Kinh doanh cà phê : Có cần lập rào cản không?

Chỉ mới một công văn của Bộ NN và PTNT trả lời Bộ Công Thương, thể hiện sự đồng tình của Bộ này về việc trình Chính phủ ban hành Nghị định đưa kinh doanh xuất khẩu cà phê vào danh mục kinh doanh có điều kiện mà trên các phương tiện truyền thông đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều.


 

Bên cạnh những ý kiến thể hiện sự đồng tình với 2 Bộ, có nhiều ý kiến không đồng thuận, thậm chí có cả những ý kiến rất gay gắt, cực đoan. Những ý kiến đó xuất phát từ những doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê vừa và nhỏ và của những nông dân trồng cà phê sẽ chịu tác động trực tiếp nếu quan điểm của 2 Bộ được Chính phủ thông qua.

Theo nhiều doanh nghiệp lớn, nếu việc này được thực hiện 2 -3 năm trước đây, thì kinh doanh xuất khẩu cà phê đã không trăm hoa đua nở và hậu quả là mạnh ai nấy làm như hiện nay. Tuy nhiên, những ý kiến quy kết việc gây rối loạn giá cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu là do những doanh nghiệp nhỏ quả thật không công bằng. Nhìn vào báo cáo kê khai xuất khẩu đăng ký qua Hải quan các cửa khẩu sẽ thấy rõ, chỉ một mặt hàng cà phê nhân xuất khẩu đã có đủ cả trăm loại giá không thể biết đâu mà lần.

Thông thường vào mỗi sáng, các đại lý, thương lái đều chờ các công ty lớn phát giá thu mua. Sau đó, giá thực được đưa lên hay hạ xuống là do nhu cầu của bên mua và do chất lượng hàng. Nếu cần thu hàng để giao cho hợp đồng đáo hạn hoặc dự đoán được hướng giá sẽ tăng, thì giá được nâng lên cao hơn doanh nghiệp khác. Ngược lại, khi không cần mua hay cạn vốn, giá được hạ xuống, gặp rẻ thì mua, không cần biết nông dân bán cho mình bị thiệt hơn là bán cho người khác… Điều bà con nông dân thường thấy nhất là biển treo “hết tiền” khi công ty còn lưỡng lự không biết hướng giá của thị trường trong những ngày tới. Đến khi chào bán, các doanh nghiệp có vẻ thống nhất, quyết tâm nhưng khách mua trả hạ xuống cũng tranh nhau bán để quay vòng vốn nhanh. Không rối loạn giá cả mới là chuyện lạ!

Trước dự định hạn chế số lượng doanh nghiệp kinh doanh cà phê, một nông dân lên tiếng: nếu chính sách này sớm được thông qua, nông dân trồng cà phê… sẽ khốn đốn. Vì khi chỉ còn lại một nhóm các nhà được quyền xuất khẩu thu mua cà phê, ai cấm được họ tự tung tự tác, muốn mua giá bao nhiêu thì mua vì không còn đối trọng. Chính các nhà kinh doanh xuất khẩu cũng đã nhiều lần thừa nhận trên các phương tiện truyền thông là nông dân thường bị ép giá ngay cả khi trăm người bán vạn người mua, huống gì bây giờ trăm người bán chỉ còn vài người mua. Việc tranh mua tranh bán, ém giá chỉ những doanh nghiệp lớn mới có đủ khả năng làm, doanh nghiệp nhỏ chỉ chờ mua theo giá của doanh nghiệp lớn. Nhưng nhờ uy tín với các nhà nhập khẩu, họ mới có thể tồn tại được. Họ không thể mua đắt bán rẻ để phá sản. Họ cũng là đối trọng để các doanh nghiệp lớn không thể tự tung tự tác.

Một doanh nghiệp nhỏ tâm sự: doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu cà phê không cần phải to đùng, miễn sao họ làm ăn hiệu quả, ngân hàng tin và hỗ trợ cho họ, khách ngoại thích mua hàng của họ thì hà cớ gì trong nước lại làm khó nhau như vậy? Một ý kiến khác tỏ ra gay gắt hơn: điều kiện để được xuất khẩu cà phê chính là rào cản không cho các doanh nghiệp mới và đang chuẩn bị thành lập có cơ hội làm ăn, đồng thời các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang kinh doanh xuất khẩu cà phê phải bỏ cuộc chơi, như vậy gọi là sắp xếp củng cố hay là thu hẹp sân chơi? Nếu điều kiện kinh doanh xuất khẩu cà phê được áp dụng thì trên sân chơi chắc chỉ còn các cầu thủ của G20 mang áo có logo của VICOFA (Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam)?

Chuyện như thế, ai cũng hiểu, các cầu thủ sẽ không sống bằng tiền mua vé của khán giả mà bằng bầu sữa ngân sách hằng năm chỉ chảy một lần dưới hình thức cho vay ưu đãi thu mua tạm trữ, một cụm từ hoa mỹ nhưng thực chất là đầu cơ mà thôi. Phải chăng đây mới là mục đích của việc đưa ra điều kiện?

Để cho việc kinh doanh xuất khẩu cà phê trở nên lành mạnh và có kết quả tốt hơn là chuyện không hề đơn giản, nhất là mua bán cà phê trên thế giới hiện nay thông qua thị trường kỳ hạn (futures market) mà ở sân chơi này chúng ta như đứa trẻ chập chững tập đi trong khi khách ngoại đã có hàng trăm năm kinh nghiệm. Điều quan trọng nhất là các ngành chức năng trong lĩnh vực kiểm tra, kiểm toán cần sớm vào cuộc để làm đại phẫu khi mà hiện tượng doanh nghiệp thua lỗ, hàng của khách làm cho uy tín ngành cà phê Việt Nam gặp nhiều tai tiếng như hiện nay!

Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị HuệĐBQH Nguyễn Thị Huệ (Đăk Lăk): Chưa nên ban hành Nghị định về kinh doanh cà phê có điều kiện

Chúng ta cần cân nhắc nhiều đến doanh nghiệp kinh doanh cà phê nhỏ nhưng làm ăn rất bài bản, nhiều năm qua đã tập trung vào các loại hàng cà phê chất lượng cao. Họ đã có những bước đi chuẩn như tìm kiếm khách hàng, xây dựng các mối quan hệ với các đối tác trong và ngoài nước, nhằm mở rộng thị trường là các nhà rang xay dạng nhỏ lẻ nhưng số đông, nay qua điều kiện này, toàn bộ kế hoạch của nhiều doanh nghiệp như thế buộc dừng lại. Thực chất của việc thua ngay trên sân nhà của ngành xuất khẩu cà phê trong những năm gần đây không phải từ nguyên nhân công ty nhỏ hay to, điều đó chứng tỏ việc thua trên sân nhà từ một điều gì khác mà chúng ta cần nghiêm túc tìm hiểu thay vì lấy cớ đó để thiết lập rào cản, ngăn chặn những doanh nghiệp xuất khẩu vừa và nhỏ vươn lên.

Hiện nay theo tôi chưa nên ban hành Nghị định xuất khẩu về cà phê có điều kiện vì sẽ dẫn tới độc quyền. Nên chăng các ngành cần hướng dẫn và tạo điều kiện cho nông dân trồng cà phê tiếp cận với khoa học tiên tiến nhằm chế biến cà phê đúng cách ngay sau khi thu hoạch để nâng cao chất lượng cà phê Việt Nam, đồng thời cho giải thể các công ty liên tục thua lỗ, cho sáp nhập những công ty có năng lực trung bình, tạo nguồn tổng lực mạnh để chiếm vị thế cao trong lĩnh vực xuất khẩu. Bên cạnh đó Chính phủ cần ban hành những chính sách tín dụng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị trường tham gia xuất khẩu cà phê theo xu thế hiện đại, hội nhập với xu thế thế giới

Anh Văn

Báo Đại Biểu Nhân Dân

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Cafe Việt

    Có vẻ Y5 đứng về phía các DN thấp cổ bé họng để chống lại âm mưu thôn tính, lợi dụng Chính sách của nhóm G20 nhỉ? Dù sao trong việc này thì nông dân vẫn là đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất nếu Chính sách này được ban hành. Cám ơn Y5 nhiều nhiều lắm. Chú các bạn sức khỏe để tiếp tục giúp đỡ cho bà con nông dân trồng cà phê.

  2. Thanh Sơn

    Tại sao nhiều người cứ đổ tội cho các doanh nghiệp nhỏ là nguyên nhân làm rối loạn thị trường xuất khẩu cà phê hiện nay. Có lẽ vì doanh nghiệp nhỏ nợ nần ngân hàng nhiều quá, xù hàng khách ngoại nhiều quá… phải không?

  3. kimdung

    Mình hiểu là doanh nghiệp vừa và nhỏ không xù hợp đồng, vì họ hiểu rằng xù hợp đồng coi như đóng cửa xuất khẩu, các vị khách ngoại sẵn sàng không mua ngay hàng của doanh nghiệp xù. Còn các đại gia nghĩ rằng họ cứ xù, vì họ to mà, khách ngoại có dám nghỉ chơi với họ không !

    Còn các doanh nghiệp muốn rào cản chẳng qua để họ dễ tự tung tự tác chứ có gì đâu. Họ mong dẹp bớt các đối trọng tuy nhỏ nhưng giỏi hơn, giỏi hơn ở chỗ họ biết tiếc đồng tiền bát gạo bỏ ra, biết hiệu qủa là trên hết chứ không phải chạy đua theo số lượng để mọi người biết ta xuất nhiều hơn, ta to hơn.

    Các ngân hàng cũng đâu dễ mà tung tiền ra cho các vị to đùng !

  4. Trung ngôn

    Yên trí đi. Thời đại này cái gì chã phải cò, kể cả cò chính sách.
    Người ta sẽ làm bất cứ thứ gì khi người ta có lợi, còn thiên hạ thì “sống chết mặc bay”.
    Thương cho bà con nông dân cà phê, một cổ không phải chỉ 2-3 tròng mà là vô số tròng có tên lẫn không tên. Biết bao giờ mới hết cơ cực?

  5. cafe non

    Nói như bạn kim dung là đúng đó, theo tôi biết có tới 90% của các doanh nghiệp G20 là sù hàng của nước ngoài, có doanh nghiệp sù đến 10/ đến 20 ngàn tấn quả không phải là con số ít đâu và còn nợ ngân hàng khoảng vài ngàn tỷ đồng không có khả năng trả nợ. Nếu bây giờ mà cho kiểm toán cả Tổng công ty cà phê và các công ty thành viên cùng 20 công ty xuất khẩu cà phê lớn mà xem.
    Tại sao mà bây giờ cứ muốn đùng chính sách áp đặt để mà ra hết văn bản này nọ, đổ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ họ làm ăn không chân chính là không khách quan.
    Còn nhà nước có cho vay tiền để dự trữ cà phê thì chỉ đủ cho các ông đó đảo nợ ngân hàng thôi có đâu mà mua cà phê và có mua được thì cũng đủ trả nợ cho hết hàng cũ cho họ và cứ một tấn là họ trừ đi 50 đô la một tấn. Nếu mà không trả họ cho ra tòa quốc tế và không mua hàng của doanh nghiệp lớn của Việt nam đâu. Vừa rồi họ sang Việt nam tìm các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ mua. Vậy đề nghị hai Bộ và Nhà nước cần phải kiểm tra cho kỹ rồi hãy ra văn bản, đừng có vì lợi ích cục bộ rồi làm khổ bà con nông dân cà phê

  6. Tâm Nhân

    Mong rằng tiếng nói của các vị và Y5Cafe được các nhà hoạch định chính sách tiếp thu một cách thấu đáo vì người nông dân cà phê.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

89