Từ giữa tháng 8/2011, sâu róm đỏ đã gây hại cục bộ trên diện tích điều tại huyện Đạ Huoai. Riêng ở thị trấn Madaguôi, sâu róm gây hại mạnh trên 500 ha điều, có nơi mật độ lên đến 26 con/cành. Trước tình hình này, huyện Đạ Huoai đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, nhưng hiệu quả không cao và có nguy cơ bùng phát.
Dùng không đúng thuốc?
Nhiều hộ nông dân ở khu 8 thị trấn Madaguôi, huyện Đạ Huoai, phản ánh: Qua 2 đợt phun xịt thuốc do Trung tâm Nông nghiệp huyện cung cấp, dịch sâu róm đỏ trên cây điều không giảm mà có xu thế ngày càng lan rộng. Ông Huỳnh Đăng Lượng (khu 8, thị trấn Madaguôi), cho biết: “Gia đình tôi phát hiện dịch sâu róm đỏ trên cây điều từ cuối tháng 8. Sau đó, được Trung tâm Nông nghiệp huyện cấp 60 gói thuốc (dạng bột) hiệu Sectox 100wp và 60 chai (dạng nước) hiệu Azora 350FC. Cả 2 lần phun xịt, sâu róm không chết, mà chỉ… “ngất xỉu” rơi xuống đất một thời gian ngắn lại tiếp tục bò lên cây ăn trụi lá và mầm hoa. Thấy vậy, gia đình tôi đã phải tự mua thuốc về xịt thì hiệu quả tức thì!”.
Ông Nguyễn Đức Thứ (khu 8, thị trấn Madaguôi), bức xúc: “Cả 2 đợt, tôi nhận tổng cộng 120 gói Sectox về phun cho 3 ha điều. Đợt đầu, chỉ những con sâu nhỏ bằng đầu tăm bị chết mà thôi. Tôi nghĩ, do phun thuốc không đủ liều, nên đợt sau pha nồng độ đặc hơn so với hướng dẫn, nhưng cũng không hiệu quả, chỉ diệt được khoảng 30% sâu non, còn lại chúng vẫn ăn hại lá cây. Hiện, hơn 70% diện tích điều của nhà tôi bị tàn phá do phun thuốc không đúng và không kịp thời”. Theo ông Nguyễn Xuân Ba – Chi hội phó Nông dân khu phố 8, thuốc do Trung tâm Nông nghiệp huyện cấp là thuốc đặc trị rầy hại lúa, chứ không phải thuốc diệt sâu trên cây điều, dù phun đúng liều lượng nhưng hiệu quả cũng không cao. Toàn khu phố hiện có khoảng 60 hộ trồng 200 ha điều bị ảnh hưởng. Chính vì không được diệt tận gốc ngay từ đầu nên dịch sâu róm đỏ cứ lây lan theo cấp số nhân.
Hiện, nông dân nơi đây rất bức xúc vì việc cấp thuốc không đúng đã khiến bà con tốn phí công sức và nguy cơ mất mùa điều vụ tới là rất cao.
Tăng cường biện pháp chống dịch
Ông Lê Văn Nam – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đạ Huoai, cho biết: Trước khi đưa ra chống dịch, cả 2 loại thuốc Sectox và Aroza đều được Chi cục Bảo vệ Thực vật (Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng) phun xịt thử nghiệm và thấy hiệu quả khá cao nên mới cấp cho bà con. Trên thực tế, hiệu lực của thuốc đạt từ 70 đến 80% sâu chết. Tuy nhiên, do thời tiết mưa lớn, diện tích bị sâu hại nhiều nên khó khống chế dịch. Sau 2 lần phun thuốc, sâu đã có sự kháng thuốc nên Chi cục Bảo vệ Thực đã cấp 216 lít thuốc mới (nhãn hiệu Pertox 5EC) để phun xịt cho 286 ha điều (tăng gần 160 ha so với đợt đầu) bị ảnh hưởng nặng nhất ở khu 6 và khu 8, thị trấn Madaguôi.
Ngày 10/10, UBND huyện Đạ Huoai đã có văn bản gởi các xã, thị trấn và các đoàn thể trên địa bàn toàn huyện, yêu cầu tăng cường vận động nông dân chủ động phòng trừ sâu róm đỏ gây hại điều. Theo đó, chi hội nông dân và cộng tác viên ở từng thôn, khu phố giám sát chặt chẽ diễn biến sâu róm đỏ từng gia đình để có biện pháp xử lý kịp thời và báo cáo cho UBND huyện hàng ngày. Người nông dân khi phát hiện các ổ sâu róm phải chủ động mua thuốc trừ ngay, nhằm tiêu diệt gọn không để phát sinh lứa sâu tiếp theo. Đối với ổ dịch tại thị trấn Madaguôi, người dân cần tiếp tục phun nhắc lại để triệt tiêu sâu trưởng thành và làm ung kén sâu.
Đây là đợt tái xuất dịch sâu róm đỏ nặng nhất trong vòng gần 15 năm qua. Theo nhận định của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai, với tuổi sâu, mật độ và diện tích gây hại như trên thì thời gian tới sâu róm đỏ sẽ phát tán, lây lan ra diện rộng, làm ảnh hưởng mạnh đến sinh trưởng, phát triển và năng suất vụ điều 2011 – 2012. Được biết, không riêng gì ở huyện Đạ Huoai, mà tại các huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên và các huyện lân cận thuộc tỉnh Bình Phước cũng đã xuất hiện sâu róm đỏ trên cây điều. Nếu không có biện pháp hữu hiệu và kịp thời khống chế ổ dịch thì nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn.