Tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), bất kỳ lúc nào khách cũng có thể mua được thịt thú rừng. Nguồn thịt này có từ chính những vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên ở huyện Ea Kar, Lắk…
Tại xã Ea Sô, địa bàn sát với khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (Ea Kar, Đắk Lắk), khách muốn ăn thịt thú rừng hay muốn mua một ít mang về luôn có sẵn hàng, bất kể loại thú nào. Chúng tôi được một công an viên ngồi tại một quán trước cổng trụ sở UBND xã Ea Sô chỉ đường: “Quay ngược lại khoảng 200m vào quán ông Long sẽ có thịt thú rừng đủ loại”.
Mua bán trước cửa rừng
Quán Thành Long nằm sát quốc lộ 29 từ Ea Kar đi Phú Yên đang có một nhóm khách lai rai vài món thịt thú rừng. Bà Hạt, chủ quán kiêm đầu bếp, cho biết tại quán có rất nhiều loại thịt thú rừng như chồn, cheo, kỳ đà, heo, nhím… sẵn sàng phục vụ khách. Để khách lạ yên tâm, bà Hạt mở tủ lạnh cho chúng tôi xem nhiều tảng thịt để phía trong. Phải đến hơn 20kg thịt các loại đầy ắp trong ngăn đá. Phần lớn đã làm sạch sẽ, một số miếng thịt còn nguyên lông để chứng tỏ là đồ thật. Ở đây thịt chồn hương có giá 550.000 đồng/kg, trong khi tại TP Buôn Ma Thuột giá cao gấp đôi. Tương tự, cheo, nhím, heo rừng… giá cũng chỉ bằng một nửa, cao nhất bằng gần 2/3 ở TP.
Tại ngã ba Bãi Cháy (xã Ea Sar, Ea Kar) trên tỉnh lộ 11 (nối Ea Kar – Krông Năng), một chủ quán nước chỉ chúng tôi đến nhà ông Trung “rắn” khi chúng tôi dò hỏi muốn mua thịt thú rừng. “Ở khu này ai mà không biết Trung “rắn” là đầu nậu thịt thú rừng”, chủ quán nói. Vào nhà ông Trung, hình ảnh đầu tiên là trong nhà có rất nhiều thú nhồi. Ông này cho biết mình nổi tiếng vì tài săn bắt các loại rắn nhưng cũng là người chuyên đi mua bán thú rừng sống về cho ai có nhu cầu nuôi để lai tạo giống hoặc giết thịt.
Qua ông Trung, chúng tôi được giới thiệu đến nhà một thợ săn người Mông tên Chỉnh ở buôn Ea Púk, xã Ea Sô. Ông Chỉnh cho biết một tuần nhóm của ông chỉ đi rừng 1-2 lần, và thường là bắn chứ không bẫy thú. Chúng tôi ngỏ ý muốn mua thú sống để nhân giống cho trang trại ở TP, ông này nói hơi khó vì việc đặt bẫy hiếm khi bắt được thú sống và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, ông Chỉnh cũng hứa rằng khi nào bẫy hoặc bắt được thú sống sẽ điện cho khách tới lấy hàng nhưng giá sẽ không rẻ.
Tương tự, tình trạng buôn bán thú rừng diễn ra rất nhộn nhịp ở khu bảo tồn thiên nhiên Nam Ka (huyện Lắk) và Chư Yang Sin (Krông Bông). Tại xã Hòa Lễ (Krông Bông), chúng tôi được chỉ đến quán Dũng “râu” nằm bên tỉnh lộ 12. Khách được dẫn ra chuồng nhốt rất nhiều thú rừng như nhím, chồn, cheo để tận mắt xem nguồn hàng phong phú tại đây. Tủ đông lạnh của ông Dũng cũng có nhiều thú rừng đã làm sẵn để nguyên con hoặc cắt ra từng mảng.
Chúng tôi tìm đến quán Đức “đen” tại ngã ba thủy điện Buôn Tua Sarh, quốc lộ 27 (Đắk Lắk – Lâm Đồng). Ngoài việc bán quán ăn, giải khát, ông Đức cũng mua bán thịt thú rừng các loại. Ông mở tủ đông lạnh, giới thiệu cho khách xem rất nhiều loại thú đã bị xẻo thịt từng mảng trong ngăn đá. Ông Đức cho biết vì thú đã chết phải bỏ ngăn đông chứ đây toàn là thịt mới nguyên. Không khi nào phải để quá ba ngày vì nhiều khi không đủ hàng để bán.
Tuồn hàng đi khắp nơi
Các quán Dũng “râu”, Đức “đen”, Thành Long… chuyên cung cấp thịt rừng cho khách có nhu cầu tại thị trấn Krông Kmar (Krông Bông), TP Buôn Ma Thuột… “Nếu muốn đặt mối hàng chúng tôi sẽ cung cấp đều đặn, không phải lo thiếu hàng cho quán của mình đâu”, ông Dũng hứa chắc nịch. Chúng tôi nói dân TP muốn ăn thịt thú còn sống chứ không muốn ăn thịt đông lạnh, bà vợ ông Dũng nhiệt tình nói: “Mỗi khi cần hàng thì gọi cho tôi, chỉ một hai ngày tôi sẽ gom đủ và gửi xe ra tận nơi, miễn là tiền bạc sòng phẳng. Tụi tôi còn có mấy mối ở ngoài TP và họ rất yên tâm vì ở đây gần rừng mà”.
Theo ông Lê Đắc Ý – giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô, nạn xâm phạm rừng cùng số vụ săn bắn thú rừng rất phổ biến. Có vụ những tay săn bắn thú rừng quay súng bắn cả kiểm lâm viên. Từ năm 2007 đến nay, nhiều nhân viên kiểm lâm đã bị thương khi đang thực hiện nhiệm vụ. Ngoài những vụ phát hiện còn có rất nhiều vụ khác mà anh em kiểm lâm không kiểm tra được. Ông Tống Ngọc Chung, giám đốc vườn quốc gia Chư Yang Sin, cho biết: vườn có mười trạm kiểm lâm, một tổ cơ động và một tổ cảnh khuyển gồm sáu con liên tục tuần tra, kiểm soát nhưng không thể ngăn chặn triệt để nạn săn bắt thú hoành hành các khu rừng.
“Hằng năm, các kiểm lâm viên gỡ hàng ngàn cái bẫy trên rừng, bắt quả tang hàng trăm thợ săn nhưng cũng chỉ có thể xử phạt hành chính rồi thả họ về. Sau đó họ có tiếp tục đi săn nữa hay không chúng tôi không thể quản lý”, ông Chung nói. Về tình trạng các quán ăn đang trở thành những trạm trung chuyển, “chợ đầu mối” để gom thịt thú rừng từ các vườn quốc gia, khu bảo tồn đi các nơi, cả ông Chung và ông Ý đều thừa nhận có biết nhưng đành bó tay. Muốn kiểm tra các quán thì phải chờ hạt kiểm lâm, công an huyện và chính quyền địa phương vì đó là nhà của dân. Kiểm lâm của các vườn quốc gia, khu bảo tồn chỉ được vây bắt những người vận chuyển thịt thú rừng trong địa phận của vườn.