Nghịch lý: Cà phê Việt Nam trừ lùi 100 USD, cà phê Indonesia cộng 350 USD/tấn

Do giá cà phê Indonesia quá cao trong khi triển vọng vụ mùa ở Việt Nam bội thu, các nhà rang xay đang chuyển hướng mua cà phê nước ta với hy vọng giá rẻ nhất có thể.

Xem thêm: > Cà phê Việt Nam thấp hơn 100 USD/tấn so với giá London

Tóm tắt:

  • Nhà rang xay Indonesia muốn tìm nguyên liệu từ Việt Nam do giá rẻ hơn nhiều.
  • Cà phê Việt Nam không thua chất lượng nhiều, nhưng giá kém tới 450 USD/tấn.
  • Indonesia đang đối mặt với vụ mùa thấp kém vì thời tiết xấu.
  • Hoạt động thu hoạch ở Việt Nam đã bắt đầu ở các vườn chín sớm. Indonesia sẽ thu hoạch sau 2 tháng.

Thu hoạch cà phêThời tiết khô hạn ở vùng trồng cà phê chủ chốt của Indonesia là đảo Sumatra đang làm tăng nỗi lo về triển vọng vụ mùa vụ tới. Nhà rang xay giờ đây đang muốn chuyển sang mua nguyên liệu từ Việt Nam với giá rẻ nhất có thể nhờ vụ mùa bội thu.

Hiện cà phê nước ta chưa thu hoạch, nhưng một số doanh nghiệp đã chào bán hàng vụ mới với giá trừ lùi so với giá tại London, trong khi cà phê của Indonesia, nước sản xuất cà phê robusta lớn thứ hai sau chúng ta, lại có mức cộng rất cao.

Vụ thu hoạch của Indonesia có thể bắt đầu từ tháng 12 hoặc tháng 1, muộn hơn chúng ta 2 tháng. Triển vọng vụ tới của Indonesia kém lạc quan vì thời tiết xấu: mưa lớn đầu vụ và hiện tại – giai đoạn cây đậu quả – lại đang khô hạn.

Hiệp hội các nhà xuất khẩu cà phê Indonesia mới đây cho biết, xuất khẩu của nước này vụ 2011 có thể giảm 1/3 so với vụ trước xuống còn 300.000 tấn. Trong tháng 7, lượng hàng xuống tàu của Indonesia đã giảm 40% do dự trữ thấp vì mưa lớn làm giảm sản lượng vụ trước.

Theo các thương nhân ở Bandar Lampung, cây cà phê ra hoa rất tốt, nhưng rất cần mưa trong thời gian tới. Giai đoạn phát triển sang quả sẽ cần rất nhiều nước, nếu không sẽ ảnh hưởng tới giai đoạn chín trái. Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn Indonesia trong khi đó cho biết, mùa khô ở nước này thông thường kéo dài đến tận tháng 11.

Do nguồn cung hạn hẹp, giá cà phê loại 4, 80 lỗi của Indonesia đã có mức cộng cao kỷ lục là 550 USD/tấn so với giá tại London hồi đầu tháng 8 năm nay. Hiện tại, giá về mức cộng 350 USD/tấn bởi giá quá cao khiến khách hàng quay sang tìm hàng của Việt Nam.

Tuy nhiên, các thương nhân cho biết họ sẽ không chịu bán nếu giá cộng dưới 450 USD/tấn vì nhu cầu của các nhà rang xay trong và ngoài nước rất mạnh.

Ở Việt Nam, giá cà phê R2, 5% đen vỡ của vụ mới được các nhà xuất khẩu tuần này chào bán tới trừ lùi 100 USD/tấn so với kỳ hạn tháng 1 tại London, từ mức trừ lùi 90 USD của tuần trước do hoạt động thu hoạch đã bắt đầu ở một số vườn chín sớm. Cách đây 1 tháng, cà phê nước ta có giá cộng hơn 200 USD/tấn.

Chất lượng cà phê của Indonesia không hơn nhiều so với cà phê của Việt Nam, nhưng khoảng cách giá lên tới 450 USD/tấn là một nghịch lý rõ ràng. Các doanh nghiệp trong nước cần phải xem xét lại trước khi chào bán hoặc ký hợp đồng với khách hàng để có lợi không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mà còn cho người trồng cà phê và ngành cà phê Việt Nam nói chung.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. quan tam

    Đọc bài này tôi thiết nghĩ kiểu thương hiệu cùa mỗi nước : Brazin đứng dầu về sản lượng, Indonexia và Colombia đứng đầu về chất lượng sạch còn ta phải làm gì để được chú ý chắc vì vậy tìm đến giá mà thôi! Thật tội nghiệp người dân và tải nguyên quốc gia nữa chứ.

    1. Nguyễn Ngọc Quý

      Bài viết đã khẳng định rất rõ là chất lượng cà phê Việt Nam không thua kém nhiều cà phê Indonexia nhưng chênh lệnh về giá lên tới 450 USD/tấn. Tôi tự hỏi tại sao lai có sự nghịch lý như vậy, phải chăng do cà phê Việt Nam chất lượng quá kém hay do cách kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam yếu kém, tại sao lại chấp nhận chào bán cho nước ngoài với mức giá trừ lùi như vậy? thật tội cho nông dân nước ta.

  2. Cao Van Nhan

    Theo mình nghĩ thì chủ yếu là do cách kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu kém. Tuy nhiên theo một số nhận định thì giá cà phê của chúng ta năm nay sẽ tăng hơn so với giá ca cao.
    Nói tóm lại là mọi tổn thất đều thuộc về nông dân…

  3. Nghenhin

    Theo mình thì việc chênh lệnh giá quá tầm xảy ra như trên có thể là do một số nhà thu mua đang cố tình chào giá thấp hơn để kiếm mấy đồng rồi công bố phá sản vỡ nợ. Coi như xù hợp đồng đấy mà. Chứ nghịch lý quá mức như thế không lẽ các nhà thu mua cafe của Việt Nam chúng ta lại thờ ơ không biết hay sao mà lại có bài viết cho rằng một vài doanh nghiệp đang chào giá bán thấp hơn giá LD? Đúng là càng đọc càng cảm thấy thị trường cafe đang được các nhà đầu cơ lớn thao túng bằng mọi cách có thể thuê các báo lá cải viết tung tin đồn nhảm cũng nhiều… Chán vãi cho mấy nhà đầu cơ quá.

  4. Hoang tuyen

    Cũng hạt cà phê như người ta mà mình phải thua họ 9 triệu/tấn, thật lạ kỳ. Tại sao ban vật giá chính phủ ko can thiệp mà để nhà xuất khẩu làm mưa làm gió mãi. Đằng nào mỗi thua thiệt cũng đổ đầu nông dân mà thôi. Dù rằng chưa có cà phê, nhưng cà phê rớt thảm quá cũng chán lắm.

  5. tieuphong

    Hoang mang quá phải không quí vị ? nghịch lý đấy, nhưng họ chơi theo luật, ta cũng phải có tiếng nói của chúng ta là phản đối việc cấm doanh nhân nước ngoài vào nước ta thu mua.

Tin đã đăng