Giá cà phê đột ngột giảm 4 – 5 triệu đồng/tấn ngay khi bước vào đầu vụ thu hoạch. Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (Vicofa) và nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đều cho rằng đợt giảm này chỉ là nhất thời, không đáng ngại.
Điều nghịch lý là nhiều nông dân vùng cà phê đang tỏ ra mừng chuyện cà phê hạ giá. Theo lý giải của nông dân, giá cà phê càng lên cao thì người trồng càng vất vả với nạn trộm cà phê!
Giá giảm chống được trộm!
Nhiều vùng trồng tại Đăk Lăk, Lâm Đồng, Đăk Nông… đang bước vào vụ thu hoạch rộ. Giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên cuối tuần qua chỉ còn 36.500 đồng/kg, mức giá thấp nhất trong vòng một năm qua. So với giá đỉnh điểm 52.000 đồng/kg cách đây 4 – 5 tháng, mỗi kg cà phê hiện đã mất tới 16.000 đồng.
Tuy nhiên, trái với suy nghĩ thông thường là người trồng sẽ lo lắng tìm cách bán tháo ngay sau khi thu hoạch, không ít người trồng lại có phần phấn khởi với đợt mất giá này.
Khuyến cáo của Vicofa là nông dân đừng vội bán tháo khi giá cà phê giảm,
vì hiện tượng này sẽ không kéo dài.
Ông Trần Viết Thuận, một hộ trồng cà phê tại thị trần Nam Ban, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) bày tỏ, giá giảm đáng lo cho những người có nhu cầu bán ngay, nhưng hầu hết lại tốt cho các hộ trồng. Lý do theo ông Thuận và một số hộ trồng cùng địa phương là giá cà phê càng cao, nguy cơ bị hái trộm càng lớn. “Nếu cà phê giữ nguyên mức hơn 50.000 đồng/kg thì thời điểm này chúng tôi phải thuê thêm nhiều nhân công trông rẫy, nếu không muốn bị kẻ trộm tuốt sạch…”.
Các hộ trồng cà phê cho biết, giá càng lên cao nguy cơ bị hái trộm càng lớn. Vì nhiều đối tượng thay vì đi hái cà phê thuê với tiền công 150.000 – 200.000/ngày đã chuyển sang hái trộm. Chỉ cần xách bao vào những rẫy cà phê lớn, tuốt nhanh cả xanh lẫn chín chỉ chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, “tiền công” bán sẽ cao hơn rất nhiều so với việc bỏ sức đi hái thuê.
Nhưng giá cà phê giảm quá nhanh và mạnh đang khiến các doanh nghiệp lo nhiều hành vi gian dối bùng phát. Do cả năm có một vụ nên phần lớn số hộ trồng trông chờ vào nguồn thu bán cà phê đầu vụ, việc mất giá quá nhanh trong khi áp lực thanh toán các khoản đầu tư sau thu hoạch đã dẫn đến các hành vi gian lận như pha trộn tạp chất, phun nước vào cà phê… trước khi đem bán.
Theo ông Nguyễn Văn An, tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Hòa, phổ biến hiện nay là tình trạng ngâm và phun nước vào cà phê tại chính các hộ trồng. Trung bình, cà phê ngâm trong nước khoảng 12 giờ sẽ tăng được khoảng 14% trọng lượng, phun nước vào cà phê trên xe cũng có thể gian lận được khoảng 3% trọng lượng.
Không vội bán tháo
Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, cho biết, việc giảm giá từ đầu vụ dường như năm nào cũng diễn ra, do người trồng chịu áp lực bán để thanh toán hàng loạt các khoản đầu tư, cũng như trả nợ ngân hàng. Thêm vào đó, ngay khi các các địa phương bắt đầu bước vào niên vụ mới, một số tổ chức cà phê nước ngoài đưa ra những con số dự báo không chính xác, cho rằng cà phê VN được mùa, số lượng tăng mạnh… đã tác động xấu đến giá cà phê trong nước.
Nhưng thực tế có thể ngược lại, theo ông Tự, do mưa nhiều, việc chăm sóc có phần hạn chế nên hiện tượng cây cà phê rụng trái diễn ra trên diện rộng tại Tây Nguyên. Riêng tỉnh Đăk Nông đã có gần 11,675ha cà phê rụng trái. Trong khi đó, lượng cà phê tồn kho, gối đầu sang vụ mới ở các DN và trong dân thấp hơn nhiều so với những niên vụ trước, do thời gian qua cà phê được giá, người dân và DN đẩy mạnh bán ra khiến nguồn cung có thể khan hiếm vào cuối năm.
Ông Nguyễn Văn An cho rằng, phần lớn người trồng cà phê chịu áp lực thanh toán vốn vay ngân hàng khi bước vào vụ nên xảy ra tình trạng bán đổ bán tháo làm giá cà phê giảm.
Nhưng theo ông Lương Văn Tự, giá cà phê khó có thể giảm sâu vì ngay khi chưa vào vụ, 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam đã nhất trí mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn ngay từ đầu vụ. “Ngưỡng 300.000 tấn là có thể cứu giá mặt hàng này, nhưng hiện mức doanh nghiệp đăng ký đã lên tới 442.000 tấn, vì vậy người trồng không phải hốt hoảng mà vội vàng bán ra”, ông Tự khuyến cáo.
Ngoài ra, việc Agribank vừa ký thỏa thuận với Vicofa dành gói tín dụng trị giá lên tới 5.000 tỷ đồng cho chương trình thu hoạch, sản xuất và chế biến… cà phê niên vụ tới với mức lãi suất và thời gian vay ưu đãi cũng có thể giải quyết được nhiều khó khăn cho cả doanh nghiệp lẫn người trồng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, niên vụ 2010 – 2011, kim ngạch xuất khẩu cà phê cả nước gần 1,3 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, tăng gần 7% về lượng và 56% về giá trị so với niên vụ trước. Vicofa dự báo trong niên vụ 2011 – 2012, sản lượng cà phê của VN chỉ ở mức 1,1 triệu tấn (tương đương 18,33 triệu bao), chiếm khoảng 14 – 15% tổng sản lượng cà phê toàn cầu.
Trích dẫn
….Nhưng theo ông Lương Văn Tự, giá cà phê khó có thể giảm sâu vì ngay khi chưa vào vụ, 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam đã nhất trí mua tạm trữ ít nhất 300.000 tấn ngay từ đầu vụ. “Ngưỡng 300.000 tấn là có thể cứu giá mặt hàng này, nhưng hiện mức doanh nghiệp đăng ký đã lên tới 442.000 tấn, vì vậy người trồng không phải hốt hoảng mà vội vàng bán ra”, ông Tự khuyến cáo…..
Thưa với ông Tự 300.000 tấn là ngưỡng có thể cứu giá? 300.000 tấn chỉ tương đương số lượng 5 đêm giao dịch trên LIFFE thôi ông à
Đọc bài này nông dân tôi nghe mà bức xúc quá! Mừng vì cà phê rớt giá uh, mừng rơi nước mắt thì có. Càng đọc thì lại càng thấy buồn cho người dân, buồn vì kém hiểu biết, vì cái lởi nhỏ nhặt, càng buồn hơn khi nạn trộm cắp. Điều đó thể hiện tình hình an ninh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng còn đang lỏng lẻo, và sự tham lam gian trá chỉ là nhỏ nhặt của cá nhân nhưng ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Đó cũng là nỗi niềm chung và tâm lí của người nông dân, chỉ vì nạn trộm cắp mà giá cà phê xuống lại mừng. Đó là một nối suy nghĩ tiêu cực…
Theo tôi thì chúng ta cứ loay hoay giải bài toán ở phần ngọn của ngành cafe mà thôi!
Cà phê rớt giá mà mừng ! Những nhà giàu thì mừng vì ko có nạn trộm cà phê, còn nhà nông thì mừng là chắc là… bị điên !
Giá cà phê như vậy thì doanh nghiệp mừng nhưng nông dân thì… chết đói !
Tình hình này không biết thế nào?
Trong khoảng 100 ngàn tấn xù hàng vừa rồi của các DN Việt Nam các DN nước ngoài vẫn yêu cầu giao hàng mới tiếp tục ký tiếp các HĐ mua khác (thời điểm giá cao không bán được), mà nếu không ký được thì … tiền không về => lấy tiền đâu để trả nợ ngân hàng?
Giờ nếu có tiền mua hàng cũng không biết lúc mua vào rồi giá lên hay xuống nữa (không có HĐ ngoại để các DN Việt Nam vay được tiền ngân hàng – Không vay được bằng niềm tin rồi).
Uy tín các DN Việt Nam xuống bởi các vụ xù hàng vừa rồi. Các ngân hàng thì lấy tài sản bao gồm hàng để làm thế chấp. Giờ bán không được nữa biết sao đây khi thời gian đáo hạn đang đến gần? Mua 45-46 để xuất ngoại nhưng … do xù hàng không DN ngoại không mua, tiền không về nên phải bán 36 – 37 để trả nợ ngân hàng (đáo hạn mà không trả, ngân hàng tự bán để thu hồi).
Lỗ nhiều phết!
Theo quan điểm cá nhân tôi, nếu chính phủ không trực tiếp ra tay can thiệp thì chắc cà phê Việt Nam sẽ … không biết về đâu.
NHNo &PTNT nói cho các DN cà phê vay 5.000 tỷ đồng, NH đầu tư và phát triển 3.500 tỷ đồng Vietcombank 1.500 tỷ đồng…. Nói thì dễ nhưng hiện nay khó có DN cà phê nào đủ điều kiện để vay. 99% các DN cà phê Việt Nam đang bị “ung thư”, làm sao đủ điều kiện để vay? không có tài sản thế chấp thì không được vay, các DNTN mất hết niềm tin với các ngân hàng nên cũng không thể vay tín chấp được.
Ai là người viết bài báo này. Thưa các ông các bà ! các ông các bà đừng có ngồi không, rảnh rỗi mà viết lách cái kiểu đó. Có hiểu được nỗi khổ người Nông Dân như chúng tôi không? làm vất vả, cực khổ cả năm trời đến mùa thu hoạch mong cho được giá cả tốt để trang trải cho một năm chi phí đầu tư, nhân công, ăn uống. Chỉ có những người thừa tiền cuộc sống đầy đủ mới có những phát ngôn như thế.
Còn việc ngân hàng Agribank để vay được vài chục triệu thì nó hành người Nông Dân khốn nạn, khốn khổ. Qua tay người này qua tay sếp nọ đến khi nhận được số tiền thì cũng chẳng còn là bao nhiêu.
Mong một lần nữa đừng cho đăng những bài viết như thế này người viết nên tìm hiểu kỹ thông tin. Thật sự sau khi đọc xong bài viết này, thật là bức xúc.
Kính xin các nhà viết báo chịu khó đi khảo sát thực tế một chút, có ai làm ra sản phẩm mà muốn giá thấp không? nông dân mà mừng vì cà phê xuống giá chắc bác nhà báo này hỏi nhầm người điên rồi mà cũng đăng báo vậy thì bác nhà báo này cũng có vấn đề