Đắk Lắk: Phát canh thu tô, đánh dân vỡ đầu

Không chỉ khống chế người nhận khoán đất, tuốt sạch cà phê tại vườn để thu sản và dẫn đến xô xát với người dân, Xí nghiệp cà phê thuộc Cty TNHH MTV Buôn Ja Wầm còn gửi văn bản đề nghị chính quyền xã hỗ trợ lực lượng để làm việc này.

Sự nhầm lẫn giữa doanh nghiệp nhà nước và cơ quan công quyền này đang gây mất an ninh trật tự tại xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar.

“Luật rừng” của doanh nghiệp

Sáng 29.11, trong khi vợ chồng ông Hoàng Văn Định và bà Nguyễn Thị Hạnh – trú tại thôn 1, xã Ea Kiết – đang thu hoạch cà phê thì lãnh đạo Xí nghiệp cà phê thuộc Cty TNHH MTV Buôn Ja Wầm huy động lực lượng đến cưỡng chế thu sản. Giữa hai bên đã xảy ra xô xát, bà Nguyễn Thị Hạnh bị thương nặng phải đi cấp cứu tại BVĐK tỉnh với kết quả chấn thương sọ não, vỡ và lún sọ trán phải, gẫy xương chính mũi (ảnh). Theo trình bày của ông Định thì trên diện tích 0,25ha cà phê, Cty Buôn Ja Wầm chỉ đầu tư trồng mới và chăm sóc 3 năm đầu, từ năm 2001 đến nay gia đình ông tự đầu tư 100%, nhưng hằng năm vẫn nộp “tô” đầy đủ. Ngày 29.11, vợ chồng ông mới thu hái một ít để lấy tiền thuê nhân công thu hoạch toàn bộ, hẹn một tuần sau sẽ nộp khoán. Tuy nhiên, xí nghiệp cà phê vẫn cương quyết tịch thu, bà Hạnh xót của giằng lại nên bị đánh.

Ông Phan Đình Nguyên – trú tại thôn 11 – bức xúc cho biết: “Gia đình tôi tự khai hoang đất, trồng cà phê từ năm 1995 nhưng đến năm 1996 thì Cty bảo đất của họ, nếu không muốn bị tịch thu thì phải ký hợp đồng nhận khoán. Theo hợp đồng thì Cty phải đầu tư, nhưng thực tế họ không bỏ tiền mà vẫn ung dung thu sản. Từ 2000 – 2007 cà phê rớt giá, tôi ít đầu tư nên vườn cây ít trái, Cty không thèm đả động. Nhưng từ 2008 – 2010 giá cà phê phục hồi, tôi bỏ nhiều tiền đầu tư chăm sóc, đến vụ Cty lại cho người đến tuốt sạch”. Trước sự vô lý này, ông Nguyên đã khởi kiện đòi quyền sử dụng đất, nhưng toà trả đơn để cơ sở hòa giải trước theo Luật Đất đai. Vụ cà phê này, xí nghiệp cà phê tiếp tục cưỡng chế hái sạch 1,2ha cà phê của ông Nguyên.

Nhầm lẫn vai trò

Ông Lê Bá Nam – Phó trưởng CA xã Ea Kiết – cho biết: “Việc giao nhận khoán giữa xí nghiệp cà phê và người dân thì CA xã không can thiệp, nhưng nếu xảy ra xô xát thì phải xử lý theo pháp luật. Báo cáo của CA viên xác định có xô xát giữa lực lượng của xí nghiệp và vợ chồng ông Định, sau đó bà Hạnh đi cấp cứu. Chúng tôi đang lấy lời khai của các bên liên quan và nhân chứng để xử lý, nếu vượt thẩm quyền sẽ chuyển CA huyện giải quyết”.

Điều lạ lùng là ông Nguyễn Anh – GĐ xí nghiệp cà phê – lại cho rằng việc xí nghiệp tổ chức cưỡng chế là… bình thường. Cụ thể, “ông Hoàng Văn Định chống đối nên ban thu sản phải thu gom số cà phê mà vợ chồng ông đã hái”, “ông Phan Đình Nguyên cố tình không giao nộp sản phẩm, xí nghiệp buộc phải tổ chức lực lượng đến thu hái tại vườn”. Trong báo cáo gửi cơ quan chức năng, ông Anh còn cho rằng xí nghiệp đi cưỡng chế là thi hành công vụ, hộ không nộp khoán là “kẻ chống đối người thi hành công vụ”. Từ đó ông Anh đề nghị UBND xã Ea Kiết “có kế hoạch hỗ trợ lực lượng khi xí nghiệp tổ chức thu hái sản lượng cà phê tại vườn của hộ nhận khoán”.

Trong khi theo quy định của pháp luật, tranh chấp hợp đồng giao nhận khoán phải do hai bên tự thỏa thuận hoặc khởi kiện ra tòa án để giải quyết.

Như vậy GĐ xí nghiệp cà phê không hiểu biết (hoặc giả vờ không biết) pháp luật, nhầm lẫn doanh nghiệp nhà nước với cơ quan công quyền. Vì thế, người dân xã Ea Kiết nói Cty Buôn Ja Wầm phát canh thu tô, lợi dụng danh nghĩa nhà nước để làm càn, dùng vũ lực áp đảo dân là không sai.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Bo

    Lợi dụng công quyền để cướp đất của dân. Không thấy ai nói gì thì lấn tới cướp luôn tài sản, đánh đập gây thương tích trầm trọng cho dân.
    Có còn công lý nữa không? Pháp luật ở đâu?

  2. Viết Thắng

    Đúng là đã cướp của còn đánh đập người dân. Thật không coi pháp luật ra gì nữa. Mong chính quyền địa phương xử lý nghiêm trường hợp này.

  3. Phạm Văn Khiêm

    Ông giám đốc này chắc cũng sống lâu lên lão làng chứ chẳng hiểu gì về cưỡng chế cả. Làm như thế là làm bậy, cần phải bị xử lý theo pháp luật.

  4. Nông Văn Dân

    Mong chính quyền xử lý nghiêm vị GĐ làm bậy, coi thường pháp luật, bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người dân.

  5. Hòa

    Nếu đúng là đất của dân mà “công ty” đến thu thì dân tập trung lại rồi đốt mẹ công ty đi. Sợ bọn chúng à, Thích thì chơi, nhát thế!

  6. life style

    Sao ở thời điểm này đang có cái loại cán bộ đi cướp càn của dân vậy hè?
    Pháp luật ở đâu? Hay là rồi ở đâu cũng bao che dung túng cho những loại cán bộ thiếu hiểu biết làm càn thế này.

  7. hoàng daklak

    Thiết nghĩ các hộ dân (dù liên quan hay ko) nên cùng nhau liên kết lại, kiện xử lý cho bằng đc cái công ty và (…) giám đốc này.
    có thể giám đốc công ty cũng ăn chia với 1 vài cán bộ địa phương để họ làm ngơ.
    Cần thiết thì … làm to là Tỉnh phải nhảy vào thôi . Tây Nguyên là nhạy cảm nhất mà.

  8. leminh

    Nông dân ơi! theo tiếng gọi của Đảng, các anh đã không tiếc máu xương trải qua các cuộc đấu tranh dưới nhiều hình thức khác nhau, không thiếu gì những cảnh đầu rơi máu chảy với hi vọng ngất trời rằng: xã hội mới ta sẽ có ruộng cày và thoát cảnh địa tô, nào ngờ… bị bóc lột đến tận xương tủy, bị đánh đến chấn thương sọ não cũng vì địa tô… Ôi trời còn ác hơn xưa!… Chia buồn cùng các anh!

  9. cafeearal

    May là mấy ông quan chức này sống ở thế kỷ 21 chứ thế kỷ 20 các bố được làm chánh tổng thì nhân dân nhục như con trùng trục, hy vọng năm tới mấy cha này bị ung thư dạ dày rồi chết.

Tin đã đăng