Đưa cà phê vào mặt hàng xuất khẩu có điều kiện

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có công văn trả lời Bộ Công Thương, nhất trí đưa càphê vào mặt hàng xuất khẩu có điều kiện.

Điều này đồng nghĩa với việc hàng trăm doanh nghiệp càphê bị loại bởi điều kiện để doanh nghiệp có thể tham gia xuất khẩu là kinh nghiệm thị trường, điều kiện kho bãi, bảo quản, chế biến và năng lực tài chính.

> Xuất khẩu cà phê có điều kiện, một đề xuất không hợp lý

Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội càphê, cacao Việt Nam (Vicofa) cho biết,trên thị trường càphê Việt Nam có 150 doanh nghiệp thương mại hoạt động, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp thương mại càphê đúng nghĩa và 8 nhà rang xay, chiếm 80% sản lượng.

Thực tế, ngành hàng càphê không thiếu kho bãi bảo quản như lúa gạo, nên người trồng càphê không phải chịu áp lực bán gấp sau khi thu hoạch. Vì vậy trên thị trường chủ yếu là các nhà máy rang xay, chế biến… và thiếu những doanh nghiệp đủ mạnh có thể cân đối xuất khẩu.

Chính điều này khiến xảy ra tình trạng, chất lượng càphê Việt Nam luôn được đánh giá cao hơn càphê của Indonesia nhưng giá luôn luôn thấp hơn do có quá nhiều đơn vị tham gia xuất khẩu, chào đủ mọi giá khiến nhà nhập khẩu tìm mọi cách ép giá càphê Việt Nam.

Như vậy các doanh nghiệp xuất khẩu có năng lực đến mấy cũng không thể chống đỡ nổi cách làm ăn như phá thị trường.

Rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng, lẽ ra càphê xuất khẩu của Việt Nam luôn hưởng mức cao hơn ít nhất từ 50-60 USD/tấn. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ thiếu năng lực và tài chính luôn theo cách làm “lãi 1 đồng cũng bán,” có phá sản thì lập công ty khác, làm đảo lộn cả thị trưởng, ảnh hưởng đến lợi ích chung của cả ngành.

Theo ông Lương Văn Tự, việc sàng lọc doanh nghiệp bằng điều kiện bắt buộc là việc mà lẽ ra nên làm từ lâu. Nhiều nhà nhập khẩu thế giới đã ngỏ ý nếu Việt Nam kiểm soát được thị trường, duy trì được ổn định họ sẽ sẵn sàng mua cao hơn 100 USD/tấn, điều này đồng nghĩa với việc, sản lượng xuất khẩu hàng triệu tấn/năm của như hiện nay thì ngành càphê có thể mang về hàng trăm triệu USD.

Theo dự đoán của Vicofa, nếu áp dụng điều kiện trong kinh doanh, xuất khẩu càphê, sẽ có khoảng 50-60 doanh nghiệp đủ điều kiện. Đây là giải pháp chiến lược nhằm nâng cao giá trị bằng đổi mới công nghệ đầu tư phát triển chế biến sâu của ngành hàng này.

Trong khi Vicofa ủng hộ việc sàng lọc doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu càphê như vậy, không ít doanh nghiệp tỏ ra lo ngại nếu áp dụng điều kiện nêu trên, trong tương lai gần sẽ chỉ có doanh nghiệp nước ngoài đủ điều kiện tham gia thị trường, thế độc quyền sẽ rơi vào tay các doanh nghiệp lớn từ đó khó tránh khỏi tình trạng ép giá…

Nhưng với cương vị một doanh nghiệp đứng đầu ngành hàng càphê, ông Nguyễn Công Hoàng phân tích, hiện Việt Nam xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn càphê/năm, trong đó lượng xuất từ các doanh nghiệp trong nước chiếm tới 800.000-900.000 tấn nên rất khó có thể để doanh nghiệp nước ngoài thắng thế.

Trái lại, doanh nghiệp trong nước có rất nhiều lợi thế từ cơ sở hạ tầng, mạng lưới thu mua… nếu không bị các doanh nghiệp thiếu kinh nghiệm làm liều thì doanh nghiệp trong nước dư sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Từ đó, những doanh nghiệp không đủ điều kiện sẽ trở thành những nhà cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong và ngoài nước.

Liên Phương
Theo TTXVN/Vietnam+

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tâm Nhân

    Ông Tự Chủ tịch Vicofa nói : Việt Nam có 150 doanh nghiệp thương mại hoạt động, nhưng chỉ có khoảng 20 doanh nghiệp thương mại cà phê đúng nghĩa… Nói vậy là ông chỉ thừa nhận G20 của Vicofa mới là những DN có năng lực.
    Xin hỏi ông 1 câu trong 20 DN mà ông gọi là “đúng nghĩa” đó có bao nhiêu DN là con nợ trầm kha của ngân hàng, bị ngân hàng từ chối không cho vay vốn nữa… và cái đúng nghĩa đó là nghĩa gì?
    Chuyện ông bênh vực DN hội viên là lẽ đương nhiên nhưng theo tôi ông không nên nuông chiều thái quá một khi nó đã biến thành ung nhọt, cần phải đại phẩu nó ngay kẻo ông càng làm hại nó thôi ông ạ!

  2. ctytranghuy

    Thưa Ông Tự : Như ông nói thì nhiều nhà nhập khẩu thế giới đã ngỏ ý nếu Việt Nam kiểm soát được thị trường, duy trì được ổn định họ sẽ sẵn sàng mua cao hơn 100 USD/tấn?
    Nhưng ai là người đảm bảo, cam kết là họ sẽ mua cao hơn 100 USD/tấn.
    Có thể họ mua cao hơn 100 USD/tấn, nhưng cao hơn 100 USD ở mức giá nào ? hay họ tự áp đặt một mức giá thấp nào đó rồi mua cao hơn 100 USD…

    1. Dambri

      Người ta nói xã giao bên lề hội nghị thôi bác ơi, lời nói gió bay sức đâu mà bác tin.
      Cũng giống như bác nói nay vậy thôi.

  3. duchuy

    Cách đây khoảng 1 tháng Vicofa có động thái vận động dư luận và cơ quan chức năng ngăn cản DNNN thu mua trực tiếp cà phê từ nông dân và đại lý.
    Đến nay Vicofa lại mượn tay cơ quan chức năng triệt hạ DNTN vừa và nhỏ thông qua qui định KDXK có điều kiện.
    Vậy đã rõ có hay không mục đích bảo vệ lợi ích nhóm!
    Ai biết trả lời giùm cho bà con nông dân và DN vừa và nhỏ?

  4. Phan Văn Lộc

    Sàng lọc là đúng thôi, nên để lại những doanh nghiệp có năng lực, biết mang lại lợi ích hài hòa cho đất nước, nhân dân, rồi mới đến doanh nghiệp, như vậy sự phát triển mới bền vững.

  5. cafe non

    Trong mấy năm vừa qua các anh có kiểm tra kỹ không mà lại nói không có khoa học vậy anh Hoàng ạ. Các DN vừa và nhỏ thì họ làm ăn không làm ăn ẩu tả vì họ biết liệu sức mình, chứ không phải như các doanh nghiệp G20 đâu anh Hoàng ạ. Vì cậy là các công ty lớn hay làm ẩu nếu có lỗ thì nhà nước chịu mà, có phải không anh Hoàng? Ngay trong Tổng công ty cà phê thôi cũng đã khoảng vài chục tỷ đồng không có khả năng trả nợ đâu vì nợ lũy tiến mà, chưa nói đến các công ty thành viên đâu anh Hoàng ạ. Còn các công ty xuất khẩu G20 thì vô vàn, vậy mong anh đừng có nói ẩu.

  6. Trần Tuấn Son

    Thưa Anh Tự: Xuất khẩu cà phê của VN đúng là có quá nhiều Vấn Đề cần phải bàn, phải làm và phải có các điều kiện, qui định… để đảm bảo cà phê VN là một trong những nước có thể điều tiết được thị trường (như Braxin). Xét về nhiều phía tôi đề nghị Vicofa cần xem xét:
    1, Chất lượng cà phê XK phải khẳng định là do thời tiết lúc thu hoạch và Người Trồng Trọt Quyết Định, các DNXK chỉ có thể giữ nguyên chất lượng sau khi thu mua hoặc có làm tăng chất lượng thông qua thiết bị chế biến thì cũng loại thải không ít cà phê xấu…
    2, Vicofa, TCty Cà phê VN, Chủ tịch các Tỉnh…. liên kết lại để qui định những cái gốc về chất lượng. Nếu không làm được việc này cà phê VN không bao gìơ cải thiện đựợc chất lượng (do tập quán, do cơ sở vất chất của nông dân, do…); Một ví dụ điển hình: TGĐ một doanh nghiệp có uy tín chất lựợng có mấy chục ha cà phê. Đến mùa thu hoạch thuê bộ đội hái xanh gần 80%, khách ngoại đến thấy: kinh khủng ; ai xoá bỏ được tính : của tao tao làm này.
    3; Thật ra nhiều DN nhỏ và vừa XK cà phê có uy tín, làm tăng tính cạnh tranh về giá. Chỉ có một số DN nhỏ làm ăn ẩu nên phá sản (như DN anh Biểu nợ gần 80 tỷ)… Có DN nhà nước có uy tín XK hàng đầu chục năm nay, đang bên bờ vực nợ và có nguy cơ phá sản…
    4, Tôi hoàn toàn đồng ý thấy Vicofa thống kê hiện nay có trên 20 DN lớn XK chiếm trên 80% sản lưọng XK như: Vinacafe BMT (anh Tiến), Cty 2/9, Imexim ĐL. Intinex( Anh Đỗ Hà Nam)… Song tôi thấy cần có đánh giá xem năng lực tài chính thực của các DN lớn và nhỏ (ai là ngưòi đánh giá đúng, tiêu chí nào?…) (thuê kiểm toán nước ngoài?…).
    5, Để KDXNK cà phê có lợi cho Ngưòi Nông dân, DN,nhà nước… Nhiều dự án đã có song làm qua loa quá, cần có một dự án lớn, tập trung đựoc các chuyên gia giỏi (không phụ thuộc vào quyền lợi các cá nhân, tổ chức…), đánh giá, nhận định, đề xuất với chính phủ, các tỉnh, các DN, ngưòi Nông dân…cà phê VN mới đứng vững bền.

  7. NgocHien

    Theo qui luật, Nhà nước mình có cơ chế quản lí chặt chẽ. Chính phủ đã có bước đi cụ thể để thương hiệu cà phê VN đạt các qui chuẩn, nhằm mục đích xuất khẩu bỏ qua các khâu trung gian như loại hình doanh nghiệp không đủ tiêu chuẩn, tham gia thị trường nhằm phá giá với kiểu mì ăn liền, nhanh thu hồi vốn khi cảm thấy có lời chút đỉnh, thậm chí lỗ cũng chơi. Nên đối tác dễ làm giá, gây khó khăn ít nhiều cho các doanh nghiệp (đủ điều kiện) làm ảnh hưởng đến mặt bằng giá thu mua, tất nhiên là ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân, doanh nghiệp và lợi ích Quốc gia.

  8. Khách vãng lai

    Mình thấy đồng ý với ý kiến của NgocHien, xin trích lại bài của Y5Cafe: Trong khi tất cả các loại cà phê của các quốc gia khác đều có đặc sản độc đáo riêng của mình thì:

    “….Việt Nam đã là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Brazil. Nhưng nếu so bì về chất lượng, Việt Nam có lẽ đứng ở hàng thứ mấy chục. Thương hiệu tạm gọi “có tiếng” là Trung Nguyên, Thu Hà. Trên thế giới, cà phê Việt Nam bị xếp vào loại rẻ tiền. Hy vọng điều này sẽ được thay đổi trong tương lai.” (https://giacaphe.com/111/ban-do-caphe-the-gioi/)

    Không biết thực sự điều hy vọng này đã tồn tại bao lâu, nhưng hình như nó cũng lâu như phương thức kinh doanh mua bán cafe từ trước đến nay. Nên chăng cần có sự đổi mới mạnh bạo nào đó để thay đổi?

Tin đã đăng