“Mưa chỉ mới dứt vài ba ngày nay, chưa biết thời tiết sẽ như thế nào. Chúng tôi tạm thời chưa muốn chào bán. Vả lại, giá thị trường kỳ hạn (TTKH) robusta Liffe xuống nhanh quá, chúng tôi chưa cân đối được giá mua – bán nên đành chờ đến khi hàng ra nhiều và giá ổn định mới nghĩ đến chuyện bán”, ông Lê Tiến Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty Simexco Dak Lak tâm sự.
Tháng đầu tiên của niên vụ cà phê 2011/12 đã gần hết. Thời gian qua quá nhanh về cả vật lý lẫn tâm lý đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê. Suốt hơn cả nửa tháng, trời mưa liên tục đã làm chậm ngày thu hái nông dân.
Giá rớt nguy hiểm
Thực vậy, giá trên TTKH robusta Liffe chao đảo khủng khiếp từ đầu vụ đến nay. Có những phiên giao dịch giá dao động cực mạnh, có ngày lắc lư cả gần 200 đô la/tấn từ mức thấp đến mức cao nhất trong ngày. Giá nhảy nhót và càng ngày càng xuống sâu một cách nguy hiểm.
Tính đến khuya hôm qua 18/10, tức rạng sáng hôm nay 19/10 giờ Việt Nam, TTKH robusta Liffe đóng cửa có giá tháng giao dịch chính (tức tháng 1/2012) thấp nhất tính từ đầu năm đến nay, hiện ở mức 1.913 đô la/tấn, giảm trên 760 đô la so với giá đỉnh của năm nay.
Giá xuất khẩu dựa trên chênh lệch với giá TTKH cũng không khá hơn. Đến sáng hôm nay, cà phê nhân loại 2, 5% đen vỡ vẫn được chào mua quanh mức trừ 80-90 đô la/tấn dưới giá Liffe. Giá TTKH rớt nhanh, kéo theo giá chào mua thị trường nội địa rớt nhanh. Chỉ trong vòng vài ngày nay, giá cà phê nhân tại thị trường nội địa được trả chung quanh mức 40.000 đồng/kg, thậm chí có người trả dưới cả “mức tâm lý” ấy.
Xù không giao hàng thành chuyện lớn?
Giá cà phê xuống, nhiều người đổ tội cho sản lượng. Nhưng, điều đó chưa hẳn. Theo ước báo mới nhất của Bộ Công Thương, niên vụ đã qua 2010/11, nước ta xuất khẩu chừng 1,2 triệu tấn cà phê, thu được 2,8 tỉ đô la Mỹ.
Trở lại đầu vụ năm ngoái, bấy giờ ai cũng cho rằng sản lượng tăng. Nhưng ngược lại, giá từ đầu niên vụ trở đi cứ tăng vù vù. Nếu như giá xuất khẩu đầu niên vụ trước chừng 1.600 đô la, thì có lúc tăng trên 2.500 đô la/tấn trong năm nay. Giá tăng nhanh, tín dụng thắt chặt, thu mua không kịp, nhiều nhà xuất khẩu đã phải bội tín hay xin khất giao hàng trễ nhiều hợp đồng.
Không biết vô tình hay có chủ ý, từ đầu niên vụ đến nay, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Cà phê Thụy sĩ (Swiss Coffee Trade Association – SCTA) đã lên tiếng cho nhiều nạn nhân bên phía nhà nhập khẩu bị xù hàng khá lắm bận. Theo ước tính của họ, con số xù và nợ hàng có thể lên trên 70.000 tấn.
Chỉ mới đầu tuần này, tổng giám đốc công ty cà phê Louis Dreyfus, Trishul Mandana lại phát biều với Bloomberg hoàn toàn bất lợi cho các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam, trong khi lại quảng cáo cho uy tín của mình một cách lộ liễu: “Bội tín không giao hàng liên tục của các nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam chỉ giúp các công ty kinh doanh nước ngoài tự mình đẩy mạnh thêm việc thu mua, chế biến hàng tại chỗ. Ngày nay, chỉ còn cách duy nhất là các công ty kinh doanh nước ngoài như chúng tôi mới dám đảm bảo được rằng chúng tôi mới là nguồn cung cấp an toàn cho khách hàng rang xay bằng cách chúng tôi phải tự thu mua lấy…Các nhà xuất khẩu ở đó xù không giao hàng chỉ tổ làm hủy hoại thanh danh của nông dân Việt Nam. Người mua chúng tôi bắt đầu áp giá có tính rủi ro do “xù hàng” trong giá mua của mình”.
Có thể nói, Louis Dreyfus là một công ty kinh doanh cà phê cực mạnh và rất thành công tại Việt Nam nhờ tiền bạc rất hùng hậu. Từ nhiều năm nay, họ mua hàng năm trên cả trăm ngàn tấn. Trong đó, một lượng rất lớn hàng của ta được họ chuyển qua lấy giấy xác nhận chất lượng Liffe.
Phải nói rằng từ đầu tháng 10 đến nay, tuy hàng vụ mới chưa thu hái rộ do mưa nhiều, giá không tăng nhưng lại quay về hướng tiêu cực. Các nhà xuất khẩu của ta đều công nhận bán ra không nhiều vì nhiều lý do. Nhưng, phải chăng, khách mua truyền thống, trong đó có nhiều người bị bội tín, đành phải thận trọng?
Tạm trữ 300.000 tấn, đến bao giờ?
Như vậy, hiện nay qua hai thái độ, bên nhập khẩu lẫn bên xuất khẩu đều tỏ ra hết sức cẩn thận đối với nhau. “Chưa có mùa cà phê nào như năm nay, tính đến nay, thị trường vẫn im ắng lạ thường”, ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Công ty cổ phần Việt Long tại tỉnh Gia Lai phân bày vào dịp cuối tuần rồi.
“Hãy xem thị trường cà phê như một dòng chảy. Nước cao, anh phải đắp đập. Hàng ứ, nếu không cho nó thoát hợp lý, đập sẽ vỡ và giá vì vậy sẽ tan tành. Huống chi, nay khách hàng nhập khẩu thận trọng không muốn mua thì chủ ý đạp giá xuống với sức ép bán ra từ nông dân trong một thời điểm ngắn là khá rõ. Và biết đâu giá bùng lên, dội xuống bất thường chính là các hàng rào lửa đặt lên theo chủ ý (đạp giá xuống) đó”, một chuyên gia cà phê giải thích.
Thực vậy, giá lên xuống thất thường trên TTKH cộng với trả giá xuất khẩu (trừ lùi) rẻ sẽ ngăn các nhà xuất khẩu bán ra để tạo ứ hàng trong thị trường nội địa, trong khi nguồn tín dụng doanh nghiệp trong nước rất mỏng.
Giá xuống, nhiều nông dân sốt ruột mong sao cho chương trình tạm trữ được thực hiện. Nhưng hình như, ước mong của họ vẫn đang chỉ là ước mơ. Cho tới nay, trước cảnh giá bị khống chế có chủ ý của thị trường, vẫn không thấy ai lên tiếng cho lộ trình tạm trữ để làm thành “cái đập tràn” điều tiết giúp cho người sản xuất yên tâm.
Ông Nguyễn Đình Hưng, trước đây là một giám đốc công ty xuất khẩu cà phê khá lớn tại Gia Lai nay đang có vườn cà phê thổ lộ: “Tôi nghi mấy anh xuất khẩu nhà mình chỉ xuất ‘đòn gió’. Nói nhưng không làm. Nếu xuất đòn gió, ta xuất bây giờ chứ xuất chi vào đầu tháng 9, quá sớm, không đúng thời điểm”.
Đi lối nào?
Vừa qua, nhiều tờ báo đã đưa tin rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đưa ra đề án sắp xếp lại các đầu mối xuất khẩu cà phê. Theo đó, những người được phép xuất khẩu cà phê phải có nhà máy, kho bãi và xuất khẩu từ 5.000 tấn trở lên trong năm trước đây.
[ Xuất khẩu cà phê phải có giấy phép ]
Nguyên chủ tịch Vicofa Đoàn Triệu Nhạn cũng nói với ý rằng xuất khẩu cà phê cần có các điều kiện, là những người chuyên nghiệp nhằm giúp nâng cao uy tín chất lương của ngành cà phê Việt Nam.
Đề án này gặp phản ứng dữ dội từ nhiều phía. Những người phản ứng cho rằng ý kiến ấy là tốt cho “về lâu về dài” nhưng đứng trước niên vụ này, quyết định này là không đúng lúc nếu được đưa ra áp dụng ngay. Một bạn đọc tên lấy tên Người Di Linh tỏ ra có lý: “Một loạt doanh nghiệp lớn đang xù hàng, nợ hàng, có nguy cơ bể nợ; uy tín đối với khách mua bị tổn hại nhiều do tốp này chứ không phải do tốp nhỏ; ngân hàng sẽ cao chạy xa bay với các doanh nghiệp ấy. Vì thế, ngành cà phê sẽ không tranh thủ được vốn vay với ngân hàng. Không có vốn đủ, sẽ không hòan thành được xuất khẩu”.
Trong khi đó, một độc giả khác lấy tên Hàm Rồng cho rằng sản lượng niên vụ mới sẽ cao hơn năm ngoái. Tất cả người mua và người bán đều khó tranh thủ được tín dụng do khủng hoảng nợ tại châu Âu, nên, theo ý ông ta, trước mắt, vẫn nên “xé lẻ” ra để tranh thủ nguồn tín dụng ngân hàng để bán cho được hàng vẫn là ưu tiên số một.
Với tình hình thực tế của mùa vụ, những nổ lực muốn thay đổi của ngành cà phê là đáng trân trọng. Song, nếu như các quyết định, chương trình ra đúng lúc, kịp thời sẽ giúp ích rất nhiều cho các nhà sản xuất và kinh doanh. Rất tiếc, nhiều thứ được đưa ra vừa qua điều trật nhịp, trễ nhịp. Nên, thay vì giúp, thì lại đưa chính người nhà mình vào đường không lối ra.
– Họ đang thận trọng có chủ ý hay là sự bí lối có tính toán?
– Hay là kịch bản của ngành dầu khí đang tiếp tục tái diễn?
– Họ đều mong muốn là mua ở đáy và bán ở đỉnh, nhưng các DN hiện nay có đang xác định mình đang đứng ở đáy hay ở đỉnh?
– Chúng ta đang tự hỏi các DN xuất nhập khẩu, các đại lý thu mua có bao giờ đặt cho mình một kỳ vọng lợi nhuận (ngưỡng kỳ vọng) nhất định để tạo cho cuộc chơi tính công bằng, hay là lòng tham vô đáy?