Đầu tư vào hàng hóa trong bối cảnh kinh tế toàn cầu biến động nhanh được một số nhà đầu tư nhắm đến.
Tiềm năng
Thị trường kỳ hạn Liffe (London, Anh) vừa chính thức cho phép doanh nghiệp và cá nhân tại Việt Nam được mở kho và gửi mẫu sang Trung tâm kiểm tra chất lượng tại London, giúp rút ngắn thời gian giao hàng – nhận tiền khi các doanh nghiệp Việt Nam muốn bán sản phẩm cà phê ra thị trường thế giới.
Việt Nam là nước sản xuất đầu tiên được Liffe đưa ra quyết định này. Không chỉ riêng Liffe, Sở Giao dịch hàng hóa Singapore – SICOM, sàn Tocom (Nhật) cũng đã có những hoạt động tiếp thị nhằm thu hút doanh nghiệp và nhà đầu tư (NĐT) tham gia. Điều này cho thấy thị trường hàng hóa của VN, nhất là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực được các sở giao dịch hàng hóa lớn trên thế giới chú ý.
Các NĐT cá nhân chỉ mới tìm hiểu cách đầu tư qua sàn hàng hóa
Giá giao dịch cà phê trên sàn Liffe hầu như được xem là “giá chuẩn” trong hoạt động mua bán của các doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê nhưng tình trạng không kiểm soát được giá bán vẫn luôn xảy ra. Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải tham gia giao dịch trên sàn hàng hóa, nhất là đối với những mặt hàng nông sản sẽ hạn chế được tình trạng “được mùa mất giá” hay diễn ra.
Cụ thể, khi tham gia giao dịch qua sàn hàng hóa với hợp đồng tương lai, các nhà sản xuất có thể chủ động trong việc mua bán sản phẩm của mình bằng cách chốt giá trước. Ví dụ, một nông dân trồng cà phê sẽ thu hoạch cà phê của mình trong 3 tháng nữa. Nhưng lo sợ giá cà phê sẽ đi xuống tại thời điểm thu hoạch, người đó có thể sử dụng hợp đồng bán kỳ hạn cà phê 3 tháng trên các sở giao dịch hàng hóa.
Không chỉ những người trực tiếp bán sản phẩm, cơ hội kiếm lời cho các nhà đầu tư thuần túy cũng khá nhiều. Tại hội thảo mới đây, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, cho biết: Chỉ cần giá mua cà phê trong nước thấp hơn giá thế giới 5% là nhà đầu tư đã có cơ hội sinh lời lớn bởi thường khi vào vụ, giá thu mua cà phê trong nước luôn thấp hơn giá thế giới từ 20-30%.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng đầu tư vào hàng hóa luôn được nhà đầu tư cá nhân trên thế giới lựa chọn bên cạnh những kênh đầu tư khác. Hơn nữa, trong tình trạng kinh tế vĩ mô còn khó khăn thì đầu tư vào các loại hàng hóa cơ bản được xem là an toàn nhất.
Vẫn chứa rủi ro
Được đánh giá là tiềm năng nhưng số lượng tham gia của nhà đầu tư tổ chức và cá nhân còn khá hiếm. Một số nhà đầu tư tại TP.HCM cho biết do phương thức giao dịch là hợp đồng tương lai nên cần phải nghiên cứu kỹ để tránh bị “hớ” khi mua bán. Nhất là việc dự báo giá cả hàng hóa phải cần có thêm nhiều thông tin như được mùa, mất mùa, nước nào gia tăng dự trữ. Vì vậy cũng giống như thị trường chứng khoán, các cá nhân, doanh nghiệp trong nước đều có tâm lý “thực tập” ở sàn trong nước trước khi ra sàn ngoại.
Hiện trong nước có Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, Sở Giao dịch hàng hóa VN (VNX) hay sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương tín (Sacom – STE). Tuy nhiên, tính thanh khoản chưa cao, đặc biệt việc liên kết với sàn giao dịch nước ngoài để tăng tính thanh khoản vẫn hạn chế là điều khiến các NĐT lo ngại. Bởi họ sẽ khó khăn khi muốn chốt lời hay cắt lỗ.
Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cũng cho rằng: rủi ro trên sàn hàng hóa là khá lớn vì sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao. Tỷ lệ ký quỹ cho các giao dịch hàng hóa trên sàn VN hiện đang được quy định ở mức khoảng 10%/hợp đồng. Trong bối cảnh giá cả hàng hóa biến động mạnh như hiện nay, nếu không cẩn trọng, nhà đầu tư dễ dàng bị cháy túi. Ngoài ra, sàn hàng hóa VN còn thiếu những NĐT lớn – là những nhà tạo lập thị trường để mua bán đối ứng với sàn quốc tế nhằm gia tăng tính thanh khoản cho sàn trong nước. “Cơ hội luôn song hành với rủi ro dù đầu tư vào lĩnh vực nào. Nếu NĐT không nắm vững phương thức giao dịch, không có kiến thức và thông tin về sản phẩm thì rủi ro cũng sẽ gia tăng nhiều hơn”, chuyên gia Đinh Thế Hiển nhấn mạnh.
Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột giao dịch mặt hàng cà phê; VNX giao dịch mặt hàng cà phê, cao su và thép; Sàn giao dịch hàng hóa Sài Gòn Thương tín với mặt hàng đường, thép… được xem là chồng chéo nhau và có thể cạnh tranh gay gắt cũng là nguyên nhân khó thành công. Thực tế, ở các nước trong khu vực, mỗi sàn giao dịch hàng hóa thành công thường gắn với một mặt hàng thuộc thế mạnh quốc gia như sàn Đại Liên – Trung Quốc với đậu nành; sàn Bursa – Malaysia với dầu cọ; sàn Sicom với cao su.
Cách làm của mình là cho phép nhiều sàn cùng hoạt động về một mặt hàng trong khi nghiệp vụ chưa nhuần nhuyễn, tiềm lực chưa đủ mạnh, chưa có sức thu hút khách hàng… Tưởng là ngon ăn nên cả anh BCEC lẫn anh VNX lo dành nhau níu kéo khách hàng cà phê mà không biết rằng càng nói “ngọt” khách hàng càng sợ, mật ngọt chết ruồi mà (làm chưa nên mà đã vội tưởng).
Coi chừng trai cò tranh nhau ngư ông đắc lợi.
Khi đã cho rằng trên Liffe có nhiều mafia thao túng sao ta không giao dịch buôn bán trên sàn mình mà cứ muốn lao đầu vào đó.
Có quá nhiều chuyện…