Nghị quyết nuôi mèo

Xã Chiềng Sung, huyện Mai Sơn là vựa ngô lớn nhất tỉnh Sơn La. Người dân nơi đây có thói quen sau vụ thu hoạch tích ngô tại kho để sau tết bán được giá hơn. “Nắm bắt” được quy luật này, lũ chuột rừng ùn ùn kéo về phá phách kho ngô khiến bà con mất ăn mất ngủ.

Mất cả trăm tấn ngô vì chuột

Mấy năm trở lại đây, người dân Chiềng Sung không bao giờ bán ngô ngay sau vụ thu hoạch mà để ngô chín nỏ “treo đèn” trên nương mới đem về cất giữ tại các kho chứa đợi sau tết được giá mới đem bán cho thương lái. Chủ tịch UBND xã Chiềng Sung Cà Thị Hoan tâm sự, thói quen tích trữ ngô của người dân Chiềng Sung rất có lợi vì bán cao hơn 2 – 3 giá lại không bị tư thương ép giá lúc chính vụ. Tuy nhiên, việc tích trữ ngô tại các kho bằng phên nứa đơn sơ vô tình thu hút lũ chuột từ rừng về phá phách.

Nhớ lại cái ngày nạn chuột hoành hành ác liệt nhất cách đây ba năm, Chủ tịch xã Chiềng Sung Cà Thị Hoan vẫn còn thấy rùng mình: “Ngày đó chuột nhiều vô kể, kho ngô nhà nào cũng bị chúng phá tan tành, bung bét. Tai quái nhất là lũ chuột cắn linh tinh mỗi bắp ngô một ít và chỉ ăn phôi mầm rồi bỏ lại khiến ngô xấu mã rất khó bán. Có năm chúng tôi thống kê số lượng ngô bị lũ chuột ăn mất tại xã Chiềng Sung lên đến cả trăm tấn. Ruột gan như xát muối mà không làm cách nào tiêu diệt lũ chuột cho xuể”.


Nhờ nuôi mèo mà những kho ngô của người dân Chiềng Sung
được bảo toàn nguyên vẹn trước lũ chuột

Ông Lò Văn San, Chủ tịch Hội Nông dân xã Chiềng Sung cho biết thêm, ngày đó chính quyền, người dân xã Chiềng Sung cũng đã giở mọi ngón nghề từ dân gian đến hiện đại để tiêu diệt lũ chuột ăn tàn phá hại như đánh bả, đặt bẫy rồi thuê cả trẻ con người Mông đi bắn nỏ nhưng số lượng chuột diệt được không sao xuể so với tốc độ đẻ chóng mặt của chúng.
Đêm đêm, chuột chạy rào rào trên mái nhà, làm tổ sinh con đàn cháu đống trong các kho ngô, không chỉ ngô mà tất cả đồ dùng, vật dụng trong nhà cũng bị chúng cắn nham nhở. Điểm lại, trong những cách diệt chuột thì việc dùng bả ống của Trung Quốc phát huy hiệu quả khá hơn cả. Nhưng lũ chuột bị chết chúng cũng kịp kéo theo vài chú gà, dăm chú chó đi theo do ăn phải xác chúng.
Vậy là chỉ sau một thời gian, chuột chết thì ít mà gà, chó chết nhiều nên xã Chiềng Sung phải ra lệnh cấm đánh bả chuột. Đang trong lúc khó khăn thì tại bản Cao Sơn, xã Chiềng Sung có một mô hình diệt chuột hoàn toàn mới mẻ xuất hiện.


Nhờ mèo nên người dân xã Chiềng Sung không ăn thịt mèo

Bà Nguyễn Thị Quyền, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Cao Sơn nhớ lại, do chuột phá hại mùa màng của bà con nhiều quá, bản thân kho ngô nhà bà Quyền cũng không ngoại lệ. Thậm chí ngô mới mọc mầm trên nương cũng bị lũ chuột bới lên ăn cho bằng sạch. Nhận thấy những cách diệt chuột đang triển khai không phát huy hiệu quả, bà Quyền nảy ra ý nghĩ nuôi kình địch của chuột để xua đuổi chúng ra khỏi bản làng.

Vậy là ngay hôm sau, một nghị quyết nuôi mèo của bản Cao Sơn đã ra đời với sự tán thành của 100% xã viên. Theo đó, mỗi gia đình phải nuôi ít nhất hai con mèo, những hộ nghèo không có tiền được Chi hội cho vay không lãi 100.000 đồng mua mèo giống. Đặc biệt, nghị quyết cấm tất cả người dân không được ăn thịt mèo, không được dùng bả chuột, hộ gia đình nào nuôi được nhiều mèo sẽ được khen thưởng tuyên dương trước bản.

 

Nhân rộng

Từ khi phong trào nuôi mèo phát triển rầm rộ ở Cao Sơn, lũ chuột gần như mất tích. Bí thư Chi bộ bản Cao Sơn Nguyễn Duy Đức chia sẻ, ngày đàn mèo mới được đưa về, mỗi đêm một con mèo bắt được tới cả chục con chuột. Chuột nhiều đến mức mèo chỉ ăn mỗi cái đầu rồi vứt bỏ, sáng dậy nhà nào cũng thấy xác chuột không đầu lăn lóc khắp sân bãi.

Chỉ trong vòng 1 năm, số lượng đàn mèo tại bản Cao Sơn đã phát triển lên tới 500 con trên tổng số 86 hộ dân. Như vậy, bình quân mỗi gia đình tại bản Cao Sơn nuôi đến 5 con mèo, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Riêng hộ gia đình ông Đức, lúc đỉnh điểm nuôi tới 20 con mèo lớn nhỏ. Nhờ có 20 chú tiểu hổ canh giữ nên trong vòng bán kính vài trăm mét xung quanh nhà, ông Đức không bao giờ thấy dấu chân chuột bén mảng tới. Nay đàn chuột gần như lánh nạn đi nơi khác nhưng ông Đức vẫn giữ lại hai con nuôi cho vui cửa vui nhà vì lũ mèo ăn uống chẳng tốn bao nhiêu.

Nhận thấy phong trào nuôi mèo tại Cao Sơn phát huy hiệu quả rõ rệt, Đảng ủy xã Chiềng Sung triệu tập tất cả Bí thư Chi bộ các thôn, bản tới họp ra nghị quyết nuôi mèo. Dù chỉ là một “nghị quyết” bằng miệng nhưng tất các các bản trong xã Chiềng Sung đều áp dụng vì nhận thấy hiệu quả của mô hình.

Vậy là chỉ trong vòng 5 năm từ 2005 đến nay, số lượng đàn mèo tại xã Chiềng Sung phát triển lên hàng nghìn con. Có lẽ, không phải nơi nào khác mà Chiềng Sung chính là xã có mèo nhiều nhất của tỉnh Sơn La khi mỗi nhà đều nuôi từ 2 – 3 con mèo trở lên.

Chẳng nói đâu xa, ngay như nhà Chủ tịch xã Chiềng Sung Cà Thị Hoan cũng gương mẫu nuôi tới 6 con mèo. Vào thăm nhà chị Hoan, đập ngay vào mắt chúng tôi là đàn mèo mướp xinh xắn đang vờn nhau đùa nghịch trên đống ngô nhìn vô cùng đáng yêu. Chị Hoan cho biết, từ ngày nuôi mèo kho ngô nhà chị không bị mất dù một bắp, đêm đến mọi người cũng được ngủ ngon bởi không còn tiếng chuột cắn phá đuổi nhau ầm ầm như trước.

Có một điều vô cùng đặc biệt, mèo ở Chiềng Sung rất nhát, không mấy khi sờ được vào người chúng kể cả chủ nhân. Lý giải điều này, người dân Chiềng Sung cho biết nuôi mèo chủ yếu với mục đích bắt chuột. Chính vì vậy, người dân hạn chế ôm ấp chúng để tránh làm giảm tính hoang dã và làm mèo lười đi.

Ở Chiềng Sung, việc một chú mèo cái thỉnh thoảng lại dẫn đàn con lít nhít từ ngoài nương rẫy về nhà là chuyện bình thường bởi chẳng mấy khi chúng sinh con ở nhà. Dù đàn mèo giờ đã đông đúc, nhưng nhờ loài mèo nên người dân Chiềng Sung rất ít khi giết thịt mèo. Nếu nhà nào đàn mèo sinh sôi nảy nở quá nhiều họ sẽ đem tặng những hộ gia đình chưa có mèo. Nhờ tinh thần cộng đồng tương thân tương ái đó mà xã Chiềng Sung có khoảng 2.000 hộ dân thì cả 2.000 hộ đều có mèo.

Quả không ngoa chút nào, đi xe máy trong xã Chiềng Sung chúng tôi phải đi rất chậm và hết sức rón rén vì sợ đâm phải lũ mèo chốc chốc lại phi qua đường. Mèo phơi nắng trên bờ rào, mèo ngồi trên mái nhà rồi mèo nằm la liệt ở sân ngô, gần như nơi nào ở Chiềng Sung chúng tôi cũng nhìn thấy mèo.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cà chuse

    Một cách làm rất hay, một “nghị quyết” không có dấu đỏ cũng chẳng cần văn bản mà lại thiết thực và hiệu quả vô cùng.

    Qua đây mới thấy bà con vùng cao trồng bắp mà tính toán hơn dân cà của tây nguyên ta rất nhiều đó là
    1. Biết trữ hàng chờ giá:
    Mấy năm trở lại đây, người dân Chiềng Sung không bao giờ bán ngô ngay sau vụ thu hoạch mà để ngô chín nỏ “treo đèn” trên nương mới đem về cất giữ tại các kho chứa đợi sau tết được giá mới đem bán cho thương lái.

    2. Đoàn kết để chống lại thiên tai địch họa
    Vậy là ngay hôm sau, một nghị quyết nuôi mèo của bản Cao Sơn đã ra đời với sự tán thành của 100% xã viên. Theo đó, mỗi gia đình phải nuôi ít nhất hai con mèo, những hộ nghèo không có tiền được Chi hội cho vay không lãi 100.000 đồng mua mèo giống.

    Tây nguyên ta mỗi cái nạn trộm cà mà năm nào cũng la oai oái lên, la cho to, người người la nhà nhà la chứ chưa thấy ông “hội trưởng”, “hội phó” nào có giải pháp ngăn chặn.

    Thiết nghĩ Y5Cafe nên mời bà Nguyễn Thị Quyền đi dạo một vòng Tây nguyên, biết dâu bà có giải pháp để “diệt trừ” lũ chuột đầu đen đang ngày đêm cướp cà kia.

  2. Vũ Anh

    Bài viết phản ánh sự việc rất hay nhưng có một chi tiết không thực tế. Mèo thường bỏ lại đầu và ruột chứ không phải “xác chuột không đầu…”

  3. nguyễn văn mật

    Nhà nước ta tuyên tuyền, vận động nhân dân không nên hái cà phê non, cà phê xanh. Đây là một việc làm tốt, nó mang lại lợi ích cho người nông dân. Tuy nhiên, cho đến nay, công tác này vẫn chưa mang lại “hiệu quả” vì sao.
    Tôi xin đề cập một vài nguyên nhân theo qua điểm chủ quan như sau:
    1. Đến tầm tháng 6, tháng 7 dường như nhân dân không còn kinh phí để chi tiêu trong gia đình.
    2. Tình trạng mất trộm cà phê, mà cho đến nay (kể cả các Nông trường) vẫn chưa có biên pháp hữu hiệu.
    3. Nếu hái cà phê chín hay xanh cũng như nhau vì, sau khi mua về các người buôn nhỏ lẻ (mấy bà buôn hay đi mua dạo), kể cả các đại lý lớn bắt đầu “trộn” và “độn” tạp chất, càpê hư… vào cà mới. Khi xuất khẩu không đủ chất lượng thì đổ lỗi cho nhân dân.
    Xin thưa với quý vị, bản thân tôi là một nông dân, nếu cà phê của tôi có tạp chất, các đại lý thu mua sẽ “trừ thứ này, trừ thứ khác”. Nhưng khi đại lý sai, thì “Ai xử lý và xử lý như thế nào”.
    Nếu muốn người dân không hái cà phê non, xanh thì thay vì tuyên truyền nhân dân không “hái” thì nên xử lý nghiêm những điểm thu mua cà phê non, xanh; vận động nhân dân tố cáo những điểm có thu mua cà phê non, xanh và xử nghiêm các công ty, doanh nghiệp… trộn tạp chất vào cà phê.

Tin đã đăng