Hiện nay, rất nhiều nông sản có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập về bày bán tại chợ Đà Lạt và nhiều khu du lịch của thành phố này bị không ít tiểu thương gắn mác “Made in Dalat” để qua mắt người tiêu dùng. Điều đáng nói tình trạng trên đã xảy ra nhiều năm qua nhưng các cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa đưa ra biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tràn lan đặc sản Đà Lạt giả
Ở chợ Đà Lạt và nhiều khu du lịch của thành phố này hiện nay đang bày bán rất nhiều loại “đặc sản” như mơ cay, đào sữa, ô lưu, đào giòn, mận, cà ớt na, những sản phẩm làm từ dâu tây, khoai lang… được chủ các cơ sở bày bán đóng gói cho vào hộp nhựa với kích thước nhỏ to khác nhau để đạp ứng thị hiếu người tiêu dùng.
Sự đa dạng về chủng loại kết hợp với màu sắc sặc sỡ, tươi ngon, trông rất đẹp mắt cùng với dòng chữ có nội dung mỹ miều “Đặc sản Đà Lạt” đã thu hút được quan tâm rất lớn của du khách khi tới nơi này tham quan, muốn mua đặc sản Đà Lạt về làm quà cho gia đình, người thân. Thế nhưng, mấy ai biết rằng trong hàng loạt những loại “đặc sản” đang được bày bán tràn lan tại chợ Đà Lạt, phần lớn lại là hàng có xuất xứ từ Trung Quốc.
Theo tìm hiểu của người viết, các loại sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc khi nhập về Đà Lạt đang còn ở “dạng thô”, tức còn đựng trong một thùng lớn. Để đưa ra thị trường tiêu thụ, các tiểu thương phải đóng thành những gói có kích thước to nhỏ khác nhau. Trong khi đóng gói họ bỏ thêm mảnh giấy có dòng chữ “Đặc sản Đà Lạt” vào bên trong thay cho lời khẳng định với người tiêu dùng rằng đây là nông sản được trồng tại Đà Lạt.
Khi giới thiệu sản phẩm với khách hàng, chủ các cơ sở này đều cho biết những sản phẩm trên là đặc sản của Đà Lạt. Nhưng thực chất, trên quầy hàng chủ yếu là những sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc, như mứt mận, ô lưu, đào giòn, cà ớt na… đây là những sản phẩm mà từ thuở khai sinh cho đến nay Đà Lạt chưa bao giờ có.
Trong khi đó, Đà Lạt hiện nay chỉ có một số loại đặc sản chính hiệu được trồng, chế biến và đóng gói ngay tại địa phương như mứt hồng, dâu tây, khoai lang dẻo, chanh dây, rượu vang, các loại rau và hoa.
Tuy nhiên, với “chiêu” dán dòng chữ “Đặc sản Đà Lạt” vào bao bì các loại sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc là mứt mận, ô lưu, đào giòn, cà ớt na…cùng lời giới thiệu ngọt ngào, nhiều tiểu thương đã biến nông sản Trung Quốc thành đặc sản Đà Lạt mà không quá khó khăn để qua mắt người tiêu dùng.
90% “đặc sản” Đà Lạt là hàng Trung Quốc
Nông sản Trung Quốc được núp bóng dưới tên gọi “Đặc sản Đà Lạt” đã xảy ra trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng có trách nhiệm tại địa phương vẫn chưa đưa ra biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn tình trạng trên để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo bà Phan Thị An – Chi Cục phó Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lâm Đồng, hiện trên thị trường Đà Lạt đang bày bán các loại đặc sản có nguồn gốc chủ yếu là hàng Trung Quốc được gắn mác “Mede in Dalat”, tỉ lệ này chiếm tới 90%. Trong khi đó, những đặc sản đích thực của Đà Lạt chỉ chiếm khoảng 10%, đó là các loại mứt hồng, dâu tây, chanh dây, rượu vang và một số đặc sản khác được chế biến từ các loại hoa quả của Lâm Đồng.
Bà An cũng cho biết, những mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc rất dễ phân biệt, hầu hết những sản phẩm này được nhập vào Việt Nam đều có màu sắc tươi ngon, trông rất đẹp mắt do sử dụng chất bảo quản, đặc biệt kết hợp nhiều chất phụ gia khác. Trong khi đó, các sản phẩm đặc sản có nguồn gốc tại Đà Lạt thì màu sắc kém hơn các mặt hàng của Trung Quốc rất nhiều.
“Hiện chúng tôi vẫn chưa thể có kết luận những sản phẩm có nguồn gốc từ Trung Quốc được gắn mác “Made in Dalat” với màu sắc rực rỡ, đẹp mắt này có độc hại hay không” – bà An nói.
Trao đổi với người viết, ông Bùi Thế – Chánh văn phòng Sở Công Thương Lâm Đồng, cho biết: “Chúng tôi cũng chỉ nghe phản ánh là có tình trạng nông sản Trung Quốc nhập về Đà Lạt được dán nhãn mác “Made in Dalat” chứ qua kiểm tra, đơn vị chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm. Khi kiểm tra, chủ các cơ sở vẫn xuất trình được những giấy tờ chứng minh nguồn gốc sản phẩm”. Ông Bùi Thế cũng thanh minh cho việc chưa phát hiện ra tình trạng gian lận trên là do lực lượng quản lý thị trường quá mỏng, phải quản lý nhiều lĩnh vực, nhiều công việc cùng lúc.
Liên quan đến tình trạng trên, ông Lê Xuân Phúc – Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) khuyến cáo: “Người tiêu dùng khi mua hàng, nhất là các loại đặc sản tại Đà Lạt cần yêu cầu chủ các cơ sản bày bán chứng mình ngồn gốc, xuất xứ. Nếu chỉ ghi “Made in Dalat” mà không chứng minh được nguồn gốc thì không nên mua, thậm chí có thể tẩy chay những loại sản phẩm này để đảm bào quyền lợi cho chính người tiêu dùng”.
Lại nghe bài ca muôn thuở : do lực lượng quản lý thị trường quá mỏng, phải quản lý nhiều lĩnh vực, nhiều công việc cùng lúc.
Chính người Đà Lạt tự giết mình !
Để đến khi đổ bễ như Cốm Vòng rồi ngồi đó mà khóc hận với nhau nhé!