnh tái nhiễm.

      Cám ơn ý kiến trao đổi của bạn.

  5. Nông Văn Dân

    Tôi có 1 ha cà phê bị sâu bệnh, hàng năm không mang lại hiệu quả, tôi chuyển đổi sang trồng tiêu. Nhưng trước khi cưa đốn cà phê tôi trồng tiêu trên đường băng của cà phê, hết năm thứ 2 khi cây tiêu lên cao khoảng 1,5m, tôi bắt đầu cưa cây cà phê sát với mặt đất, phần gốc còn lại tôi lấp đất không cho lên chồi nữa, mục đích cho gốc và rễ hoai mục ngay trong đất. Thế nhưng một số người cho rằng làm như vậy là không cải tạo được đất tơi xốp, nay tác giả bài báo lại cho rằng: ” Nhổ bỏ rễ gốc cây cũ , tương ứng sẽ có một lượng lớn chất hữu cơ, khoáng chất bị mất đi”. Vậy là cách làm của tôi từ 2 năm trước đã đúng, cảm ơn tác giả bài báo nhé!

  6. Phạm Văn Khiêm

    Tôi có 2,5ha cà phê vối trồng từ năm 1998. trong quá trình kinh doanh, có một số cây vì chất lượng giống kém, vì 2 rễ cần phải thay. Thực tế qua thay cây (cũng là tái canh) tôi thấy thế này: Những năm đầu, do không trực tiếp làm mà thuê người đào hố, họ chỉ đào bỏ gốc, không nhặt hết rễ cũ nên mặc dù đã bón phân hữu cơ rất đảm bảo nhưng cây mới trồng cũng không sinh trưởng tốt được. Tôi nghĩ nguyên nhân là do rễ cây cũ tiết ra nhựa làm cho cây không sinh trưởng tốt hoặc cũng do tuyến trùng như các vị đã nêu. Những năm sau gia đình tôi trực tiếp làm, tôi đào hố thật to, sâu, đưa ra ngoài hố hoàn toàn số rễ, đất, phân, xác thực vật của hố cũ (hố lúc này giống như một hố mới hoàn toàn ở đất lần đầu tiên trồng cà phê) thì cây sinh trưởng rất tốt. Tôi nghĩ cây không phát triển do dư lượng phân vô cơ trước đây là không phải. Một vài kinh nghiệm nhỏ xin nêu để bà con tham khảo.

    1. Nguyễn Vịnh

      Cám ơn ý kiến của bạn.
      Tôi thấy bạn đã đào hố thật to để loại bỏ hay đưa ra ngoài hết lớp đất cũ… thì làm sao còn dư lượng phân vô cơ trong hố nữa? ý này trái với sự phủ định của bạn.
      Bạn thừa nhận vì đào hố nhỏ nên tái canh không hiệu quả là có lý. Còn rễ cũ tiết ra nhựa…, ý này không có cơ sở khoa học bạn à. Rễ cũ khi đã chết thì sẽ bị phân hũy chứ không hô hấp, trao đổi chất được mà bạn cho là do rễ cũ thãi nhựa ra…
      Đồng ý là trồng lại (tái canh) ban đầu không hiệu quả và bạn cũng không xác định được nguyên nhân. Còn về sau thì bạn mâu thuẫn.
      Hy vọng ý kiến bạn hợp lý hơn.

  7. Phạm Văn Khiêm

    Xin lỗi bạn Nguyễn Vịnh cùng toàn thể đọc giả. Tôi nói không rõ nên chưa chuyển tải đến bạn những suy nghĩ của mình. Tôi chủ yếu bón phân hữu cơ. Hàng năm tôi đều bón (năm nào cũng bón) 6-8 xe phân hữu cơ cho 2500 cây. Vì bón phân hữu cơ nên tôi bón ít phân vô cơ hơn nhiều nhà khác, trừ Kali. Qua phân tích mẫu đất thì hàm lượng các chất đa lượng, vi lượng đều cân đối nên không thể có chuyện dư lượng phân vô cơ.
    Lại nói về việc đào gốc cây cũ: do chỉ khoét một lỗ để lấy gốc lên nên tuyệt đại bộ phận rễ cây vẫn còn đầu rễ (phần có lông hút) nên chúng vẫn tiếp tục hút nước và tiết nhựa ra phần đầu rễ bị chặt đứt. Còn rễ thì phải một thời gian dài sau đó mới chết và bị phân hủy. Rễ cây bị chặt tiết ra nhựa là một thực tế, không tin bạn thực nghiệm mà xem.

    1. Đại ca chùa bộc

      Chào Bác! Giải thích thêm để bà con cùng hiểu
      – Rễ cây cà phê tiết ra nhựa cũng có thể ảnh hưởng đến cây cà phê con khi trồng, tuy nhiên ảnh hưởng có thể thể có lợi, có hại hoặc không. Có lợi: thúc đẩy sinh trưởng, phát triển và khả năng kháng sâu bệnh hại. Có hại: kìm chế sự phát triển. Không: không ảnh hưởng gì.
      – Hiện tượng này, gọi là cảm nhiễm qua lại ở thực vật (tiếng anh là Allelopathy). Có lẽ với ngành nghiên cứu cà phê Việt Nam chưa ai đề cập đến, trên thế giới thì cũng rất ít nhưng trên cây trồng khác thì tương đối nhiều. Nghiên cứu về nó gặp nhiều khó khăn và cũng ít ai quan tâm để nghiên cứu vì nó rất cần sự hiểu biết chuyên môn, tài chính.
      Bà con có thể nhìn hình giữa bên trên (cây cà phê con và gốc cà phê cũ bên cạnh), để cảm nhận điều đó.
      – Còn về cơ bản, tái canh có thể thực hiện ngay, cũng giống như người Nhật trồng lúa trên đồi đá. Tuy nhiên, như vậy thì quá tốn kém. Ví dụ, thực tế một số bác đã đào hố thật sâu, to và chuyển hết đất đó đi; và ươm cây cà phê trong bầu lớn (bao xi-măng, phân lân) đó cũng là giải pháp tình thế nhưng chỉ thực hiện trên diện tích nhỏ chứ trên quy mô cả hecta thì rất khó khăn.

    2. Đại ca chùa bộc

      Cảm ơn các bác đã cho ý kiến và cho kinh nghiệm thực tế vườn nhà mình!
      Hi vọng, còn nhiều bác tái canh cà phê mà không nhỏ bỏ gốc cũ tham gia chia sẻ để có niềm tin hơn về việc tái canh. Như vậy, rất có thể có phương pháp tái canh cà phê mới (không nhổ bỏ vườn cây), và sẽ giảm chi phí rất nhiều, giữ được cho đất chất khoáng, hữu cơ (gốc và rễ cà phê) v.v… Điều này cũng phù hợp với phương thức làm đất tối thiểu hoặc không làm đất để duy trì cấu trúc và một số đặc tính của đất và chống rửa trôi, xói mòn.
      Kiểu canh tác này, có lẽ trái ngược với rất nhiều quan điểm hiện nay và có nhiều người còn cho là phi khoa học, nhưng không có nghĩa nó là nó như vậy.
      Nếu bà con nào đã trồng theo trường hợp này, hi vọng cung cấp quy trình canh tác từ đầu đến thực trạng vườn cây hiện tại, địa chỉ, số đt để mọi người có thể học hỏi.
      Xin cảm ơn các bác!

      1. Cafe Vối

        Khoan hãy nói đến kinh nghiệm, mà theo tôi về mặt nhận thức thì điều kiện tiên quyết để thực hiện tái canh không nhổ bỏ gốc cũ là phải xác định được gốc cũ đó bị già cỗi mà suy yếu chứ không phải bị sâu bệnh hại. Nếu xác định đúng là bị sâu bệnh hại thì phải nhổ bỏ, cày lật… để tiêu diệt sâu bệnh hại là điều phải thực hiện trước tiên. Xin được trao đổi ý kiến này.

      2. Đại ca chùa bộc

        – Nhất trí với bác Cafe Vối. Đề cập tới vấn đề tái canh hiện nay là diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp không thể ghép cải tạo được mới cần thay thế. Mà trong trường hợp bình thường như thế mà vườn cây cũng bị bệnh, kém phát triển mới đáng nói.
        – Theo tôi, hiếm có vườn cây cà phê nào trồng từ trước đây (sau khi khai phá rừng) bị sâu bệnh hại nghiêm trọng đến mức phải nhổ bỏ trồng lại. Mà nếu có, điều bắt buộc là phải nhổ bỏ rồi luân canh với cây trồng khác là điều dĩ nhiên.
        Cám ơn bác Cafe Vối đã lưu ý.

    3. cafenghot

      Tôi đ/ý với ý kiến của bạn Phạm Văn Khiêm. Rễ cây khi bị chặt đứt khả năng thẩm thấu vẩn còn nên có hiện tượng chảy dịch kéo dài ở đầu rễ có khi 3-4 tháng mới hết và vẩn còn tươi có khi kéo dài cả năm.

      1. Cafe Vối

        Có khi tươi cả năm. Tôi đồng ý vì rễ nằm trong đất không bốc hơi để khô được.
        Còn khả năng thẩm thấu, hiện tượng chảy dịch kéo dài ở đầu rễ là do cơ chế nào? xin được nghe lời giải thích, cám ơn nhiều.

      2. cafenghot

        Bạn Cafe Vối trước kia có thắp đèn dầu ko? v/d 1, nếu có thì khi nhúng một đầu tim đèn vào dầu dầu kia sé thấy dầu ngấm lên khi đốt dầu trên đầu bốc hơi, dầu bên dưới sẻ tiếp tục ngấm lên. v/d 2, Bạn lấy một thau nước và lấy một đoạn tim đèn sạch một đầu nhúng vào thau nước 1 đầu thả thòng ra ngoài nước sé nhỏ ra ngoài nhiều hay ít phụ thuộc vào độ sạch của tim đèn, đó là hiện tượng thẩm thấu. Như tôi đã nói hiện tượng chảy dịch ở đầu rễ là hiện tượng thẩm thấu do các miền lông hút ở đầu rễ vẫn còn cho nước thấm qua.

      3. càng cua

        Ví dụ tim đèn là hiện tượng mao dẫn, không phải thẩm thấu đâu bác cafenghot ơi.

  8. cafenghot

    Tái canh cây càphê như thế nào hiệu quả, chi phí giảm, rút ngắn thời gian trồng lại, tôi đ/ý với ý kiến của tác giả bài viết, để nguyên gốc cũ cưa và đốt toàn bộ giống như đốt rẩy để giảm bớt mầm bệnh, sau đó đào hố xử lý thật kỹ và trồng luôn.
    Để bà con mình tham gia ý kiến tôi xin kể một số mẩu chuyện sau năm 1977 đơn vị tôi từ THải vào Đak Lak xây đập thủy lợi trên sông Krông Pak, E phân mỗi C phải tự túc ít nhất 2 tháng lương thực. Phát rẩy xong có C dọn đất thật kỹ rà rể cẩn thận, có C chỉ đốt kỹ xong là cuốc hố tỉa bắp ấy vậy rất tốt, còn làm kỹ cây bắp hầu như thu ko đáng kể, chẳng những ở Krông Pak mà các Tỉnh Tây Nguyên điều vậy, như vậy nguyên nhân do đâu?
    Theo ý kiến của riêng tôi trong quá trình đào xới vô tình đã đưa các chất độc hại bị ém sâu lên trên măt và các chất hữu cơ phân hủy tạo ra các chất bất lợi cho sự phát triển của cây trồng, như bà con nào thử trồng độ 1 sào rút kinh nghiệm để phổ biến cho tất cả mọi người cùng biết.

  9. võ tá quyền

    Trên thực tế vườn cà phê của tôi bị bệnh chết rất nhiều (300/500 cây) lúc đầu cũng chĩ đào bỏ gốc cũ rồi đào hố bón vôi vào mùa khô, đến mùa mưa thì bõ phân chuồng ủ lại tới lúc trồng cà xuống, ấy thế mà cây cà không thể lên tốt đc. Nếu chặt ngang thân đốt lên gốc cũ thì các bạn cho mình hỏi chính xác để bộ rễ gốc cũ chết đi và hoai mục là bao nhiêu năm. Nhưng khi tôi tiến hành nhỗ bõ gốc cũ từ mùa khô (trướckhi tưới đợt 1) rồi rãi đều vôi lên bề mặt, phơi đất hết mùa khô, mùa mưa không cần đào hố mà chĩ đỗ phân lên đống đất mà lúc nhô cây để lại rồi trộn đều và trồng thì cây phát triển rất tốt và đã cho thu đc 4 năm nay và vườn cà vẫn tốt.
    “Nhổ bỏ rễ gốc cây cũ, tương ứng sẽ có một lượng lớn chất hữu cơ, khoáng chất bị mất đi”, theo mình ý kiến này không hợp lý, mất đi chất hữu cơ và khoáng chất ở chỗ nào? ở trên gốc cây cũ chăng, vì khi nhỗ lên thì tất cả đất đều đc rũ xuống tại chỗ chỉ còn trơ lại cái gốc. Nói đi cũng phải nói lại có thể mọi người nhổ cây bằng máy nên khi máy múc lên là múc hết, còn mình nhỗ cây bằng balăng xích nên vấn đề múc đất không có.
    Đây là ý kiến của em mong các bạn đừng ném đá.
    CHÚC BQT VÀ TOÀN THỂ BÀ CON GIÁNG SINH VUI VẺ

    1. Cafe Vối

      Theo tôi, có rất nhiều lý do khác nhau khiến cây cà cũ chết như rệp sáp ở rễ, ve cắn nát bộ rễ, các bệnh về nấm, bệnh về sinh lý như ngộ độc, úng nước… nhiều kiểu cây chết lắm! Bạn cần xác định được vườn cà phê cũ của mình bị chết vì lý do gì khi đó mới xác định tái canh thế nào có hiệu quả nhất. Nếu không xác định được cho dù tái canh thành công cũng khó trao đổi đúc kết kinh nghiệm. Như vậy vườn cà cũ của bạn là chưa xác định được nguyên nhân chết? Nếu có tái canh thành công cũng chỉ là ngẫu nhiên?

      Về quan điểm của tác giả “Nhổ bỏ rễ gốc cây cũ, tương ứng sẽ có một lượng lớn chất hữu cơ, khoáng chất bị mất đi” theo tôi bạn chưa hiểu hết ý này. Chất hữu cơ, khoáng bị mất là tác giả muốn nói nếu để lại gốc cây và bộ rễ cũ thì thời gian sau nó sẽ phân hũy thành hữu cơ và khoáng cung cấp lại cho đất. Không phải có sẵn ở trong đất mà ta múc đổ đi như bạn hiểu đâu.

  10. trần ngọc quyết

    Tôi đã tái canh cà phê, trồng vào chỗ trống của vườn chưa cưa cây cũ, mấy năm đầu cây phát triển mạnh nhưng khi có trái (kinh doanh) thì cây bị vàng vậy hãy chỉ cho tôi cách xử lý. Tôi xin cảm ơn.

    1. Cafe Vối

      Theo tôi, bạn không dùng phân hóa học nữa mà chỉ dùng phân hữu cơ như phân chuồng, phân rác, phân xác mắm… và các loại phân vi sinh. Trường hợp của bạn giống như của bạn Chính Trung GL hay của bạn Tân Hưng.

  11. vạn tùng

    Quá trình cải tạo cà phê, vườn cây tôi có hơn 600 cây không đều tôi cưa tận gốc khoảng hơn một trăm cây một vùng, sau đó tôi để nguyên gốc cũ. Đào gốc mới giữa ngã tư trồng mới, nay đã tới năm thứ sáu mà số cây ấy vẫn tốt bình thường cho năng suất cao.

  12. Nguyễn Vịnh

    Qua trao đổi của bà con, tôi xin nói thêm.
    Trước đây quan niệm bón phân là cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho cây hấp thu và phát triển để cho ra sản phẩm. Nhưng quan điểm hiện nay thì cho rằng bón phân là bón trả lại cho đất những dưỡng chất cần thiết mà cây đã lấy đi. Quan điểm này kết hợp với quan điểm canh tác bền vững và quan điểm cân bằng sinh thái là những quan điểm nông học hiện đại bà con ta sẽ quen dần. Từ đó mới thấy rằng sử dụng nhiều phân vô cơ sẽ làm nghèo đất và tốn nhiều tiền mua, đất dai ngày càng bị thoái hóa nhiều hơn và diện tích canh tác ngày càng bị thu hẹp lại…
    Nhà nông cần quan tâm đến phân hữu cơ và hữu cơ vi sinh nhiều hơn!

  13. Giang Sơn

    *bón phân là bón trả lại cho đất những dưỡng chất cần thiết mà cây đã lấy đi. Quan điểm này nghe hay lắm, cám ơn bác Vịnh.
    Em còn nghe thấy trên tivi người ta nói nhiều về việc trồng rau quả bón bằng phân hữu cơ và không bón phân vô cơ là xu hướng ngày nay vì phân vô cơ không có lợi cho sức khỏe của người tiêu dùng.
    Em nghĩ có bao giờ một ngày nào đó người ta chỉ uống cà phê trồng bằng phân hữu cơ mà không uống cà phê trồng bằng phân vô cơ không hả các bác? Eo ôi sợ quá, lúc đó phải làm sao?

  14. Cafe con

    Chỉ khi nào xác định được cây già cũ cũng như cây con mới chết vì lý do gì thì bà con mới có hướng khắc phục hợp lý đỡ tốn kém lãng phí. Còn không thì cũng chỉ là giả thiết, mò mẫm làm trông chờ vào sự ngẫu nhiên nhiều hơn mà thôi.

  15. cafenghot

    Nói như bạn VTQ các chất khoáng hữu cơ có trong đất là
    1, nhờ con người bón các loại phân chuồng hay phân hữu cơ vi sinh
    2,là sự phân phân hủy các tàn dư thực vật như lá, cành, các loại cỏ dại trong vườn cà phê.

    Như vậy khi tái canh cây cà phê mà nhổ bỏ toàn bộ thân, cành, gốc, rể là đồng nghĩa bỏ đi một lượng lớn các chất khoáng hữu cơ, ở đây bà con mình bàn luận là làm cách nào ko cần nhổ bỏ gốc cũ mà vẩn canh tác tốt trên đất tái canh. ”trước đây quan niệm bón phân là cung cấp những dưỡng chất cần thiết cho cây hấp thu và phát triển để cho ra sản phẩm. Nhưng quan điểm hiện nay thì cho rằng bón phân là bón trả lại cho đất những dưỡng chất cần thiết mà cây đã lấy đi”.
    Tuy hai quan niệm cách nói khác nhưng cùng 1 ý là trả lại cho cho đất những gì ta lấy đi thông qua sản phẩm kể cả những phần mất đi do thấm sâu, rữa trôi, bốc hơi nữa.

    ”Quan điểm này kết hợp với quan điểm canh tác bền vững và quan điểm cân bằng sinh thái ” như Anh Vịnh đã nói ở trên ngay bây giờ chúng ta phải làm đừng để quá muộn, đến lúc đó phục hồi lại vô cùng tốn kém tiền bạc và công sức.

  16. k duông

    Đúng nếu cà phê cũ đã trồng đúng kích thước thì không nên nhổ bỏ hay đào gốc, mà cứ để vậy cưa sát mặt đất và lấp đất không cho nảy mầm. Sau đó đào lỗ to ngay giữa 4 cây cũ trồng lại thì bảo đảm không bị vàng và chết dần. Lý do các tuyến trùng và sâu bệnh tấn công đều khắp nên san sẻ cho cây con mới trồng nên, chúng chịu được cho tới lúc trưởng thành và có sức đề kháng, giống như nếu có một trăm con muỗi mà có 100 ngừơi thì mỗi con đốt một người hoặc 2 -3 con đốt một người, còn nếu 100 con muỗi mà chỉ có 1 người thì ta chi có mà chết thôi. Cây cà phê tái canh cũng vậy, nếu để gốc cũ không đánh đi hoặc nhổ bỏ thì khi trồng mới các tuyến trùng hay kiến mối sẽ ăn đều khắp, chúng không tập trung vào cây mới trồng nên cà phê không bị chết dần. Còn nếu muốn nhổ bỏ gốc cũ nếu như cà phê già cỗi trồng không đúng kích thước thì ta nên kiếm vỏ cà phê đổ đầy các lỗ mới đào kích thước 0.6 vuông đốt cho các tuyến trùng chết trồng lại thì không bị vàng lá chết dần. Đó là kinh nghiệm thực tế tôi đã tái canh thành công đến nay 8 năm cây vẫn đẹp và cho năng suất đều. Lẽ đương nhiên là ta phải bón lót phân hữu cơ và lân khi trồng cây con, và chú ý khi đào lỗ ta rải đất đều khắp đừng vun thành đống nhớ phải phơi ải hết mùa nắng khi đặt cây con xuống trồng ta chỉ được phép cào khoảng 3-5 cm lớp đất mặt xuống lỗ đảo phân đã đổ trồng, vì với lớp đất mỏng từ 2-5 cm dưới tác động của ánh nắng mặt trời các tuyến trùng và vi sinh vật có hại đều chết hết khi ta phơi ải.

    1. Dinhnhi

      Làm theo như thế này nhiều khả năng thành công … Ở Cưmgar nhiều hộ cũng đang theo phương án này ! Nhưng những lô cà phê có trồng xen tiêu thì lại không được khả thi cho lắm , vì vướng phải cái anh tiêu mà tiêu đang có giá nữa mới chết chớ …

  17. Tèo

    Tái canh và trồng dặm là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau!
    Trồng dặm cây cà con khó sống vì các bác chỉ đào cái hố nhỏ xíu trên cái gốc chết rồi cho cây con xuống (đào cả hố thì ai cũng lười và mệt). Phải đào sâu và mở hố ra xa để tránh cho rể của những cây xung quanh lấn sang, phần nữa là phải làm cành các cây bên cạnh cho thật thoáng để cây con có đủ ánh sáng cho việc tổng hợp chất hữu cơ. Ánh sáng quyết định rất lớn sự phát triển và đến năng suất cây cà phê. Dễ dàng thấy rõ ảnh hưởng của ánh sáng đến năng suất của cà phê như năm mưa nhiều, ít nắng này. Mình thấy ở các nông trường Đăk Lăk trồng rất nhiều cây muồng che nắng. Năng suất ở những vườn cà phê đó rất thấp. Mình thấy cách làm này không đúng. Vườn cà phê của mình chẳng có cây chắn gió, che nắng nào nhưng năng suất trong 5 năm gần đây chưa bao giờ dưới 5 tấn. Để trồng dặm hay tái canh bền vững cần phải cân nhắc việc bón phân, ánh sáng hợp lý. Sâu bệnh nhiều cũng một phần do cây cà phê quá rợp không ánh sáng. Không có ánh sáng thì sâu bệnh, rầy rệp đầy thôi. Vườn cà phê của mình 2 năm nay chưa bơm thuốc sâu (chỉ bơm một đợt Bốc Đô, diệt kiến bằng quẹt mồi nhử có thuốc). Khi tái canh cà phê các bác quên một điều rất nghiêm trọng là hàm lượng chất hữu cơ trong đất hầu như không còn, trên đất rừng hoang thì cà phê phát triển cực kỳ ấn tượng vì lớp chất hữu cơ bề mặt nhiều. Việc bón phân hữu cơ (phân bò, phân xanh), phun đạm hữu cơ, các axit amin rất quan trọng. Vài điều chia sẻ có gì sai các bác cứ góp ý.

    1. Robusta

      – Mình thấy ở các nông trường Đăk Lăk trồng rất nhiều cây muồng che nắng. Năng suất ở những vườn cà phê đó rất thấp. Mình thấy cách làm này không đúng. Vườn cà phê của mình chẳng có cây chắn gió, che nắng nào nhưng năng suất trong 5 năm gần đây chưa bao giờ dưới 5 tấn.

      Ý này của bạn rất chủ quan và hơi vội vàng đấy. Tính tổng chi phí đầu tư bạn bỏ ra tôi tin chắc của bạn lớn hơn nhiều, còn chưa tính đến yếu tố bền vững, cân bằng sinh thái và bảo vệ tài nguyên môi trường nữa đấy. Nếu qui hết ra bằng tiền thì chắc chắn bạn sẽ bị lỗ to. Đây là cái nhiều nhà nông và bạn cũng chưa thấy

  18. Tèo

    À cũng nói thêm là chẳng phải quan tâm tuyến trùng, trứng rệp gì ở đây cả vì thiếu cơ sở khoa học. Cây cà phê đã có lịch sử tiến hóa và thích nghi tới ngày hôm nay rồi. Không cân bằng dinh dưỡng trong đất là điều chắc chắn làm cho việc tái canh không thành công. Hàm lượng vô cơ quá cao. Hàm lượng hữu cơ hầu như không còn. Mình đã làm và đã khắc phục được! Năm đầu chặt bỏ cứ phân bò ủ hoai rồi xuống giống. Tiếp là đào hố cho thật sâu lấy được lớp đất đỏ, đất lâu ngày chưa phơi ải lên (đất đỏ vẫn còn nếu đào sâu thêm xuống), rồi rơm, cây bổi, lá cây lâu năm mà tống xuống hố. Lá bổi mục rể cây cà con đâm ra là ăn được. Các năm tiếp theo hầu như lượng phân hữu cơ với phun hữu cơ qua lá là liên tục. Cà của mình đã năm thứ 8 sau tái canh. Năng suất đang tăng từng năm. Năm nay mình sẽ bỏ cành thấp cho việc đào hố dễ hơn. Khi ra bạt đừng bao giờ cho lá ra đường. Cứ tấp lá vào hố. Hàng cà ngoài đường nhiều lá cà mục, nhiều sáng, tổng hợp hữu cơ nhiều năm nào cũng năng suất hơn các hàng bên trong. Ngược hẳn với các hàng cà phê ngoài đường có trồng chắn gió của những nhà bên.

    Xin nói thêm là mình có hai vườn cà phê. Một trồng trên đất rừng hoang năm 96, 1 trồng trên đất tái cánh 2003.

  19. Lão nông

    Theo tôi vườn cà phê già cỗi, và vườn cây ko cho năng suất thường nhiễm bệnh nặng. Nên cần trục gốc bằng máy nhổ mới hết rễ, cày sâu, xử lý vôi tốt nhất trồng cây họ đậu, ít nhất 1 năm rồi trồng cà. Tôi đang có ý định muốn mua 1 cái máy cày đất, nhổ cây. Ở đâu sản xuất giàn trục gốc, bà con chỉ giùm, xin cảm ơn nhiều.

  20. k duông

    Tuyến trùng là hoàn toàn có đúng cơ sở khoa học, vì khi ta canh tác với một loại cây trồng trên một mảnh đất sẽ phát sinh ra những tuyến trùng hay sâu bệnh cho loại cây trồng đó, nên đối với loại cây ngắn ngày người ta khuyến cáo nên luân canh với loại cây trồng khác, còn với cà phê là cây lâu năm nên ta không thể luân canh nhưng khi ta muốn tái canh thì phải tính đến yếu tố tuyến trùng và sâu bệnh. Đó là hoàn toàn đúng với cơ sở khoa học.

  21. thanhtam

    Tôi thấy các bạn tranh luận nhiều về việc tái canh cây cà phê nên cũng xin được góp một vài ý kiến. Tôi cũng đã thực hiện tái canh mà không cần phải nhổ bỏ gốc cũ, chỉ cần cưa bằng mặt đất. Hố trồng mới không được đào sâu mà chỉ đào sao cho khi trồng cây con chỉ lấp đất ngang cổ rễ. Tôi không sử dụng phân hữu cơ gì, chỉ dùng phân hóa học với số lượng nhỏ chia làm nhiều lần. Cỏ trong vườn cà phê chỉ dùng máy cắt chứ không tác động đến đất. một hai năm đầu cây phát triển chậm nhưng sau đó khi cây đã có đà thì phát triển rất tốt và bền vững. Chi phí cho việc tái canh cũng rất thấp.

  22. mộc kiều

    Các bác cho em hỏi, có những gốc cà phê khi cưa cao 30cm thì tịt luôn, không bao giờ lên mầm (khi gọt vỏ vẫn thấy xanh – gốc nằm ngoài nắng, còn sống) thì ta phải làm sao để lên tược lại?
    Còn những gốc mình cưa đi gần sát đất, nằm trong tán cây muốn cho chết mà vẫn không chịu chết, lên tược hoài ( loại này do em trồng kẹp 2 cây, muốn phá 1 cây ).
    Em cũng muốn hỏi các bác có kinh nghiệm về trồng kẹp 2 cây sát nhau (khi trồng 2 bịch đất đặt sát nhau ) thì cây cp phát triển có tốt bình thường không?
    Em xin cảm ơn các bác trước.

    1. MUF

      Kinh nghiệm của tôi: cưa càng thấp càng tốt, cây ghép cho cành thấp, nhưng: phần gốc còn lại phải còn 1 cái u, ( có nơi gọi là nu) gốc mới đâm chồi để ghép được, nếu không có u nào cả thì phải chừa cỡ 40cm, nhưng những gốc này lâu đâm chồi gốc lắm, nhiều khi hên xui (có nghĩa là gốc chết luôn!). Cây muốn phá thì bạn cứ vặt chồi như làm chồi bình thường, trước sau cũng chết. Thân.

  23. nguyễn hùng

    Dành 2 tiếng đồng hồ đọc hết các loạt bài của các bạn và các bác đúng la hoa cả mắt . Ai cũng nói vấn đề tái canh là một vấn đề quan trọng nhưng theo mình cà phê già cỗi năng suất không đủ cho chi phí ,công cán, thì việc tái canh là đương nhiên phải làm rồi .Điều quan trọng nhất theo mình đó là không mất thời gian luân canh cây trồng khác hoặc chỉ mất 1 đến 2 năm là có thể trồng lại nhưng vẫn đảm bảo được sự phát triển của cây ca phê tới khi nó vào thời gian thu hoạch đại trà. Vấn đề xác định độ phèn của đất (để bón vôi) hay xác định được mầm mống bệnh trong đất (để sử dụng thuốc) là rất khó thực hiện . Vì chỉ khoảng 1 ha đất (như trường hợp của mình) thì việc mang đất đi lên phố giám định là không khả thi về mặt thời gian và chi phí. Mùa mưa năm nay mình quyết định trồng khoảng 1 ha cafe tái canh, sau khi tổng hợp các ý kiến của anh em mạng (mình vẫn tâm đắc nhất là của bác Nguyễn Vịnh) các ae khác cũng có những ý kiến rất thực tế.
    Mình sẽ xử lý vườn cafe mình như sau (sống hay chết chăc chỉ còn phụ thuộc vào số phận …): Sau khi lật ải cày đất bằng máy cày lớn phơi đất (việc này mình đã làm cách đây khoảng 1 tháng rồi) mình sẽ rải vôi trên toàn bộ diện tích đất sau đó dùng máy cày nhỏ bung đất theo chiều ngang so với chiều máy cày lớn đã đi (vừa có tác dụng trộn đều vôi vừa đánh tơi xốp lớp đất mặt, vì khi sử dụng máy lớn cày bằng chảo đất sẽ được lật lên theo từng tảng lớn), khi trận mưa bắt đầu đổ xuống mình sẽ tiến hành đào hố (vấn đề này mình đang phân vân giữa đào bằng tay hoặc sử dụng máy khoan lỗ sau đó dùng cuốc mở rộng thêm). Đào bằng tay thì công không có, đào bằng máy múc thì vừa tốn kém vừa mất đi lớp đất bề mặt vì đào bằng máy múc thì đất bề mặt và đất đáy sẽ trộn lẫn vào nhau. Còn sử dụng máy khoan lỗ thì mình nghe nói sẽ làm nén đất, nên mình đang phân vân. Sau khi đào xong hố mình sẽ trộn lân + vi sinh và tiến hành trồng. Khi trồng cây mình sẽ bỏ thêm chế phẩm sinh học trị tuyến trùng (không biết chất lượng và kết quả thực sự của chế phẩm này thế nào nhưng có thử mới biết được ) 1ha của mình chưa tính tiền giống bước đầu chắc hết khoảng (1 tấn vôi = 2tr + 1 tấn vi sinh = 4tr + 500 lân = ? + chế phẩm = 2tr + ….+ ). Mong anh em mạng đóng góp thêm vì chỉ còn khoảng 2 đến 3 tháng nữa là mình xuống giống rồi, chân thành cảm ơn.

  24. thiên thy

    Cháu đang làm chuyên đề tốt nghiệp mà không có tài liệu nào nói đến việc tái canh cây cafe và sự phát triển bền vững, bác nào có tài liệu nào về tái canh cây cafe gửi cho cháu tham khảo với ạ, cháu xin chân thành cảm ơn

  25. Nguyễnvănmạnh

    Cho em hỏi một chút kỹ thuật về tái canh cafê. Hiện nay em có khoảng 500 gốc cafê già cỗi giờ em muốn trồng xen cây cafê con sát cây cafê già cách 20cm có phát triển được không ạ. Vì em không có time và tiền để nhổ bỏ gốc cũ… mong ACE chỉ giúp và hướng dẫn em chút kỹ thuật ạ. Em xin cảm ơn nhiều…

    1. Kinh Vu

      Cây con bạn trồng mới sát bên đó sẽ không phát triển được đâu bạn, do nó bị tranh chấp ánh sáng và dinh dưỡng của cây lớn còn lại. Chưa nói đến bộ rễ cũ của cây lớn sau này sẽ là nguồn của đủ loại sâu bệnh cho cây mới.

  26. caohanh

    tái canh cà phê là chồng mới hoàn toàn vườn cây?
    tình trạng vườn cây hiện tại muốn tái canh như thế nào ?
    vườn cây già cỗi hay giống cây hiện tại không cho năng suất ?
    cây cũ bị bệnh gì? chất đất như thế nào? chi phí tái canh ?
    cây giống mới có bị tuyến trùng không ” đất bầu ươm cây”
    chuẩn bị đất trồng ” khác đất mới ở chỗ có bệnh truyền nhiễm từ cây cũ, đất bị ngộ độc phân bón lưu ý độ PH”. Rễ cà phê phát mạnh ở tầng mặt cần đất tơi xốp thoáng khí ” lưu ý sử dụng chất độn cho đất xốp nhiều mùn”
    ở bảo lộc mình thấy họ trồng chữ ngũ cây con phát triển tốt hay vườn cây gốc hơn 20 năm gép vẫn cho năng xuất cao.

  27. Cu uyên

    Tôi dùng máy múc để đào cây cà phê đã cỗi, nhưng ủy ban xã tôi lập biên bản, không cho múc tiếp. Tôi vi phạm điều gì ?

Tin đã đăng