Chất lượng phân bón: Nước mắt trên đồng ruộng (kì 1)

Phân bón giả, kém chất lượng đã “tàn sát” bao diện tích cây trồng, khiến bao nông dân lâm vào cảnh điêu đứng. Không chỉ mất công sức, tiền bạc để bón lại, họ còn phải bỏ công sức đầu tư, hồi phục vườn cây, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng của những vụ sau…

Xót xa phận… cây

Vườn măng tây của bà Danh đang thu hoạch trước khi bón thúc phân…

Nhìn vườn cây mênh mông với những cành lá tả tơi cháy rụi, những thân cây khô khốc gục ngã trên luống đất vẫn còn nguyên vết vun xới…thật khó hình dung mới 3 tháng trước, nơi đây còn là một vườn măng tây xanh mướt, cho thu hoạch mỗi lứa hàng chục ký chồi non mơn mởn. Cũng thật khó hình dung đây lại là hậu quả của một vụ… bón phân thúc cho cây.

… và vườn măng tây sau khi bón thúc phân.

Thẫn thờ bứt những cọng cây khô rũ, chủ vườn, bà Phạm Thị Danh (phường Tân Lập, TP.Buôn Ma Thuột) cũng rũ xuống trong tiếng nấc: “bao nhiêu vốn liếng, công sức đổ vào đây, vậy mà bỗng chốc mất sạch, chỉ vì đã dùng một loại phân bón được quảng cáo là rất tốt cho cây trồng”. Bà Danh cho biết: cuối năm 2010, gia đình bà đã đầu tư hơn 100 triệu đồng trồng 1 ha măng tây xanh tại khu rẫy ven đường Trần Quý Cáp (TP.Buôn Ma Thuột) với 17.000 cây; khi trồng bà dùng phân chuồng và trấu ủ kỹ, sau khi cây phát triển thì  dùng phân bón 20.5.0 và phân 16-16-8 Việt Nhật. Khi vườn cây sang  giai đoạn thu bói, bình quân mỗi ngày cho thu hoạch hơn 10 kg măng, đầu ra ổn định với giá bán từ 30.000 đến 80.000 đồng/kg tùy từng loại. Nếu chăm sóc, khai thác đúng kỹ thuật thì gốc cây sẽ liên tục nứt mầm, cho thu hoạch kéo dài nhiều năm. Đầu tháng 7 vừa qua, được một người quen giới thiệu về công dụng của loại phân bón NH do Công ty CP Thanh Hà (có trụ sở tại Cầu Giấy – Hà Nội) sản xuất, bà đã mua hơn 10 chai (loại 100 ml) bón cho vườn cây theo đúng quy trình hướng dẫn trên bao bì, cũng như hướng dẫn trực tiếp của người bán và tư vấn qua điện thoại của Giám đốc công ty. Bón được hơn 2 tuần thì cây có biểu hiện vàng lá, rồi dần dần héo rũ. Bà báo với Văn phòng đại diện Công ty Thanh Hà tại Buôn Ma Thuột, Văn phòng cử cán bộ phòng kinh doanh xuống kiểm tra và hướng dẫn tiếp tục tưới phân này với nồng độ loãng 100 ml/1.500 l nước theo phương thức tưới 2 lần cách nhau 3 ngày. Tuy nhiên, bà chỉ thử tưới 11 luống nhưng mới được 5 ngày thì cây… chết hẳn; sau đó lần lượt những luống còn lại cũng rụi theo. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, cả vườn măng xanh tốt bỗng biến thành hoang mạc trong sự ngơ ngác, tuyệt vọng của người làm vườn…

Lao đao phận… nông dân

Nhiều loại cây trồng thân thiết với nông dân đang phát triển tươi tốt bỗng dưng bị “tàn sát” bởi những loại phân bón như vậy không phải là chuyện hiếm. Năm 2008, xảy ra một vụ khá “đình đám” khi các  hộ dân thôn 12, xã Ia R’vê, huyện Ea Súp mua trả chậm hơn 105 tấn phân NPK 16-16-8-13S+TE (trị giá hơn 1,2 tỷ đồng) do Công ty TNHH Phúc Thịnh Vina (trụ sở Quận Bình Thạnh, TP.HCM) sản xuất và cung ứng thông qua Xí nghiệp 737 thuộc Công ty 16 (Dak Lak). Sau khi được bón phân, hàng chục ha lúa vụ hè thu trên địa bàn xã cứ “dẫm chân tại chỗ”, gây thất thu  nặng nề. Kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng với 3 mẫu phân thuộc lô hàng này cho thấy: chất lượng cả 3 mẫu đều không đạt như nhà sản xuất công bố! Riêng trong năm 2011, nhiều hộ nông dân cũng lao đao vì phân bón kém chất lượng.

Ông Hứa ở huyện Krông Năng mua nhầm những bao phân NPK giả, kém chất lượng…

Đến bây giờ, khi cà phê đã bước vào vụ thu  hoạch, ông Trần Xuân Hứa ở xã Tam Giang huyện Krông Năng vẫn quay quắt với chuyện phân bón kém chất lượng. Đầu mùa mưa năm nay, ông mua 3 tấn phân bón NPK 16-16-8-13S (trị giá 30 triệu đồng) tại một cửa hàng kinh doanh phân bón trong xã. Theo thông tin ghi trên nhãn mác bao bì thì đây là sản phẩm của Công ty phân bón Bình Phước, TX. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Theo kinh nghiệm trồng cà phê nhiều năm, ông bón cho mỗi gốc khoảng 7-8 lạng, bón hết cả vườn thì còn thừa lại 1 bao phân loại 50kg. Sau 1 tuần bón phân, qua mấy trận mưa to, ra kiểm tra vườn cà phê, ông sửng sốt thấy gốc cây còn đầy phân không tan, còn cây bị vàng lá, rụng trái non. Kiểm tra bao phân còn lại, ông phát hiện có lẫn cát lạo sạo, khi mang hòa nước thì thấy đọng lại rất nhiều cát. Lụi hụi đi mua 3 tấn phân bón Đầu trâu để bón bổ sung ngay sau đó, ông Hứa than thở: “phân bón giả, kém chất lượng khiến nông dân chúng tôi không chỉ mất bao công sức, tiền bạc để bón lại, mà lỡ một đợt bón phân còn ảnh hưởng năng suất, chất lượng cả vụ này, và vụ sau nữa, đúng là thiệt hại đủ bề”.

Ông Cát Văn Băng, chủ vựa cây cảnh trên đường Trần Nhật Duật (TP. Buôn Ma Thuột) cũng “thiệt đơn thiệt kép” khi mua phải phân bón NPK 16-16-8-13S Philippin kém chất lượng tại một đại lý phân bón trên đường Phan Chu Trinh, khiến cây không phát triển thất thu cả một mùa vụ…

Kết quả kiểm nghiệm 90 mẫu phân bón do Thanh  tra Sở NN-PTNT lấy ngẫu nhiên tại các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón trên địa bàn trong đợt kiểm tra vừa qua, cho thấy:  44 mẫu có hàm lượng tiêu chuẩn thấp hơn mức mà các nhà sản xuất công bố hoặc theo tiêu chuẩn bắt buộc của Bộ NN-PTNT; 2 mẫu được xác định là phân bón giả vì có hàm lượng định lượng tổng các chất dinh dưỡng chỉ đạt từ 0 đến 50% mức tiêu chuẩn công bố áp dụng  hoặc mức quy định  trong Danh mục phân bón .

Trong phạm vi cả nước,  qua kiểm tra 201 mẫu phân bón đã phát hiện gần 40% loại phân bón có hàm lượng các chất dinh dưỡng chính không đạt tiêu chuẩn chất lượng đã công bố, từ 5-10% thương hiệu phân bón có chất lượng rất thấp so với tiêu chuẩn đã công bố, 34 loại phân bón vi phạm nhãn mác hàng hóa hoặc không có nhãn mác phụ, dễ gây nhầm lẫn cho nông dân. Hầu hết loại phân bón kém chất lượng này được tiêu thụ ở những vùng sâu, vùng xa thuộc đồng bằng sông Cửu Long, Tây nguyên và Đông Nam bộ.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Chính trung GL

    Tôi nghe đến phân bón lá hay phân hữu cơ sinh học tên Thanh Hà là…bỏ chạy xa !
    Gần như ở tỉnh nào của Tây nguyên cũng nghe ì xèo về loại phân này.
    Ban đầu tôi cũng nghĩ hay là bà con mình mua nhầm loại phân Thanh Hà dỏm. Nhưng qua loạt bài này mới thấy rõ “thiện chí” của công ty này với bà con nông dân.

    Tưởng là những công ty nhỏ, không tên tuổi mới sản xuất theo kiểu chụp giựt. Hóa ra những công ty thuộc hàng đại gia phân bón cũng chẳng hơn gì, thậm chí còn lừa bà con một cách tinh vi hơn.

    Nhà nước mà không ra tay thì nông dân cũng đành chịu sầu!

  2. Tùng

    Tui nhớ có lần đọc thảo luận của bà con trên Y5 này nói về phân bón của các đại gia như Đầu Trâu-Bình Điền hay Việt Nhật đều có làm hàng kém chất lượng tung ra thị trường, bị QLTT bắt và ra tòa phạt nữa.
    Biết tin ai bây giờ.

  3. k.purt

    Bà con cho tui hỏi bỏ phân đơn liệu có chắc chắn không. Tui làm cafe muốn bỏ phân đơn mà không biết mùa khô nên bỏ phân gì. Phân lân thì bỏ vào thời gian nào. Tại sao có người nói bỏ lân vào đầu mùa mưa người thì nói bỏ vào cuối mùa mưa còn người thì nói bỏ vào mùa khô. Tui lên diễn đàn nhờ bà con tư vấn giúp. Rất mong được sự quan tâm của bà con.

    1. Cafe con

      Xét về bản chất, phân lân thuộc loại phân chậm tan và khó tan nên phải bón sớm, lại bốc hơi không đáng kể nên bón mùa khô hay mùa mưa đều được cả. Tuy nhiên bạn nên áp dụng nguyên tắc bón phân theo “4 đúng”.
      Tất cả những ý bạn hỏi đều có trong những bài viết trên Y5 đầy đủ, bạn nên tìm đọc.

  4. dai gia Daklak

    Thực sự cũng chưa xác định được là Công ty Thanh Hà sai hay Bà Danh sai:
    – Theo tôi được biết thì sản phẩm Thanh Hà không có hướng dẫn sử dụng cho cây Măng Tây mà chỉ chuyên cho tiêu và cà phê. Sử dụng liều lượng cho cây thân thảo phải khác với cây thân gỗ chứ.
    – Và đã có cơ quan nào chứng minh là cây Măng tây này chết do dùng sản phẩm Thanh Hà hay chưa, hay là chỉ đánh giá bằng cảm quan và làm tiền, ăn vạ doanh nghiệp.

Tin đã đăng