Với trị giá gần 2 tỷ đồng/ha, cà phê Arabica được đánh giá là loại cây công nghiệp “hái ra tiền”. Thậm chí, cả VinaCapital cũng quyết định bỏ vốn đầu tư cho một công ty chế biến loại cà phê này. Tuy nhiên, tiềm năng để phát triển loại cây giá trị này chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.
Có tiếng mà chưa có miếng
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), hiện có rất nhiều thương hiệu cà phê rang xay đã xuất hiện ở thị trường nội địa như Trung Nguyên, Vinacafe, Highlands, Gloria Jean’s, the Coffee Bean… sử dụng nguồn nguyên liệu cà phê Arabica ở ngưỡng 35.000 tấn/năm, cho thấy tiềm năng rất lớn để phát triển loại cà phê này.
Tuy nhiên, với sản lượng gần 50.000 tấn/năm nhưng cà phê Arabica hầu hết đều xuất khẩu, chứ chưa đáp ứng được nguồn nguyên liệu cho các thương hiệu cà phê cao cấp trong nước.
Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia tư vấn và tiếp thị của nhãn hàng Gloria Jean’s Việt Nam, Công ty CP Phong cách sống Việt (Viet Lifestyle JSC), cho biết, ngay từ những ngày đầu du nhập vào thị trường Việt Nam (tháng 1/2007), Viet Lifestyle cũng đề nghị sử dụng nguồn nguyên liệu cà phê Arabica Việt Nam.
Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm về chất lượng hạt cà phê Arabica Việt Nam không đạt chuẩn so với tiêu chuẩn đã đề ra của công ty mẹ ở Sydney (Úc) về kích thước, trọng lượng, độ chắc, cũng như mùi hương… Và điều này đã lý giải vì sao tất cả nguyên liệu của Gloria Jean’s Coffee Việt Nam đều nhập từ các nước Nam Mỹ, châu Phi.
“Viet Lifestyle phải tuân thủ theo tiêu chí từ công ty mẹ ở Úc đặt ra theo nguyên tắc nhượng quyền. Vì phía công ty mẹ không đặt tiêu chí phát triển vùng nguyên liệu, mà họ chỉ tìm hiểu và đặt hàng nếu thấy sản phẩm đạt yêu cầu. Do đó, đây là vấn đề mà những nhà phát triển vùng nguyên liệu cà phê Arabica Việt Nam nên nhìn lại”, bà Vân nói.
Thực tế, nếu xét về mặt lợi thế của vị trí địa lý để phát triển cây cà phê Arabica (ở những vùng có độ cao 1.000 – 1.500m so với mực nước biển), rõ ràng Việt Nam khó có vị trí thuận lợi.
Thế nhưng, bà Nguyễn Phi Vân vẫn cho rằng, thực tế, một số tỉnh các khu vực miền Bắc, Tây Nguyên đều có thể phát triển tốt cà phê Arabica. Nhưng do Việt Nam quá tập trung phát triển cà phê Rubusta nên “vô tình quên” chú trọng phát triển giống cà phê Arabica.
Nhà đầu tư vào cuộc
Thừa nhận những ưu điểm về giá trị của cà phê Arabica, ông Đỗ Hà Nam, Tổng giám đốc Công ty CP Intimex Việt Nam, cho biết, việc mở rộng quy mô, diện tích cây cà phê Arabica là rất cần thiết, bởi có giá tốt, cao gấp đôi so với mức giá cà phê Rubusta.
“Tuy nhiên, việc triển khai cũng như đảm bảo chất lượng còn yếu. Vì để có được sản phẩm cà phê Arabica có giá trị, cần phải được khai thác chế biến tươi, chất lượng trái chín phải trên 95%.
Song, hầu như, người trồng trồng cà phê không đảm bảo được tiêu chí này và một phần do ô nhiễm môi trường từ nhà máy, nên không mặn mà phát triển Arabica. Do đó, cần thêm chiến lược phát triển vùng nguyên liệu, cũng như vị trí đặt để nhà máy”, ông Đỗ Hà Nam nhận định.
Chia sẻ tại hội thảo “Vietnam Investment Summit 2011”, ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, cho biết, sau thương vụ chuyển nhượng cổ phần ở Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, nguồn vốn này lại được tái đầu tư tại thị trường Việt Nam, cụ thể đầu tư vào Công ty CP Yến Việt, Công ty CP Bảo vệ Thực vật An Giang và Tập đoàn Thái Hoà.
Riêng với Thái Hoà, ông Andy Ho cho biết, quyết định mua lại 10% cổ phần của Tập đoàn Thái Hoà, phía VinaCapital chú ý nhiều đến tiềm năng lợi nhuận của dòng sản phẩm cà phê Arabica mà doanh nghiệp này đang đầu tư. Thái Hoà hiện là nhà xuất khẩu cà phê Arabica hàng đầu Việt Nam.
Ngoài ra, công ty này cũng đang xúc tiến trồng cà phê Arabica chất lượng cao tại Lào, quốc gia đã sản xuất khoảng 30.000 tấn cà phê trong năm qua, bao gồm 15.000 – 17.000 tấn cà phê robusta và 10.000 – 15.000 tấn Arabica.
Theo ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Hoà, không chỉ có sự tham gia của Vina Capital, mà còn có rất nhiều quỹ đầu tư, tập đoàn từ các nước trên thế giới đang nhắm đến Thái Hoà, điển hình có Goldman Sachs, Quỹ Temasek (Singapore).
Tuy nhiên, điều này còn phụ thuộc vào các chỉ số kinh tế của quốc gia. Vì nói đến tiềm năng của việc phát triển cà phê Arabica thì có, nhưng để đầu tư thì cần có sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó không thể bỏ qua những tín hiệu về chỉ số kinh tế, đặc biệt, hiện nay các chỉ số này đang ở mức xấu. Do đó, họ cũng đang đắn đo trong việc đưa ra những chính sách đầu tư.
“Với trị giá gần 2 tỷ đồng/ha, cà phê Arabica được đánh giá là loại cây công nghiệp “hái ra tiền””.
Không biết nhà báo họ có biết cây cà phê trông như thế nào không mà phát biểu thế nhỉ? Làm gì có cà phê nào mà giá trị 2 tỷ/ha.
Thông tin kiểu này chỉ làm nhiễu loạn thị trường.
Báo này là báo viết cho Doanh nghiệp và Doanh nhân.
Viết như vậy thì cổ phiếu của Cà phê Thái Hòa mới tăng lên, nhà đầu tư nước ngoài mới rót vốn. Chứ toẹt hết ra có mà phá sản sớm.
Các bác thông cảm !
Họ tính 2 tỉ đồng/ha chắc là họ trồng và chế biến thành phẩm và suất khẩu. Chứ người nông dân làm ra hạt cà phê liệu có được 1/10 không.
2 tỷ đồng 1 hecta ? Một hình thức đẩy giá để tính vốn góp khi kêu gọi vốn của nhà đầu tư.
Hèn chi các công ty MTV ở Tây nguyên cứ khư khư ôm đất cà phê để thu tô công nhân liên kết vô tội vạ làm cho bà con công nhân rên siết như thời trung cổ mà không chịu cổ phần hóa.(?)
Trung ngôn nghịch nhỉ !
Các bạn ơi sao vội nóng giận thế hả?
Ông viết bài này nói “Với trị giá gần 2 tỷ đồng/ha” chứ ổng đâu nói trồng loại cà phê arabica cho doanh thu gần 2tỷ đồng/ha đâu. Biết đâu ổng đi đêm với mấy cán bộ to lớn biết được dự án quy hoạch đất đai nên mua vài trăm hecta với giá rẻ bèo rồi trồng cà phê arabica, vài tháng sau có thông báo chính quyền nhà nước thành lập khu đô thị mới trên miếng đất của ổng, lúc đó 2 tỷ đồng/ha là chuyện nhỏ hơn con muỗi đấy các bạn ạ!
Bài toán lớp 2 nè :
Catimo 6.000 cây /ha x 5kgs tươi /cây =30.000kgs ; bán tươi = 30.000kgs x 13.000VND tươi
= 390.000.000VND/ 1Ha thôi (maximum)
Nếu arabica cao, giống cũ 2m x 2.5m =2.000 cây/ ha x 1.5 kg khô = 3.000kgs / ha
3000kgs / ha x 50.000VND/ kg khô = 150.000.000 VND thôi (maximum)