Những ngày này về xã Chiềng Ban (Mai Sơn), đâu đâu cũng thấy cà phê. Những sân nhà ngập cà phê. Xe máy, xe công nông chất đầy các bao cà phê hối hả về các điểm thu mua. Tại các đồi cà phê, tiếng cười nói của bà con râm ran, phấn khởi, năm nay lại thêm một vụ cà phê được mùa, được giá.
Cây cà phê bắt đầu được trồng ở Chiềng Ban từ năm 1997, lúc đó toàn xã chỉ có chưa đến 100 ha, do trình độ thâm canh còn hạn chế, giá cả thị trường lại bấp bênh, nên lúc đó bà con vẫn còn chưa mặn mà lắm với cây cà phê. Sau khi có chính sách của huyện, tỉnh chọn xã là đơn vị trọng điểm đưa cây cà phê là cây trồng mũi nhọn của xã, cùng với nhiều chính sách hỗ trợ về giống, vốn… Đến nay, Chiềng Ban đã được coi là “thủ phủ” cà phê của huyện Mai Sơn.
Chiềng Ban có 26 bản, 1.433 hộ, trên 1.500 ha diện tích đất nông nghiệp, trong đó diện tích cà phê là 950 ha. Và hằng năm diện tích cà phê lại tăng hơn bởi lợi nhuận từ trồng cà phê cao hơn hẳn những cây trồng khác, bà con đã tận dụng mọi nguồn đất, thậm chí là đi thuê đất ở những xã lân cận để trồng cà phê. Qua kinh nghiệm trồng lâu năm, và qua các lớp tập huấn bà con nơi đây đã có những thay đổi rõ rệt về cách nghĩ, cách làm trong chăm sóc cây cà phê sao cho vừa đảm bảo đạt năng suất cao lại có sản phẩm hạt chất lượng. Xã cũng đã liên hệ với nhiều công ty, doanh nghiệp nên đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm khi bà con thu hoạch không bị thương lái ép giá. Chỉ tính riêng năm 2010 vừa qua, toàn xã đã thu trên 10.000 tấn quả tươi với lợi nhuận nhiều tỷ đồng. Nhờ vậy mà đời sống của bà con trong xã đã ngày một khấm khá, gắn bó với cây cà phê hơn.
Theo lời giới thiệu của Chủ tịch UBND xã Phạm Văn Khánh, chúng tôi tới HTX II Hoàng Văn Thụ – một trong những nơi trồng cà phê có hiệu quả vào bậc nhất của xã. Gặp chị Nguyễn Thị Mười đang thu hoạch cà phê trên đồi, tranh thủ trò chuyện, được biết gia đình chị chỉ trồng cây cà phê với diện tích 1,4 ha. Những năm trước, do chưa biết cách chăm sóc nên mỗi ha chỉ thu được từ 8-10 tấn quả. Đến nay, qua kinh nghiệm trồng và học hỏi qua các lớp tập huấn chị đã áp dụng KHKT vào trồng và chăm sóc cà phê. Theo chị, cây cà phê được ví như cây “nhà giàu” nên phải dày công chăm sóc hơn như: phải tích cực thâm canh, tỉa cành tạo sáng, tăng cường phân bón, phun thuốc thì cây cà phê sẽ cho năng suất và chất lượng cao, hạt lép ít… với cách chăm bón đó mà trong 4 đến 5 năm gần đây gia đình chị Mười đã thu hoạch từ 18-20 tấn/ha cà phê, có những năm thu được đến 25 tấn/ha. Vụ cà phê này gia đình chị ước sẽ thu được gần 30 tấn cà phê, với giá bán cà phê tươi như hiện nay từ 8- 10.000đ/kg, gia đình chị sẽ thu gần 300 triệu đồng.
Ông Trần Văn Kiểm, Chủ nhiệm HTX II Hoàng Văn Thụ thông tin: Trước đây, HTX có 80 hộ, diện tích đất trồng trọt lại ít, bà con chỉ quanh quẩn với việc trồng ngô, đỗ nên đời sống khó khăn lắm, số hộ nghèo chiếm đa số. Từ ngày đưa cây cà phê vào trồng, đời sống của bà con đã thay đổi hẳn. Hiện HTX có 78 hộ trồng cà phê, có nhà còn thuê thêm diện tích đất nông nghiệp của các hộ kinh doanh, dịch vụ và các xã lân cận để trồng. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi vụ thu hoạch cà phê là trong khu lại nhộn nhịp hẳn. Không chỉ mang niềm vui đến với những gia đình có diện tích trồng cà phê mà, đối với mỗi người dân lao động trong khu cũng có thêm công ăn việc làm, có thêm thu nhập, mỗi ngày công lao động thu hái cà phê lên đến cả trăm nghìn đồng, có những lúc cao điểm là 120-150.000đồng/ngày. Hiện HTX có 18 hộ giàu, nhiều gia đình có kinh tế khá và chỉ còn 9 hộ nghèo. Con em được đi học và ngày càng có nhiều cháu thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng… bộ mặt nông thôn nơi đây đã có nhiều thay đổi.
Càng về trưa, cái nắng vùng cao càng gay gắt, những giọt mồ hôi của bà con đang thu hoạch cà phê đã ướt đẫm lưng áo, nhỏ giọt lên những chùm cà phê mọng đỏ, nhưng nét mặt, nụ cười tươi tắn luôn thường trực trên khuôn mặt họ, bởi họ lại có thêm một vụ trái chín được mùa, được giá.
Khánh Linh
Theo Báo Sơn La Online
Báo chí viết gì mà kỳ cục thu một năm 300 triệu không lẽ không đầu tư phân bón thuốc trừ sâu và công chăm sóc và thu hái, nào còn xăng dầu tưới nữa chứ, vị chi một năm lời chừng 100 triệu đồng là cao rồi, các thứ đầu tư linh tinh cộng sổ cuối năm mới ngỡ ra là lên đến gần 200 triệu đó. Báo chí viết không thực tế và thiếu khách quan không đi sát người nông dân.
Cà phê arabica ở vùng cao thì trời tưới, không như ở vùng thấp và cà phê robusta, tưới tắm tốn kém vô cùng nhất là vùng Đak Lak.
Một đôi chỗ bà con cũng không bón phân, sợ làm “hư” đất như cà phê arabica ở Cầu Đất, Đà Lạt. Nên chi phí đầu tư rất thấp mà năng suất cũng không cao.
Báo chỉ viết thu 300 triệu, còn chi thì tùy vùng trồng là đúng rồi. Sao bạn hấp tấp, vội vàng phê phán thế.
Đúng rồi, đây là doanh thu từ việc bán cà phê quả tươi. Còn chi phí thì chưa tính ngoài chi phí phân tro và… thì công thu hái cũng chiếm khoảng 15%.
300 trăm triệu là tổng doanh thu
Hướng ngược dòng sông Đà như Điện Biên, Sơn La, Lai Châu… vùng xung quanh Hoàng Liên Sơn mạn Tây Bắc có thể trở thành thủ phủ của cây cà phê Arabica Việt Nam rồi đó. Tây nguyên có ít vùng trồng được vì độ cao không tương hợp. Miền Trung thì vùng cao… hẹp quá!
Bà con trồng cà phê Tây Bắc lên diễn đàn Y5 giao lưu với bà con trồng cà phê khắp nơi nhé.
bà con lên đây rồi, tui cũng có gần 1000 ha tại huyện Mường Ảng điện biên đây, nhưng cũng có kỹ thuật , phân bón đầy đủ mà sao năng suất thu bói chỉ tầm 2 tấn quả tươi/ha chứ mấy, lấy đâu ra mà 25 tấn lắm vậy các bác Sơn La ơi, mà đang bị sâu đục thân đây này.
1000ha? nghe khiếp quá. Không biết anh Hà có đánh nhầm không?
Ko nhầm đâu, chỉ lộn thôi. Có thể lộn của Tập đoàn hay Cty nào đó ra của mình thôi. Chuyện lộn của tập thể thành ra của cá nhân bây giờ đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” rồi mà, gì đâu mà ngạc nhiên vậy?
Trồng kiểu gì mà chỉ 2 tấn tươi/ha? có đủ trả tiền hái không vậy? Sao không trồng sắn khỏe hơn.
Tôi nghĩ 2tấn/ha thì cũng hơi tệ còn nhà báo viết là 30tấn/ha thì chắc nói hơi quá.
Đúng rồi 2 tấn thì hơi tệ, tuy nhiên đây là năng suất trung bình tính cho diện tích 1000ha và là năng suất thu bói cho cà phê năm thứ 2, còn năng suất của nhà báo là 30 tấn thì cũng đúng nhưng mà là điển hình của 1 số hộ nào đó và là cà phê đang trong giai đoạn kinh doanh sung sức cho nên các bạn phải nên xem xét trước khi phát biểu nhé.
Người ta chọn vài cây tốt nhất rồi quy ra mới có cái số lượng này. chứ hộ dân điển hình cũng khó có.
Nhầm là nhầm thế nào, có thể cũng ko đến 1 nghìn nhưng cũng xấp xỉ thế, có gì ngạc nhiên nhỉ, tất nhiên ko phải là cá nhân mà là tổ chức trồng, đó, sản lượng thu bói đang dự kiến như vậy đó, 2 tấn thôi. bà con ai có cao kiến gì thì giúp đỡ đi, phân bón loại nào ở vùng tây bắc thì tốt?? thuốc trừ sâu ở đâu loại tốt???
Đã đầu tư sản xuất cả nghìn hecta mà lên diễn đàn kêu gọi bà con “cao kiến” với “phân bón loại nào”… thật ngớ ngẩn quá. Cứ thật như đùa!
Tôi là người trồng cafe ở Chiềng Ban Sơn La. Theo như thực tế về cafe tại địa bàn Sơn La nói chung và Chiềng Ban nói riêng thì đặc thù khi chăm sóc cây cafe Arabica (chè) ở Sơn La hay Tây Bắc là không phải tưới như cafe Robusta (vối) trong miền Nam mà chủ yếu theo đk tự nhiên.
Sản lượng như ở Sơn La nếu cây cafe arabica trồng được 4 đến 5 năm thì cho khoảng 15 đến 20 tấn quả tươi /ha, nếu trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật thì có thể cho sản lượng khoảng 24-25 tấn quả tươi /ha với cây cùng độ tuổi như trên. Nhưng vì trình độ canh tác của bà con Tây Bắc nói chung đang còn nhiều hạn chế nên năng suất nói chung chưa cao.
25 tấn tươi /1ha = 25.000kg /5kg = 5.000kg nhân càfê arabica vỏ mỏng hơn Katimo nên tiêu hao chỉ từ 5kg=>5.5kg/1kg nhân ở Bảo Lộc cách đây hơn 20 năm có khoảng hơn 10ha cafê Arabica rất tốt nhưng năng xuất ko cao chỉ từ 1.5=>1.7 tấn/ha thấy ko hiệu quả nên bỏ. Nay ở Sơn La bà con mình trồng đạt 4.5 =>5tấn/ha quả là điều đáng mừng.
Chúc bà con bội thu, chúc nhà báo đưa tin khỏe, đưa nhiều tin giống tin nầy hơn nữa.
Có vẻ như bạn capenghot có nhầm lẫn chỗ nào đó.
*Cà phê Chè là tên tiếng Việt dùng để gọi loài cà phê Arabica có nhiều giống, trong đó có giống Catimor, Môka…
-Giống Môka đưa vào nước ta từ lâu, được thuần hóa qua nhiều đời nên có thể coi là loài bản địa, trồng chủ yếu ở khu vực Cầu Đất, Đà Lạt.
-Giống Catimor là một giống lai giữa chủng Hybrid de Timor với chủng Caturra (nên được gọi là Catimor), cây thấp, cành ngắn nên có thể trồng với mật độ dày. Nhập vào nước ta trồng thử nghiệm từ năm 1984, sau đó lấy giống từ Bồ Đào Nha năm 1990, trồng đại trà tại Khe Sanh-Quảng Trị và Sơn La. Ưu điểm là tính kháng bệnh rỉ sắt cao, tán lá dày che kín hạn chế sự phá hoại của sâu đục thân. Ở Colombia trên 60% diện tích là trồng giống này. Catimor trở thành loài chủ lực hiện nay ở nước ta cho loài cà phê Arabica.
Mời đọc thêm https://giacaphe.com/7240/vn-da-co-ca-phe-chon-ki-5-cac-giong-ca-phe-chinh/
Anh Vịnh thân. càfê Arabika ở Bảo lộc trước kia bà con ND hay gọi tắt là Môka lá nhỏ màu xanh đậm cây to như cafê vối có cành thứ cấp phát triển mạnh có cây kháng và ko đối với bệnh rỉ sắt giống như cafê vối, nhân màu vàng tươi có hai loai 1hơi dài và 1hơi tròn phẳng ko khum, uống rất ngon ko có vị chua, những ai ở độ tuổi 45 =>50 ở Bảo Lộc thì còn nhớ nó trồng 1 đám từ trước nhà máy chè 19/5 đến đường Lam Sơn.
Riêng cafê catimo cũng giống như Môka nhưng cây nhỏ lá hơi to hơn 1 chút màu xanh hơi nhạt hơn nhân màu xám xanh hơi khum, uống có vị chua chua gần giống với vị của cafê mít. Cách đây hơn mười năm ở Bảo Lộc có trồng khoảng vài chục ha nhưng do kháng rỉ sắt kém mùa mưa có cây rụng trơ cành năng xuất ko cao khó đầu ra nên bà con bỏ hết.
Anh đã uống Môka (Arabica) nguyên chất chưa ngon tuyệt vời ko có vị chát, mùi thơm của nó thì hết chê hoàn toàn ko giống với vị của cafê Catimo.
Cám ơn capenghot trao đổi. Giống lai Catimor được lựa chọn và trở nên phổ biến hiện nay trên thế giới nhờ có ưu điểm là tính kháng bệnh gỉ sắt. Bạn nói 10 năm trước ở Bảo Lộc có trồng vài chục ha nhưng bị bà con bỏ hết vì kháng gỉ sắt kém làm tôi rất ngạc nhiên. Tôi rời Di Linh lâu lắm rồi nên cũng không rõ và cũng không có điều kiện ghé lại mà chỉ đọc qua các báo cáo nhưng cũng không thấy có chuyện này.
Tôi uống Môka thì thích mùi thơm nhưng thấy ít “phê” do uống Vối quen rồi. Hơn 1 năm nay vì sức khỏe, bác sĩ khuyên không uống Vối nữa vì nhiều cafein nên tôi quay lại uống Môka của Cty Y5cafe sản xuất.
Ý tôi muốn nhấn mạnh là giống Môka hay giống Catimor cũng là loài Arabica. Tôi cũng đã giải thích nguồn gốc tên gọi Môka trong một bài viết rồi.
Thân.