Với bản tính cần cù, chịu khó, luôn học hỏi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lại được sự hỗ trợ, giúp sức của Hội Nông dân, những hội viên nông dân huyện Krông Buk đã nắm bắt thời cơ thuận lợi để sản xuất, kinh doanh vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi – những điển hình trong phong trào thi đua yêu nước…
Làm giàu từ mô hình đa cây, đa con
Tận mắt chứng kiến cách bài trí mô hình VAC của gia đình ông Trần Đình Mãi (thôn An Bình, xã Cư Kpô) dễ dàng nhận thấy sự quy hoạch bài bản, khoa học ở đây. Xung quanh 3 ha cà phê, gia đình ông đều trồng muồng và cao su vừa chắn gió lại tăng thêm hiệu quả kinh tế. Phần đất bằng ông tận dụng nuôi gà và heo rừng, chỗ đất dốc, sình lầy nhất thì múc ao nuôi cá, còn lại trồng rau xanh.
Hội viên nông dân tham quan trang trại nuôi heo rừng
của hộ ông Trần Đình Mãi (thôn An Bình, xã Cư Kpô, huyện Krông Buk).
Ông Trần Đình Mãi nguyên là Phó Giám đốc Nông trường Cao su Cư Kpô, nghỉ hưu từ năm 1995. Với bản tính cần cù, ham công tiếc việc, ông chưa cho phép mình nghỉ ngơi mà vẫn trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế. Từ số vốn dành dụm được, ông mua 3 ha đất trồng cà phê, xung quanh vườn trồng muồng và cao su chắn gió. Đến nay, 150 cây cao su đã cho thu hoạch. “Làm nông nghiệp mà chỉ độc canh sẽ rất dễ gặp rủi ro khi thị trường biến động. Biết vậy nhưng nếu phát triển đa cây, đa con thì trồng cây gì, nuôi con gì cho có hiệu quả trong khi nguồn vốn lại hạn hẹp là một bài toán khó. Rất may, trong thời điểm khó khăn ấy, ngoài việc được tạo điều kiện vay trên 100 triệu đồng tiền vốn từ các ngân hàng, tôi còn được tham dự các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và tham quan các mô hình làm ăn hiệu quả do Hội Nông dân tổ chức. Được sự hỗ trợ của Hội, tôi mạnh dạn phát triển rộng mô hình đa cây, đa con như hiện nay” – ông Mãi bộc bạch. Vì vậy, khi được nghe giới thiệu về mô hình nuôi heo rừng ở huyện Ea Kar, ông tức tốc đi xe gắn máy đến tận nơi tham quan, học hỏi. Sau khi bàn bạc với gia đình, đầu năm 2010, ông quyết định đầu tư gần 50 triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua 5 con heo rừng giống về nuôi. Đến nay, đàn heo đã phát triển lên 30 con, gia đình đã xuất bán được 5 heo giống cho các hộ chăn nuôi trong vùng. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông thu hơn 9 tấn cà phê nhân, 5 tạ cá các loại cộng thêm tiền bán heo rừng giống, mủ cao su, trừ các khoản chi phí đầu tư cũng thu lãi hơn 300 triệu đồng/năm. Ông Mãi hồ hởi cho biết: nhiều nông dân trong vùng đã đến tham quan, đặt mua heo giống và học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi heo rừng của gia đình. Vì vậy, thời gian tới, gia đình sẽ mở rộng quy mô chăn nuôi heo rừng để cung cấp giống cho hội viên nông dân xã.
Thành công với mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp
Gia đình anh Trần Hữu Đức (thôn Liên Hóa, xã Cư Kpô) có 6 ha đất trồng cà phê. Anh chị đã dồn công sức chăm sóc, vay thêm vốn của các ngân hàng để đầu tư nên vườn cây khá xanh tốt, cho năng suất ổn định. Tuy nhiên, do giá cả vật tư ngày càng tăng cao, trong khi những năm trước giá cà phê xuống thấp nên nhiều khi thu không đủ chi, kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn.
Không nản chí, anh Đức ngày đêm trăn trở, suy tính tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả hơn. Vì vậy, ngoài việc mở thêm quán tạp hóa và cửa hàng kinh doanh phân bón để “lấy ngắn nuôi dài”, anh, tham khảo thêm các mô hình sản xuất kinh doanh được giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Khi được xem mô hình trồng xen canh sầu riêng trong vườn cà phê, nhận thấy đây là hướng đi thích hợp với điều kiện canh tác của gia đình, anh đã mạnh dạn áp dụng. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên gia đình chỉ trồng thử nghiệm trên một số ít diện tích, sau đó mới nhân rộng. Dần dần, anh đã trồng xen canh thành công 200 cây sầu riêng ghép, đến nay đã cho thu hoạch với năng xuất 2,5 tạ/cây. Anh Đức cho biết: “Hiệu quả của việc trồng xen không chỉ làm tăng thêm thu nhập mà còn rải vụ thu hoạch, giảm công lao động, giảm chi phí nước tưới, tiết kiệm nguồn vốn đầu tư mà cả 2 loại cây trồng đều có tác dụng che bóng cho nhau nên năng suất, chất lượng cả cây trồng chính lẫn cây trồng phụ đều tăng”. Do diện tích cà phê nhiều, mỗi năm cho thu hoạch khoảng 25 tấn cà phê nhân nên việc phơi phóng, bảo quản sản phẩm của gia đình anh gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, năm 2009, anh Đức quyết định đầu tư 300 triệu đồng xây dựng hệ thống chế biến cà phê ướt. Với hệ thống này không chỉ bảo đảm yêu cầu chế biến, bảo quản cà phê của gia đình mà còn đáp ứng được nhu cầu của các hộ trồng cà phê trong vùng. Theo tính toán của anh Đức, trong niên vụ vừa qua, giá nông sản tăng cao, trừ chi phí đầu tư, gia đình đã thu lãi trên 400 triệu đồng. Trong năm nay, các loại cây trồng đều phát triển tốt, năng suất ổn định nên chắc chắn mức thu nhập cũng sẽ bằng hoặc hơn năm ngoái.