Tây Nguyên – Thực và mộng

Tây Nguyên từ lâu đã trở thành miền đất hứa trong niềm mơ tưởng của rất nhiều người. Làn sóng di dân lên Tây Nguyên xây dựng kinh tế mới, tạo nên một cộng đồng hợp chủng văn hóa vùng miền, man mác nỗi tha hương, song lại đan kết thành một tiềm lực về con người hùng hậu.

Tây Nguyên làm giàu cho họ, hay họ đang làm giàu cho Tây Nguyên? – Chúng tôi đi dọc Tây Nguyên mùa thu hoạch nông sản để tìm câu trả lời đó.

Cơn say hồ tiêu

“Mỗi năm tôi thu 200 triệu đồng từ vườn tiêu này. Con cái học hành, nhà cửa, gia đình và cả niềm tự hào của tôi đều trông chờ vào đó” – Chủ vườn tiêu Trần Văn Ánh, ngụ tại xã IALe, huyện Chư Pữh, Gia Lai nói.

Bên tấm bạt trải rộng phơi đầy tiêu đen thương phẩm ở ngay cạnh vườn hồ tiêu đang cho thu hoạch chi chít chùm quả sai trĩu, anh Ánh vui vẻ kể chuyện gia đình mình thăng trầm từ khi rời quê vào Tây Nguyên lập nghiệp. Anh quê ở Nam Định, cưới chị Hoàng Thị Tâm là con gái Huế. Bây giờ, trong gia đình anh, ai nói tiếng của người đó. Cháu Trần Ngọc Thịnh, con trai thứ hai của anh chị lại nói giọng lơ lớ Nghệ An. Chị Tâm giải thích: Vì cô giáo ở trường của cháu là người Nghệ An. Ở huyện Chư Pữh này, người nơi khác đến đây lập nghiệp rất nhiều. Ra đường cứ dựa vào trang phục, giọng nói mà đoán là người vùng nào. Có thể bắt gặp ở đây một nếp khăn piêu của cô gái Thái Tây Bắc thấp thoáng giữa những luống tiêu xanh nổi bật trên nền đất đỏ Tây Nguyên, không phải là điều lạ.

Vùng trồng tiêu Chư Sê trước đây là một huyện, nay tách ra thành 2 huyện Chư Sê và Chư Pữh, là đất trồng tiêu trọng điểm của cả nước, được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của thương hiệu hồ tiêu Chư Sê nổi tiếng thế giới. Hiện nay, vùng này có diện tích hồ tiêu khoảng trên 4.000ha. Phần lớn diện tích này là vườn tiêu kinh doanh, tức là hồ tiêu trồng đã tới kỳ thu hoạch rộ, cây cho năng suất cao nhất. Sản lượng mỗi mùa không dưới 10 ngàn tấn hồ tiêu. Gia vị mê hoặc thế giới này đang được người Tây Nguyên nắm giữ, mà phần lớn lại là những nông dân phiêu dạt từ nhiều tỉnh, thành tới đây.

Năm nay, giá hồ tiêu hạt thương phẩm lên đến hơn 100 ngàn đồng, có lúc 150 ngàn đồng mỗi ký. Giá tiêu lên mức kỷ lục vì hồ tiêu mất mùa do cơn bão cuối năm trước làm lụi gốc tiêu và cũng vì giá cả ngày càng trội lên, chi phí chăm bón cũng đội lên. Anh Trần Văn Ánh bảo: Gia đình tôi không có gì phải vội, cứ hái tiêu phơi khô rồi chờ được giá hơn nữa mới bán. Giá tiêu bây giờ được bảo đảm bằng vàng, khác gì có giá trị bằng giá trị của tiền tệ, niêm yết trên sàn giao dịch, chỉ sợ chẳng có tiêu để bán. Nhiều nơi trong huyện Chư Sê, Chư Pữh bắt đầu chặt hạ cà phê để trồng tiêu. Vài năm gần đây, Tây Nguyên đã nếm mùi khô hạn kỷ lục và không ai dám chắc sẽ không có hạn hán ở những năm tiếp theo. Nông dân nói rằng, trồng tiêu dễ trúng hơn cà phê, vì tiêu chịu hạn tốt hơn, nhanh cho thu hoạch, kỹ thuật trồng tiêu đơn giản và năng suất tiêu cũng cao hơn cà phê. Nói như thế, phải chăng Tây Nguyên sẽ tiếp tục là miền đất hứa, người Tây Nguyên đã giàu lại thêm giàu?

Thấy tôi hỏi, Trần Văn Ánh cười bảo: Nghe thì tưởng là béo bở, nhưng nếu không có tiền tỷ thì đừng ôm mộng vào Tây Nguyên lập nghiệp. Gia đình anh từng phải trường kỳ đi làm rẫy thuê, lầm bụi đỏ Tây Nguyên suốt nhiều năm trời mới sắm được căn nhà gỗ cạnh quốc lộ, rồi mua mảnh vườn, dựng trụ tiêu. Cứ mỗi năm lại gối vụ, giống tiêu thì mua lại của những nhà cắt dây ra bán. Cứ gom dần, bây giờ anh có 1.500 trụ tiêu, trong đó, 700 trụ đang thu hoạch. Vào vụ thu hái, gia đình anh thuê thêm vài nhân công nữa hái trong 4 tháng trời mới xong. Anh bảo, nếu không mất mùa, anh có thể thu được 70 tấn tiêu. Mưa lụt vào đúng thời điểm tiêu ra hoa, cho nên chỉ thu được trên 30 tấn. Thu nhập của gia đình anh năm nay như thế cũng được 4 tỷ đồng, cứ tính một vốn, hai lời, lãi ròng cũng hơn 2 tỷ. Tôi im lặng nhìn người đàn ông thoăn thoắt tay tuốt những hạt tiêu rơi xuống tấm bạt hứng dưới gốc, giọng nói đặc sệt đồng bằng Bắc Bộ với hàm răng xỉn màu trà mạn, thuốc lào mà luôn miệng nhắc đến tiền tỷ. Bao nhiêu mồ hôi và những giọt nước mắt xa xứ mới làm nên màu tiêu xanh của hôm nay.


Những nông dân trồng dong riềng trên đất dốc của Tây Nguyên.

Cho Tây Nguyên xanh

Trần Văn Ánh hồ hởi khoe: Hái xong vụ tiêu này, tôi chỉ đi chơi, hát karaoke thôi. Tôi về quê, nhiều người cứ thấy tôi uống bia lon cả thùng, tiêu tiền triệu mà cũng muốn bán nhà vào Tây Nguyên trồng tiêu. Tôi bảo: Đã có bao nhiêu tỷ đồng dắt lưng để vào Tây Nguyên? Vườn tiêu của tôi bây giờ mất vài tỷ để mua phân bón, thuốc kích thích ra hoa, thuốc kích thích đậu quả… chứ có phải ngồi không mà đánh bạc với giời đâu”. Ở đây, nhiều người bỏ cả cơ quan Nhà nước ra ngoài trồng tiêu, cũng còn phát ốm vì vay vốn lớn quá. Hơn nữa, đã bỏ vốn lớn thì càng nôn nóng. Cái giống tiêu không thúc nhanh được. Càng bón nhiều thuốc kích thích, vườn tiêu càng nhanh lụi, thối gốc, chột hoa. Chỉ vài vụ sai trĩu rồi về sau, bói không ra quả. Với tiêu, không gì bằng trồng cây đậu tây cho tiêu leo lên, bí quá nên bây giờ cứ làm trụ xi măng dỏm, gỗ dỏm, chẳng mấy chốc cả vườn tiêu sụm xuống. Lúc đó, vợ chồng con cái lại bồng bế nhau về quê, cái mộng làm giàu ở Tây Nguyên cũng vì thế mà cay còn hơn tiêu.

Đi dọc Tây Nguyên bây giờ, màu xanh của cà phê, của tiêu tràn tới tận chân trời. Chúng tôi gặp ở trên đường, những gia đình mới di dân vào Tây Nguyên để lập nghiệp. Họ chỉ ở trong những căn nhà gỗ bình dị, dành hết đất để trồng tiêu, trồng điều và cà phê. Trong cơn mưa tưởng chừng như không dứt của Tây Nguyên, những nông dân quê ở Phù Cát, Bình Định mò mẫm dưới những thửa ruộng lụt nước để vớt củ mỳ non. Nếu để thêm vài ngày ngâm nước nữa, những thửa ruộng trồng mỳ có thể mất trắng. Thời tiết càng ngày càng khó lường, ngay cả với dân làm vườn rừng. Nếu cứ nhìn vào những vườn ươm giống cây cao su, cây cà phê của các trung tâm cung cấp giống hàng triệu cây, cảm giác như Tây Nguyên mai này sẽ chỉ còn những cánh rừng cao su thẳng thớm, những sườn đồi hái ra tiền bởi hồ tiêu, cà phê và những con người ở trọ Tây Nguyên đang làm giàu với giấc mộng đổi đời của mình.

Tôi không thể gặp được một người quen cũ từ miền Bắc vào Tây Nguyên lập nghiệp trước đây, vì anh đi rẫy chưa về. Mỗi tháng, anh chỉ đáo qua nhà một lần, còn lại ăn ngủ với vườn cà phê ở mãi mạn Bắc Tây Nguyên. Tôi gặp ở Pleiku, phố núi Gia Lai rất nhiều những người từ nơi khác đến đây sinh sống, nhưng họ yêu Pleiku một cách tuyệt đối. Họ sống phóng khoáng và rộng mở. Ở họ có một chút gì như cà phê Pleiku, không thơm lừng một cách giả tạo, nhưng đậm đặc, ngấm sâu và để lại dư vị dịu dàng rất khó quên. Có người nói: Nếu đến Tây Nguyên, khi vào quán ăn, muốn phục vụ mang tới một cái thìa, anh phải dùng đủ từ địa phương Bắc, Trung, Nam: Cho cái muỗng, thìa, vá, thì người nghe mới hiểu. Ngồi giữa quán cà phê của Tây Nguyên một buổi chiều mưa, tôi nghe một đám phụ nữ Nam Định đang nhâm nhi ly cà phê trong mưa lạnh, trước giờ đi chợ làm cơm chiều. Một người nói giọng nghẹn ngào: Miền Bắc mùa này là mùa hái lá khúc ngoài đồng về làm bánh, sắp lập đông, phải chuẩn bị chăn ấm cho mẹ già…

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Ba toát

    Tác giả đi từ đầu đến cuối bài mà đã thấy ra khỏi huyện Chư Pưh đâu.
    700 trụ tiêu mà thuê mấy người hái ròng rã 4 tháng trời, thu được… 70 tấn.
    Cũng khéo nổ nhỉ !
    Bó tay nhà báo.

  2. chuotdong

    Ngao ngán cho nhà báo thật, chắc ở Thủ đô vào Tây Nguyên lần đầu. May mà ko có suy nghĩ như nhà báo nọ thuê cần cẩu hái tiêu.

  3. Phan Văn Minh

    Nhà báo viết thế thì chết những người muốn làm giàu nhanh đấy… Giá hồ tiêu năm nay có 150.000đ/kg thì vẫn chưa phải đã là cao so với trước đây khoảng 10 năm, khi đó giá chỉ 50.000 đến 60.000đ/kg. Tuy nhiên, giá nhân công lúc đó khoảng 20.000 – 25.000đ/công, vàng khoảng 500.000đ/lượng…. nay nhân công 120.000đ/công còn vàng thì khỏi nói. Đưa thông tin nên có trách nhiệm một chút nhà báo ơi, 700 trụ mà nếu trúng thu 70 tấn thì mỗi trụ thu 100 kg à? có bốc cả đất mà cân nhà báo ạ.

  4. tieuden

    CHO BÀ CON ĐƯỜNG DẪN TỚI BÀI BÁO GỐC ĐI Y5
    Bài này đầu viết một đằng đuôi một nẻo
    đầu bài:
    “Mỗi năm tôi thu 200 triệu đồng từ vườn tiêu này. Con cái học hành, nhà cửa, gia đình và cả niềm tự hào của tôi đều trông chờ vào đó” – Chủ vườn tiêu Trần Văn Ánh, ngụ tại xã IALe, huyện Chư Pữh, Gia Lai nói.

    Đoạn này lại trái ngược với đầu bài:
    Anh bảo, nếu không mất mùa, anh có thể thu được 70 tấn tiêu. Mưa lụt vào đúng thời điểm tiêu ra hoa, cho nên chỉ thu được trên 30 tấn. Thu nhập của gia đình anh năm nay như thế cũng được 4 tỷ đồng, cứ tính một vốn, hai lời, lãi ròng cũng hơn 2 tỷ.

  5. cafenghot

    Đọc xong bài báo tôi thấy buồn cười, 1.500 trụ tiêu mới thu 700 trụ được 70 tấn=100kg/1trụ, một vốn hai lời thu 4tỉ lãi ròng 2tỉ chỉ 1vốn /1lời đúng là viết với lách. Kiểu nầy chắc nông dân Tây Nguyên chặt hết cà phê trồng tiêu cho mau giàu.
    Đúng là nằm mộng giữa ban ngày.

  6. cafenghot

    Nói như bạn 1010 thì nhà báo ko có trách nhiệm gì đối với với những gì mình viết ra hay sao? Làm nhà báo khó lắm, những gì mình viết ra phải có trách nhiệm cả hai mặt lợi và hại của nó, những ý kiến phản hồi ko phải là để phê phán mà để nhà báo xem lại mình và có trách nhiệm hơn với bài viết của mình đối với người đọc, những tác lợi và tác hại của nó.

  7. nongdancafe

    Tác giả Trương Thúy Hằng coi thường công chúng quá , viết lách kiểu gì không có một tí thực tế nào cả , nội dung chồng chéo, hình ảnh minh họa khoai môn (khoai sọ) thì nói là củ dong riềng.
    Không rõ TBT duyệt thế nào mà cho đăng bài.

  8. Ngóe

    Kể ra bây giờ mà gọi như thế nào là một nhà báo cũng thật khó vì thời buổi vàng thau lẫn lộn.
    Chỉ mong sao các vị được gọi là nhà báo hãy có trách nhiệm và ý thức hơn về ngòi bút của mình thôi bà con à!

  9. Vạn Tùng

    Diễn đàn không nên đăng những bài báo viết về nông thôn mà không biết gì về nông thôn. Trình độ viết báo quá kém.

  10. tieuden

    Bà Trương Thúy Hằng này học trường nào ra mà viết bài như chuyện cổ tích vậy ? chắc có giống Tiêu ”Thạch Sanh” nên mới có cái vụ 700 trụ tiêu mà được 70 tấn

Tin đã đăng