Hôm qua 19/10, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa-Vũng Tàu giảm xuống 152.000 đồng/kg, xấp xỉ 4% so với mức cao kỷ lục đạt được vào tuần trước.
Chốt phiên giao dịch hôm qua, giá tiêu trên thị trường kỳ hạn thế giới có 2 phiên đầu tuần giảm mạnh. Kỳ hạn các tháng 11, 12 và tháng 1/2012 lần lượt giảm tổng cộng 1.125 Rupi, 1.200 Rupi và 1.260 Rupi xuống ở 35.720 Rupi/tạ, 36.180 Rupi/tạ và 36.430 Rupi/tạ, tương đương mức 7.279 USD/tấn, 7.373 USD/tấn và 7.424 USD/tấn.
Giá tiêu đen xô tại Bà Rịa-Vũng Tàu giảm xuống 152.000 đồng/kg, tức giảm xấp xỉ 4% so với mức cao kỷ lục đạt được vào tuần trước.
Giá tiêu đen xô tại các tỉnh Tây nguyên cũng giảm xuống mất khoảng 4.000-6.000 đồng/kg.
Một số lượng hàng đáng kể dự trữ trong các nhà vườn và các nhà đầu cơ nhỏ lẽ vẫn chưa đưa ra thị trường ở mức giá này.
Thống kê của Hải Quan vừa cho biết, xuất khẩu hạt tiêu tháng 9 đạt 10.119 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 69,42 triệu USD, lũy kế 9 tháng đầu năm xuất khẩu 109.933 tấn tiêu các loại với giá trị kim ngạch 629,85 triệu USD, tuy giảm về lượng lẫn kim ngạch so với tháng trước nhưng lại tăng 12% về lượng và tăng 89,2% về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân giá hạt tiêu xuất khẩu tháng 9 đạt 6.860 USD/tấn, tăng 9,69% so với giá bình quân xuất khẩu tháng trước.
Giá tiêu xuất khẩu trên thế giới có dấu hiệu chững lại vì đang ở trong khu vực giá rất cao nên khách mua cũng có phần hạn chế.
Một nhà xuất khẩu tại TP.HCM cũng cho biết, mấy ngày nay không có một hợp đồng mới nào được ký.
Tuy vậy, giá tiêu đen Ấn Độ vẫn được chào loại MG1 đặc chủng cho thị trường Châu Âu 8.100 USD/tấn và thị trường Mỹ 8.400 USD/tấn (C&F), mức giá rất cạnh tranh.
Trong khi tiêu đen các loại của Việt Nam được chào giá hạ 50-100 USD so với tuần trước.
Dự kiến các nhà nhập khẩu sẽ trở lại thị trường để chuẩn bị dự trữ, phục vụ cho mùa đông cũng là mùa cưới và lễ Noel vào cuối năm.
Do mưa nhiều nên hiện tượng dịch bệnh, nhất là bệnh chết nhanh chết chậm trên cây tiêu, đang hoành hành nghiêm trọng tại một số vùng trồng tiêu trọng điểm của nước ta.