Tăng giá hàng xuất khẩu – Mở góc khuất

Dù cho từ một nước không tên tuổi, Việt Nam trở thành nước dẫn đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu gạo, tiêu, điều, cà phê, thủy sản…thì sản phẩm vẫn được định vị ở vị trí thấp.

Những năm trở lại đây “tái cấu trúc”, “chuỗi giá trị”, “hàm lượng công nghệ”, “cụm ngành” là những cụm từ thường được nhắc đến rất nhiều khi muốn đề cập đến việc đưa ngành hàng phát triển có giá trị gia tăng cao. Trong bài viết này chúng tôi đề cập đến một phần chuỗi giá trị và vấn đề tái cấu trúc đối với các mặt hàng xuất khẩu Việt Nam.

Hàng hóa, nông sản

Dẫn đầu top nhưng thị phần chỉ chiếm 0,5% – 1,5%

Theo Báo cáo năng lực canh tranh quốc gia 2010, Michael Porter, Việt Nam xuất khẩu hàng nông sản chiếm khoảng 0,5-1,5%; thủy sản và các sản phẩm thủy sản chiếm khoảng 1,5% -5% thị phần thế giới. Như vậy dù cho từ một nước không tên tuổi, Việt Nam trở thành nước dẫn đầu thế giới về sản lượng xuất khẩu gạo, tiêu, điều, cà phê, thủy sản…thì sản phẩm Việt Nam vẫn được định vị ở vị trí thấp.

Trong thời kỳ dài Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn xuất khẩu thô, tỷ lệ hàng xuất đã qua chế biến chiếm tỷ trọng rất nhỏ nên giá trị gia tăng trên sản phẩm là chưa cao. Đồng thời phụ phẩm cao, chưa sử dụng hết phụ phẩm của quá trình sơ chế do máy móc thiết bị và trình độ chưa đáp ứng làm cho giá hàng xuất khẩu của Việt Nam luôn ở mức thấp hơn các đối thủ cạnh tranh và giá thành sản xuất cao hơn làm biên lợi nhuận thấp của người sản xuất thấp.

Thoát “xuất khẩu thô” – bao giờ, bằng cách nào?

Nghiên cứu các sản phẩm nông sản có thương hiệu trên thế giới, có giá trị gia tăng cao cho thấy sự gắn kết chặt chẽ giữa các nhà sản xuất, chế biến với tổ chức hỗ trợ (viện khoa học – công nghệ; giáo dục – đào tạo, tài chính); hiệp hội…

Đối với Việt Nam, thành tích về tăng trưởng hàng xuất khẩu là đáng ghi nhận cả về lượng, chủng loại và giá trị nhưng bao năm qua chúng ta vẫn chỉ dừng lại là xuất khẩu hàng thô, hàng gia công, giá trị gia tăng thấp, manh mún. Các hiệp hội được hình thành, các tổ chức hỗ trợ là có. Nhưng mối liên kết giữa sản xuất, chế biến với các tổ chức hỗ trợ mờ nhạt, các Hiệp hội ngành hàng hầu hết vẫn chưa phát huy được vai trò và sứ mạng của nó.

Làm cách nào để thoát khỏi xuất thô? Rõ ràng để trả lời câu hỏi này, Việt Nam cần tháo gỡ nhiều nút thắt tiến hành nhiều công đoạn. Trong giới hạn chúng tôi đề cập đến Chính phủ nên làm gì để hỗ trợ nâng cao giá trị tăng của hàng xuất khẩu.

Dưới đây là một vài ý kiến của Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong – Trưởng phòng Nghiên cứu Kinh tế – Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội về vấn đề trên.

Thưa ông, Chính phủ nên làm gì để hỗ trợ nâng cao giá trị tăng của hàng xuất khẩu?

Thứ nhất, trong 19 mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD/mặt hàng, chúng ta nên lựa chọn có thứ tự những mặt hàng cần khếch trương – như gạo; mặt hàng có khả năng tái sinh; còn những mặt hàng liên quan đến vấn đề xuất khẩu nguyên liệu thô, các mặt hàng chưa qua chế biến nên có những điều chỉnh.

Thứ hai, đặt quá trình xuất khẩu nằm trong tổng thể tái cấu trúc, Chính phủ phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến để biến những hàng xuất khẩu thô hiện nay thành đầu vào của các ngành công nghiệp phụ trợ này. Ví như gạo đã chế biến, hay thịt thay vì xuất thô ta xuất thịt chế biến; dầu thô được chế biến thành xăng, hạt nhựa, các sản phẩm hóa dầu khác….

Việc đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ với tình trạng các quy hoạch và xây dựng các khu công nghiệp, vùng nguyên liệu như thời gian qua, Chính phủ sẽ phải tốn kém rất lớn cho vấn đề môi trường.

Liệu trong 5 năm tới, chúng ta có phát triển được công nghiệp phụ trợ không? Và phát triển được có phải hi sinh môi trường xét trong một chừng mực nào đó không?

Chưa hẳn chúng ta phải hi sinh môi trường. Ví dụ về tái cấu trúc: khi chúng ta sang Nga, Nga đồng ý tài trợ, chuyển giao công nghệ cho chúng ta chế biến động cơ ô tô. Rõ ràng đây là một hướng tái cấu trúc rất là đúng. Việc phát triển chế tạo động cơ ô tô sẽ không tạo ra những tác động môi trường lớn như chúng ta đã từng làm gia công ở ngành khác – phát sinh rác thải.

Tương tự như vậy, trong thời gian tới chúng ta tìm kiếm tham gia vào những khâu có hàm lượng chế biến cao hơn, công nghệ cao hơn; đòi hỏi đất đai và rác thải ít hơn…

Đây có thể là một đường hướng nhưng hiện vẫn chưa có đề án nào.

Nhưng nếu tham gia vào khâu có hàm lượng chế biến cao hơn, công nghệ cao hơn, chúng ta phải giải quyết bài toán nhân lực như thế nào?

Đấy cũng là bài toán chúng ta cần giải quyết. Hiện chúng ta chỉ mới đào tạo hàng triệu lao động – lao động giản đơn, chưa có ngành nào cần phải đào tạo sâu. Như vậy, giả sử đối với ngành ô tô, khi chúng ta có hợp đồng chế tạo động cơ, khi đó chúng ta sẽ có nhu cầu học nghề chế tạo khi đó nó sẽ tạo ra một tổng thể.

Thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp bao gồm phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng năng suất sản xuất, tăng giá trị gia tăng sản phẩm; hay phát triển công nghiệp phụ trợ bên cạnh đầu tư hạ tầng giáo dục và điều phối các tổ chức hỗ trợ phần nào sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng hàng xuất khẩu – tăng giá hàng xuất khẩu Việt Nam.

“Theo Kaplinsky & Morris (2001), chuỗi giá trị mô tả toàn bộ hoạt dãy hoạt động cần thiết nhằm tạo ra một sản phẩm hay dịch vụ; bắt đầu từ ý tưởng, thông qua các công đoạn sản xuất khác nhau, đến việc giao hàng cho người tiêu dùng cuối cùng, và hủy bỏ sau khi sử dụng. Công đoạn có giá trị gia tăng cao là công đoạn chiếm dụng tri thức và công nghệ. “

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng