Trung Quốc và Ấn Độ đang săn lùng mua cao su kỳ hạn gần, cùng với hoạt động mua khá mạnh từ những nước tiêu thụ khác vào dịp cuối năm trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm ở Đông Nam Á có thể giữ giá cao su tiếp tục đà tăng giá trong thời gian tới.
Tại Indonesia, nước sản xuất cao su lớn thứ 2 thế giới, thời tiết nơi thì quá khô, nơi thì quá ẩm ướt đang cản trở việc thu hoạch mủ tại đảo trồng cao su chính Sumatra, trong khi tại Malaysia, mưa lớn cũng có thể sẽ hạn chế nguồn cung trong một vài tuần tới.
Tại Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su số 1 thế giới, lũ lụt đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc thu hoạch cũng như vận chuyển mủ và cao su.
Phiên giao dịch 7/12, cao su RSS3 của Thái Lan kỳ hạn tháng 1 giá 3,45 đô la/kg, trong khi STR20 giá 3,44 đô la/kg, tăng từ mức 3,25 đô la tuần trước, theo xu hướng giá tăng trên thị trường kỳ hạn Tokyo.
Có bốn lý do đang hỗ trợ giá tăng: Lo ngại về nguồn cung ở các nước sản xuất chính; Giá dầu mỏ tăng; Nhu cầu mạnh, nhất là từ Ấn Độ và trung Quốc; và các nước sản xuất hàng đầu ghi sổ đen những khách hàng từ chối nhận hàng và kêu gọi các nhà xuất khẩu từ chối giảm giá.
Giá cao su thiên nhiên của Việt Nam ngày 7-12
Một thương gia ở Kuala Lumpur cho biết khách hàng Ấn Độ đã mua một số lô cao su, chủ yếu là của Thái lan, vì giá cao su Thái lúc này cạnh tranh hơn so với cao su Indonesia.
Cao su SIR20 của Indonesia được bán với giá 156 đến 157 xu/lb (3,44 – 3,46 đô la/kg), kỳ hạn giao tháng 1 và 2. Cao su SIR20 loại tốt nhất của Indonesia vừa được bán cho khách hàng Trung Quốc và Ấn Độ với giá lên tới 158 xu/lb. Mức cộng giá cao su SIR20 đã tăng từ đầu tuần.
Thông thường, cao su SIR20 có giá rẻ nhất trong số các loại cao su Đông Nam Á, nhưng đã tăng lên vượt cao su Thái lan vào đầu tháng 10, sau khi mùa đông khô hạn đến sớm ở phía nam Sumatra làm giảm sản lượng mủ. Phần phía bắc của hòn đảo này mới đây vào mùa mưa, nên nguồn cung cũng giảm.
Cao su SMR20 của Malaysia kỳ hạn tháng 1 được bán giá 3,40 đô la/kg, khách hàng chủ yếu cũng đến từ Trung Quốc.
Các thương gia đang chờ đợi Uỷ ban Kinh doanh Cao su Asean (ARBC) công bố danh sách “đen” những khách hàng đã từ chối nhận hàng sau khi giá cao su giảm.
Tại cuộc họp cuối tuần ở Hà Nội, ARBC đã quyết định sẽ xử lý những khách hàng này, yêu cầu các thành viên của mình ngừng ký hợp đồng với họ và sẽ hỗ trợ những thành viên muốn theo đuổi vụ kiện những khách hàng vi phạm hợp đồng.
Giá cao su đã giảm một nửa từ mức cao kỷ lục 6,40 đô la/kg hồi tháng 2 năm nay, do lo ngại khủng hoảng nợ châu Âu có thể ảnh hưởng xấu tới nhu cầu, và nhiều khách hàng Trung Quốc đòi thương lượng lại giá với người bán.
Nhưng gần đây xu hướng giá đã đảo chiều tăng trở lại. Cao su Tokyo đã vượt qua mức 290 yen/kg và dự kiến sẽ sớm trở lại mức 300 yen/kg.
Các thương gia nhận định nhu cầu sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới, bởi lo ngại thời tiết xấu có thể đẩy giá tăng hơn nữa và tranh thủ mua ngay lúc này. “Nguồn cung rất khan hiếm, nhất là Indonesia. Malaysia đang có mưa lớn, và chính phủ cảnh báo có thể xảy ra lũ lụt, nhất là ở vùng bờ biển phía đông”, một thương gia Singapore cho biết.
Hoạt động xuất khẩu cao su Việt Nam qua cửa khẩu Móng Cái thất thường từ khi giá giảm thấp, nhưng được kỳ vọng sẽ khôi phục trong những ngày tới.