Vụ 18.000 tấn cà phê gửi kho: Phần thắng thuộc về người ký gửi

Vụ tranh chấp hơn 18.000 tấn cà phê ký gửi giữa bà Võ Thị Kim Ngọc ở thôn 10, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột và Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên được xem là vụ tranh chấp cà phê ký gửi lớn nhất từ trước tới nay ở Tây Nguyên với giá trị tài sản lên tới hàng trăm tỉ đồng.

Xem lại: > Hơn 18.000 tấn cà phê gửi kho: Kẻ nói có người nói không

Sau khi bài viết được đăng chúng tôi đã nhận được nhiều thông tin phản hồi, trao đổi thảo luận sôi nổi của bà con, nhất là những người đang trồng và kinh doanh cà phê. Hôm 15/9/2011, Tòa án nhân dân TP Buôn Ma Thuột đã đưa vụ tranh chấp hợp đồng gửi giữ tài sản này ra xét xử sơ thẩm với bản án số 116/2011/DS-ST. Theo yêu cầu của nhiều bạn đọc cần biết thông tin chi tiết của bản án, chúng tôi xin lược ghi lại những nội dung chính của bản án.

Mấu chốt là ở những tờ hóa đơn …ghi giá tạm tính

Trong đơn khởi kiện cũng như trình bày tại tòa án, nguyên đơn là bà Võ Thị Kim Ngọc cho biết, từ năm 2007 bà có gửi cà phê vào Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên ( sau đây gọi tắt là công ty). Đến ngày 9/11/2010 hai bên đối chiếu thì bà đã gửi vào công ty số lượng là 18.356.476 kg cà phê (bao gồm loại R1-16 là 1.506.332 kg, loại R1-18 là 291.821kg, loại R2-5 là 45.321kg, loại R xô là 16.513.002 kg).

Khi gửi cà phê vào công ty thì công ty làm lệnh nhận cà phê, không làm hợp đồng gửi giữ, không thỏa thuận thời gian gửi giữ. Sau khi bà nhập cà phê vào công ty thì công ty yêu cầu tôi xuất hóa đơn giá trị gia tăng theo giá tạm tính, mục đích xuất hóa đơn giá trị gia tăng là để xác định số cà phê thực nhập vào kho của công ty và công ty dùng hóa đơn đó để thế chấp vay ngân hàng.

Bà Ngọc giải thích, toàn bộ hóa đơn đều ghi tạm tính và giá ghi trên hóa đơn đều thấp hơn giá thị trường cùng thời điểm mà công ty phát giá để mua cà phê. Chẳng hạn hóa đơn xuất ngày 16/7/2009 đơn giá chỉ 22.000 đồng/kg nhưng giá ngày 16/7/2009 do công ty phát giá đối với cà phê nhân xô là 24.800 – 25.000 đồng; hóa đơn xuất ngày 24/7/2009 đơn giá chỉ ghi 22.000 đồng nhưng giá ngày 24/7/2009 do công ty phát giá đới với cà phê nhân xô là 25.000 đồng; hóa đơn xuất ngày 29/7/2009 đơn giá chỉ ghi 22.000 đồng nhưng giá ngày 29/7/2009 do công ty phát giá đối với cà phê nhân xô là 25.100 đồng; hóa đơn xuất ngày 24/8/2009 đơn giá chỉ ghi 23.000 đồng nhưng giá ngày 24/8/2009 do công ty phát giá đối với cà phê nhân xô là 24.000 đồng …

Kèm theo hóa đơn là các phiếu nhập kho (nhập mua) đều do công ty lập, bà Ngọc không biết và không ký vào chỗ người giao hàng trong phiếu nhập mua. Do vậy bà Ngọc cho rằng số cà phê 18.356.476 kg là gửi vào công ty chứ không phải bán, nếu bán thì phải lập hợp đồng mua bán và xuất hóa đơn giá trị gia tăng theo hợp đồng mua bán và thanh lý lô hàng bán cho công ty.

Ngoài ra, việc xuất hóa đơn tạm tính cho công ty là để công ty xác định bà đã gửi số cà phê cho công ty và công ty dùng hóa đơn đó vay vốn ngân hàng, sau đó về cho bà Ngọc ứng tiền và tính lãi đối với số tiền bà đã ứng.

Tính đến ngày 09/22/2010 bà Ngọc đã ứng hơn 513 tỉ đồng của công ty và tiền lãi suất hơn 132 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Minh Đường, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên, đại diện công ty tại phiên tòa, cho rằng 18.356.476 kg cà phê mà bà Ngọc nhập vào công ty là cà phê nguyên liệu chứ không phải phân chia ra từng loại như bà Ngọc kê khai.

Đặc biệt, theo trình bày của ông Đường, bà Ngọc đã bán cho công ty số lượng cà phê là 18.200.000 kg, việc mua bán cà phê này hai bên không lập thành văn bản, hai bên thỏa thuận miệng. Căn cứ vào hóa đơn mà bà Ngọc đã xuất, công ty thanh toán tiền cho bà Ngọc bằng hình thức khấu trừ số tiền bà đã ứng, việc trong hóa đơn bà Ngọc ghi giá tạm tính thì do bà Ngọc ghi công ty không biết và giá tạm tính chỉ có giá trị trong ngày.

Công ty dùng hóa đơn nói trên thế chấp vay vốn ngân hàng là quyền của công ty vì số cà phê này thuộc quyền sở hữu của công ty. Công ty lập phiếu nhập kho ( nhập mua) là theo quy trình của công ty còn việc mua bán dựa vào hóa đơn giá trị gia tăng . Công ty phát giá bán là do diễn biến của thị trường có những ngày công ty phát ra nhiều mức giá khác nhau chứ không phải trong ngày có một mức giá nhất định.

Do vậy ông Đường khẳng định, 18.356.476 kg cà phê nói trên thì bà Ngọc mua đứt bán đoạn là 18.200.000 kg. Số cà phê còn lại bà Ngọc nhập vào công ty là 156476 kg thì giữa hai bên chưa hoàn thiện thủ tục mua bán vì hộ kinh doanh cá thể Võ Thị Kim Ngọc bị cơ quan thế rút hóa đơn giá trị gia tăng.

Công ty cho rằng bà Ngọc ứng tiền tính tới ngày 22/1/2010 hơn 515 tỉ đồng nhưng bà Ngọc không trả tiền ứng cho công ty. Sau khi bà Ngọc xuất hóa đơn bán lô hàng 18.200.000 kg ( theo 11 hóa đơn theo giá tạm tính) thì công ty khấu trừ tiền ứng hơn 413 tỉ đồng. Như vậy, tiến gốc mà Ngọc còn nợ công ty hơn 101 tỉ đồng và tiền lại hơn 72 tỉ đồng.

Chỉ là ứng tiền mua cà phê gửi kho

Hội đồng xét xử lập luận, công ty thừa nhận bà Ngọc đã nhập vào công ty số lượng cà phê 18.356.476 kg. Bà Ngọc cho rằng số cà phê này là gửi còn công ty cho rằng bà Ngọc đã bán nhưng theo các tài liệu chứng cứ do nguyên đơn và bị đơn cung cấp cho tòa án thì thực chất của việc nhập cà phê này là công ty cho bà Ngọc ứng tiền mua cà phê nhập vào công ty, công ty tính tiền lãi suất số tiền bà Ngọc đã ứng.

Khi nhập cà phê vào thì bà Ngọc xuất hóa đơn theo giá tạm tính để công ty vay tiền của các tổ chức tín dụng, sau đó về tiếp tục cho bà Ngọc ứng tiền mua cà phê nhập vào công ty và sau đó giữa công ty và bà Ngọc làm thủ tục mua bán với nhau theo giá thị trường tại thời điểm mua bán để khấu trừ số tiền đã ứng, lãi suất, số tiền còn lại hai bên thanh toán với nhau.

Công ty cho rằng số cà phê này bà Ngọc đã bán và công ty đã thanh toán cho bà Ngọc theo giá của hóa đơn giá trị gia tăng bằng hình thức khấu trừ số tiền ứng nhưng các tài liệu do công ty và bà Ngọc cung cấp cho tòa án thì công ty tự khấu trừ số tiền bà Ngọc ứng, bà Ngọc không chấp nhận và công ty không có tài liệu gì chứng minh số tiền này bà Ngọc đã nhận.

Công ty cho rằng các ủy nhiệm chi để tạm tính thuế giá trị gia tăng cho lô hàng bà Ngọc đã bán là 18.200.000 kg cà phê nhân thì không xác định cụ thể cho lô hàng nào. Mặt khác, tại biên bản xác nhận công nợ ngày 31/12/2009 thì tổng số tiền bà Ngọc ứng hơn 523 tỉ đồng, tiền lãi suất hơn 52 tỉ đồng và tại bảng kê tính lãi của công ty lập ngày 30/6/2010 thì tổng tiền gốc bà Ngọc nợ hơn 514 tỉ đồng và nợ lãi hơn 100 tỉ đồng.

Quan trọng hơn, trong biên bản làm việc ngày 15/12/2010 giữa công ty và bà Ngọc thì công ty đề nghị bà Ngọc chốt giá 35.266 đồng/kg cà phê cho toàn bộ lô hàng 18.356.476 kg nhưng bà Ngọc không chấp nhận. Do đó bà Ngọc cho rằng số cà phê bà chưa bán là có cơ sở.

Do vậy tòa án đã phán quyết buộc Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên trả cho bà Võ Thị Kim Ngọc 18.356.476 kg cà phê nhân bao gồm loại R1-16 là 1.506.332 kg ;loại R1-18 là291.821 kg, loại R2-5 là 45.321 kg, loại R xô là 16.513.002 kg và bị đơn là công ty chịu án phí hơn 943 triệu đồng.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Năm Nhớ

    Nếu biết chia sẻ lợi nhuận với nhau thì đâu đến nổi nào. Đồng tiền, lợi nhuận đã làm băng hoại đạo đức tình cảm, biến con người trở thành chó sói lẫn nhau.
    Bài học này không chỉ giành riêng ai!

  2. Thinh không còi

    Sự thật vẫn là sự thật thôi bà con ạ. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến bác Năm Nhớ nếu không tham, biết chia lợi nhuận đúng lúc thì tất cả đã êm đẹp, lại còn đựoc tiếng là cứu cho cán bộ, đại lý của mình, ơn huệ đó chị Ngọc sẽ không quên. Nhưng vì lòng tham, lại muốn ép đại lý do chính mình đẻ ra. Việc này tôi nghĩ ở Công ty này chắc còn nhiều người ứng tiền, gửi kho để giải quyết lỗ lâu nay. Bài học này thật là quả đắng (trồng cây nào sẽ gặt quả đó thôi).
    Vấn đề hiện nay mà tôi muốn chia sẻ với bà con là: Sau phán quyết của toà án thì giá cà phê sẽ được Công ty thanh toán bù trừ tiền vay và lãi cho bà Ngọc thế nào? Cơ quan thi hành án sẽ tiến hành ra sao? Cty XNK cà phê Tây nguyên phải thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm sau phán quyết của toà… Nếu Cty kháng án thì tiếp tục xử và khi đó giá cà phê Bà ngọc đựoc tính tại thời điểm nào (tại ngày bà Ngọc khởi kiện giá trên 50.000 đ/kg ; hôm xử sơ thẩm 45.500 đ/kg. Hôm nay 42.000 đông/kg…).
    Bà Ngọc và Cơ quan thi hành án phải tiến hành các bước thế nào để giải quyết dứt điểm công nợ, thu hồi vốn cho nhà nước và bản thân.
    Xin bà con có am hiểu pháp luật chỉ giáo để mọi ngưòi sau này và nếu có tiếp tục xảy ra thì lấy đó làm bài học.

    1. Năm Nhớ

      Trong việc xét xử thì tòa phải làm theo trình tự qui định, còn ngày xử cụ thể là do lịch trình tòa sắp xếp.
      Tôi chỉ băn khoăn một điều là tranh tụng liên quan đến cà phê và giá cả, bản án sơ thẩm lấy giá của ngày xét xử là 15/9/2011 để tính.
      Tại sao ko lấy giá của ngày khởi kiện? vì ngày đó mới phát sinh chênh lệch. Ngày xét xử mà giá xuống bằng ứng thì chắc ko ai đi kiện để … nộp án phí.
      Tôi ví dụ có một lý do hay một lực tác động nào đó tòa phúc thẩm cứ kéo dài cho đến ngày đưa ra xử phúc thẩm là ngày cafe xuống giá còn 35k thì bà Ngọc… trớt quớt, ko khéo phải nộp thêm tiền cho Cty! Tòa quyết Cty trả số cà phê đó cho bà Ngọc là đúng lý rồi nhưng giá cà phê đang xuống thì bà Ngọc lấy cà phê làm gì? Thế thì có hợp lý ko?
      Tôi thấy tòa đúng lý, còn hợp lý ko thì còn băn khoăn lắm.
      Ai rành về luật pháp xin giải thích giùm.

      1. Nguyễn Vịnh

        -Trong bản án tòa sơ thẩm tuyên: Buộc Cty CPĐT XNK cà phê Tây Nguyên trả cho bà Ngọc số lượng là 18.356.476 kg cà phê nhân bao gồm loại R-16 là…kg, loại R-18 là… kg,…
        Áp dụng khoản 2 Điều 305 BLDS để tính lãi suất trong giai đoạn thi hành án.
        Hai bên đều có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (15/9/2011).
        Như vậy có nghĩa là ngày thi hành án, nếu không có kháng cáo, được tính từ ngày 1/10/2011.
        -Tôi trích khoản 2 Điều 305 BLDS để bà con tham khảo: 2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
        -Trong luật chỉ nói chậm trả tiền. Nhưng ở đây tòa phán quyết áp dụng điều khoản này để tính lãi suất trong trường hợp trượt giá nếu trong giai đoạn thi hành án giá cà phê bị thay đổi, tôi nghĩ là bên thi hành án sẽ tính như vậy.
        Tranh tụng về cà phê thì tòa xử cà phê chứ đâu có qui ra tiền để xử. Bác Năm Nhớ hết băn khoăn rồi nhỉ.
        -Còn việc ra tòa phúc thẩm sẽ tính thế nào đó là chuyện của tòa phúc thẩm. Các bác hãy tin tưởng vào sự công minh và sáng suốt của tòa. Ta cũng không mất công bàn khi tòa phúc thẩm chưa kết luận. Ta bàn thì không khác gì “cầm đen chạy trước ô tô”.
        -Theo tôi, việc để chậm xét xử có thể làm bất lợi cho nguyên đơn hay bị đơn thì cũng khó nói lắm. Buộc tòa phải dựa vào cái lý làm căn cứ các bác à.
        Ta cũng chỉ bàn về tính hợp lý hay không từ những phán quyết thôi.

  3. Tiến Tùng

    Nếu mà A Tiến trả đủ Chị Ngọc số hàng mà tòa phán quyết thì A Tiến cũng về hưu sớm luôn đó bà con ạ.

  4. Thinh không còi

    Xin lỗi anh Tiến Tùng là ai nhỉ, sao mà biết rành về VĐ Tiến vậy. Không phải nghỉ hưu mà phải trả lời trước ĐHCĐ.

  5. Thinh không còi

    Chỉ còn 3 ngày nữa, là hết hết kháng án. Cty ĐT & XNK cà phê Tây nguyên nếu kháng án thì lại chịu án phí nữa, án phí sơ thẩm 943 triệu. Án phí nếu kháng án mà bị thua thì thế nào bà con nhỉ?

  6. nông dân cà phê

    Tôi là người ngồi nghe dự trực tiếp tại phiên tòa ngày 15/09/2011, tôi thấy hôm đó bà Ngọc còn đưa ra hai chứng cứ rất quan trọng. Đó là biên bản xác minh tài sản của Chi cục Thuế BMT ngày 11/11/2010 và một tờ trình của bà Ngọc gửi công ty đề nghị công ty mua cà phê của bà Ngọc gửi kho phải đúng giá thị trường. Ông Tiến có phê vào tờ đơn đó : đồng ý hủy chốt giá, đề nghị bà Ngọc nộp tiền vào lấy hàng ra bán để trả nợ cho công ty đến ngày 31/12/2010 phải xong. Mấy vị thẩm phán chất vấn ông Đường về hai tài liệu này, ông Đường dài mặt ra trả lời không được, sau đó lại trả lời cùn là ông Tiến ký không có giá trị. Còn biên bản xác minh tài sản của Chi cục Thuế BMT không có chữ ký của Tổng giám đốc cũng không có giá trị.
    Hai tài liệu này tại sao không thấy nói trong bản án bà con nhỉ ?…

    1. không hiểu nổi !

      Nông dân cà phê mà am hiểu luật pháp quá và nói rất đúng. Ông Đường trả lời với thẩm phán là “ông Tiến ký không có giá trị” vậy ông Đường là cấp phó của ông Tiến mà nói trước toà càng không hề có giá trị.
      Bà con ta hãy kiểm tra lại các giấy tờ giao dịch với ông Đường đi, nếu ông Đường ký thì không có gía trị gì đâu nha (sếp trưởng ký mà không có giá trị thì sếp phó ký là giá trị gì).

      1. Dễ hiểu !

        Ông Đường phủ nhận và cho rằng chữ ký của “ông Tiến không có giá trị” bạn biết vì sao không?
        Qua vụ ì xèo này cộng thêm các đối tác nước ngoài đang khiếu nại vì “xù” hàng thì e rằng ông Tiến sẽ không còn uy tín để trụ ở vị trí sếp nữa, nhất là sự phản đối từ các cổ đông nên ông Đường nói không có giá trị là có cơ sở, vì chính ông Đường sẽ thay thế mà. Cũng không khó để hiểu.

  7. nguyễn chính nghĩa

    Vụ gởi kho 18000 tấn cà phê của Bà Ngọc tại Vinacafe Buôn Ma Thuột là một chuyện có thật mà nghe cứ như là chuyện đùa. Có lẽ trong lịch sử ngành kinh doanh xuất khẩu cà phê Việt Nam chưa bao giờ có một vụ tranh chấp lớn như vậy. Thực tế đúng sai thì đã được minh chứng bằng bản án mà toà án thành phố Buôn Ma Thuột đã tuyên và phân công lý thuộc về bà Ngọc.
    Là một ngưòi cũng kinh doanh trong ngành xuất khẩu cà phê, ngay từ lần đầu tiên tìm hiểu về vụ việc này tôi đã nhận thấy viêc hành xử của Vinacafe Buôn Ma Thuôt là quá áp đặt, ngông cuồng và dại dột. Nó bộc lộ rõ trình độ quản lý và sự am hiểu luật pháp của lãnh đạo công ty quá yếu kém. Cũng may là tranh chấp xẩy ra ở trong nước, nếu một bên có thiệt hại, xét tổng quan thì đất nước cũng chẳng thiệt hại gì. Người bị thiệt hai chính là những cổ đông của công ty mà thôi. Còn nếu là tranh chấp với khách hàng nước ngoài mà cũng thua thiệt như vậy thì thật là kinh khủng.
    Đây cũng là một bài học lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh và xuất khẩu cà phê nước ta.

  8. Thinh không còi

    Thưa bà con! Thưa toà án TP Buôn Mê Thuột, Tôi đuợc biết ngày 28/9/2011 tức là chỉ còn 2 ngày là ngày cuối cùng phải thi hành án, Cty XNK cà phê Tây Nguyên đã đệ đơn kháng án. Như vậy sẽ phải tiếp tục xét xử phúc thẩm. Như tôi đã nhận định, Cty XNK sẽ tiếp tục phải chịu án phí nếu tiếp tục thua kiện (điều đó gần như là hiển nhiên vì các chứng cứ đã được toà sơ thẩm kết luận quá cụ thể). Chị Ngọc cần lưu ý rằng toà xử trả lại cà phê cho chị nhưng phải tính đến giá cà phê.
    Đúng lý ra ngày khởi kiện sẽ là thời điểm để làm căn cứ hai bên và toà án xem xét giá cả. Nếu ngày chị Ngọc khởi kiện như tôi và bác Năm nhớ đã có ý kiến thì giá cà phê trên 50.000 đồng/kg. Khi toà phúc thẩm xử và tính án phí, công ty XNK cà phê Tây nguyên phải trả là 45.500 đ/kg. Song toà không kết luận là Cty phải trả và thanh toán số lượng, chất lượng từng loại cà phê cho chị Ngọc theo giá nào? Theo tôi chị Ngọc cần có văn bản đề nghị toà án, cơ quan thi hành án và kể cả khi xét xử phúc thẩm (có xét xử sớm không?) định giá cà phê. Nếu Cty đầu tư và XNK cà phê Tây Nguyên tiếp tục thua kiện thì phải trả cà phê hoặc tính giá cụ thể. Đây là vấn đề theo tôi nghĩ cần đựoc bà con cho ý kiến nhiều làm chứng cứ để sau này chị Ngọc và cơ quan thi hành án giải quyết;
    Có một việc tôi không biết rõ nếu bà con ai biết chỉ giúp: Nếu cơ quan thi hành án thực hiện việc thi hành án thì chi phí thi hành án đựợc tính mấy % giá trị vụ kiện?

  9. Th. Hùng

    Phán quyết của tòa án BMT đã rõ, Cty phải trả cho bà Ngọc bằng cà phê. Tòa ko thể quy ra tiền được vì tranh tụng về việc gửi cà phê. Nếu tòa qui ra tiền sẽ gây ra nhiều tranh cãi nữa, mà cũng dễ ép phê vì giá lên giá xuống. Tuy phán quyết trả cà phê có phần không hợp lý nhưng khó có cách nào hơn được.
    Phí thi hành án đã có rồi, đó là án phí, lệ phí tòa án mà bên thua phải nộp là hơn 943 triệu đồng.

    1. không hiểu nổi !

      Tôi nghĩ bạn Thanh Hùng hiểu nhầm giữa án phí mà Cty phải nộp và phí thi hành án đấy. Theo tôi đó là 2 khoản tiền riêng biệt.

  10. Nguyễn Chính Nghĩa

    Bản án mà toà án tp Buôn Ma Thuột phán quyết, Vinacafe BMT phải trả lại toàn bộ số lượng cà phê mà bà Ngọc đã gởi. Việc phán quyết trên tôi cho là đúng, nhưng nếu không được cụ thể hoá ra mà chỉ chung chung như vậy thì có thể lại xảy ra rất nhiều rắc rối.
    -Mục đích của người gởi cà phê (thực tế là đầu cơ giá lên) là khi giá lên có lời sẽ bán để thu lợi nhuận. Chẳng ai muốn nhận lại số cà phê đã gởi, đằng này số lượng cà phê trên 18.000 tấn là rất lớn. Nếu Vinacafe hiện có hàng trong kho và chấp nhận trả ngay thì bà Ngọc có thể bán ngay số hàng đó cho các nhà xuất khẩu khác như Simexco lấy tiền trả gốc và lãi cho Vina và nhận hàng theo thời giá hiện nay thì không có gì phải bàn cãi. Đó là điều không thể xảy ra.
    -Điều chắc chắn là Vinacafe BMT sẽ kháng án lên cấp cao hơn cấp Tỉnh rồi toà Tối cao. Có nghĩa là bản án vẫn còn rất lâu mới được thi hành. Chẳng hạn khi đến toà Tối cao mà vẫn y án như tòa Sơ thẩm. Tôi ví dụ thời điểm đó vào tháng 12/2011 hay tháng 1-2/2012, khi đó là đang chính vụ cà phê của Việt Nam, và cứ cho là Vinacafe BMT ko trả đầy đủ số hàng trên cho bà Ngọc. Nhưng khi đó giá cà phê còn duới 35.000đ, thậm chí 30.000đ hay thấp hơn nữa thì hỡi ơi… Khi đó người thua kiện sẽ trở thành chủ nợ của người thắng kiện. Thực tế giá cà phê năm nay theo kinh nghiệm và đánh giá của Chính Nghĩa tôi thì vào vụ Việt Nam giá về dưới 30.000đ là rất có thể xảy ra.
    -Nên chăng bên nguyên đơn hãy đề nghị với toà án BMT xác định dứt khoát và bổ sung vào bản án tổng số hàng nợ qui ra tiền theo thời điểm tuyên án, đồng thời cấn trừ với số nợ gốc và lãi của bà Ngọc. Phần chênh lệch mà Vinacafe còn phải trả cũng phải qui ra tiền vào thời điểm toà tuyên án.
    -Nếu không làm được điều này thì bà Ngọc dù có thắng kiện thì cũng chỉ là trên danh nghĩa mà thôi, có khi lại trở thành con nợ lớn của Vina. Hãy mời những luật sư giỏi nhất và đừng tiếc tiền đối với họ để họ tư vấn cho những việc cần phải làm.
    -Với bản án còn chung chung như vậy thì lúc này mặc dù thua kiện, lãnh đạo Vinacafe có khi lại đang khui rượu ăn mừng cũng nên.
    -Kính thưa bà con và quí vị. Chính Nghĩa tôi có đôi lời mạo muội, có thể sự hiểu biết còn hạn hẹp, có gì sai sót mong bà con và quí vị lượng thứ.

    1. Quang Hải

      Bà Ngọc bây giờ “vườn không nhà trống”, cà phê thì Công ty đang chiếm giữ lại còn món nợ treo trên đầu gần 600 tỷ nên việc bạn Chính Nghĩa khuyên bà Ngọc mời luật sư là đúng và bạn Nghĩa khuyên “đừng tiếc tiền đối với họ ” theo tôi là điều không thể, vì lúc này bà Ngọc còn đâu tiền để mà tiếc.? Ở toà sơ thẩm thấy cũng có luật sư do bà Ngọc mời nhưng nghe nói luật sư làm việc với tinh thần giúp đỡ bà Ngọc là chủ yếu, tiền bạc không tốn nhiều. Không biết rồi đây luật sư đó có giúp bà Ngọc tiếp ở phiên toà phúc thẩm nữa hay không?

  11. Tư Mõ Cày

    -Đồng ý với bạn Chính Nghĩa, nếu vụ án cứ kéo dài thì diễn biến cũng khó lường, đặc biệt là khi giá cà phê cứ phập phồng như hiện nay.
    Bạn đặt ra vấn đề đúng, có khi người thắng kiện phải nộp tiền cho bên thua kiện cũng nên.
    -Bà Ngọc đang còn vay nợ và lãi 22% của Cty. Còn bây giờ Cty cứ dây dưa kéo dài việc thi hành án, chấp nhận để cho tính lãi như phán quyết của tòa sơ thẩm thì lãi trần cũng chỉ 14%, nghĩa là hàng tháng bà Ngọc đang mất thêm 8% (ví dụ nếu tính giá trị hàng và nợ ngang nhau, nhưng thực ra giá trị cà phê ngày càng teo vì giá đang hạ).
    -Bà Ngọc phải kiến nghị với tòa đưa nhanh ra phúc thẩm vì lý do hàng của mình đang bị mất giá.
    Có khi nào đây là cái thòng lọng không?

  12. Dân Cafe TN

    Tôi nhất trí với các bác, có nguy cơ người thua kiện sẽ trở thành chủ nợ của người thắng kiện.
    Vụ án này có nguy cơ kéo dài vì tôi cũng nghe bên thua tuyên bố “đấu tới cùng”… Càng kéo dài càng bất lợi cho bà Ngọc vì ai cũng thấy cà phê “vào mùa rớt giá”. Nếu giá xuống như bạn Chính Nghĩa nói thì Bà Ngọc làm sao trả nổi cho Vina với số nợ quá lớn.
    Theo tôi cần phải có giải pháp cụ thể hơn.

  13. Già Đại Nhân

    “Tình ngay – lý gian”.
    Việc này thì cánh cung ứng già bọn tớ biết hết sự tình.
    Cà phê giá 25.000 đ/kg thì sếp Tiến cứ tìm cách đỡ cho bà Ngọc, sự thực đó là “tình ngay”.
    Thế thử hỏi giá cà phê vẫn 25.000 đ/kg thì bà Ngọc kiện không ? Giá cà phê 50.000 đ/kg, bà Ngọc kiện, thì cứ cho là toà xử đúng đi nhưng cái lý đó ai đã thấu tình rồi thì thấy “Lý gian”.
    Thói đời “cười ra nước mắt” thì thật là gian và ác quá…

  14. Nguyễn Chính Nghĩa

    Chào bạn Gìa Đại Nhân, chào bà con và quí vị. Theo bạn thì khi giá xuống 25.000đ thì xếp Tiến đỡ cho bà Ngọc còn khi giá lên thì bà Ngọc kiện và như thế thì thật là gian và ác quá. Chính Nghĩa tôi có vài ý thế này:
    -Khi bắt đầu tìm hiểu về vụ gởi kho này, ban đầu tôi thực sự không tin vào mắt mình, 18.000kg hay 18.000 tấn, khi đọc thật kỹ thì ra là 18.000 tấn, thật là một con số không thể tưởng tượng được. Tôi cũng là dân trong nghề nên cũng có đôi chút hiểu biêt về lĩnh vực gởi kho này. Các đại gia lớn về cà phê của Đak Lak như Trúc Tâm, Tính Nên… cũng chưa bao giờ có một lượng gởi kho lớn như vậy. Trong khi bà Ngọc chỉ là một hộ kinh doanh cá thể nhỏ nhoi, vậy mà có thể được ứng tiền để mua đầu cơ đến 18.000 tấn thì cũng thật là một điều không tưởng. Chắc chắn bà Ngọc phải có một mối quan hệ đặc biệt với lãnh đạo Vinacafe BMT. Dám cho một hộ cá thể ứng tiền mua gởi kho đầu cơ giá lên một lượng cà phê lớn như vậy thì thật là một hành động quá liều lĩnh và sai phạm cơ bản những nguyên tắc quản lí kinh doanh. Với sư quản lí lỏng lẻo thiếu am hiểu pháp luật, một lượng hàng lớn như vậy mà lại không có hợp đồng gởi kho, chẳng có một ràng buộc nào, đây thật sự cũng là điều không thể tưởng tượng được.
    -Hợp đồng gởi kho có nhiều điều khoản, nhưng có hai điều quan trọng nhất đó là :Thời hạn gởi kho và bên nhận gởi có quyền bán hàng gởi nếu khi giá xuống ngang với số tiền ứng cộng lãi nếu bên gởi không đưa thêm hàng vào hay tiền để bảo kê cho lô hàng của mình. Vinacafe nhận hàng gởi nhưng chẳng có một ràng buộc gì cả, vậy thì khi giá xuống người gởi không chêm hàng và tiền, thậm chí họ tắt máy không thèm liên lạc, và công ty cũng không có quyền bán hàng của họ. Đến khi giá lên hoà vốn hay có lời thì họ lên đòi chốt giá. Cái sai ở đây là Vinacafe làm sai nguyên tắc và tự cột cổ mình chứ không phải sai của người gởi hàng. Còn khi không thoả thuận được giá cả với nhau kiện nhau thì cũng là chuyện bình thường thôi. Tất cả chúng ta dù là ai đều bình đẳng trước pháp luật.

    1. CHẮC LÀ CÒN CHƯA BIẾT

      Nếu nói một cách chân thật thì chuyện này hẳn còn nhiều người chưa biết.
      Đầu tiên vì sao bà Ngọc lại có một số tiền lớn để mua cà phê?
      – Vì tại thời điểm đó giá cà liên tục rớt giá và trước đó bà Ngọc đã ứng tiền và mua được một số cà, đang lúc bị thua lỗ công ty đã giúp bà tiếp tục kinh doanh để bù số lỗ này,
      Thứ 2 là nguyên tắc chốt cà: Bình thường người dân gởi cà vào thì được ứng 60-70% giá trị cà gửi, nếu giá trị cà cao hơn tiền ứng thì công ty sẽ ko tự ý chốt cà mà người gửi sẽ quyết định chốt ở mức giá nào. Nếu giá cà liên tục rớt giá trong thời gian dài, và giá trị cà thấp hơn tiền ứng thì đến khi nào giá lên đủ để bù nợ và có lợi cho ng gửi thì công ty sẽ chốt giá vào báo cho người gửi (chỉ thỏa thuận miệng lúc gửi).
      Nói đi thì cũng phải nhìn lại: Tại thời điểm bà Ngọc khó khăn, công ty đã tạo điều kiện giúp đỡ cho bà Ngọc tránh thua lỗ và phục hồi vốn. Nếu như muốn làm khó bà Ngọc thì lúc bà Ngọc vay tiền cty đến thời điểm đấu hạn mà bà Ngọc không có khả năng thanh toán thì lúc đó công ty có thể tùy ý chốt cà để trừ vào nợ, và tại thời điểm đó thì bà Ngọc còn phải trả thêm cho cty một số tiền không nhỏ. Vậy thì tại sao công ty lại không làm vậy, tại sao lại phải chờ đến khi giá cà lên đủ bù nợ và có lời cho bà Ngọc mới chốt, trong khi giá thời điểm đó lên xuống thất thường. Vậy mà giờ khi giá như giờ thì bà Ngọc lại kiện cáo. Lỗi chỉ là mọi thỏa thuận lại không có giấy tờ rõ ràng. Một bài học cho Vinacafe BMT.

      1. Tám cầy

        Xin hỏi bạn nhé, chỉ 2 vấn đề trong chính bạn nói thôi.
        1.Vì sao Cty có số tiền lớn để ứng cho bà Ngọc, có phải Cty vay của NH và trả lãi 16% không? Và bà Ngọc có số tiền lớn để mua cà phê, có phải vay ứng từ Cty và Cty tính lãi 22% không? Suy ra là bà Ngọc vay của NH với lãi cắt cổ hơn, thế thì có gì để mà thắc mắc đâu và đáng để biết hay chưa biết không bạn. Vậy thì bạn nói có ý gì và bạn muốn bà con biết điều gì?
        2.nguyên tắc chốt cà: Bình thường người dân gởi cà vào thì được ứng 60-70% giá trị cà gửi, nếu giá trị cà cao hơn tiền ứng thì công ty sẽ ko tự ý chốt cà mà người gửi sẽ quyết định chốt ở mức giá nào….chốt giá vào báo cho người gửi.(trích lời bạn)
        Nguyên tắc này đang bị chính Cty vi phạm, bạn biết tại sao không? Vì chốt cà là xong chuyện, không có hệ lụy như hôm nay. Nhưng không chốt hay chưa chốt có nghĩa là Cty muốn bà Ngọc tiếp tục đóng lãi (chênh lệch 6%) và số lãi đã lên đến số trăm tỷ rồi.
        Tôi xin hỏi bà Ngọc phải trả số lãi này cho Cty, hay Cty có tính số lãi này không? ở đâu ra con số trên trăm tỷ vậy? Và khi Cty ngồi cùng bà Ngọc chốt giá thì giá trị cà cao hơn tiền ứng chưa? có đúng như nguyên tắc bạn nêu không? tại sao Cty muốn tự ý chốt mà không chịu thỏa thuận giá hay muốn chốt mà không khớp giá của ngày đó? thỏa thuận ngày chốt rồi mà cứ trì hoãn?
        Mình cũng nói một cách chân thật như mình nghĩ.
        Nếu bạn trả lời rõ ràng 2 vấn đề này thì tôi nghĩ là bạn biết, ngược lại thì như bạn nói chắc là còn chưa biết.

  15. Quang Hải

    Cầu mong cho ông trời có mắt, đến khi bà Ngọc được thi hành án thì cà phê lên 70.000đ, lúc đó không chỉ bà Ngọc mà tất cả bà con trồng cà phê chung ta đều phấn khởi các bác nhỉ ? Biết đâu trời thương, ở hiền gặp lành !

  16. hai lúa

    Tôi ngồi nghe thấy toà công bố biên bản đối chiếu công nợ giữa bà Ngọc và công ty Vina Buôn Ma Thuột thì nợ gốc còn nguyên là hơn 500 tỉ đồng, nợ lãi hơn 132 tỉ đồng. Biên bản xác minh tài sản với chi cục thuế Buôn Ma Thuột. Chính công ty báo cáo với chi cục thuế ngày 11/11/2010 (tài sản bà Ngọc còn gửi tại kho công ty là 18.356.476 kg) và 1 tờ đơn của bà Ngọc chính tay ông Tiến phê vào là đồng ý huỷ chốt giá, đề nghị bà Ngọc nộp tiền vào lấy hàng ra bán trả nợ công ty đến ngày 31/12/2010 phải xong.
    Thế mà ông Đường phó tổng giám đốc vẫn cãi cùn trước toà là bà Ngọc đã bán 18.200 tấn cà phê…

    1. Thanh Sơn

      Tôi thấy những tài liệu này (biên bản xác minh tài sản, báo cáo với Chi cục Thuế và tờ đơn có bút phê của ông Tiến) là 3 tài liệu chứng lý cực kỳ quan trọng, nó có thể làm cơ sở mấu chốt cho Tòa án các cấp xem xét tìm ra bản chất của vụ việc. Án tại hồ sơ mà…
      Còn muốn kháng án thì cứ nộp lệ phí vào, không rẻ đâu. Xử sơ thẩm hết gần cả tỷ rồi.

  17. nông dân cà phê

    Tiền đóng thuế của dân chắc lại mất.
    Công ty cổ phần Đầu tư xuất nhập khẩu cà phê Tây Nguyên có 38% vốn cổ phần của nhà nước, thế mà nay công ty thua lỗ nghe đâu vẫn còn nợ ngân hàng 2.000 tỷ.
    Mở mắt ra công ty phải trả hơn 1 tỷ tiền lãi, cộng với vụ thua kiện này nữa chắc là phá sản. Bà con mình gom góp chắt chiu từng đồng đóng thuế cho nhà nước nhưng nhà nước lại để cho mấy công ty ĐẠI GIA này phá. Chắc đời mình và đời con mình vẫn còn khổ bà con ạ.

  18. Trần Anh Dũng

    Sao lại nên nông nỗi này?
    Đây là đơn vị Anh hùng Thời kỳ Đổi mới đấy, là anh cả đỏ của các đơn vị xuất khẩu cà phê của Tổng công ty Cà phê Việt Nam đấy (hàng năm chiếm hơn 80% lượng cà phê xuất khẩu được của cả Tổng).
    Tình hình này thì làm sao mà Tổng Công ty có thể thực hiện được việc đảm bảo thu nhập chính từ dịch vụ xuất khẩu cà phê. Do vậy TCty cố níu giữ lấy cách khoán kiểu phát canh thu tô mà người lao động đang phản ứng quyết liệt như ở công ty cà phê Đắc Đoa những ngày qua.

  19. Bien Ho

    Nhìn vào những con số khổng lồ mà mới đọc tôi lại nghĩ là nhà báo nhầm, nhưng cẩn thận tìm hiểu kỹ thì hơn 18.000 tấn, con số không thể tin nổi nhưng lại là sự thật. Còn cái điều kinh khủng thứ hai là một thương vụ kinh doanh hàng ký gửi (Coffee on consignment) mà chẳng có cái hợp đồng nào, (mà hình như ở đâu Vinacafe BMT cũng nhận ký gửi cũng không có hợp đồng như ở GiaLai chẳng hạn, thậm chí trên biên nhận hàng ký gửi chỉ có kế toán ký thôi), đây là hành động cực kỳ tắc trách vô lý, coi thường tiền bạc của nhà nước và cổ đông và vi phạm nguyên tắc tài chính trầm trọng.
    Làm ăn như thế thì không thấy ai kiểm điểm, kỷ luật mà chỉ đổ lỗi là do các doanh nghiệp FDI (DNNN) vào thu mua trực tiếp nên không có nguyên liệu mua dẫn đến thua lỗ?
    Kiểu làm ăn như vậy chắc phá sản sớm.

  20. Lê Phóng

    Bà con cho tôi đỡ lời cho Già Đại Nhân. Đây là diễn đàn Y5 của người nông dân cà phê lớn mạnh chứ không phải của bạn nhé. Bạn hãy tham khảo lại các ý kiến đóng góp của bà con trên diễn đàn và bạn kiểm tra lại ý kiến của mình, không nên vạch áo cho người xem lưng.
    -Già đại Nhân nói: “Cà phê giá 25.000 đ/kg thì sếp Tiến cứ tìm cách đỡ cho bà Ngọc”. Hóa ra bạn muốn nói sếp Tiến không coi HĐQT ra gì cả, giống như tiền của cổ đông là lá mít hay sao mà muốn ban ơn cho ai thì cho, không cần ý kiến tập thể, cánh cung ứng của các bạn cũng quen lối làm ăn như thế sao?
    Xin thưa rằng sếp Tiến không tự tiện đỡ cho bà Ngọc đâu nhé (nếu sếp tự bỏ tiền túi ra thì đươc). Công ty là công sức, trí tuệ của CBCNV và cổ đông. Bạn thừa biết là khi cafe giá 36.000đ/kg là bà Ngọc đã lạy lục sếp để bán hàng trả nợ nhưng sự thể như thế nào thì ai cũng biết cả rồi. Bạn cứ đọc lại các ý kiến trên diễn đàn kỹ hơn nhé.

  21. Thinh không coi

    Thưa Bà con!
    Thật thú vị khi bà con có nhiều thông tin và ý kiến về Vina ca phê BMT quá, Không biết các nhà lãnh đạo và các cổ đông của họ có ai đọc không nhỉ? Tôi chắc có nhiều đấy nhất là bà con mình quá biết về họ; Song tôi tin chắc là có nhiều nhà lãnh đạo cao hơn không đọc hoặc giả vờ…
    Họ cứ để dư luận và bà con tranh luận, còn tiền của họ giao cho Vina BMT (51% xuống còn 38%) là tiền nhà nước, và chắc gì họ đã thúc CBộ của mình đòi phần lợi nhuận, quản lý vốn… Coi chừng Vina BMT phá sản lúc đó họ mới cuống cuồng lên (đã muộn).
    Tôi rất đồng ý với Anh Chính nghĩa và nhiều bà con:
    Để đảm bảo quyền lợi, chị Ngọc phải nhờ luật sư của mình tư vấn và gửi các đơn từ đến các cơ quan pháp luật, cơ quan báo chí để đưa sự việc 800 tỷ đồng ra ánh sáng và dư luận; (Ví dụ: Tổng Công ty Cà phê Việt nam, Bộ trưởng bộ Nông Nghiệp&Phát Triển Nông Thôn, Bộ Tư Pháp, Báo Pháp Luật, Báo Nhân Dân,…) Ở VN có những vụ nhỏ tý nếu được dư luận đồng tình vào cuộc thì đã là to lắm rồi. Việc này động trời đến Ngọc Hoàng rồi sẽ phải xử nhanh thôi phải không bà con. Tôi đưa ra ý kiến như vậy mong sao để bà con đỡ tốn thời gian về vụ này, để thời gian mần ăn, nghiên cứu giá cà phê… kiếm thêm chút cháo, hộp sữa cho sắp nhỏ…
    Tôi tin luật pháp Việt Nam sẽ bảo vệ cái đúng, trừng trị kẻ làm sai, làm ẩu, coi pháp luật bằng cái vung vì họ vung để che đậy cái sai. Bác Nông dân cà phê sao rành về Vina BMT thế nhỉ, nợ đến 2000 tỷ thì sau vụ này các ngân hàng cho vay nghĩ sao nhỉ, họ có khoanh lại, bao vây đòi nợ… chắc tôi vỡ tim chết mất. Rồi sắp hết năm có họp DHCĐ không nhỉ, HĐQT sẽ báo cáo sự việc này với các cổ đông bé nhỏ của mình ra sao? ra đường, lên máy bay… đi đâu người ta cũng hỏi.
    Khuya rồi để còn coi giá cà phê, đất đai, vàng nhảy múa. Chúc bà con mạnh giỏi.

    1. Tư Mõ Cày

      Thế thì Thịnh này là Thịnh tắt còi rồi, tưởng bà Ngọc không gửi đơn kêu cứu cho nhiều đài báo hả?
      Một cái đơn đánh máy in vi tính rồi photo ra nhiều bản. Một bì thư gửi bảo đảm đến các đài báo hết mấy ngàn. Phí tổn để gửi đơn thư theo bạn hết vài trăm ngàn đủ không? có to so với hơn 18 ngàn tấn cà phê không?
      Nhưng bạn biết có bao nhiêu đài báo đến Cty Vina BMT làm việc với ông Tiến rồi… một đi không trở lại không? Đời mà bạn…
      Cuối cùng tuy Cty còn kháng cáo nhưng công lý đã lên tiếng. Vì thế bà con vỗ tay hoan hô sự công minh của tòa án BMT. Bạn cũng chưa thấy sao?
      Mấy ngày vừa qua, bạn thấy bộ mặt của Cty Vina BMT giống cái gì ko?

      1. Hạnh Trang

        Bạn Tư Mõ Cày nói chí phải, cấm cãi vào đâu được nữa nhé, bạn theo dõi quá sát sao. Vừa qua các bác thấy vụ kiện to thế mà có báo nào dám kên tiếng đâu? Không phải họ không biết, nhưng sự thật là oái oăm, chua xót như thế đấy. Hiện nay tôi còn nghe thông tin “Đây là đơn vị anh hùng, phải bảo vệ bằng mọi giá” nữa cơ đấy !

  22. Thinh không coi

    Gửi anh Tư mõ cày:
    Cứ là phải cám ơn ý kiến của anh, tôi là Thinh (Không phải Thịnh) tôi hiểu anh muốn nói gì rồi; bộ mặt Vina BMT chắc anh hiểu hơn tôi vì tôi ít biết về cty này lắm.
    Còn việc báo đài tôi nghĩ họ đến để (chút chút nếu không sao không thấy báo nào đăng bảo vệ Vina BMT) anh nhỉ.
    Nếu có thể anh Email ta trao đổi thêm. Cám ơn!

    1. Mai Anh

      Chào anh Thinh không Coi sáng suốt, theo anh thì T. Giám đốc và HĐQT có nên họp báo đính chính không? Bà con giới cà phê nóng ruột quá chừng.

  23. Dân cop pi

    Vụ này quá lớn, những bài học quá lớn. Sai sót yếu kém trong nguyên tắc KTTC cũng không ít. Vậy thì các ông bà thanh tra, kiểm toán bao nhiêu lần làm gì, giống như “chưa hề có cuộc thanh tra”. Nếu theo các trình tự sổ sách phiếu tờ ký gửi, ứng tiền, nhận nợ ghi lãi của 18.000 tấn cà phê này các ông bà thanh tra kiểm toán chấp nhận cho qua không có ý kiến gì thì Dân Cà Phê tôi đây cũng làm kinh tế tài chính được, không khó.
    Ai đời mua bán hàng chục ngàn tấn cà phê mà nguyên tắc giao nhận giao ước như là giữa chợ vây, lập lờ ai hiểu như thế nào cũng được. Coi kiểu làm ăn mua bán cà phê ảo của nước ngoài với người mình, đụng tý là “stop loss”, thời hạn thời giá nghiêm túc còn chưa ăn ai.
    Còn chuyện gì chưa biết nữa đây?

    1. Mộng lâu Hồng

      Quá đồng ý với anh Dân cop pi, nhưng anh còn chưa nói tới cơ quan thuế. Theo chỗ tôi là người thực việc thực, các anh CQ thuế kiểm tra giám sát hàng gửi tại các cơ sở Dân doanh kỹ lắm, đụng chút là phạt, là giải trình, phải có hợp đồng ký gửi của người dân với doanh nghiệp mới được. Xem ra cái công ty này lớn quá, ai cũng nể phải không các bạn. Xem phim Trung Quốc thì cái tội mua chuộc quan chức không phải là nhỏ đâu! Chỉ tội cho các anh Dân doanh.

  24. Hồ Lương Bằng

    Diễn đàn thật rôm rả và thú vị, chắc chắn sẽ tạo ra sân chơi làm cho dân cà phê online ngày càng sáng suốt thông thái lớn mạnh. Chỉ cần qua ý kiến của các thần dân, vấn đề ngày càng trở nên sáng tỏ hơn. Sáng suốt! Chúc Y5Cafe khỏe mãi.

  25. Thinh không coi

    -Chào Anh Mai Anh; Báo chí đến nhiều song chắc cũng ra đi mà thôi vì báo chí ai dám bảo vệ DN thua kiện, và nếu báo chí đến để nắm thông tin, đưa tin rùm beng là chết DN (DN phải đối xử thế nào). Bây giờ TGĐ, HĐQT còn tâm trí nào mà thông cáo báo chí để cho Tây, Ta (ngân hàng), DN, Dân… không chơi nưa thì có đất đâu mà diễn…
    -Gửi anh Dân cop pi: Thực chất vụ này ai cũng hiểu: Chi Ngọc có mua bán và là con của Vina BMT, trong làm ăn lãi ít lỗ hổng lớn; Vina BMT cho ứng tiền mua dự trữ gửi kho chờ giá lên để thu nợ gốc và lãi … (chuyện này DN nào cũng có, song Vina BMT với tiềm năng quan hệ vay được nhiều vốn của các tổ chức tín dụng cho DN, đại lý, CBCNV vay mua tạm trữ…). Do trình độ quản lý, do cả nể… không làm các thủ tục như HĐ gửi kho, thời hạn và các Đkiện thanh toán… và cuối cùng do có tham nên mọi việc mới xảy ra kiện tụng ra toà.
    Tôi nghĩ rằng bây giờ vẫn còn cứu vãn được nếu Vina BMT chấp nhận xư lý bằng hình thức ôn hoà, đôi bên cùng có lợi (hay nói cách khác nếu biết sử dụng sách Khổng Tử: chịu nhịn, chịu lún…), cùng ngồi lại với nhau giải quyết (để mất toi 943 triệu rồi…). Vậy Ai là sứ giả cho việc này? Vina BMT sẽ là người QĐ.

  26. Hạnh Trang

    Bạn Thinh không coi nói đúng, ý kiến của tôi cũng thế. Tôi nghe nhiều ý kiến bàn là cty nên đàm phán lại với bà Ngọc, trước mắt trả được bao nhiêu thì trả… Còn nếu cty cậy mình là “ông lớn” mà tiếp tục kháng cáo không khéo “tiền mất tật mang”, tòa phúc thẩm cũng khó xử khác được. Dư luận cả nước đều biết đến vụ này rồi. Không biết cty có lường trước được việc kinh doanh của vụ cà phê sắp tới không? Nếu tiếp tục kháng cáo, chuyện sẽ lùm xùm hết vụ kinh doanh. Lúc ấy có đối tác nào dám làm ăn với cty nữa không, theo tôi thiệt hại thực tế là không nhỏ. Tốt nhất là hai bên cùng thương lượng.

  27. Liên Khúc

    Nghe các bạn bi quan cà phê xuống 25, 30 thì tình thế sẽ ra sao. Không sao, hãy mường tượng rắng khi Vinacafe BMT gom cho đủ 18.356.476 kg cà phê thì:
    1-Bà Ngọc phải đi thuê rất nhiều kho tàng để chứa cà phê.
    2-Vinacafe BMT phải huy động 1.000 xe cỡ dạng Kamas 18 tấn để trả hàng.
    3-Phải có một lượng vốn: 18.356.476 kg x ~ 30.000 = 550.694.280.000 vnd. nguồn vốn vay chẳng hạn.
    4-Quy luật cung cầu sẽ tác động khiến giá cà phê bị đẩy lên khi cầu lớn hơn cung.
    5-Ai có thể đoán sau khi gom hàng xong thời giá sẽ bao nhiêu?
    6-Bà Ngọc là chủ hàng cà phê Robusta lớn nhất 2011?!
    Ôi, 18.000 tấn lềnh bềnh!

    1. Tuấn cá

      Khi nào vận chuyển cà nhớ cho mình hợp đồng với nha.
      Mấy bữa này chạy đường xa đoi quá!
      Cũng tại mấy ông nhà báo quay video đưa lên đài báo nên cánh mình khổ lây.
      18.000 tấn thì chưa lớn nhất đâu.

  28. Nông Văn Dân

    Theo bài báo đây là “bài học bổ ích để các doanh nghiệp xem xét, áp dụng trong quá trình ký kết hợp đồng cùng hợp tác làm ăn”.

    Nhưng theo Văn Dân tôi nghĩ là một doanh nghiệp không thể không hiểu thủ tục quy định của Tổng cục Thuế! nhưng đây rõ ràng là hành vi lừa đảo, hòng chiếm đoạt tài sản công dân… vô đạo đức quá!

  29. Tư Mõ Cày

    Bài trước tôi có ý kiến, khi tranh chấp đến hồi không biết kêu ai, bà Ngọc gửi biết bao nhiêu “đơn kêu cứu khẩn cấp” đến các đài báo để nhờ công luận, có thấy đài báo nào đâu?

    Nói đúng là có, nhiều người đến hỏi cả bà Ngọc lẫn ông Tiến. Nhưng không hiểu vì sao…“lặng lẽ” ra đi. Rốt cục, tuy được nhiều người biết chuyện quan tâm và giới KD cà phê ở BMT cho rằng đây là vụ “lớn chưa từng có” mà trước khi tòa BMT xét xử có đài báo nào đưa tin vụ này không? Ai thấy chỉ ra giùm coi? (chân thành cám ơn, thực sự tôi không thấy). Thiên hạ còn có tai có mắt biết hết chứ! Có bao nhiêu nhà báo đến Vina BMT? gặp gỡ sếp như thế nào? CBCNV ở đây thấy hết, biết hết và … sợ hết. Họ không chỉ sợ vì quyền lực của sếp mà họ sợ cho thói đời… một khi đồng tiền trở thành sức mạnh chế ngự, làm băng hoại công lý và nhân cách.

    Tòa đã xử, trắng đen đã rõ ràng. Tuy Vina BMT có quyền nhưng tôi nghĩ cậy mình là “thế này thế nọ” để tiếp tục kháng cáo, chạy vạy không khéo thêm “tiền mất tật mang”, sơ thẩm đi đứt gần 1 tỷ rồi. Chuyện đã rành rành, bây giờ khắp cả nước nhìn vào, tôi tin tòa phúc thẩm không bao giờ bẻ cong công lý đâu, cũng không ai to gan mà xử khác đi được đâu.
    Nếu trước đây khi bà Ngọc kêu cứu tôi không thấy báo nào đưa tin (dễ hiểu mà!). Nay tòa xử rồi thì hình như báo nào cũng đưa kể cả các trang mạng của doanh nghiệp âu cũng là lẽ thường.
    Nhưng đọc thêm bài báo này tôi có cảm tưởng “ăn theo” một cách… khó diễn tả. Nhất là khi chạy tít …”có yếu tố hình sự” là có ý gì? Sao trước khi tòa xử không ai thấy? không báo nào thấy?

    Không lẽ nhà báo thấy còn tòa án BMT không thấy?
    Buồn thay!

    1. Nguyễn Mạnh

      Bạn Tư Mõ Cày nói cũng có nhiều điểm rất đáng để tham khảo nhưng hình như mình nhớ vụ này Y5Cafe đã đăng theo Sgtimes từ đầu tháng 5/2011 đó bạn à, tòa xử ngày 15/9, tức 4 tháng sau, bạn tìm lại thử xem sao nhé.

  30. Luật Việt

    Nếu Bà Ngọc thắng phúc thẩm nữa, thì Vinacafe có gì để thi hành án không các bạn, nói để tôi mừng với.

  31. Hà Tâm

    Vina cà phê BMT là “đơn vị anh hùng” mà bạn Luật Việt ơi, vô tư đi.
    “Cty to thế này mà thua à ?” họ tuyên bố hùng hồn lắm bạn ơi, không biết diễn biến vụ này sẽ ra sao, nếu theo luật pháp mà làm thì không còn gì phải bàn cãi, nhưng tôi sợ… đơn vị anh hùng!

  32. Tiến Hùng

    Chào các bác!
    Thấy các bác sôi nổi quá nên tham gia tý cho đủ thông tin.
    -Lãi suất: Công ty có chức năng cho vay không? lãi suất cho vay (Cung ứng trả) là bao nhiêu chứ 22% thì … đó là chưa tính thêm 4% hỗ trợ lãi suất và hỗ trợ mua 200 ngàn tấn dự trữ (thời điểm năm 2009 nhé).
    Do vậy ngân hàng cũng phải xem lại, thuế cũng phải xem lại … hơ hơ, đơn vị XNK kinh doanh tiền tệ kìa các cán bộ Thuế (mắt kém)!
    -Chốt cà: Mua bán là sòng phẳng, thuận mua vừa bán. Ở đây Bà Ngọc mua cà, nhập cà gửi, ứng tiền … là đương nhiên, lý do hóa đơn tạm tính còn là để có đầu vào để Vina BMT còn xuất ra chứ. Không có hàng thì xuất chắc bằng “niềm tin”. Chẳng qua hệ thống pháp lý tại Vina BMT có vấn đề nên mới có chuyện “lách” khi gặp sự cố.
    Thời điểm giá lên cao vượt giá bình quân mua (bao gồm cả lãi) thì bà Ngọc mới chốt, còn Vina BMT thì cà đã bán rồi, ngân hàng ngày càng xiết chặt thì đương nhiên sẽ gặp khó khăn (lúc chốt lời có vài chuc tỷ đủ để trả nợ ngân hàng và dân và dư chút chút).
    Đúng là thiên thời, địa lợi nhưng nhân chẳng hòa. Âu cũng là cái kết tất yếu!
    Mời các Bác cho ý kiến!

Tin đã đăng