Trong những năm qua, tình trạng người dân thu hoạch cà phê xanh với tỷ lệ lớn vẫn còn khá phổ biến và khó có thể kiểm soát được. Nguyên nhân là do người trồng cà phê thiếu cộng đồng trong việc bảo vệ, ai cũng lo thu hoạch sớm vì sợ bị trộm cắp.
Tình trạng này đã dẫn đến chất lượng cà phê thấp; thời vụ thu hoạch bị đẩy lên sớm, thu hoạch gặp mưa càng làm cho chất lượng cà phê thấp kém.
Để chuẩn bị cho niên vụ cà phê 2011-2012 diễn ra hiệu quả, sản phẩm sau thu hoạch đạt chất lượng hàng hóa cao, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp và cá nhân sản xuất, kinh doanh cà phê trên địa bàn tỉnh hạn chế thu hoạch cà phê xanh. Bởi vì thu hái cà phê lẫn nhiều xanh sẽ làm mất sản lượng và giảm chất lượng đối với cà phê thương phẩm.
Theo đó, các nông hộ khi tiến hành thu hái phải đảm bảo tỷ lệ cà phê chín trong vườn đạt trên 95% mới thu hoạch. Đồng thời, các cấp, ngành địa phương cần có biện pháp tuyên truyền, kiểm soát, xử lý đối với những trường hợp mua bán cà phê có lẫn quả xanh, quả non vượt tiêu chuẩn quy định.
Có thể nói, giá trị của hạt cà phê xuất khẩu đã giúp cho hàng ngàn hộ nông dân trong tỉnh thoát nghèo và trở nên khá giả, nhưng khi đề cập đến Tiêu chuẩn VN 4193 quy định về độ ẩm, tạp chất, tỷ lệ hạt xanh… đối với sản phẩm cà phê do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành trong thời gian qua thì phần lớn nông dân chưa hề biết tới.
Do đó, để nâng cao hiệu quả kinh tế của loại cây trồng này, bên cạnh việc quy hoạch phát triển vùng sản xuất, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn nông dân đầu tư thâm canh, chế biến thì một trong những vấn đề cần quan tâm hiện nay là các cấp, ngành cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nông dân thay đổi cách thu hái và bảo quản sau thu hoạch cà phê cũng như xây dựng chế tài, xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp có hành vi cố tình thu mua cà phê kém chất lượng để trục lợi.
Có như vậy thì việc khuyến khích, quy định về công tác bảo quản sau thu hoạch đối với hạt cà phê mới đạt được hiệu quả như mong muốn.
Văn Tâm