Trộm cắp tràn lan, cà phê còn xanh cũng hái

Trong khấp khởi niềm vui khi giá cà phê đạt 40 nghìn đồng/kg, thì người sản xuất cà phê vẫn phải đối mặt với nỗi lo về nạn trộm cắp cà phê diễn biến phức tạp và thương hiệu cà phê nổi tiếng vừa bị doanh nghiệp nước ngoài đánh cắp.

Sân phơi cà phê của hộ dân thôn 1, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk có tỷ lệ quả xanh cao hơn quả chín
Sân phơi cà phê của hộ dân thôn 1, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk có tỷ lệ quả xanh cao hơn quả chín

Huyện Cư M’gar là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Đắc Lắc. Toàn huyện có 36 nghìn ha cà phê, chiếm hơn 18% diện tích cà phê toàn tỉnh. Đến đâu, chúng tôi cũng bắt gặp cảnh thu hái, phơi sấy, chế biến cà phê thật tấp nập. Trong niềm phấn khởi khi giá cà phê đầu vụ thu hái vẫn giữ ở mức ổn định 40 nghìn đồng/kg, thì người sản xuất cà phê ở Cư M’gar đau đáu nỗi lo về nạn trộm cắp cà phê hoành hành.

Chỉ trong tháng thu hoạch đầu vụ, toàn huyện đã xảy ra hàng chục vụ hái trộm cà phê, với hàng trăm cây cà phê bị tuốt sạch quả, thậm chí kẻ trộm còn bẻ cả cành cà phê chở đi nơi khác tuốt quả, gây thiệt hại lâu dài. Trong đó, xã Ea Hđing là một trong những điểm nóng về nạn trộm cắp cà phê.

Từ đầu tháng 11 đến nay, công an xã Ea Hđing liên tiếp nhận được trình báo của các hộ dân trong xã và cả bà con địa bàn khác đến xâm canh cà phê, về vệc rẫy cà phê của họ bị kẻ gian viếng thăm.

Nhằm ngăn chặn nạn hái trộm cà phê, lực lượng công an và dân quân xã thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát địa bàn; kết hợp rà soát, nắm các đối tượng nghi vấn. Các nhóm hộ trồng cà phê cũng chủ động liên kết, bố trí lực lượng bảo vệ rẫy cà phê. Nhưng do địa bàn rộng, diện tích cà phê lớn, rẫy cà phê lại sum suê, nên kẻ gian rất dễ ẩn náu, thậm chí đưa cả phương tiện như xe cày, xe máy vào hái trộm và khi bị phát hiện chúng vẫn có nhiều cơ hội tẩu thoát.

Trao đổi với chúng tôi, chị Trương Thị Hương, Phó chủ tịch Hội nông dân thị trấn Ea Pốk cho biết: “Tính đến niên vụ cà phê 2011-2012 này, toàn thị trấn có 951 ha cà phê gia đình và hơn 1 nghìn ha cà phê các hộ công nhân nhận khoán với Công ty cà phê Ea Pốk. Công tác bảo vệ cà phê tại nương rẫy đối với vườn cà phê nhận khoán luôn được lực lượng tự vệ của công ty bảo vệ khá tốt.

Riêng rẫy cà phê các hộ gia đình, do không có lực lượng bảo vệ thường xuyên, nên dễ bị kẻ gian hái trộm. Lo ngại trước tình trạng này, bà con thường thuê nhân công thu hái cà phê khi tỷ lệ quả chín chưa đạt yêu cầu (hơn 90%); đúng ra phải hái từ 4-5 đợt, thì bà con chỉ hái 2-3 đợt. Thậm chí, có hộ gia đình chỉ một đợt tuốt sạch, nên tỷ lệ quả xanh cao”.

Tìm hiểu tại thôn 1, xã Cư Suê, chúng tôi thấy còn khá nhiều hộ gia đình hái cà phê xanh. Thậm chí, trên những sân phơi cà phê, tỷ lệ quả xanh còn cao hơn quả chín. Nhiều hộ dân do không có điều kiện đầu tư xây dựng sân phơi bằng bê tông xi-măng nên vẫn còn phải phơi cà phê trên nền sân đất, ảnh hưởng xấu đến chất lượng cà phê nhân. Ông Dương Ưng, Chủ tịch Hội Nông dân xã giải thích: “Sở dĩ bà con thu hái xanh, trước hết là lo sợ cà phê bị hái trộm; đồng thời do thiếu nhân công nên khi thuê được là tổ chức hái luôn cho đỡ tốn kém!”.

[ Thu hoạch cà phê non làm tiêu tùng chất lượng cà phê ]

Nông dân thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc phơi cà phê trên sân đất dẫn tới giảm chất lượng
Nông dân thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắc Lắc phơi cà phê trên sân đất dẫn tới giảm chất lượng

Cũng theo chủ tịch Hội Nông dân xã Cư Suê, hiện tại giá thuê nhân công hái cà phê dao động khoảng 120-150 nghìn đồng/người/ngày. Về hiệu quả kinh tế trong sản xuất cà phê, theo tính toán của ông Phan Xuân Lực, Chủ tịch UBND xã Cư Suê: Giá thành sản xuất cà phê niên vụ này khoảng 25 nghìn đồng/kg, vì vậy người sản xuất chỉ có lãi khoảng 15 nghìn đồng/kg, bình quân 1 ha cà phê đạt năng suất 2 tấn, thì người sản xuất thu lãi khoảng 30 triệu đồng, như vậy là không cao so với cây trồng khác.

Trong khi đó, sản xuất cà phê lại tốn nhiều công lao động; các khoản chi phí như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dầu chạy máy tưới cũng cao hơn. Hiện tại 2.143 hộ dân sản xuất cà phê ở xã Cư Suê đang có dư nợ tới hơn 10 tỷ đồng. Áp lực về công nợ, nhất là trong tình trạng lãi suất ngân hàng cao như hiện nay, dẫn tới tình trạng bà con phải “thu hái vội” và bán ồ ạt cà phê ngay đầu vụ để thanh toán công nợ. Vì vậy, nếu các doanh nghiệp không sớm thực hiện chương trình tạm trữ cà phê, sẽ dẫn tới tình trạng giá cà phê sụt giảm-đây cũng là nỗi lo chung của người sản xuất cà phê ở Tây Nguyên.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ ở Đắc Lắc mà tại các tỉnh Đắc Nông, Lâm Đồng, Gia Lai và Kon Tum nạm trộm cắp cà phê cũng đang hoàn hành. Từ xã Ea Dơk, huyện Đắc Đoa (Gia Lai), chị Nguyễn Thị Lệ Minh cho biết: “Vào ngày 18-11, rẫy cà phê 2,1 ha của gia đình chị đã bị kẻ gian đột nhập tuốt sạch 2 sào (hơn 200 cây), với lượng cà phê bị thiệt hại hơn 5 tấn quả tươi!”.

Công nhân Công ty cà phê Ea Pốk thu hoạch cà phê niên vụ 2011-2012
Công nhân Công ty cà phê Ea Pốk thu hoạch cà phê niên vụ 2011-2012

Cũng theo chị Minh, một số hộ có rẫy liền kề cũng bị kẻ gian hái trộm với thiệt hại khá lớn. Trong khi đó, việc điều tra xử lý các vụ trộm cắp cà phê của lực lượng chức năng thường rất khó khăn. Trước thực trạng này, gia đình chị Minh đã phải vội vàng thuê nhân công thu hái hết diện tích cà phê còn lại chỉ trong 1 đợt, với tỷ lệ quả xanh chiếm tới 30%. Mặc dù chị Minh vẫn biết thu hái cà phê xanh là ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng.

Theo Tiến sỹ Lê Ngọc Báu, Viện trưởng Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên: “Kết quả nghiên cứu của Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho thấy, nếu thu hái quả xanh vào đầu và giữa vụ thu hoạch, sự hao hụt về sản lượng sẽ lên đến hơn 20% và số lỗi trong 300gr nhân dao động từ 70-170 lỗi. Không những thế việc thu hái quả xanh còn làm cho thời vụ thu hoạch cà phê ngày một chuyển dịch dần về cuối mùa mưa, gây nhiều bất lợi”. Tiến sỹ Lê Ngọc Báu lý giải: “Sở dĩ nông dân thu hái cà phê xanh là do chi phí cho việc thu hoạch quả chín và việc bảo vệ sản phẩm ngoài nương rẫy tốn kém. Trong khi đó, giá bán sản phẩm cà phê quả chín và quả xanh lại như nhau!”.

Như vậy, nếu theo tính toán của Tiến sỹ Lê Ngọc Báu, chỉ tính riêng tỉnh Đắc Lắc với 191 nghìn ha cà phê hiện có (trong đó cà phê kinh doanh 177.890 ha), sản lượng cà phê niên vụ 2011-2012 ước đạt khoảng 400 nghìn tấn, thì chỉ trong một niên vụ, tập quán thu hái cà phê xanh sẽ gây thiệt hại tới 80 nghìn tấn.

>> Hái cà phê quả xanh ảnh hưởng đến chất lượng như thế nào?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Vũ Anh

    “Con sâu làm rầu nồi canh”. Chỉ vài hộ hái xanh thế này mà nhà báo lại đưa tin ầm ĩ làm người ta ngộ nhận hoặc lợi dụng tin này thì thật tai hại cho cà phê Việt. Thông tin nhắc nhở dân mình khi cần nhưng đừng để kẽ khác lợi dụng. Hãy cẩn trọng hơn nhà báo nhé!

Tin đã đăng