Xuất khẩu cà phê: Mừng hụt?

Chín tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê của cả nước đạt gần 2,2 tỷ USD, nâng kim ngạch xuất khẩu niên vụ 2010-2011 đạt 2,7 tỷ USD, tăng 56% so với cùng kỳ. Có nên chia vui sớm với ngành cà phê?

Xuất khẩu cà phê: Khấp khởi mừng

Dẫn chứng từ số liệu thống kê của Tổng Cục Hải quan cho thấy, niên vụ cà phê 2010-2011, cả nước xuất khẩu được 1.280.000 tấn (tăng 7% so với cùng kỳ). Trong đó, tháng 1, 2, 3,12 được đánh giá là những tháng xuất khẩu cao điểm nhất. Tính từ đầu vụ 2010-2011, giá cà phê trên thế giới có xu hướng tăng mạnh, mức kỷ lục đạt gần 2.500 USD/tấn, đã tạo tâm lý phấn khởi, thúc đẩy nông dân gia tăng sản xuất.

Báo cáo tại hội nghị tổng kết niên độ 2010-2011, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, tăng liên tục từ đầu năm đến nay, giá cà phê xô đã đạt trên 50.000 đồng/kg.

Theo đó, từ tháng 6, 7, 8, giá FOB khi giao dịch đã thoát khỏi “chiếc áo” trừ lùi được xem là “bất di bất dịch”. Mặt khác, bên cạnh các thị trường truyền thống như Mỹ, Đức, Bỉ… thì năm nay, Trung Quốc đã trở thành quốc gia thứ 10 trong hàng ngũ 10 nước nhập khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam với lượng nhập đạt đến 28.349 tấn.

Lẽ dĩ nhiên, giá cà phê tăng cao sẽ là tín hiệu tốt không chỉ đối với người dân mà còn đối với doanh nghiệp (DN). Song, ông Nguyễn Văn An, Tổng giám đốc Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam, cho biết, có không ít DN vẫn chưa đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu. Do đó, đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh thu mua tràn lan, lẫn lộn giữa cà phê xanh, chín.

Đó là chưa kể tình trạng DN không trung thực trong chất lượng sản phẩm vùng miền, tạo nhầm lẫn cho người tiêu dùng và làm mất uy tín trong kinh doanh.

Mặc dù, 70% thị phần xuất khẩu nằm trong tay 20 DN xuất khẩu hàng đầu thuộc thành viên của Vicofa, nhưng 30% thị phần còn lại cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đối với hoạt động của toàn ngành cà phê Việt Nam.

Lý giải về thực trạng này, ông Nguyễn Nam Hải, Phó chủ tịch Vifoca, cho biết, nguyên nhân có thể do giá cà phê tăng cao và tâm lý người dân sợ bị hái trộm cộng thêm chi phí nhân công thu hái ngày càng tăng, đã dẫn đến tình trạng thu hoạch sớm.

Đứng trước thực trạng này, điều duy nhất để cải thiện tình hình là DN phải tìm cách khuyến khích người dân chỉ thu hoạch khi chất lượng trái đạt 90% chín, có như vậy, mới có thể đảm bảo được mức giá cho người dân.

Đã vội lo

Thông tin từ các địa phương đến Vicofa, cho biết, thời gian gần đây do trời mưa nhiều, hiện tượng cây cà phê rụng quả hàng loạt đã diễn ra trên khắp Tây Nguyên.

Tính từ đầu tháng 8 đến nay, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Đắk Nông phối hợp với trạm BVTV các huyện, thị xã trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra và thống kê được toàn tỉnh có khoảng 11.675ha cà phê bị rụng quả hàng loạt trong tổng số 75.946ha cà phê (chiếm tỷ lệ 15%).

Tong khi đó, trao đổi thêm về vấn đề này, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa cho rằng, các tổ chức cà phê nước ngoài đưa ra dự báo sản lượng cà phê Việt Nam tăng cao trong niên vụ 2011/12 là không chính xác, có thể tạo tác động xấu đến giá cà phê trong nước. Bởi, để có được con số sản lượng chính thức phải đợi tới khi cà phê thu hoạch rộ ở niên vụ tới.

Theo đó, phía Vicofa cũng đưa thêm những dẫn chứng từ biến động thời tiết vụ, lý giải vụ cà phê niên độ 2011/12 sẽ đến chậm một tháng so với thông thường.

Qua đó, dự báo sản lượng niên vụ năm tới chỉ ở mức 1,1 triệu tấn, tức 18,33 triệu bao. Và niên vụ mới của cà phê Việt Nam sẽ chiếm khoảng 14 – 15% trong tổng sản lượng toàn cầu.

Theo Vicofa dự báo, từ nay đến cuối năm, sẽ còn tiếp tục xảy ra mưa bão khiến quả rụng sớm và việc phơi sấy sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Đó là chưa kể, do giá tăng cao so với các niên vụ trước, người dân tranh thủ bán hết, chuyển sang hình thức dự trữ bằng tiền gửi tiết kiệm, nên lượng hàng tồn kho chuyển sang niên vụ tới hầu như không còn.

Để chuẩn bị đối phó với những khó khăn trong thời gian tới, 20 DN xuất khẩu cà phê hàng đầu đã nhất trí kế hoạch sẽ cho mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn cà phê ngay từ đầu vụ.

Theo đó, phía Vicofa đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành liên quan tổ chức cuộc họp giữa các DN xuất khẩu cà phê trong nước với một số ngân hàng thương mại, tạo nguồn vốn thu mua cà phê, xuất khẩu và tạm trữ ngay từ đầu vụ.

Theo đó, để hỗ trợ cho các DN xuất khẩu cà phê trong niên vụ mới, Ngân hàng Nông nghiệp phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã đi tiên phong trong việc đi đến ký thỏa thuận với Vicofa về chương trình hỗ trợ tín dụng cho ngành hàng cà phê.

Agribank sẽ dành gói tín dụng trị giá lên tới 5.000 tỷ đồng cho chương trình thu hoạch, sản xuất và chế biến cà phê niên vụ tới với mức lãi suất và thời gian vay ưu đãi.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, hiện nay Hoa Kỳ đang là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm với khối lượng và giá trị đạt lần lượt 98,5 ngàn tấn và 239,8 triệu USD; giảm nhẹ 3,9% về lượng nhưng tăng tới 53,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.

Tiếp theo là một số thị trường thuộc khối EU là: Đức, Bỉ, Ý, Tây Ban Nha, đặc biệt là thị trường Bỉ với mức tăng gần 1,5 lần về lượng và tăng 3 lần về giá trị nhập khẩu so với 8 tháng đầu năm trước. Bộ Công Thương dự báo Việt Nam tiếp tục đứng thứ hai về sản lượng cà phê trong niên vụ này, sau Brazil.

Trong niên vụ năm 2011-2012 tới, việc Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (Vicofa) đã thống nhất mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn cà phê ngay từ đầu vụ sẽ đảm bảo lợi ích cho người trồng cà phê, giúp cho giá cà phê ổn định. Nhiều nông dân có kinh nghiệm cũng nhận định giá cà phê vụ tới sẽ duy trì ở mức trên 45 triệu đồng/tấn.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng