Chương trình thu mua tạm trữ cà phê của Chính phủ là rất tốt. Tuy nhiên, trong niên vụ vừa qua do triển khai chậm, nên hầu hết nông dân đều không được hưởng lợi từ chương trình này – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk Nguyễn Văn Sinh khẳng định.
Kỳ trước: Sản xuất cà phê: Hệ lụy của việc khát vốn
Cũng theo ông Nguyễn Văn Sinh, thực tế từ trước đến nay ở Đắk Lắk, trừ một số doanh nghiệp có vùng nguyên liệu ổn định (chiếm 15%), còn lại tất cả các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê đều thu mua thông qua tư thương, đại lý chứ không mua trực tiếp từ nông dân. Không chỉ vậy, vì diện tích manh mún, sản lượng nhỏ lẻ nên không phải nông dân nào cũng đủ điều kiện chờ đợi đến khi có chính sách mới mang cà phê ra bán.
Chưa kể nhiều nông hộ có diện tích nhỏ, không có vốn phải bán “cà phê non” – nông dân “chốt giá” với tư thương từ khi cà phê chưa ra hoa để lấy phân bón, lấy tiền chi tiêu, khi thu hoạch xong phải mang trả cho đại lý bằng cà phê nên bao giờ phần thiệt cũng luôn thuộc về nông dân.
Ngay tại Lâm Đồng, theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, vào vụ thu hoạch, nhiều cơ sở thu mua cà phê nhân khô đã phân bố đến từng xã, đáp ứng được khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Tuy nhiên, các cơ sở này kinh doanh theo hình thức thu gom trung gian qua nhiều bậc (nông dân – các cấp đại lý – công ty thu mua – công ty xuất khẩu cà phê), việc thu mua theo kiểu mạnh ai nấy làm dẫn đến việc định cấp chất lượng, định giá cà phê chưa được công bằng, hợp lý, chênh lệch giá thu mua giữa cà phê có chất lượng tốt với cà phê chất lượng thấp chưa thực sự khuyến khích phát triển sản xuất. Điều này cho thấy mối liên kết giữa nông dân với các đại lý thu mua và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cà phê không có sự liên hệ chặt chẽ.
“Đây cũng chính là điểm yếu nhất của ngành cà phê Việt Nam, chứ không riêng gì của Đắk Lắk hay Lâm Đồng” – ông Nguyễn Văn Sinh nhận định.
Trở lại việc doanh nghiệp thực hiện chương trình thu mua tạm trữ để bình ổn giá cà phê cho nông dân, một số nông hộ trồng cà phê ở Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng cho biết, khi nghe có chủ trương của Chính phủ hỗ trợ lãi suất 6% cho doanh nghiệp thu mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê…, người dân rất đồng tình.
Tuy nhiên, chương trình vẫn chưa tới được với nông dân, vì thời điểm doanh nghiệp triển khai thu mua thì nông dân không còn cà phê để bán.
Ông K’Brêu, ngụ xã Gung Ré (Di Linh), nhà có 6ha cà phê cho biết: “Vụ mùa vừa qua gia đình mình thu được trên 23 tấn cà phê nhân, vậy nhưng đến thời điểm doanh nghiệp triển khai thu mua cà phê để bình ổn giá theo chủ trương của Chính phủ thì lượng cà phê còn lại trong nhà không quá 5 tấn”.
Theo K’Brêu, vì chương trình triển khai quá chậm, nên gia đình ông đã bán trước đó chỉ với giá có 21-22 triệu đồng/tấn. Nhưng so với nhiều người khác vẫn còn đỡ hơn nhiều, bởi họ đã bán sạch không còn hạt nào từ trước Tết Nguyên Đán Tân Mão.
Còn ông Nguyễn Sỹ Hồ (ngụ TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), có 2,5ha cà phê kinh doanh tại huyện Krông Púk, bộc bạch: “Tôi cũng nghe về chương trình thu mua tạm trữ cà phê để bình ổn giá cho nông dân của Chính phủ, nhưng thực tế không thể tiếp cận được. Có lẽ Nhà nước chỉ hỗ trợ cho một số doanh nghiệp trực tiếp thu mua tạm trữ chứ nông dân chúng tôi thì không được gì”.
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hằng Thu – Giám đốc Công ty TNHH Cà phê Thu Lợi, doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu cà phê đóng chân trên địa bàn Đắk Nông, cho rằng: “Chương trình thu mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê của Chính phủ thực chất là để cứu lấy ngành xuất khẩu cà phê, chứ không phải để bình ổn giá cho nông dân. Tất nhiên, người được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình này là các nhà xuất khẩu, chứ không phải nông dân; kể cả các đại lý, doanh nghiệp vừa và nhỏ là những người làm trung gian đứng ra thu mua cà phê của nông dân cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng chẳng được gì từ chương trình này”.
Theo bà Hằng Thu, bản chất của doanh nghiệp là lợi nhuận, kinh doanh là phải có lời, không có chuyện doanh nghiệp nào dám hy sinh lợi nhuận để đứng ra gánh vác việc bình ổn giá cho nông dân và nhận về gói rủi ro cho mình. Bởi theo qui định của Chính phủ, các doanh nghiệp phải thực hiện việc mua cà phê tạm trữ theo cơ chế thị trường, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả kinh doanh.
Thêm vào đó, khi các đại lý, doanh nghiệp thu mua cà phê của của nông dân cũng đồng nghĩa với việc “chốt giá” tại thời điểm giao dịch, nên chỉ có doanh nghiệp nào được Nhà nước hỗ trợ lãi suất vốn vay mới được lợi, chứ không phải nông dân.
Bà Nguyễn Thị Hằng Thu, đề xuất: “Nên chăng Chính phủ đứng ra thu mua tạm trữ cà phê cho nông dân như Brazil, hoặc hỗ trợ trực tiếp cho “nông dân tạm trữ cà phê” thông qua các đại lý, doanh nghiệp gần dân (có sự quản lý của ngành thuế). Có như vậy mới giảm bớt được thiệt hại cho nông dân và cũng tránh được nguy cơ dẫn đến việc độc quyền kinh doanh trong ngành cà phê”.
-Chương trình thu mua tạm trữ cà phê của Chính phủ là rất tốt… Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk Nguyễn Văn Sinh khẳng định.
Tưởng ông Phó GĐ Sở dám chê chương trình… của chính phủ là ko tốt, còn nếu ông khẳng định rất tốt thì có gì lạ đâu.
Ko hiểu nhà báo viết lách kiểu gì? viết mà như không.
Mong các nhà báo đừng tự hạ thấp mình bởi những cách viết như thế này.
Đọc lời chú thích của tấm ảnh mới thấy càng đáng cười nữa : Cà phê Lâm Đồng được thị trường đánh giá là rất thơm ngon nhưng luôn bị ép giá do chất lượng không cao.
Do chất lượng không cao> mà > rất thơm ngon , …bó tay… nhà báo !
Viết vậy đâu có gì sai. Thơm ngon có thể do thổ nhưởng và khí hậu góp phần tạo nên còn chất lượng thấp nằm ở khâu thu hoạch chế biến và bảo quản. Đôi khi mùi vị thơm ngon nhưng vẫn không được đánh giá cao về chất lượng do kích cở hạt, tỷ lệ hạt vỡ, hạt đen không đạt yêu cầu.
NTG
Tui đố ông giải thích được chất lượng là gì?
Có thể ý của tác giả là vậy: Thực chất là thơm ngon (Tức chất lượng tốt) nhưng luôn bị ép giá với lí do là chất lượng không cao. Không biết “dịch” như vậy có đúng không hở nhà báo? Lần sau có viết thì viết cho rõ ràng nha!
Chương trình tạm trữ sắp tới sẽ do các nhà xuất khẩu đảm đương chứ không phải chủ trương của Chính phủ. Các nhà xuất khẩu, với uy tín của mình, vận động các ngân hàng ứng vốn để họ tạm trữ giúp giá không xuống sâu. Hãy rõ chuyện đó chứ đừng nghi ngờ chi nữa.
Ý đó là tốt cái đã. Còn ai giúp ai, ai vì cái gì, chuyện chưa cần phải bàn để khỏi phụ ơn nhau trong lúc này.
Nhìn từ góc độ tạm trữ, làm sao để giá không rớt sâu xuống dưới giá thành là chủ đích của chương trình. Nếu mình nhìn theo cách tạm trữ để đưa giá lên cao hơn nhằm mình hưởng lợi, 70.000 đồng/kg chẳng hạn, thì cũng tốt thôi, nhưng không thiết thực. Vì, xét về mặt giá cả, giá thật cao thì không phải chăng, người ta không mua hết cho mình mà chỉ mua đủ khi cần; xét về mặt vốn, giá cao, các nhà xuất khẩu đâu có tiền đủ mà mua trữ, mà giá cao thì trữ làm gì vì người ta cũng đã có kinh nghiệm, khi thì giá 55 ngàn, có khi giá chỉ 5 ngàn đồng/kg.
Nếu nhìn như thế, ta sẽ ít nói hơn, mọi người đều có lợi. Chứ chưa gì, lo và cãi nhau ai hưởng lợi hơn ai, trong khi nông dân mình chưa bán cho tạm trữ hột nào, trong khi các nhà xuất khẩu chưa mua được hột nào để tạm trữ, thì như vạch áo cho người xem lưng. Tốt gì đâu…
Chính sách mua tạm trữ của chính phủ, người nông dân vẫn chẳng có lợi gì. Vì đại bộ phận nhân dân cần tiền để đầu tư và chăm sóc cà phê cũng như lo toan cho cuộc sống nên đã bán cà phê non cho các đại lý chỉ với 35.000 đ/kg, còn đầu mùa mưa chỉ có 25.000 đ/kg. Thử hỏi chính phủ mua tạm trữ để làm gì khi trong tay người nông dân không còn cà phê để bán. Số còn lại chỉ là những hộ khá giả và các đại lý trường vốn thôi. Tôi thiết nghĩ số tiền chính phủ mua tạm trữ giải ngân cho nông dân vay với lãi suất thấp để người nông dân không phải bán cà phê non nữa.
Theo tôi cũng như hàng vạn nông dân khác, ko ai ko muốn giá cafe tăng. Bà con mình làm nông, đại bộ phận eo hẹp tài chính nên phải chạy vạy mỗi cách để chăm sóc vườn cây, phổ biến nhất vẫn là bán cà non. Khi giá lên ai ai cũng có lợi, song trên hết vẫn là đám đầu cơ. Người trồng cà phê xưa nay, cơ bản mạnh ai nấy sống, ví người trồng cà phê như miếng thịt ngon, xung quanh bởi những con mèo, nào là mèo phân zỏm, nào là mèo độ tạp zỏm v.v…,
Tôi ở Đồng Nai, đã lâu rồi không bán cafe cho các đại lý nữa mà bán cho dân buôn nhỏ lẻ.
Dân buôn bán nhỏ hình như họ có tình hơn, họ sâu sát với nông dân hơn, thấy được sự vất vả của nông dân hơn các đại lý, quan trọng hơn là họ có “võ” nên các đại lý không ép họ được.
Khi đem cafe ra đại lý bán, họ ép đủ thứ nào là độ ẩm nào là tạp chất, tỷ lệ hạt đen, vỡ v.v… mọi bất lợi nghiêng về phía nông dân. Đến khi trả tiền xong, họ trộn chung các loại cafe với nhau và trộn thêm hàng trăm kí sỏi đen nữa. Tại sao cafe thơm ngon mà chất lượng không cao?
Bản chất của cafe là đắng mà.
Khốn nổi khi mua của dân là họ trừ đủ mọi cách nhưng khi họ làm thành phẩm thì họ trộn các tạp chất thêm để được trừ lùi chứ miễn sao họ được lợi nhuận cao, còn thua thiệt thì người dân đã chịu cho họ rồi.
Chính sách nhà nước hô hào nông dân dừng bàn rẻ cà phê cho thương lái, tư nhân… Nhưng các ngài đâu biết rằng nông dân họ khổ cực trăm bề,… Vật giá leo thang, điện, nước xăng dầu, phân bón, liên tục tăng giá, học phí cho con… Ôi còn biết bao khó khăn khác. Thiếu vốn đầu tư, phải vay mượn thương lái. Nếu ngâm hàng chờ lên giá đồng nghĩa với việc phải chạy vạy vay mượn… Lãi hàng ngày hàng giờ đua nhau cộng vào vốn.
Chính sách hỗ trợ nông dân đã triển khai rầm rộ trên giấy… Không biết bao giờ mới đền được người dân…