Tại buổi làm việc với Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Lâm Đồng mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên thông tin: “Sản lượng cà phê vụ vừa qua của tỉnh vẫn đạt cao – khoảng 330.000 tấn, nhưng số lượng cà phê Lâm Đồng được xuất khẩu đạt con số thấp là một điều đáng lưu ý”.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh, qua tìm hiểu, thực ra thì lượng cà phê của Lâm Đồng đi ra nước ngoài không nhỏ nhưng điều đáng quan tâm là số lượng đó lại “mang danh” tỉnh khác.
Theo số liệu của Sở NN-PTNT Lâm Đồng, 9 tháng qua, cả tỉnh chỉ xuất khẩu được 60.000 tấn cà phê. So với cùng kỳ năm 2010, con số này thấp gần 16%; thậm chí chỉ bằng một nửa so với 6 tháng đầu năm 2009. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yên cho rằng, trong thực tế, cà phê Lâm Đồng được sản xuất ra vẫn chủ yếu là để xuất khẩu.
Tuy nhiên, phần lớn lượng cà phê của Lâm Đồng được các chi nhánh của các doanh nghiệp (có trụ sở chính đặt ở tỉnh khác) thu mua rồi chuyển về “đại bản doanh” để xuất khẩu nên xét về lý thuyết thì lượng cà phê xuất khẩu của Lâm Đồng thấp là vì vậy.
Một dẫn chứng: Vụ cà phê vừa rồi, Công ty Ô Lam ở huyện Di Linh thu mua đến 30.000 tấn cà phê trên địa bàn Lâm Đồng nhưng toàn bộ đã được đưa về tỉnh Đắc Nông (nơi có trụ sở chính của công ty mẹ) để xuất khẩu. Như vậy, toàn bộ lượng cà phê này không nằm trong chỉ tiêu xuất khẩu của Lâm Đồng.
Vẫn theo số liệu báo cáo của Sở NN-PTNT, với năng suất bình quân 2,3 tấn/ha, sản lượng vụ cà phê vừa qua của tỉnh đã đạt đến con số 330.000 tấn – mức cao nhất từ trước đến nay.
Thế nhưng, trong khi từ nay đến cuối năm, “cánh cửa” xuất khẩu gần như đã khép lại (vì đã qua mùa vụ và lượng cà phê tích trữ trong dân hầu như không còn) thì con số thấp hơn gần 16% so với cùng kỳ về xuất khẩu cà phê Lâm Đồng 9 tháng đầu năm 2011 như trên vừa nêu quả là khó cải thiện. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Yên cho rằng, vấn đề đang đặt ra là làm thế nào để lượng cà phê xuất khẩu của Lâm Đồng phản ánh đúng với những gì diễn ra trong thực tế vào những năm tới.
Hiện tại, trong tổng số hơn 1,2 triệu tấn cà phê nguyên liệu (cà phê quả tươi) của tỉnh, có gần 400.000 tấn được các doanh nghiệp đưa vào chế biến tươi (chế biến ướt) để phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu (được khoảng 100.000 tấn); bên cạnh đó còn có 7 doanh nghiệp chế biến khô với năng lực 170.000 tấn nguyên liệu mỗi năm (chưa kể khoảng gần 600 tấn được chế biến thành cà phê bột). Số còn lại – khoảng 600.000 tấn tấn cà phê nguyên liệu được người dân chế biến ra khoảng hơn 150.000 tấn dưới dạng bán thành phẩm.
Điều đáng nói, phần lớn số cà phê do dân tự chế biến cũng đều được các doanh nghiệp thu mua để bán thô cho nơi khác hoặc tiếp tục chế biến để xuất khẩu. Như vậy, trong thực tế, lượng cà phê xuất khẩu của Lâm Đồng không thể dừng lại ở con số trên dưới 60.000 tấn mà là cao hơn nhiều. Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện Lâm Đồng có đến gần 600 hộ cá thể và gần 70 đơn vị (bao gồm các chi nhánh) tham gia thu mua, chế biến và xuất khẩu cà phê.
Tuy nhiên, trong số đó, các đơn vị trực tiếp xuất khẩu cà phê chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không chỉ chiếm số ít trong tổng số các đơn vị tham gia kinh doanh cà phê mà các đơn vị trực tiếp xuất khẩu cà phê ở Lâm Đồng còn có những hạn chế nhất định về khả năng mở rộng thị trường, khả năng về tài chính, về tiếp thị… nên công việc xuất khẩu mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của Lâm Đồng là cà phê vẫn đang còn không ít khó khăn trước mắt.
Nếu xem quy hoạch phát triển cà phê Lâm Đồng là lộ trình lâu dài và bền vững thì trong lộ trình ấy, khâu xuất khẩu là một con đường ngắn; và điều đáng quan tâm, tuy là con đường ngắn nhưng “xuất khẩu” lại là con đường ngắn vô cùng quan trọng.