Thương nhân Trung Quốc bán lại tiêu cho DN Việt với giá khủng

Một số nhà đầu cơ nông sản và nhà vườn trong nước còn giữ hàng vẫn quyết định chờ thêm một thời gian nữa, nghe ngóng thị trường hạt tiêu cuối năm rồi mới bán.

Sau khi đạt đỉnh ngày 21/9, giá hạt tiêu thế giới quay đầu lao dốc theo thị trường hàng hóa chung. Giá tiêu giảm nạnh còn do tỷ giá dồng Rupi mất 6,77 % so với đồng USD trên thị trường hàng hóa nông sản.

Hạt tiêu đen
Thương nhân Trung Quốc bán lại lượng hàng trước đây đã thu gom được cho DN Việt Nam với giá khủng

Tính đến ngày cuối tuần, giá tiêu thế giới có 3 phiên sụt giảm liên tiếp, kỳ hạn tháng 10 giảm tổng cộng 765 Rupi về mức 36.220 Rupi/tạ, kỳ hạn tháng 11 giảm tổng cộng 720 Rupi về mức 36.845 Rupi/tạ, kỳ hạn tháng 12 giảm tổng cộng 705 Rupi về mức 37.325 Rupi/tạ.

Giá hạt tiêu xuất khẩu cũng hạ trên tất cả các thị trường, mức hạ từ 100-300 USD/tấn tùy theo, lần lượt là thị trường Châu Âu, khối Ả Rập, châu Mỹ. Thị trường châu Á có mức hạ nhiều nhất.

Giá tiêu tăng quá nóng từ đầu tháng 9 do tác động của nhu cầu hàng thực, không loại trừ có sự góp phần của các nhà đầu cơ hàng giấy trên thị trường kỳ hạn thế giới đẩy giá lên để thu lãi ngắn hạn.

Các nhà nhập khẩu tiêu hiện nay cũng ngần ngại với mức giá quá cao, họ chỉ mua cầm chừng cho nhu cầu.

Trưa nay 26/9, giá tiêu đen xô tại Bà Rịa-Vũng Tàu cũng về lại ở 152.000 đồng/kg, thị trường không ghi nhận có sự giao dịch nào. Một số nhà đầu cơ nông sản và nhà vườn còn giữ hàng tiết lộ, họ vẫn chưa bán mà sẽ chờ thêm một thời gian nữa, nghe ngóng thị trường hạt tiêu cuối năm rồi mới quyết định.

Tin từ các thương lái cho biết, họ ghi nhận được một hiện tượng chưa từng gặp từ thị trường trong nước rằng, những thương nhân Trung Quốc trước đây đến tận nhà vườn thu gom hạt tiêu đã thuê một số kho ở khu vực phía nam để trữ hàng chứ không xuất ra biên giới. Nay cơ hội giá tiêu thế giới gia tăng, các thương nhân này tung hàng ra bán lại cho những nhà xuất khẩu nước ta với giá cao. Cũng không loại trừ với tiềm lực tài chính mạnh và nguồn hàng có sẳn trong tay, chính họ đã góp phần lớn trong việc gây ra tình trạng sốt giá tiêu hiện nay.

Các nước sản xuất hạt tiêu chủ chốt như Malaysia, Indonesia, Brazil… năm nay sản lượng sụt giảm. Tuy nguồn cung chủ yếu chỉ dành cho tiêu thụ nội địa nhưng cũng tranh thủ đưa số hàng dự trữ ra thị trường nhân cơ hội giá cao để thu lợi nhuận chênh lệch. Chờ đến khi Ấn Độ, Việt Nam thu hoạch vụ tới, giá hạ, sẽ gom hàng về lại cho dự trữ.

Giá tiêu thế giới từ đây đến cuối năm phụ thuộc vào lượng tồn kho của Việt Nam và Ấn Độ.

Theo số liệu của VPA năm 2011, Trung Quốc là nước sản xuất tiêu trắng nhiều nhất, khoảng 23.000 tấn, trong khi Việt Nam hơn 20.000 tấn, trên tổng số khoảng 65.230 tấn của thế giới.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Miếng bánh to lên, ai cũng được phần hơn

    Thứ nhất là không có cơ sở nào khẳng định thương nhân TQ đẩy giá tiêu lên.
    Thứ hai, ngay cả trong trường hợp như thế thì họ đã làm cho chiếc bánh thị trường to hơn trước nhiều, ai cũng được phần bánh to hơn (người dân, doanh nghiệp xuất khẩu, thương lái)… thì đó là điều tốt chứ sao.

    1. Bán giá cao

      Bạn này nói đúng. Ngay cả khi người ta quay phim chụp ảnh đưa lên mạng còn bảo ko có cơ sở nào nữa là đi nghe mấy ông thương lái nói. Cho nên cũng chẳng có cơ sở nào để bảo là ko có cơ sở.
      Theo tui ai mua ai bán gì thì mặc, ai nói ai kêu gì thì tùy, miễn sao nông dân bán giá cao là được.

  2. An Thái

    Sàn tiêu Ấn Độ này chắc gần đóng cửa rồi. Hôm qua và hôm nay dân chơi hàng giấy thao túng quá dữ dội. Giá hết lao dốc hôm qua thì hôm nay lại tăng vọt, làm nhà đầu tư chặn lỗ bở hơi tai, hàng thực bị cuốn theo mệt nghỉ…

  3. Châu Huế

    Bữa nay các bác thảo luận hay thật. Vậy thì có bác nào chỉ ra nguyên nhân vì sao cuối tuần rồi giá tiêu lại rớt ko?
    Theo tôi khi giá cao thì các nước sẽ tung dự trữ ra bán, tới khi nào nguồn cung tăng giá hạ sẽ mua vào dự trữ lại nên tôi đồng ý như bài báo viết, giá cao mãi cũng phải dừng chứ. Tôi cũng có cảm giác như bác An Thái nói giá tiêu Ấn Độ lên xuống quá kỳ lạ, không do đầu cơ hàng giấy lũng đoạn thì do cái gì?
    Thị trường hàng hóa thế giới gần đây náo loạn cả lên cũng không ngoài dự trữ và đầu cơ giá, kể cả đầu cơ giá cao lẫn đầu cơ giá thấp. Người dân VN mình bây giờ cũng nhiều người đầu cơ, nhìn vào cảnh dân Hà nội đội mưa đợi mua vàng trên truyền hình cũng đủ biết.

  4. Khương Tâm

    Sáng qua tiêu Bà Rịa rớt xuống 140 ngàn/kg rồi chiều tối qua lại lên 150 ngàn/kg, cứ như trò đùa.
    Giá cả cứ nhảy choi choi nên không mua bán gì được.

  5. Cam

    Tôi ở Bình Phước, tôi cũng có lên mạng coi giá tiêu nhưng giá cứ lên xuống không biết đường nào mà lường các bác ạ.

  6. tiêu vina

    Giá tiêu VN phụ thuộc hoàn toàn vào giá tiêu ở sàn NcDex, giá ở Ấn Độ lên thì giá tiêu VN lên và ngược lại. Nên lúc nào Ấn Độ muốn mua tiêu ở VN chỉ cần hạ giá xuống, giá ở VN xuống theo, lúc đó mua hàng từ VN rồi đẩy giá ở sàn NcDex lên, giá tiêu VN lên. Lúc đó các thương nhân Ấn Độ xuất hàng đi là có lời.

  7. Tontronglephai

    Công nhận miếng bánh to thì mỗi phần được nhiều! Nhưng hàng hóa xoay vòng tại chỗ chắc chắn có người lỗ. Vì sao thương nhân Trung Quốc làm được điều này còn ta thì ko?
    Thiết nghĩ các bác giỏi săn tin và phân tích thị trường cung cầu, nỗ lực hơn, chia sẻ thông tin sớm hơn chắc mỗi phần bánh sẽ to hơn nữa, nhiều người được hưởng hơn nữa. Chứ vác chuông đi đánh xứ người mà đánh được những hồi chuông điếc tai như hiện tại thì ko ổn lắm cho sự phát triển.

Tin đã đăng