Ngày 9-12, tại thành phố Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh Đắc Lắc đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức Hội thảo phát triển thị trường mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa tại Việt Nam.
Hiện nay, Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam đang niêm yết các mặt hàng cà phê, cao su và thép, nhưng hoạt động giao dịch này vẫn còn rất hạn chế về số lượng và giá trị giao dịch.
Tính cả 2 niên vụ 2009-2010 và 2010-2011, số lượng cà phê mang đến Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột ký gửi, giao dịch chưa đến 1.000 tấn.
Hoạt động giao dịch kỳ hạn tại sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột trong thời gian qua chủ yếu do các thành viên môi giới giao dịch, khớp lệnh với nhau nhằm tạo thị trường ban đầu và khuyến khích thị trường phát triển. Tuy nhiên, số lượng thành viên còn hạn chế, năng lực tài chính không mạnh, chưa có các thành viên đủ năng lực tạo lập thị trường tham gia hoạt động này, do vậy lệnh đặt vào hệ thống ít, tính thanh khoản của thị trường kém.
Các ý kiến tại hội thảo tập trung vào 2 nhóm vấn đề cần tập trung giải quyết nhằm thúc đẩy sự phát triển của hoạt động giao dịch hàng hóa thông qua sở giao dịch tại Việt Nam. Đó là kiện toàn hệ thống hành lang pháp lý cho hoạt động giao dịch; giải quyết các vướng mắc cho các nhóm vấn đề liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn và phát triển thị trường trong hoạt động giao dịch.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá về hoạt động của sở giao dịch cũng cần được quan tâm.
Sở giao dịch hàng hóa VN với Trung tâm giao dịch cafe BMT (BCEC) là 1 hay là 2? là 2 trong 1? sao mà nghe nhập nhằng vậy?
Làm kinh tế mà có vẻ không minh bạch, mơ hồ, cái nọ xọ cái kia… ai mà tin cho nổi !
Thiết nghĩ nên có chính sách hỗ trợ tại từng khu vực tránh việc cần thiết phải đưa sản phẩm tới tận kho Trung tâm mà phải mở thêm nhiều kho bãi các vùng nguyên liệu khác thì mới mong người làm cà phê cùng được tham gia.
Chỉ có ở ta mới sinh ra sự trái khoáy này !
Tính theo mức thu phí bình quân cho một giao dịch thành công là 2.2 USD/ tấn, vậy trong 2 năm qua BCEC thu phí được khoảng 2.200 USD! một số tiền không đủ trả lương cho 1 nhân viên/ 2 năm, xin hỏi các nhà quản lý và điều hành, BCEC đang “bú bầu sữa ngân sách” phải không? thật bất công cho người dân nộp thuế vào “bầu sữa ngân sách” để nuôi những đứa trẻ đến tuổi biết đi, biết nói mà chưa chịu “bỏ bú” kiểu như BCEC. Nghĩ mà buồn!