Đối với những ai tham gia trồng, kinh doanh cà phê thì niên vụ cũ 2010/11 đang khép lại và niên vụ mới 2011/12 bắt đầu vào ngày 1/10/2011. Những vui – buồn, được – mất đang khép lại, và mọi người hãy chúc nhau năm mới thắng lợi mới!
Y5cafe xin giới thiệu đến bà con bài viết 2 kỳ phân tích thị trường cà phê trước thềm niên vụ 2011/12 của anh Nguyễn Quang Bình, cộng tác viên thời báo Kinh tế Sài Gòn.
“Tổng kết” vụ cũ: Được mùa được giá
Phải công nhận rằng vụ cà phê 2010/11 là một niên vụ có hai cái được bao trùm: được mùa, được giá. Với xấp xỉ 1,2 triệu tấn xuất khẩu khỏi cảng, trong các kho nội ngoại quan và trong tay nông dân ước còn chừng 120.000 tấn, đây là một năm có sản lượng tốt và kim ngạch xuất khẩu tốt. Nếu như giá nội địa đầu mùa chừng 25.000 đồng/kg thì đến tháng 5/2011, mức này vượt kỷ lục trong mọi thời đại với 52.000 đồng. Tuy khá chao đảo, rất nhiều lần giá nội địa nằm trong khu vực 47.000-50.000 đồng/kg.
Giá xuất khẩu cũng đạt mức kỷ lục của mọi thời đại vì có lúc giá FOB loại 2, 5% đen bể của Việt Nam được chào bán với giá cộng 200-250 đô la Mỹ/tấn FOB trên giá chuẩn thị trường kỳ hạn (TTKH) Liffe, London. Nếu đem so giá niên vụ này với niên vụ 1994/95, khi Brazil bị một trận sương giá trên diện rộng hại nhiều vùng cà phê, lúc ấy giá nội địa chỉ chớm lên 40.000 đồng/kg và giá xuất khẩu bấy giờ trừ ít nhất cũng phải 250 đô la/tấn dưới giá Liffe. Nhờ vậy, Việt Nam được xếp thứ hai sau Brazil là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Song, những năm tháng yên bình trong kinh doanh cà phê không còn nữa. Hội nhập kinh tế thế giới khác nào chèo thuyền ra khơi. Biển càng rộng, đi càng xa, sóng gió càng dữ.
Những khó khăn về tín dụng và lãi suất ngân hàng, rủi ro do giới đầu cơ tài chính gây ra, đã tạo cơ hội cho thị trường hàng giấy (paper market) đầy những người đầu cơ bài bạc, nhiều khi khống chế giá TTKH gây khó khăn cho những người kinh doanh hàng thực (physical market), khiến cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đang làm chủ dần thị trường nội địa. Nên một bộ phận những nhà xuất khẩu phải thất hứa giao hàng, có người đã bể nợ ra đi, có người vẫn còn hành nghề nhưng uy tín bị giảm đi nhiều.
Niên vụ mới: Sản lượng không giảm
Nhiều người muốn tránh né không ưa nhìn các con số sản lượng. Brazil đang trong chu kỳ “vụ mất” vì là nước chủ yếu trồng arabica, thông thường cây cà phê arabica cần một năm dưỡng sức khi được mùa để phát dục tốt cho năm sau nữa, nên nếu như năm ngoái “được” với sản lượng chừng 52 triệu bao, thì năm nay “mất”, chỉ còn chừng 49 triệu bao. Song, cái đáng lưu ý nơi Brazil là cà phê arabica “mất”, trái lại robusta vẫn “được”.
Trong khi đó, nhờ giá tăng trên các TTKH do bàn tay của đầu cơ tài chính quốc tế kéo giá lên, hầu hết tại các nước sản xuất, nông dân tích cực trồng thêm, chăm bón kỹ, tình hình cung cà phê nói chung xem ra không mấy căng thẳng.
Thực ra, công bằng mà nói, tùy vị thế của mình (mua hay bán hàng thực, hay giới đầu cơ), trong khi đánh giá sản lượng, mỗi người, mỗi công ty, mỗi nước có cách đánh giá khác nhau, đôi khi hết sức chủ quan.
Các nước xuất khẩu luôn luôn hạ con số sản lượng mình xuống, còn các nước nhập khẩu lại có khuynh hướng nâng dự báo lên.
Nếu một người là nông dân, bao giờ cũng than vườn mình mất mùa để mong giá lên, còn nếu như một công ty đã bán trước thì bao giờ cũng cố thuyết phục thiên hạ rằng nước này, nước kia được mùa. Do vậy, biểu đồ trên đây không thể bảo đảm được rằng ai đúng ai sai. Nó chỉ giúp người trong nghề tìm cách “thở cùng hơi thở” của thị trường trong từng giai đoạn. Đó chính là cái nhìn khá mới về sản lượng, uyển chuyển hơn, mang tính giai đoạn hơn, phù hợp với tình hình hiện nay, chứ không nhất thiết phải tin chắc vào một con số như trước đây.
Nhìn vào biểu đồ trên, quan điểm khác biệt trông thấy rõ. Tổ chức Cà phê thế giới (International Coffee Organization – ICO) đại diện cho các nước sản xuất nói niên vụ 2011/12, sản lượng cà phê thế giới đạt 130 triệu bao (60kg/bao) thì Bộ Nông Nghiệp Mỹ (USDA), nước tiêu thụ cà phê số 1 thế giới, nói con số ấy sẽ là 135 triệu bao, bằng con số của CoffeeNetwork, một công ty môi giới chủ yếu. Cũng một sự kiện, hai con số cách nhau 5 triệu bao.
Điểm cần lưu ý cho niên vụ mới này là, theo nhận định của nhiều người, kể cả Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt nam (Vicofa), sản lượng Việt Nam có tăng. Do nước ta sản xuất chủ yếu robusta, nên đã góp vào phần tăng robusta chung của thế giới. Thực vậy, 10 năm đổ lại đây, từ vụ 2001/02 đến 2011/12, sản lượng thế giới tăng 23,5 triệu bao trong đó robusta tăng 11,6 triệu bao.
Theo dự báo của USDA, cà phê robusta niên vụ này tăng chủ yếu nhờ Việt Nam và Brazil mỗi nước gần 2 triệu bao nếu dựa trên con số dự báo của họ về sản lượng của nước ta cho vụ tới là 20,6 triệu bao. Con số tăng sẽ lớn hơn nếu nước ta có sản lượng lớn hơn.
Giá cà phê vụ mới đi về đâu?
Trước đây, nhiều người nghĩ rằng ta nói con số sản lượng lớn, ắt sẽ làm giá giảm. Theo tôi, không hẳn như thế. Vì giá trong thời gian vừa qua và hiện nay đã và đang phản ánh giá trị của những con số tưởng tượng ấy rồi, kể cả trên TTKH, giá xuất khẩu và giá nội địa. Thị trường đã xây dựng giá cho niên vụ mới 2011/12 mấy tháng nay rồi.
Giá trong thời gian tới, về dài hạn sẽ phụ thuộc vào dự báo cho niên vụ 2012/13 của các cơ quan nghiên cứu quan trọng như ICO, USDA và Conab (cơ quan nghiên cứu sản lượng thuộc chính phủ Brazil), về từng giai đoạn phụ thuộc vào thời tiết, tình hình kinh tế – chính trị, tài chính – ngân hàng, tồn kho hàng hóa bị siết hay được thả từ phía các quỹ đầu cơ.
Trong hội nghị World Coffee Outlook tại Antwerp, Bỉ đang diễn ra trong mấy ngày nay, CoffeeNetwork công bố xanh rờn rằng sản lượng thế giới niên vụ 2012/13 ước đạt 142 triệu bao và Brazil 55 triệu bao. Đây chính là một tin hoàn toàn bất lợi cho giá Ice arabica, sẽ có ảnh hưởng đến giá robusta Liffe và giá xuất khẩu cà phê của thế giới.
Ở đây, chúng ta chỉ nói đến yếu tố cung – cầu dành cho người sản xuất và kinh doanh hàng thực. Song, với đầu cơ tài chính, họ sẽ không cần phải ngẫm nghĩ, lo lắng cho những điều trên. Họ chỉ cần một tay vẽ biểu đồ, giải thích rằng giá ắt lên, tay kia chuyển tiền vào mua xối xả hàng cà phê, thì giá lập tức tăng mạnh mà chẳng phụ thuộc gì vào cung – cầu.
Cho nên, đã có lúc các nhà nghiên cứu thị trường phải giật mình khi thấy thị trường dầu thô đã bị chi phối đến 85% giao dịch hàng ngày bởi đầu cơ lớn nhỏ. Phải chăng vì vậy mà thiên hạ khắp thế giới phải trả giá xăng dầu với mức cắt cổ như hiện nay? Cũng cần nói thêm rằng mấy năm nay có 3 TTKH hàng hóa đang bị đầu cơ tài chính ưu tiên và kéo đầu cơ nhỏ lẻ vào lướt sóng rất đông, đó là vàng, dầu thô và cà phê.
Lực lượng đầu cơ nhỏ lẻ này đôi khi cũng khéo sinh chuyện, kéo giá TTKH xuống rất sâu do bị bắt “chặn lỗ” hay tăng rất mạnh do rủ nhau cùng mua trên TTKH đến nổi người sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu thị trường hàng thực không biết đâu mà lường.
Thân chào quý bạn,
Nhờ các bạn đính chính giúp rằng: Nguyễn Quang Bình, cộng tác viên chứ không phải phóng viên tờ Saigon Times như đã được giới thiệu. Đồng thời, “chuyên gia cà phê” cũng không phải vì chưa hề có lễ “tấn phong” nào. Rất cảm ơn quý diễn đàn Y5Cafe đã đang bài. Mong được cộng tác và mong bài báo có ích!
Trân trọng.
Dù chưa ai tấn phong anh cho đúng nghĩa, nhưng mọi người đều tán thành cái danh xưng : chuyên gia cà phê dành riêng cho anh !
Chuyên gia là gì nhỉ ?