Hợp đồng giao sau, nỗi sợ của ngành cà phê Việt

Tại cuộc họp về xuất khẩu cà phê mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo các doanh nghiệp không nên áp dụng phương thức kinh doanh xuất khẩu cà phê trừ lùi để hạn chế rủi ro khi thị trường cà phê biến động.

Khuyến cáo này xuất phát từ thực tế đã có hàng loạt doanh nghiệp thua lỗ nặng vì áp dụng phương thức giao dịch được coi là tiên tiến này.

Lãnh đủ vì biến động giá

Phương thức kinh doanh chốt giá sau là hình thức cho phép người mua hoặc người bán chốt giá tại thời điểm nào đó trong tương lai, trước khi thực hiện giao, nhận hàng. Giá cà phê kỳ hạn thường căn cứ vào giá trên Sàn giao dịch hàng hóa London (Liffe). Nếu chất lượng hàng hóa của người bán thấp hơn tiêu chuẩn chất lượng quy định trong hợp đồng kỳ hạn, bên mua sẽ áp dụng “giá trừ lùi“.

Tình trạng phổ biến ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam là ký hợp đồng bán cà phê trước khi mùa vụ bắt đầu, sau đó mới chốt giá với khách hàng dựa trên diễn biến thị trường. Có hai tình huống thường xảy ra:

Một là, nhiều doanh nghiệp không đủ tiềm lực kinh tế (không có tiền mua dự trữ) và ngân hàng không cho vay trên hợp đồng chưa có giá cụ thể, nên các doanh nghiệp này khi sắp đến ngày giao hàng thì phải chốt giá để vay tiền ngân hàng mua hàng. Khi doanh nghiệp thực hiện mua vào để giao hàng thì giá cà phê nhân trên thị trường nội địa tăng, doanh nghiệp vẫn phải mua để thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, dẫn đến thua lỗ.

Hai là, doanh nghiệp phán đoán sai thị trường do giá hàng hóa bị làm giá bởi giới đầu cơ. Cũng giống như bất kỳ thị trường nào khác, tình trạng đầu cơ giá cà phê tại các sàn giao dịch trên thế giới rất phổ biến. doanh nghiệp Việt Nam thiếu kinh nghiệm đã trở thành nạn nhân khi thấy giá xuống vội vàng chốt giá vì cho rằng giá còn xuống nữa, ngay sau đó giới đầu cơ đẩy giá vọt lên và doanh nghiệp trở tay không kịp, buộc phải chịu lỗ nếu không muốn bị phạt vi phạm hợp đồng, mất uy tín trong hoạt động xuất khẩu. Cũng có một số doanh nghiệp tung tiền ra mua cà phê tích trữ với khối lượng lớn đúng giá đỉnh, sau đó giá cà phê giảm mạnh tới cả chục triệu đồng/tấn, doanh nghiệp đành phải bán tháo hoặc trích lập dự phòng hàng tồn kho.

Rút kinh nghiệm từ bài học của các doanh nghiệp, bà Đoàn Thị Bích Hảo, Giám đốc Sàn giao dịch, Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX) cho rằng, giao dịch hàng hóa và các sản phẩm hợp đồng giao sau là kênh đầu tư có tính toàn cầu hóa sâu rộng và có nhiều nhân tố vĩ mô của thế giới tác động.

Do đó, không chỉ tìm hiểu các thông tin kinh tế – tài chính và hàng hóa trong nước, mà nhà đầu tư cần phải nắm bắt được các thông tin liên quan tới tình hình kinh tế và xu hướng biến động giá cả hàng hóa, đặc biệt là những biến động giá cả trên các sàn giao dịch chính trên thế giới. Giá hợp đồng cà phê Robusta tương lai trên sàn Liffe tác động rất lớn đến giá cà phê nội địa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, tỷ lệ đòn bẩy là rất lớn, biến động giá cả ảnh hưởng rất mạnh đến trạng thái mở của nhà đầu tư khi tham gia giao dịch. Do đó, nhà đầu tư cần có chiến lược đầu tư phù hợp, quan trọng là phải biết lập ra các kịch bản đầu tư để xác định được khi nào thì nên chốt lời, hay giá biến động đến mức nào thì khả năng tài chính của mình có thể chịu đựng được.

Giá cà phê còn nhiều biến động

Niên vụ 2010/2011 đã kết thúc, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ này của Việt Nam đạt 1,2 triệu tấn, trị giá 2,6 tỷ USD; tăng 8% về lượng, 58% về giá và 47% về kim ngạch so với niên vụ 2009/2010. Đây là kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay của ngành cà phê.

Niên vụ 2011/2012, theo dự báo của Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), sản lượng cà phê thế giới đạt 129,5 triệu bao, giảm 3,1% so với 133,6 triệu bao niên vụ 2010/2011 (Brazil giảm 10,3%, Indonesia giảm 27%). Việt Nam sản lượng sẽ đạt 18 – 18,5 triệu bao, chiếm khoảng 15% sản lượng toàn cầu; xuất khẩu dự kiến trên 1,1 triệu tấn.

Tuy nhiên, theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, vụ mùa cà phê thế giới 2011/2012 ước đạt 139,7 triệu bao, tăng 5,4% so vụ trước, trong đó Việt Nam và Brazil chiếm đa số và là vụ mùa sản xuất nhiều nhất từ trước đến nay. Cơ quan này cho rằng, vụ mùa cà phê 2011/2012 tại Brazil bắt đầu từ tháng 7 ước đạt 55,3 triệu bao, tăng 14% so vụ trước. Việt Nam ước sản xuất 18,7 triệu bao, tăng 9,8% (bắt đầu từ tháng 10/2011). Đây sẽ là những yếu tố đẩy giá cà phê đi xuống. Cà phê robusta tại thị trường London đã giảm giá 26% kể từ tháng 3/2011 và sẽ giảm tiếp 5%, còn 1.884 USD/tấn vào cuối năm nay, so mức 2.672 USD/tấn ở mức đỉnh.

Trong khi đó, nhiều thông tin từ Việt Nam lại cho thấy, giá cà phê có xu hướng tăng. Đầu mùa do mưa nhiều ở Đắk Nông, Lâm Đồng, sâu bệnh phát triển làm rụng quả cà phê.

Diện tích cà phê già năng suất thấp chiếm 25% tổng diện tích trồng cà phê, đã ảnh hưởng đến sản lượng và nguồn cung.

Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ triển khai chương trình mua tạm trữ quy mô lớn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị với các ngân hàng cân đối nguồn vốn từ 16.000 – 20.000 tỷ đồng để thu mua cà phê niên vụ 2011/2012 và tiếp tục có kế hoạch tạm trữ cà phê. Chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam, ông Lương Văn Tự cho biết, các nhà xuất khẩu Việt Nam đã đồng ý dự trữ 420.000 tấn cà phê hạt trong mùa vụ 2011/2012.

Liên quan:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. farmer01

    Thưa bà con trong Y5Cafe!
    Sao các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam không thực hiện ký kết các hợp đồng quyền chọn (Options) với đối tác?
    Mong được giải đáp thắc mắc. Xin trân trọng cảm ơn!

  2. duchuy

    Hợp đồng quyền chọn ( options) là công cụ tài chính bảo hiểm rủi ro về biến động giá, nó thường được sử dụng nhiều trên thị trường tiền tệ để đối phó với biến động về tỷ giá. Các nhà XK vẫn thường dùng để thanh toán chuyển đổi USD sang VND đó bạn!

Tin đã đăng