Mặc dù là người trực tiếp sản xuất nhưng thực tế, giá các mặt hàng nông sản luôn bị lệ thuộc vào thương lái, trung gian, người nông dân không thể quyết định giá bán sản phẩm của mình.
Thậm chí, nhiều mặt hàng, nông dân phải chấp nhận hòa vốn, thậm chí lỗ, nhưng giới trung gian luôn có lợi nhuận cao. So với giá nông dân bán tại ruộng vườn và nơi sản xuất, giá nông sản tại các chợ, siêu thị lại cao hơn nhiều. Ðâu là giải pháp để vừa giúp người nông dân tăng thu nhập, đồng thời giảm giá bán cho người tiêu dùng?
Thương lái “ngồi mát ăn bát vàng”
Chúng tôi tìm đến cù lao Quy thuộc địa phận xã Tức Thiện, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, nơi có diện tích trồng chôm chôm, nhãn khá lớn. Hiện nay đã là cuối mùa chôm chôm, chỉ còn lác đác một vài khu vườn cho trái muộn. Nhiều nhà vườn tỏ ra ngao ngán vụ trái cây năm nay tuy trúng mùa nhưng lỗ nặng. Lý do là vào thời điểm thu hoạch rộ chôm chôm thì thương lái không mua, giá rớt thê thảm.
Bà Phạm Thị Gia, chủ vườn chôm chôm ở xã Tức Thiện cho biết, cách đây chỉ độ khoảng một đến hai tháng, giá mỗi kg chôm chôm thường chỉ từ 1.700 đến 2.000 đồng, thấp hơn giá thành sản xuất. Nhiều chủ vườn đã không thu hoạch, bỏ chôm chôm chín, thối rữa trên cành. Còn thời điểm hiện nay, lượng chôm chôm còn lại không nhiều, giá thương lái thu mua tại vựa khoảng 7.000 đến 8.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn khoảng 15.000 đồng/kg.
Tương tự, giá nhãn bán tại vườn cũng chỉ 8.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá những mặt hàng tương tự tại các chợ ở TP Vĩnh Long, TP Cần Thơ tăng đến 100%, thậm chí có loại gần 150% so với giá ban đầu của nông dân bán cho thương lái.
Theo tính toán của bà Trần Thị Hoa Lệ, chủ cửa hàng trái cây lớn tại bến Ninh Kiều, TP Cần Thơ, giới trung gian (đầu mối thu mua, vựa trái cây) luôn hưởng lợi cao nhất. “Giá chôm chôm thường tại cửa hàng, tại chợ hiện nay 15.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn 30.000 đồng/kg, nhãn từ 20.000 đến 25.000 đồng/kg. Như vậy giá các loại trái cây đều tăng từ 100% so với giá ban đầu nông dân bán cho thương lái. Vì trái cây là hàng khó bảo quản lâu, tỷ lệ hao hụt lớn nên người bán thường lời khoảng 20 đến 30%, chi phí vận chuyển (kể cả hao hụt) khoảng 20%, còn lại 50% thương lái, chủ vựa bỏ túi”. Bà Lệ phân tích thế.
Lũng đoạn thị trường, ép giá nông dân
Năm 2011, tỉnh Sóc Trăng thả nuôi gần 43 nghìn ha tôm sú. Tuy nhiên chỉ thu hoạch hơn 29 nghìn ha (do dịch bệnh, tôm chết), năng suất bình quân đạt 1,34 tấn/ha. Nếu tính tổng thể, người nông dân phải gánh chịu nhiều rủi ro do giá đầu vào tăng, chi phí đầu tư lớn và điệp khúc “được mùa thì rớt giá” lại diễn ra. Song cho dù thất mùa hay trúng mùa thì thương lái, trung gian vẫn là người hưởng lợi nhiều nhất.
Ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên, cho biết, nghề nuôi tôm sú này không có nhiều người liên tục thắng đậm đâu. Do nuôi lẻ tẻ không theo quy hoạch, thời vụ, không nắm vững kỹ thuật, nên nhiều hộ phải lâm vào cảnh “trắng tay”, còn trúng mùa thì thường rớt giá. Nhà máy cho giá đại lý thu mua, nhưng có cả nghìn lý do để thương lái ép giá nông dân.
Ông Tâm khẳng định: “Hơn 70% số lượng tôm sú được thu mua để chế biến xuất khẩu, số còn lại hầu hết là tôm dạt, được đưa ra chợ, siêu thị bán cho người tiêu dùng nhưng giá cũng không phải là rẻ. Người tiêu dùng khó khăn lắm mới mua được tôm sú loại 20 con/kg nhưng phải trả với giá gần gấp hai lần (từ 450.000 đến 500.000 đồng/kg) so với giá tôm tại vuông (250.000 đồng/kg)”. Một đại lý thu mua tôm sú bán cho nhà máy “bật mí”, vụ vừa rồi, cứ mỗi tấn tôm thu mua đại lý bỏ túi gần 100 triệu đồng. Như vậy, mỗi đại lý thu mua cả vụ, tổng số tiền lãi lên đến hàng tỷ đồng là chuyện bình thường và không phải mất ăn mất ngủ về sự rủi may như người sản xuất.
Tình cảnh tương tự với mặt hàng thịt gà, thịt lợn. Tại các trang trại ở ngoại thành Hà Nội, giá thịt lợn, thịt gà xuất chuồng tại thời điểm đầu tháng 12-2011 tăng khoảng 10 đến 11% so với cách đây một tháng. Thịt lợn siêu nạc giá từ 59 đến 61 nghìn đồng/kg hơi, lợn lai giá từ 56 đến 57 nghìn đồng/kg hơi; còn gà trắng công nghiệp tăng lên 42 nghìn đồng/kg hơi. Với giá bán như vậy, hiện người chăn nuôi đang có lãi, bởi theo tính toán của anh Vũ Ðình Chuyền, Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi Tiên Phương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thì giá thành sản xuất là 36 nghìn đồng/kg, trong khi thời gian nuôi lại ngắn (chỉ 45 ngày tăng hơn ba kg). Trừ thời gian nghỉ cách lứa, quay vòng mỗi năm anh có thể nuôi tới năm lứa gà. Với trang trại (quy mô 300 con lợn nái và 2.000 lợn thương phẩm) của chị Ðặng Thu Thủy ở khu Ðồng Chan, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, theo thời giá hiện nay, người chăn nuôi sẽ có lãi khoảng 200 đến 300 nghìn đồng/con lợn thương phẩm. Tuy nhiên, giá không phải lúc nào cũng ổn định, bởi người chăn nuôi luôn phải đối mặt với những rủi ro: dịch bệnh, giá nguyên liệu đầu vào luôn ở mức cao, trong khi giá bán sản phẩm lại lên xuống thất thường, do phụ thuộc quá nhiều vào thị trường, vào thương lái và cả tâm lý người tiêu dùng. Hơn thế, từ sản xuất đến tiêu dùng, thường xuyên xảy ra nghịch lý: giá bán tại trại chăn nuôi xuống thấp, thì giá bán tại chợ và siêu thị vẫn cao.
Khảo sát tại một số chợ như Ngọc Khánh, Nghĩa Tân, Thành Công, hay Siêu thị Big C… giá thịt lợn mông sấn hiện khoảng 110 nghìn đồng/kg, nạc vai 120 nghìn đồng/kg, xương sườn loại ngon 110 nghìn đồng/kg… thịt gà công nghiệp khoảng 74 đến 75 nghìn đồng/kg. Như vậy, đến tay người tiêu dùng, luôn cao gấp 1,5 đến 2 lần so với thu mua tại trang trại. Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch lớn giữa giá thu mua tại trại và giá bán ở chợ chính là do các đầu nậu, tiểu thương thao túng.
Rau củ quả… cùng cảnh
Là tỉnh có truyền thống trồng cây vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao, vụ đông năm nay, tỉnh Hải Dương phấn đấu sản xuất với diện tích 22.500 ha, giá trị sản xuất phấn đấu đạt 1.910 tỷ đồng, bình quân là 85 triệu đồng/ha. Tính đến đầu tháng 11-2011, tỉnh mới gieo trồng được 18 nghìn ha cây, ít hơn cùng kỳ năm trước 5 nghìn ha.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Kim Thành Phạm Viết Tuấn cho biết, xác định cây vụ đông là thế mạnh, vụ này huyện đề ra kế hoạch gieo trồng 2.250 ha và đã xuống giống được gần 2 nghìn ha các loại rau màu vụ đông như dưa hấu, dưa lê, ngô, ớt, hành tỏi, củ đậu… trong đó, diện tích gieo trồng củ đậu lớn nhất (360 ha) và với giá bán như hiện nay, người dân Kim Thành rất phấn khởi vì được giá. Chị Ðỗ Thị Lan ở thôn Quảng Bình, xã Cẩm La có ba sào ruộng, mỗi năm thu gần 40 triệu đồng nhờ trồng củ đậu cho biết, đồng đất Cẩm La chỉ cho thuê trồng rau, màu cũng có giá 1,2 đến 1,3 triệu đồng mỗi sào/năm.
Hiện nay, giá bán một số mặt hàng cây vụ đông trên địa bàn huyện hiện tương đối cao, như ớt hơn 30 nghìn đồng/kg, củ đậu hơn 3.500 đồng/kg, su hào 3.000 đồng/củ… Với giá bán như vậy giá trị cây vụ đông ước đạt 85 đến 90 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, đầu ra cho cây trồng vụ đông cũng còn nhiều bất cập, chủ yếu qua thương lái từ các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh đến mua. Sản phẩm cây vụ đông từ ruộng qua khâu thương lái ra đến chợ tăng khoảng hơn hai lần, tiếp tục nghịch lý “thương lái lãi hơn người trồng”.
Qua khảo sát một số siêu thị lớn tại Hà Nội như Metro, Big C giá cả các mặt hàng nông sản, thực phẩm đầu tháng 12 tuy tương đối ổn định, song vẫn ở mức cao hơn so với thị trường tự do. Cụ thể, giá cải ngọt 8.900 đồng/kg, bắp cải 8.900 đồng/kg, nho 127.000 đồng/kg, cà chua 11.900 đồng/kg, lạc 79.500 đồng/kg; giá các loại thịt, ngan 109.900 đồng/kg, vịt 89.900 đồng/kg, gà ta 116.000 đồng/kg, thịt bò 159.900 đồng/kg. Trong khi đó cũng với các mặt hàng trên tại các chợ Thành Công, Long Biên, Trương Ðịnh, Bưởi, Nhật Tân giá thấp hơn từ 10 đến 20%, thậm chí có một số mặt hàng giá chỉ bằng một nửa như rau muống, bắp cải, su hào, xà lách. Theo một nhân viên ngành hàng rau củ Siêu thị Big C (Hà Nội), sở dĩ giá bán trong siêu thị cao hơn ngoài chợ vì các mặt hàng nông sản ở đây phải qua tuyển chọn kỹ lưỡng cả về chất lượng, chủng loại và quan trọng là bảo đảm tốt an toàn thực phẩm. Các mặt hàng bán trong các siêu thị phải chịu thuế, chi phí vận chuyển, phí thuê mặt bằng kho bãi, thuê nhân công… trong khi các mặt hàng nông sản bán ở chợ phần lớn là tự phát, dù không phải chịu các chi phí trên, nhưng giá không thấp hơn do thương lái đẩy giá lên cao.
Vậy, làm thế nào để giúp thị trường nông sản giảm bớt các khâu trung gian, để nông dân có lãi và người mua được mua theo đúng giá trị thật?
Viết như ném đá giữa trời !
Không có thương lái thì ai tiêu thụ sản phẩm của bà con sản xuất ra? Nhà báo chắc?
Làm thế nào cho lợi ích hài hòa giữa các bên mới là điều đáng nói.
Theo tôi phải cám ơn tác giả bài báo đã thẳng thắn nêu lên nỗi khổ đang hiện hữu trên khắp mọi miền: ở đâu cũng vậy cả. Nền nông nghiệp của đất nước nông nghiệp sẽ đi đến đâu? người có trách nhiệm trả lời không phải của nông dân!
từ khâu sản xuất (phân bón, tiền mua dầu chạy máy tưới, … cả tiền mua áo quần mới cho con cũng từ đại lý)
cứ đụng tới thương lái, đại lý là bị chửi rần rần :(