Nuôi cá tầm Nga – Một hướng đi triển vọng

Tập đoàn Cá tầm Việt Nam vừa triển khai cơ sở nuôi cá tầm Nga trên lòng hồ thủy điện buôn Tua Srah, xã Nam Ka (Lak) với quy mô được xem là lớn nhất Việt Nam.

Ngành thủy sản tỉnh đang hy vọng từ đây sẽ mở ra ngành nghề mới cho người dân địa phương về việc làm thu nhập và phát triển tiềm năng từ mặt nước các lòng hồ thủy điện.


Cá Tầm đang nuôi tại Thủy điện Buôn Tua Srah

Theo ông Trần Ngọc Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn), cá tầm là loài cá cổ có nguồn gốc ở nước Nga nên gọi là cá tầm Nga. Cá được thả nuôi tại lòng hồ thủy điện Buôn Tua Srah có trọng lượng ban đầu từ 200 – 400gam; vào khoảng 3 – 4 năm sau, khi cá đạt trọng lượng từ 3-5 kg/con thì sẽ được thu hoạch trứng và thịt cá.

Trước khi khai thác, cá tầm sẽ được đưa đi ngủ đông tại cơ sở nuôi cá tầm ở Đà Lạt. Theo giá thị trường hiện tại, 1 kg cá tầm thương phẩm có giá từ 250.000 – 300.000 đồng; còn trứng cá thì có giá trên 30 triệu đồng/kg, chủ yếu để xuất khẩu. Đặc điểm của cá tầm là sống ở những nơi nước có độ mát dưới 24 độ C và nước sạch liên tục chảy, phải chăm sóc kỹ để cá ăn hết thức ăn mới tránh được bệnh tật.

Bước đầu kiểm tra việc nuôi cá tại hồ thủy điện Buôn Tua Srah, xã Nam Ka cho thấy, cá tầm tỏ ra thích ứng nhanh với môi trường nơi này. Việc nuôi thành công cá tầm đang được hy vọng sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển ngành nuôi trồng thủy sản của Dak Lak bởi đây là địa bàn có nhiều lòng hồ thủy điện nước rất sạch, khí hậu mát mẻ, mà thủy điện Buôn Tua Srah là một ví dụ. Việc nuôi cá tầm quy mô lớn ngoài việc mang lại nguồn thu lớn còn mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người dân địa phương.

Hiện nay, hằng ngày tại cơ sở nuôi cá tầm ở Buôn Tu Srah có hơn 20 công nhân làm việc, trong đó có 5 công nhân người dân tộc thiểu số tại chỗ thực hiện việc chăm sóc cá, cho cá ăn, thường xuyên kiểm tra lưới để bảo vệ cá. Anh Y Thuy Niê, công nhân nuôi cá tại lòng hồ thủy điện Buôn Tua Srah cho biết, thu nhập của anh hiện là 2,5 triệu đồng/tháng, được cấp bảo hộ lao động và mua Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội. Ông Y Hoắt Niê, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nam Ka cho biết thêm, theo thỏa thuận giữa cơ sở nuôi cá tầm và địa phương, từ nay đến hết tháng 1-2012, cơ sở sẽ tuyển thêm 100 công nhân lao động tại địa bàn Nam Ka, ưu tiên những hộ gia đình người dân tộc thiểu số thuộc diện di dời trả đất để xây dựng thủy điện Buôn Tua Srah.

Còn ông Nguyễn Thành Trung, Giám đốc sản xuất cơ sở cá tầm Nga tại Dak Lak cho biết, lòng hồ thủy điện Buôn Tu Srah là điểm nuôi trồng cá tầm thứ 5 của Tập đoàn Cá tầm Việt Nam. Với mạng lưới nuôi và khai thác hiệu quả tại lòng hồ thủy điện Buôn Tua Srah, Tập đoàn đang hướng tới việc trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu trong khu vực và thế giới trong 3 năm tới. Định hướng các sản phẩm của Tập đoàn chủ yếu phục vụ xuất khẩu ra thế giới với chất lượng cao nhất.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng