Hiệu quả từ mô hình “Tổ dân phòng bảo vệ cà phê” ở Đắk Lắk

Niên vụ cà phê 2011-2012 bắt đầu bước vào thu hoạch, trong khi tại nhiều địa phương khác, người dân đang khẩn trương hái cho dù quả cà phê đang còn rất xanh do tâm lý lo lắng sợ bị mất trộm, thà “xanh nhà hơn già đồng”, thì ngược lại tại thôn Hòa Thắng (xã Hòa Đông, huyện Krông Pak), nông dân trồng cà phê vẫn “bình chân như vại”, chờ cà chín rộ đồng loạt mới hái.

Nguyên nhân là từ nhiều năm nay, công tác bảo vệ cà phê đã được các hộ dân tin tưởng giao khoán cho lực lượng dân phòng địa phương canh giữ, với cam kết “Nếu cà phê bị mất, lực lượng dân phòng sẽ bỏ tiền ra đền tương đương với số lượng bị trộm”.

Tại rẫy cà phê có diện tích trên 1 ha của ông Nguyễn Trọng Thắng dù lượng quả trên cây chín đã chiếm đến 50%, đỏ rực cả vườn, song những ngày này ông Thắng chỉ huy động công nhà làm cỏ, quét rác chứ không thuê công hái bói như những nơi khác. “Hái lựa trái chín vừa tốn nhân công, hơn nữa, khi gặp cây chín khoảng 60% là họ “ hái tuốt” hết, dẫn đến cà phê vừa không đạt năng suất vừa kém chất lượng. Tôi và bà con khác trong thôn thì không nôn nóng, vội vàng, đợi cho tỷ lệ cà chín đạt từ 85-90% mới hái mà không sợ mất trộm, bởi chúng tôi rất yên tâm vì đã có lực lượng dân phòng bảo vệ!”, ông Thắng khẳng định.

Nông dân thôn Hòa Thắng chờ cà phê chín đạt tỷ lệ 85-90% mới thu hoạch.
Nông dân thôn Hòa Thắng chờ cà phê chín đạt tỷ lệ 85-90% mới thu hoạch.

Không riêng gì ông Thắng, những người có diện tích canh tác cà phê tại thôn Hòa Thắng, nhưng nhà ở TP. Buôn Ma Thuột như ông Sơn, ông Đức, ông Ngọc cũng chẳng hề tỏ ra lo lắng, mất công chạy đi chạy về, đêm hôm phải “cắm trại” tại rẫy để trông coi mà tất cả đều đợi đến khi cà chín rộ mới huy động, “tấp” công để hái một lần. Vì vậy, hằng năm thôn Hòa Thắng thường là địa phương kết thúc vụ thu hoạch cà phê trễ nhất so với những vùng khác. “Nhiều người thắc mắc là tại sao chúng tôi lại dám để cà phê chín rộ mới hái mà không sợ bị mất trộm, đến khi được giải thích là công tác bảo vệ cà phê ở đây do lực lượng dân phòng đảm nhiệm, nhiều người tỏ ý không tin, vì họ cho rằng các nơi khác cũng làm nhưng không hiệu quả, tình trạng mất trộm vẫn cứ xảy ra. Song khi nghe chúng tôi kể về cách thức hoạt động của tổ dân phòng giữ cà thì họ rất tâm đắc…”, anh Hồ Viết Lý, Phó trưởng thôn Hòa Thắng bắt đầu câu chuyện khi nói về mô hình này.

Mô hình tổ dân phòng bảo vệ cà phê của thôn Hòa Thắng ra đời đã gần chục năm nay, hoạt động  hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện của các thành viên và theo nguyên tắc “dân biết, dân cử”. Các thành viên tham gia lực lượng do nhân dân trong thôn họp bàn công khai, biểu quyết tín nhiệm đưa vào lực lượng. Ngoài hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ của dân phòng quy định, đến mùa thu hoạch cà phê, tổ dân phòng được giao thêm nhiệm vụ đặc biệt là bảo vệ hơn 50 ha cà phê trên địa bàn thôn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng mất trộm. Để gắn trách nhiệm của tổ dân phòng, ai tham gia lực lượng này sẽ được người dân “trả lương” hẳn hoi. Những nhà có cà phê sẽ tổ chức họp bàn, thống nhất mức đóng góp mỗi hộ là  35.000 đồng/sào để chi cho lực lượng hoạt động. Đổi lại tổ dân phòng hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu để xảy ra mất trộm bằng cách đền tiền tính theo giá thị trường, tương đương với số lượng cà phê bị mất cắp. Và đã có trường hợp bị mất trộm, đội dân phòng đã đền bù đầy đủ cho người bị mất.

Chính cách làm cụ thể rành mạch, sòng phẳng này đã khiến người dân hoàn toàn yên tâm, tự nguyện đóng góp tiền, cứ đến mùa thu hoạch cà phê thì liên hệ, nhờ lực lượng dân phòng bảo vệ. “Nếu tính số tiền đóng góp hỗ trợ cho lực lượng dân phòng hoạt động so với công sức từng hộ gia đình tự bỏ ra bảo vệ rẫy cà phê trong suốt mùa thì chẳng đáng vào đâu, trong khi đó hiệu quả lại đủ đường. Cà phê vừa không bị mất cắp, cà chín thì năng suất, chất lượng lại cao, bán được giá. Vì vậy chúng tôi ai cũng tin tưởng, an tâm khi có anh em lực lượng dân phòng bảo vệ trong mùa thu hoạch”, ông Thắng nói thêm. Đổi lại với sự tin tưởng của người dân, những ngày này các thành viên trong lực lượng dân phòng thôn liên tục chia ca, tuần tra bảo vệ bất kể ngày đêm trên khắp địa bàn thôn. Công việc vất vả, so với “thù lao” được trả không đáng là bao, nhưng họ vẫn nhiệt tình, hăng hái tham gia. “Công tác bảo vệ an ninh – trật tự trên địa bàn vốn là trách nhiệm thường ngày của lực lượng dân phòng chúng tôi. Vì vậy, có thêm nhiệm vụ giúp người dân bảo vệ cà phê nữa tuy vất vả hơn nhưng anh em chúng tôi vẫn động viên nhau, đã nhận thì phải làm cho hết trách nhiệm. Vả lại, khi thấy chúng tôi ngày đêm tuần tra, nhiều người dân cũng chia sẻ trách nhiệm, tích cực tham gia. Từ đó, phong trào toàn dân tích cực tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc được lan rộng, góp phần giữ vững an ninh – trật tự trên địa bàn”, anh Nguyễn Thanh Hải, đội viên đội dân phòng tâm sự.

Ông Nguyễn Đình Vượng, Chủ tịch UBND xã Hòa Đông, kiêm Trưởng Công an xã thì đánh giá rất cao về hiệu quả hoạt động của lực lượng dân phòng thôn Hòa Thắng khi nhận xét: “Với sự hoạt động tích cực, hiệu quả của lực lượng dân phòng, nhất là trong việc bảo vệ mùa thu hoạch cà phê cho người dân thì thời gian qua tình trạng trộm cắp, các vụ, việc gây mất an ninh – trật tự ở thôn Hòa Thắng hầu như không xảy ra. Điều này không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương phát triển kinh tế, người dân trong thôn yên tâm lao động sản xuất mà còn có lợi ích thiết thực là góp phần nâng cao chất lượng cà phê. Vì vậy, mô hình tổ dân phòng và các hộ dân trồng cà phê liên kết, cùng nhau để bảo vệ cà phê là rất hiệu quả, thiết nghĩ các địa phương trong tỉnh cần tham khảo nhân rộng”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cafe Vối

    Mô hình này muốn có hiệu quả, theo tôi là phải có sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở phải từ cấp xã. Cấp thôn, xóm có những hạn chế nhất định, nhất là khi bọn trộm đi thành bầy và đem theo hung khí, muốn trấn áp cần phải có hậu thuẫn pháp lý để tránh phiền hà, rắc rối nảy sinh những chuyện bất ngờ.
    Hơn nữa, cần có cấp xã mới ngăn ngừa được chuyện thu mua cà phê tươi không rõ nguồn gốc của một số hộ kinh doanh và kiểm tra thương lái tụ tập thu mua ở các giao lộ. Khi cần thiết, có nghi vấn chứa chấp trộm cắp thì thôn xóm cũng không thể tổ chức kiểm tra được như cấp xã…

Tin đã đăng