Hơn một tháng qua, trước khi các nhà xuất khẩu cà phê trong nước ồ ạt ký hợp đồng xuất khẩu cà phê vụ mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) đã nhiều lần đưa ra khuyến cáo các nhà xuất khẩu cà phê không nên ký hợp đồng xuất khẩu theo phương thức chốt giá sau, nhằm phòng tránh rủi ro như đã từng vấp phải trong vài năm gần đây, mà đặc biệt là trong niên vụ cà phê 2011/12.
Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của chuyên gia cà phê Nguyễn Quang Bình để độc giả hiểu rõ hơn những rủi ro gặp phải của cả hai phương thức xuất khẩu cà phê là chốt giá trước và chốt giá sau.
Một trong những biện pháp ngăn chặn rủi ro được nói đến nhiều là khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối, rằng không nên ký hợp đồng “trừ lùi” và chỉ bán hợp đồng có “tiền tươi” khi đã có hàng trong tay.
Trong xuất khẩu cà phê, trên thị trường quốc tế và ngay tại Việt Nam, người mua và người bán hàng ngày vẫn sử dụng một loại hợp đồng được gọi là “trừ lùi”. Thực ra, đây là một loại hợp đồng tồn tại song song với hợp đồng có giá mua bán thực rõ ràng mà theo đó 2 bên mua và bán quyết định một mức giá đơn vị nhất định cho hợp đồng đó.
Với hợp đồng có giá đơn vị (unit price) thực khi ký kết, trên thị trường thường được gọi là hợp đồng có giá tiền trao cháo múc, hay “outright” trong tiếng Anh. Dù sao, đây cũng là một hợp đồng giao sau dựa trên chênh lệch với giá robusta Liffe mà có, nhưng giá được quyết định ngay, cụ thể, nên cũng có người gọi là hợp đồng có giá “chốt trước” hay có giá “đã chốt”.
Còn hợp đồng “trừ lùi hay cộng tới”, tức là hợp đồng mà theo đó 2 bên mua và bán thỏa thuận một mức trừ hay cộng (differentials) dựa trên giá chuẩn của cà phê robusta giao dịch ở sàn Liffe để hai bên quyết định giá theo thỏa thuận khi thấy an toàn cho các vị thế mua hay bán của mình.
Chính vì thế, với phương thức này, cả 2 bên có cơ hội giảm thiểu rủi ro rất lớn khi giá đi nghịch với dự đoán giá của mình. Các thương vụ kiểu này được gọi là hợp đồng có giá “chốt sau” (tiếng Anh “ptbf” viết tắt của cụm từ “price to be fixed”).
[ Giá cộng thêm và giá trừ lùi trong mua bán cà phê là gì? ]
Trong kinh doanh cà phê chuyên nghiệp, người ta thường bán giá “chốt trước” khi giá có khuynh hướng xuống (bear markets); ngược lại, hợp đồng “chốt sau” sẽ rất có lợi trong thị trường có khuynh hướng giá lên (bull markets).
Thỉnh thoảng, giới kinh doanh có thể đoán được giá tăng hay giảm với cách mua bán của các nhà kinh doanh: nếu bán “chốt trước” nhiều, thị trường sẽ hiểu giá sẽ xuống, nếu bán “chốt sau” nhiều, tức có người cầu mong cho giá tăng.
Như vậy, khuyến cáo không nên bán “trừ lùi” hay “giá chốt sau” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như Vicofa sẽ được hiểu như sau: thị trường có khuynh hướng xuống trong niên vụ này (điều này, chắc chẳng ai muốn).
Cũng nhớ rằng, trong niên vụ vừa qua (2011/12), Vicofa cũng đã từng khuyến cáo không nên bán “trừ lùi” nhưng khổ nỗi có rất nhiều ngân hàng không chấp thuận cấp tín dụng cho các hợp đồng “chốt trước” vì giá đã bán quá thấp, xuất khẩu sẽ thua lỗ, không đòi được nợ. Chính vì vậy, hàng loạt nhà xuất khẩu đã phải xù hàng không giao cho khách mua, gây mất uy tín lớn cho ngành cà phê.
Có nhiều công ty đã theo lời khuyên của Vicofa bán giá “chốt trước” ở các mức 1.900-1.950 đô la/tấn vì tưởng rằng giá như thế là đã được. Song, ngay lập tức, giá nhảy cao liên hồi từ đầu niên vụ đến hết niên vụ, đẩy giá trong nước lên theo, người bán không gom hàng được để giao cho người mua nước ngoài, kéo theo thua lỗ, xù hàng.
Nên lời khuyên “không nên bán trừ lùi” đã gây tác hại và đưa đến thua lỗ rất lớn nếu như ai “chịu khó” nghe theo lời khuyên này.
Để chứng minh, người viết giả sử hôm nay có nhà xuất khẩu bán giá chốt trước với mức 1.750 đô la/tấn (tức trừ 56 đô la/tấn so với giá tháng 1-2012 Liffe) cho giao hàng tháng 12-2011, vì nghĩ rằng giá còn xuống nữa. Nhưng một tuần sau, vì lý do gì đó giá cà phê trên kỳ hạn tăng lên mức 2.000 đô la/tấn, kéo giá trong nước tăng tương ứng.
Như thế, nhà xuất khẩu phải giao hàng với giá 1.750 đô la/tấn (có khi gom hàng của nông dân 1.950 đô la/tấn) thay vì có thể “chốt sau” ở mức cao hơn để giảm lỗ.
Rõ ràng, giá xuống trong thực tế hiện nay không phải do ta đã ký quá nhiều hợp đồng có giá “chốt sau”.
Đối với thị trường bị đầu cơ tài chính luôn rình rập và khuynh loát, vấn đề nắm bắt khuynh hướng thị trường để bán theo loại hợp đồng có giá chốt trước hay chốt sau, nên để các doanh nghiệp tự quyết lấy. Họ quá biết với một tỉ lệ tương đối nào họ sẽ bán ra theo từng phương cách để tránh được rủi ro về giá.
Tóm lại, tuy là một nước xuất khẩu robusta cực kỳ lớn, về giá, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có khả năng giữ được theo ý mình để khả dĩ giúp nông dân vững tâm sản xuất và chính họ sẽ tạo điều kiện tốt nhất để giữ được vị trí xuất khẩu cà phê robusta số 1 của Việt Nam trên thế giới.
>> Giá trừ lùi trong mua bán cà phê là gì, và cách tính như thế nào?
Theo tác giả thì chốt trước cũng chết, chốt sau cũng chết và chứng minh cụ thể.
Nếu tác giả chứng minh ngược lại thì… trớt quớt !
Chốt trước hay chốt sau cũng chết! chính vì vậy mới có qui định XK cà phê có điều kiện. Nếu được áp dụng thì nhờ qui định này mà các ông lớn tha hồ muốn chốt kiểu gì cũng được, bởi vì từ thế độc quyền họ sẽ thu gom cà phê với giá theo ý đồ đã chốt.
Vậy thì làm sao, phải nhờ mấy công ty môi giới cò hả? Kiểu này lãi có đủ trả cho tiền cò ko?
Bác cafe den nói hay quá nhỉ.
Chốt trước hay chốt sau đều mang tính 2 chiều. Nông dân quen trách các doanh nghiệp chốt trước, bị lỗ nên mua ép giá nông dân. Điều này cũng không hoàn toàn đúng. Ngươc lại có khi lại có lợi cho nông dân khi vào vụ thu hoạch.
– Khi chưa vào vụ các doanh nhiệp dự đoán giá xuống ký chốt giá trước chờ vào mùa giá thấp để mua . Nếu nhiều doanh nghiệp cùng làm như vậy với số lượng lớn thì giá đã bị đè ngay từ lúc các DN ký hôp đồng rồi. (Lúc này nông dân không bị ảnh hưởng vì đâu còn cà phê nữa). Khi vào vụ các DN cùng nhau mua để trả các hợp đồng đã ký và không dám ký tiếp các hợp đồng mới. Điều này vô tình tạo cảm giác thiếu hàng và giá thường tăng ngay vào vụ thu hoạch. Năm nay VN ít ký các hợp đồng bán trước vì thế khi vào chính vụ các hợp đồng mới sẽ tăng lên rất nhiều và vì vậy giá sẽ bị đè,khó có giá tốt ngay đầu vụ .Chính lúc này nông dân cần tiền trang trải cuối năm là người chịu thiệt thòi. PTài cũng là nông dân nên hiểu sơ sơ và thương tương kế tựu kế để bán được giá tốt nhất. Năm nay Phú tài đã bán 10tấn cà phê non 40.000đ/ký và bỏ vô ngân hàng hưởng lãi xuất 17% tháng cũng được hai tháng rưỡi rồi. Mong chia sẻ kinh nghiệm cùng bà con nông dân.
Mình có một ít cà phê arabica đã bán trên sàn từ đầu tháng 9 lúc hạt còn xanh giá 290cent/lb và đã chốt lời tại 225 cent/lb rồi, nói điều này mình muốn chia sẻ với bà con về phương thức bảo hiểm giá bằng công cụ thị trường kỳ hạn.
cà phê sắp lên 70.000 đồng/kg rồi. Chuẩn bị ngồi tiếc đi Phú Tài, ngồi đó mà phét lác. Chẳng qua là may gặp thời thôi. Cứ thử làm 1 cú 1.000 tấn xem thế nào? Không khéo lại vỡ tim mà chết
Nói nghe mắc cười.
Cty đi vay chịu lãi 22% để mua cà phê. Bạn bán cà phê để gửi hưởng lãi 17%.
Không biết kinh nghiệm của bạn hơn các Cty chỗ nào?
Đơn giản vậy sao.
Tôi thấy các bác ai nói cũng có phần đúng. Nhờ các bác mà tôi biết được thêm khối điều.
Tôi cũng chả hiểu sao. Cà phê theo chiều tăng từ đầu đến cuối vụ, sao các bác ko gom hàng rồi kiếm các hợp đồng ký sau có phải là chả phải bị thua thiệt. Gom được ít thì ký ít. Được nhiều thì ký nhiều. Cứ trừ lùi biết giá thế nào mà trừ. (đoán già đoán non)
Còn vốn ít thì làm ít, chứ cố quá tham quá chết là phải. Gom đầu vụ giá dưới 40 cuối vụ bán trên 50 chả phải lời to ah ?
Mong các bác giải thích thêm.
Nếu đối với dân làm ca phê mà nói như vậy thì đừng nên nói còn hơn vì ai chẳng hiểu. Cách tôt nhất là làm sao để ngăn chặn cái tình trạng này. Phải có biện pháp cứng rắn với doanh nghiệp, nếu không 1 khi tình trạng kí hợp đồng kiểu này được phổ biến đối với các doanh nghiệp thì người chịu thiệt, chịu ép giá chính là nông dân.
Giá cà phê không chịu lên mà giá dầu, giá phân, giá nhân công tăng liên tục, người làm cà phê lấy gì mà ăn. Đã đành là đang lạm phát nhưng nếu hàng hóa lên giá thì cà phê cũng phải lên chứ !
Chốt trước hay chốt sau có quan trọng không? Khi giá nội địa cứ >= giá FOB HCM thì ta phải chốt kiểu gì cho có lãi đây.