Tôi cũng là người trồng cà phê, gia đình tôi hiện đang canh tác 5 mẫu cà phê. Có những thời điểm cà phê nhà tôi rụng đến 1/4 số quả có trong vườn.
Theo quan sát và kinh nghiệm làm vườn của tôi, tôi thấy cà phê rụng trái có thể do những nguyên nhân sau:
Do yếu tố dinh dưỡng.
1. Do cà phê nhà bạn sai trái mà lượng phân bạn bón không kịp thời (nếu bạn bón phân không kịp thời cây thiếu phân, theo cơ chế tự nhiên cây sẻ tự rụng bớt)
2. Bạn bón phân không đúng, không cân đối.
- Mỗi giai đoạn trong năm, cây cần tỉ lệ phân N-P-K khác nhau để nuôi trái và phát triển cành lá.
- Cây thiếu một số nguyên tố trung lượng và vi lượng (là những khoáng cần để cấu thành các enzyme và Co-enzyme xúc tác cho các quá trình chuyển hóa các chất trong cây, nó giống như vitamin trong cơ thể con người vậy).
3. Lượng phân bạn bón không đủ so với nhu cầu của cây (thiếu phân).
Do sâu bệnh
1. Do nấm:
Vào mùa mưa, khi độ ẩm không khí tăng cao là điều kiện thích hợp cho nấm bệnh phát triển. Thường có các dạng sau:
- Nấm tấn công vào cuống của trái gây thối làm rụng trái (giai đoạn trái non).
- Nấm tấn công vào cành gây khô cành do đó trái bị rụng.
- Nấm tấn công vào quả (đam trái) và làm rụng trái.
- Nấm tấn công làm rụng hết lá làm giảm khả năng quang hợp và làm rụng trái.
2. Do sâu hại: Thường thấy nhất là hiện tượng cây bị rệp sáp chích hút nhựa ở các bộ phận non của cây, một mặt làm suy giảm lượng dưỡng chất của cây mặt khác nó gây ra những tổn thương tạo điều kiện cho nấm bệnh xâm nhập gây bệnh cho cây.
3. Do cây sai trái, lượng phân rễ hút lên không đủ nuôi trái cũng rụng, bạn có thể tìm mua một số sản phẩm phân bón qua lá của những công ty “Uy tín” để bón bổ sung qua lá.
Trên đây là một số nguyên nhân có thể dẩn đến hiện tượng cà phê bị rụng trái. Tuy nhiên tôi có một số chú ý sau:
– Khi bón phân, nếu không được vùi lấp kỹ trong đất thì lượng phân thất thoát do yếu tố thời tiết là rất lớn (bị bốc hơi, bị rửa trôi, bị ngấm sâu vào trong đất).
– Bón một lúc lượng phân quá nhiều.
- Bón quá nhiều một lúc có thể làm tăng cao độ mặn của đất tại vùng rễ làm tổn thương rễ, cây không hút được nước và phân làm rụng trái.
- Một phần mất mát do rửa trôi, bị bốc hơi.
- Một phần bị ngấm sâu vào trong đất cây không hấp thu được.
– Bổ sung phân hữu cơ cho đất. Nếu đất bạn đang canh tác là loại đất thịt pha cát thì khả năng giữ chất dinh dưỡng rất kém, nên bạn bón lượng phân nhiều nhưng lượng phân thực sự cây hấp thu là rất ít. Để cải thiện tình trạng này bạn nên bón thêm phân hữu cơ để tăng cường hệ ‘keo đất’ tăng khả năng giữ nước và phân bón.
Cà phê rụng trái đa số trường hợp nó không phải chỉ một nguyên nhân gây nên mà là sự cộng gộp của nhiều yếu tố. Do vậy bạn phải:
- Thường xuyên đi kiểm tra vườn (quan sát tình trạng cây, tình hình sâu bệnh trong vườn) để có hướng xử lý phù hợp.
- Hỏi các chuyên gia về cách bón phân, loại phân bón cho từng giai đoạn cho phù hợp.
- Bổ sung các trung lượng, vi lượng cho cây (thường là qua lá, cũng có thể pha loãng phun trực tiếp vào gốc.)
Ngoài ra việc cắt tỉa cành tạo độ thông thoáng cho tán cây là rất quan trọng, hạn chế sâu bệnh, cây tập trung dinh dưỡng nuôi trái và những cành cho trái. Cần chú theo dõi dự báo thời tiết để có những dự đoán về khả năng phát dịch bệnh vào mùa mưa.
Đối với sâu hại bạn phun thuốc khi thấy có sâu xuất hiện, còn đối với nấm bệnh thì biện pháp hữu hiệu nhất lá phun phòng ngừa, khi dịch hại đã phát triển thì thiệt hại gây ra là rất lớn. Bạn nên liên hệ với các “chuyên gia” để có những tư vấn về loại thuốc, thời điểm phun thuốc phòng bệnh, liều lượng và cách phun thuốc sao cho đúng.
Chúc bạn chăm sóc tốt và sẽ có vụ mùa bội thu.
Thân chào bạn.
Trần Văn Tuân (tranvantuan23_lamdong@ymail.com)
Nói tóm lại, đảm bảo vườn cà phê không bị rụng quả là cả một vấn đề. Đòi hỏi người làm cà phê phải nắm vững kỹ thuật chăm sóc thì mới đạt hiệu quả cao.
Cái này bác chỉ đưa ra hiện trạng nhiều quá. Cần nêu ra những giải pháp hạn chế, khắc phục thi hay hơn.
Cuối mùa rồi rụng trái là bình thường. Dạy con thì phải tuổi con thơ chứ, giờ này kêu rụng thì bố ai biết đường cứu.
Thử mua canxi nitrat xịt thử, xem biết đâu lại được.
Mấy cái bài viết mắc cười, không đâu vào đâu như thế này mà Y5 cũng cho đăng nhỉ ?
Có vẻ chìu bà con thái quá rồi Y5 ơi !
góp ý thì không, nói chê người ta thì hay, với người chưa biết thì điều đó có ích, không cảm ơn thì thôi, toàn lôi cái xấu ra, chán như gián. có giỏi nhào vào làm xem có được và hơn bác ấy đi đã, bực mình
Lí do cà phê rụng trái non là không đủ lượng phân bón cung cấp cho cây và do thiếu nước cung cấp cho cây dẫn đến cây cà phê không đủ sức nuôi trái…
Hôm trước xem TV chương trình nhịp cầu nhà nông tôi thấy chương trình “Cùng Nông Dân Ra Đồng” của Cty BVTV An Giang đã có mặt tại khu vực Tây Nguyên, đây là một chương trình gắn kết với nông dân các anh kỹ sư trẻ sẽ cùng ăn cùng ở cùng làm với bà con nông dân. Nếu có vấn đề gì về sâu bệnh bà con có thể nhờ các anh kỹ sư trẻ đến tận vườn tư vấn cho bà con. Số đt của tư vấn của chương trình đó là: 05003983366
Cà phê nhà em trồng đất cát, mọi năm em đều bón phân hoá học năm nay em thấy họ quảng cáo phân sinh học nên em bón thử, em muốn hỏi phân sinh học có tốt cho đất cát không. Bon phân gặp nắng thì có bốc hơi hết không, em thấy nói phân sinh học có thể phun qua la nên nếu bị bốc hơi thì nó có hấp thu vào la được không,
Cà phê vào mùa mưa trái phát triển nhanh về kích thước và trọng lượng nên đòi hỏi chât dinh dưỡng là rất lớn. Hiện tượng rụng trái nhiều vì trái không nhận được đủ chất dinh dưỡng do một số nguyên nhân sau: Mưa nhiều làm rễ và lá hấp thụ quá nhiều nước nên mao mạch vận chuyển trao đổi chất kém. Vườn cây bị rợp quá thiếu ánh sáng cây tổng hợp chất kém. Bệnh hại như khô cành, thán thư, nấm hồng, tảo đỏ và lỡ cổ rễ… Sâu hại gồm có sâu đục quả, mọt đục cành, rệp sáp cư trú ở chùm trái và trong đất có rệp sáp, ve sầu, đây là hai đối tương khó phòng trừ. Do bón phân không đầy đủ về lượng, về chất và thời điểm cây cà phê cần. Một nguyên nhân nữa là do cây quá sai trái. Để giảm thiểu hiện tượng rụng trái ta phải có các biện pháp từ đầu vụ như sau: Cắt tỉa cành sâu bệnh, cành vô hiệu tạo thông thoáng. Phun các loại thuốc trị bệnh như An vin, Car ben zim hoặc các loại thuốc có gốc đồng vào đầu mùa mưa. Sau khi tưới đợt đầu lúc hoa chưa nở cần phun thuốc trừ rệp sáp tránh rệp sau này chui vào chùm quả khó trừ. Vào mùa mưa cần kiểm tra vườn cây thường xuyên vì giai đoạn này sâu bệnh phát triển nhanh nên phun thuốc phòng trừ sâu bệnh khi phát hiện có sâu hay bệnh hại. Đối với rệp sáp trong đất nó còn gây ra bệnh lỡ cổ rễ, khi thấy có rệp nên rắc các loại thuốc dạng hạt quanh gốc. Bón phân đầy đủ về lượng và chất, chú ý bón các loại phân có chứa trung lượng, vi lượng nên phun bổ sung phân bón lá một tháng một lần cây sẽ rất tốt nhưng chỉ được phun khi cây cà phê không có nấm bệnh. Tăng cường bón phân chuồng hoặc phân vi sinh giúp đất tơi xốp, thoát nước tốt, cung cấp vi sinh vật có lợi và một số chất cần thiết cho cây trồng mà phân hóa học không thể có. Trên đây là một số nguyên nhân và các biện pháp cần thiết nhằm tránh cho cà phê rụng trái trong mùa vụ.
Theo kinh nghiệm làm vườn của tôi trên hình ảnh là cây cà phê bị nấm hồng và tảo đỏ tấn công. Quan sát kỹ sẽ thấy lớp bột mịn màu vàng trên cành và trên thân cây có lớp rêu màu đỏ hay nâu xám. Những cây này đến vụ thu hoạch cuối cành rất vàng đứng xa cũng phát hiện được. Do nấm chặn đường vận chuyển trao đổi chất gây thiếu chất, rễ kém phát triển. Hiện tượng bước đầu là vàng lá, rụng lá phía trong cành, rụng trái, không ra cành cấp, khô cành và bệnh nặng cây chết đứng. Biện pháp phòng trừ : phun thuốc trừ bệnh như An vin, Tin su pe hoặc các thuốc có gốc đồng nên đổi thuốc ở các lần phun. Những cây này là giống dễ nhiễm bệnh nên năm nào cũng phải phun thuốc. Biện pháp tiếp theo là bón phân chuồng vào cho cây tạo tơi xốp cho đất giúp rễ phát triển trở lại.