Trong những ngày qua, hàng chục xe tải chở cà phê chè quả tươi của nông dân huyện Hướng Hoá bị các nhà máy chế biến cà phê trên địa bàn từ chối thu mua, với lý do không chế biến kịp hoặc bị… hư máy(!?).
Khi người dân tự cứu bằng cách vận chuyển ra khỏi địa bàn huyện để bán cho các cơ sở thu mua khác thì bị chặn lại tại cổng B khu thương mại Lao Bảo. Uất ức, ông Hồ Văn Lào – Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Thành Đạt, một đại lý thu mua cà phê cho nông dân – đã lên huyết áp, đột quỵ ngay tại nhà máy chế biến cà phê, hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện T.Ư Huế. Đã và đang xảy ra tình trạng cà phê chín đỏ vườn, nhưng người dân không dám hái…
Quyết tâm thu hoạch cà phê chín
Lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Hướng Hoá cho biết, chủ trương của huyện năm nay là kiên quyết không để xảy ra tình trạng người dân thu hoạch cà phê xanh, làm ảnh hưởng chất lượng, thương hiệu cà phê Khe Sanh. Và để đảm bảo lợi ích giữa người trồng và nhà máy chế biến cà phê quả tươi, huyện đã cho thành lập Hiệp hội các Nhà thu mua – chế biến trên địa bàn, ban hành những quy định, trong đó có việc cấm vận chuyển cà phê quả tươi ra khỏi địa bàn huyện. Khi PV nêu vấn đề người dân phản ánh rằng các nhà máy chế biến nại ra việc máy hư, không chế biến kịp, từ chối nhập cà phê, hậu quả là các đại lý ép hạ giá thu mua xuống, từ đầu vụ cà phê đã có giá 11.000 đồng/kg, những ngày này họ phải bán với giá 9.300 đồng/kg, ông Nguyễn Kim Quy – cán bộ phụ trách mảng cà phê của phòng này – nói ông có nghe thông tin chuyện đó, không thể có chuyện nhà máy không thu mua như vậy được.
Tại Nhà máy chế biến cà phê Đại Lộc – ông Ngô Đình Phương – Phó giám đốc, hiện là người phụ trách Hiệp hội các Nhà thu mua – chế biến huyện Hướng Hoá – nói rằng, sự ra đời của hiệp hội này là nỗ lực nhằm quyết tâm chỉ thu mua cà phê chín, kiên quyết nói không với cà phê quả xanh; mặt khác, về giá cũng đã chủ trương phải mua tối thiểu cho nông dân là 10.000 đồng/kg. “Tôi cũng còn là người trồng cà phê nữa, nên tôi biết dưới 10.000 đồng/kg nông dân sẽ lỗ” – ông Phương nhấn mạnh. Về việc cấm vận chuyển cà phê ra khỏi địa bàn, ông Phương nói đó là chủ trương của huyện, các DN như ông không dám đề xuất như vậy vì nó trái với kinh tế thị trường.
“Cơ chế” ép giá
Ông Nguyễn Viết Thể – hiện đang thay ông Hồ Văn Lào điều hành HTX Thành Đạt – nói: “Chủ trương chỉ thu mua cà phê quả chín để làm cà phê sạch được tất cả bà con nông dân ủng hộ, thế nhưng về giá cả, sự hình thành liên minh, liên kết giữa các nhà máy chế biến để ép giá nông dân, đại lý là có thật. Tối 24.11, hàng chục xe tải chở cà phê của các đại lý nháo nhào đi tìm chỗ bán nhưng không có, họ bảo đầy rồi, không nhập nữa, lúc khác thì họ luân phiên nhau nói máy bị hư nên không thể nhập thêm được nữa. Ngay trong đêm 24.11, Chủ nhiệm Hồ Văn Lào liên lạc với Giám đốc Nhà máy chế biến cà phê Thái Hoà, năn nỉ để được bán nợ, may mắn là ông Đại – giám đốc nhà máy này – đã đồng ý mở cửa nhập cho chúng tôi. Cà phê quả tươi cũng như hoa thôi, để qua đêm coi như bỏ rồi…”.
UBND huyện Hướng Hoá đã ban hành chủ trương không cho vận chuyển cà phê quả tươi ra khỏi địa bàn, nhưng cùng với nó không có những chế tài, sự kiểm tra, xử lý nên hậu quả là đã tạo ra một “cơ chế” mang lại lợi ích rất lớn cho các nhà thu mua, khi triệt tiêu sự cạnh tranh: Hiệp hội các Nhà thu mua trong địa bàn huyện toàn quyền quyết định giá mua. Trên địa bàn huyện hiện đã xuất hiện gần chục cơ sở chế biến cà phê của nhóm hộ với quy mô nhỏ, đó là chỉ dấu hiệu của sự tự cứu của người nông dân.
Mua 10 ngàn 1kg quả tươi mà phải có chủ trương, thêm thay huyện còn can thiệp hỗ trợ bằng cách cấm vận chuyển cà phê tươi ra khỏi địa bàn. Chã trách vì sao người nông dân nước ta mãi vẫn cứ nghèo, không thể ngóc đầu lên được.
Thương thay người nông dân trồng cà phê chè Hướng Hóa.
Hàng đầu Việt Nam đấy.
Giờ bà con trồng cà phê làng mình thấy rõ chưa?
Tưởng là nó thương bà con mình lắm hả, thương thì cái xương cũng chẳng còn.
Tội nghiệp bác Lào, thương bác ấy quá !
Trích dẫn: “…Và để đảm bảo lợi ích giữa người trồng và nhà máy chế biến cà phê quả tươi, huyện đã cho thành lập Hiệp hội các Nhà thu mua – chế biến trên địa bàn, ban hành những quy định, trong đó có việc cấm vận chuyển cà phê quả tươi ra khỏi địa bàn huyện….”
Bình luận: Huyện cho thành lập hiệp hội, ban hành các qui định này nọ là việc của Huyện, nhưng việc cấm vận chuyển quả tươi ra khỏi huyện là vi phạm nghiêm trọng hiến pháp và pháp luật. Đề nghị báo chí, các văn phòng Luật vào cuộc để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho nông dân.
Lại cơ chế nữa rồi … Bao giờ VN mới khá lên được chứ !
Thương thay cho bác Hồ Văn Lào.
Tôi đọc bài báo nầy sao nghe na ná giống cái thời kỳ bao cấp khốn khó của người ND, lúc đó làm ra 1kg càphê phải đem bán cho HTX mà phải dấu cho kỹ đến cổng HTXMB lúc đó mới coi như thoát và kg cà phê đó là của mình.
Bây giờ đọc bài báo trên tôi thấy xót xa cho thân phận của người ND. Ở vào thời kinh tế thị trường mà vẫn còn cái cảnh ngăn sông cấm chợ như thời bao cấp thì thật quá đáng!
Hàng do người NDSX được bán cho bất cứ ai và bất cứ ở nơi đâu trên lãnh thổ VN miễn là ko phải là hàng lậu hay là hàng quốc cấm và vi phạm luật pháp của NN
Nay ở Huyên Hướng Hóa lại cấm ko cho chở cà phê ra khỏi huyện để bán được với giá cao hơn có lợi cho người ND là đi ngược lại với nền KTTT là vi phạm pháp luật, đề nghị Huyện xem xét bải bỏ để ND ĐƯỢC NHỜ
Thật là ấu trỉ và duy ý chí chỉ làm cho người ND bất mãn và thiếu sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của các cấp lãnh đạo như Huyện Hướng Hóa
Người nông dân khổ thật, muốn làm giầu cũng khó
Huyện ko nên tổ chức thu mua theo khuôn khổ địa phương. Trái với quy luật canh tranh thị trường, chính sách kết hợp cổng B chặn càfe ra khỏi địa bàn lại càng không đúng. Chính sách UB huyện làm như vậy là tạo ra sóng, tạo đầu cơ giảm giá cà fe của người dân…
Thay vào đó hảy tạo ra cơ chế thoáng rộng, khuyến khích dân thu cà fe chín. hảy để các nhà thu mua bên ngoài địa phương thu mua với giá thị trường và đóng thuế cho UB huyện?? hay 1 kg ca fe khi vận chuyển qua cổng B đóng thuế bao nhiêu ? để cho người dân tự bán bên ngoài địa phương cho các thương gia khác…. rất nhiều chính sách khuyến khích cho dân nhằm ích nước lợi nhà.
Hiện tại phương án như UB huyện làm là chính sách Bịt chặt 1 đường. Tạo làn sóng, kéo theo sự ép giá của thương gia địa phương là ko hợp vói quy luật thị trường.
Về phía người dân, tôi phản đối chính sách UB huyện như trên.
Chính sách kiểu này bị lái buốn giật dây rồi. Nếu không lấy người trồng ra hạt cà phê làm trung tâm thì làm gì có cà phê mà chế với chả biến, làm gì có giá trị gia tang, làm gì có tiền đóng thuế cho chính phủ? Tôi kịch liệt phản đối chính sách dở hơi này của huyện, vì chỉ có lợi cho một nhóm nhỏ doanh nghiệp con cưng, còn hang ngàn nông dân, sử dung hang tram hang ngàn tỷ tiền vốn tự có và vay ngân hang thì lại bị thiến. Nếu không biết khoan sức dân thì đừng làm quan nữa.
Quốc Tuấn.
Không thể trách ai, ở nơi tôi củng vậy, huyện có chủ trương không chở cà phê ra khoỉ huyện, để làm thương hiệu cà phê của huyện…không cho hái càphê xanh. Nhưng cũng tại nông dân có cà, khi cà được giá, vội vả hái cà xanh đem bán cho thương lái ở tỉnh khác. Khi gía xuống thì kêu gào, huyện không trợ giúp nầy nọ, cho khất nợ… Đúng là dân thì gian, nhưng không tham thì cho là dại… nên mấy ông nhà báo nên đi sâu, đi sát thực tế. Đừng mị dân, đừng ngại quan, để cho cà phê có niềm vui thật sự của người trồng cũng như người mua. Nông dân lúc cà phê được gía thì bán cho tư thương, khi mất gía thì kêu huyện không giúp đỡ… thế mới chết cho lãnh đạo có lương tâm