Khoảng gần một tháng nữa Dak Lak sẽ chính thức bước vào mùa thu hái cà phê của niên vụ 2011- 2012. Người trồng cà phê ở hầu hết các địa phương trong tỉnh đang phấn khởi trước mùa vụ hứa hẹn bội thu.
Tuy nhiên, giá cà phê nhân trên thị trường hiện đang có dấu hiệu giảm xuống; bên cạnh đó là nạn trộm cắp cà phê diễn ra nhiều nơi khiến bà con không khỏi lo ngại.
Cà phê được mùa
Mặc dù thời tiết nắng nóng của mùa khô năm nay kéo dài, dẫn đến hạn hán cục bộ tại nhiều địa phương trong tỉnh (đỉnh điểm từ tháng 4 đến tháng 5), song người dân đã biết khắc phục hạn hán để có thêm nguồn nước tưới cho cây trồng nói chung và cây cà phê nói riêng, như: đào, khoan thêm giếng, khơi thêm dòng chảy tự nhiên của sông, suối…
Điều đáng mừng là đến giai đoạn cây cà phê ra hoa, kết trái, thì thời tiết nắng nóng đã dịu đi nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho trái phát triển tốt; người dân đã tăng cường các biện pháp chăm sóc cây cà phê như bón phân, phòng ngừa sâu bệnh; chủ động bổ sung thêm các chất vi lượng, thuốc trị nấm, nhằm hạn chế rụng quả cho cây cà phê. Nhờ vậy, năng suất cà phê năm nay được đánh giá cao hơn hẳn niên vụ trước.
Tại huyện Cư M’gar, với diện tích trên 34.000 ha cà phê kinh doanh đang trong giai đoạn chín rải rác (mật độ từ 50 – 60%); một số hộ dân tại các xã Ea Tul, thị trấn Quảng Phú, Ea Pôk cũng đang bắt đầu thu hái. Ông Y Linh Byă, ở buôn Tu, xã Ea Tul cho biết: gia đình ông có 2 ha cà phê, năm ngoái năng suất chỉ đạt 2 tấn nhân/ ha, nhưng năm nay, có khả năng đạt cao hơn, ước tính khoảng 3 tấn nhân/ha.
Tại huyện Buôn Đôn, phần lớn diện tích cà phê thâm canh của các hộ ở xã Cuôr Knia, Ea Bar, Ea Nuôl, Tân Hòa, Krông Na cũng có khả năng đạt năng suất từ 3,5 đến 4 tấn/ha. Giờ đây, bà con đang tiến hành làm cỏ, quét dọn bồn, vệ sinh gốc cây; làm mới, sửa chữa hàng nghìn mét vuông sân phơi, nhà kho, mua sắm mới hàng chục ngàn bao tải, bọc nilong phục vụ tốt yêu cầu thu hoạch cà phê.
Ông Lê Văn Hải, ở thôn 2, xã Cuôr Knia cho hay: gia đình ông không vội vàng thu hái cà phê sớm như một vài hộ dân khác mà để đến chính vụ, khi quả cà phê chín rộ mới thu hoạch. Chính vì vậy, năm nào cà phê nhân của gia đình ông cũng đều hạt và được các đại lý thu mua đánh giá cao về chất lượng…
Và những nỗi lo
Mặc dù năng suất cà phê niên vụ 2011- 2012 đang hứa hẹn được mùa, song giá cà phê vẫn luôn là mối quan tâm của người trồng cà phê. Đặc biệt, những ngày gần đây, giá cà phê nhân trên thị trường vẫn đang có chiều hướng giảm.
Tại thời điểm này, giá cà phê nhân giảm gần 5.000 đồng/kg so với đầu tháng 10 và giảm đến trên 16.000 đồng/kg so với thời điểm giá cà phê đạt mức kỷ lục hơn 52.000 đồng/kg vào tháng 5 vừa qua. Nguyên nhân khiến giá cà phê trong nước giảm mạnh được một số chuyên gia cà phê nhận định là do cà phê đang bắt đầu bước vào vụ thu hoạch đại trà, sản lượng cà phê nhân tăng mạnh. Sự dồi dào về nguồn cung là nguyên nhân chính khiến giá cà phê giảm mạnh.
Chị Đinh Thị Trang, ở xã Ea Toh, huyện Krông Năng lo ngại: Nếu cái đà giá tiếp tục giảm như hiện nay thì đến thời điểm chính vụ không biết giá cà phê sẽ đi về đâu ! Điều này cũng sẽ gây nên những hệ lụy liên quan đến giá cả cà phê như đã từng xảy ra những năm trước đây. Tâm lý người trồng cà phê ai cũng muốn được mùa, được giá, nhưng đến thời điểm chính vụ, giá cả hằng năm vẫn giảm đôi chút (năm 2010, thời điểm chính vụ giảm 3000- 5000 đồng/kg so với đầu vụ).
Sau khi thu hoạch về, được phơi khô, tách vỏ, đóng bao, phần lớn người dân vẫn không muốn bán cà phê ngay, mà muốn chờ cho giá tăng lên mới bán. Tuy nhiên, khi để cà phê nhân ở nhà cũng gây ra những khó khăn nhất định về kho chứa, nạn mất trộm, hay ẩm mốc sẽ mất giá, nên họ thường đem đến các đại lý thu mua cà phê quen biết trên địa bàn để ký gửi. Cũng chính vì vậy đã từng xảy ra tình trạng một số đại lý ký gửi “xù nợ”…
Không chỉ vậy hiện nay ở Dak Lak, đối với một số diện tích cà phê chín sớm của các hộ dân đã có hiện tượng bị mất cắp ngay trên rẫy cà phê khiến nhiều nông dân lo ngại không biết có để được đến khi chính vụ hay không (!?). Bà Nguyễn Thị Hoãn, xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn cho biết: gia đình bà có 4 sào cà phê tuy chưa chín rộ nhưng đã bị hái trộm mất cả trăm cây. Kẻ xấu thường lợi dụng lúc đêm tối hoặc khi vắng người để hái trộm… hiện gia đình chị phải phân công lao động, dựng chòi trong rẫy cà phê để canh giữ.
Tại nhiều địa phương, chính quyền các cấp đã không ít lần khuyến cáo người dân tăng cường canh giữ cà phê trước và sau mùa thu hoạch; đồng thời đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng trộm cắp… Tuy nhiên theo ông Y Să Mlô, Trưởng Công an xã Ea Tul, huyện Cư M’gar: Tình trạng trộm cắp cà phê của người dân trên địa bàn rất khó phát hiện, bởi bà con thu hái không theo chính vụ, thấy một vài chỗ chín trước đã bắt đầu thu hái nham nhở, nhà này hái, nhà kia không; rẫy cà phê lại sát bên nhau nên việc hái trộm một vài bao cà phê quả tươi (40 – 50 kg/bao) là rất khó phát hiện và xử lý.
Chính quyền địa phương chỉ còn cách là tuyên truyền, vận động người dân thu hái cà phê đồng bộ, ở độ chín trên 85%, để vừa bảo đảm chất lượng cà phê nhân vừa tránh được tình trạng mất cắp cà phê.